Đại dịch Vũ Hán và số mệnh của đảng CSTQ

Đào Tăng Dực

18-7-2020

Kể từ cuối năm 2019 khi đại dịch Vũ Hán bắt đầu bùng nổ gieo tại họa cho toàn thể nhân loại, thì nhiều người hy vọng rằng, đại dịch này sẽ tàn phá TQ trước, đem lại sự suy yếu toàn diện của hệ thống chính trị độc tài. Tuy phải trả giá, nhưng người dân TQ sẽ thoát khỏi gông cùm CS.

Nhân loại cũng tin tưởng rằng các quốc gia địa lý cách xa TQ như Nam Mỹ, Phi Châu, nhất là các quốc gia dân chủ và phát triển như Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ dễ dàng khắc phục hoặc chận đứng đại dịch này.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 6 tháng sau, thì tình hình lại không diễn biến theo sự suy tính của mọi ngưới.

Thật vậy, tính đến hôm nay thì các số thống kê mới nhất cho thấy đảng CSTQ tương đối kiểm soát được sự phát triển của đại dịch, mặc dầu có nhiều nghi ngờ về tính trung thực của thống kê.

Trong khi đó thì lần lượt các quốc gia dân chủ phát triển như Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Pháp Quốc, Anh Quốc và nhất là lãnh đạo thế giới tự do là Hoa Kỳ lại trở thành những ổ dịch lớn với số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất.

Thêm vào đó, sự suy thoái và thiệt hại kinh tế của các quốc gia này đã lên đến nhiều ngàn tỷ. Theo nhiều nhà khoa học thì những cố gắng nghiên cứu và chế tạo các loại thuốc chủng ngừa hoặc trị bệnh tuy có khả quan, nhưng cần thời gian ít nhất cũng phải đến năm 2021 mới phổ thông được trên thị trường.

Trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới phải toàn tâm toàn ý dồn nỗ lực đối phó với con virus nguy hiểm phát xuất từ TQ này thì đảng CSTQ lại dương nanh múa vuốt đe dọa thế giới qua các tác động sau đây:

Trước hết, tháng 6 vừa qua, CSTQ tăng cường binh lực tại vùng tranh chấp biên giới Ladakh thuộc Hy Mã Lạp Sơn, gây hấn với Ấn Độ là một cường quốc nguyên tử khác. Binh sĩ hai bên xô xát bằng tay chân và gậy gộc. Phía Ấn Độ khoảng 20 binh sĩ thiệt mạng và số tử vong của CSTQ bị giữ kín.

CSTQ cũng gây hấn và dằn mặt Bhutan một vương nhỏ hiền hòa, dân số chỉ 800,000 người, nằm giữa Ấn Độ và TQ vì TQ muốn lấn chiếm đất đai của họ.

CSTQ cũng tăng cường sự hiện diện các chiến hạm, xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư, dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản.

CSTQ cũng khiêu khích đảng CSVN bằng cách xua đuổi và đánh giết các ngư phủ và tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Họ tăng cường hoạt động các giàn khoan dầu thăm dò dầu khí trong vùng lãnh hải VN, tập trận hoành tráng tại Biển Đông sử dụng hỏa lực thật và hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng như các chiến hạm và tàu ngầm hiện đại. TQ cũng cố tình gây hấn ở Biển Đông với 2 quốc gia khác là Mã Lai và Phi Luật Tân.

Sau cùng CSTQ, qua Quốc Hội bù nhìn tại Bắc Kinh, thông qua luật An Ninh Quốc Gia, cướp đi tính độc lập của nền tư pháp Hồng Kong, đơn phương xóa bỏ hiệp định với Anh Quốc làm nền tảng của khái niệm “một quốc gia hai chế độ”, mà chính họ đã long trọng cam đoan từ năm 1997.

Qua những động thái trên, nhiều người lo lắng rằng, Đại dịch Vũ Hán này đã làm cho CSTQ ngày càng mạnh hơn chăng?

Tuy nhiên thực sự, khi phân tích khách quan hơn, chúng ta sẽ thấy rằng cơn đại dịch khôn tiền khoáng hậu này đã đánh một đòn trí mạng, và như một con thú dữ rơi vào đường cùng, đảng CSTQ dương nanh múa vuốt, trước bờ vực thẳm mà thôi.

Thật vậy, một trong những sách lược sai lầm của Tập Cận Bình là bị tham vọng quyền lực mờ mắt và phản lại lời dạy của thái sư phụ CS là Đặng Tiểu Bình.

Trước khi lâm chung, họ Đặng đã sáng suốt dạy các đàn em như sau:

1. Trong sách lược đối ngoại thì phải “ấn mình chờ thời”, nhất là đối với các cường quốc Tây Phương như Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu

2. Trong sách lược đối nội, tức là lãnh đạo quốc gia thì phải “tập thể lãnh đạo” và “luân phiên lãnh đạo”.

Sách lược “Ẩn mình chờ thời” là vì Đặng Tiểu Bình ý thức rằng TQ cần cả trăm năm mới thực sự bắt kịp các cường quốc như Hoa Kỳ. Gây hấn sớm quá sẽ gây xung đột quân sự lẫn kinh tế, đưa đến diệt vong cho chế độ.

Sách lược “Tập thể lãnh đạo và luân phiên lãnh đạo” sẽ có hậu quả dung hòa các tranh chấp trong nội bộ đảng, phân chia tương đối đồng đều quyền lực và quyền lợi giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng, kéo dài sự thống trị của tập thể này.

Chính vì thế chúng ta thấy sau Đặng Tiểu Bình thì có sự luân phiên lãnh đạo của các phe nhóm Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Tuy nhiên vì dục vọng mù quáng, Tập Cận Bình đã thanh trừng mọi phe nhóm đối lập trong nội bộ đảng, tu chính hiến pháp hầu làm lãnh đạo trọn đời, gần như lên ngôi hoàng đế. Dĩ nhiên các phe nhóm khác nhau trong đảng rất bất mãn về sách lược này và đang ngầm chống đối bên trong.

Những sai lầm của họ Tập trong việc đối phó với đại dịch Vũ Hán, gây chết chóc trong nội địa TQ và toàn thế giới, đem lại sự khinh bỉ của nhân loại, làm cho vị trí lãnh đạo của họ Tập trong hạ tầng cơ sở đảng đã và đang bị các đối thủ khai thác.

Sự hung hăng quá sớm của CSTQ trên bình diện quốc tế như các sách lược “Một vành Đai, Một Con Đường” hoặc tham vọng điên cuồng “Đường Lưỡi Bò 9 Đoạn” tại Biển Đông, hoặc hăm dọa trừng phạt kinh tế những cường quốc hạng trung như Úc Đại Lợi chỉ có thể làm cho cộng đồng quốc tế nhận ra sớm hơn bộ mặt kinh tởm của chế độ CSTQ này.

Cộng đồng quốc tế đã nhận định công khai rằng CSTQ là một đe dọa cho nền hòa bình và an ninh của nhân loại. Họ sẽ phong tỏa kinh tế TQ. TQ sẽ suy thoái không thể hồi phục, Các cường quốc láng giềng như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và Ấn Độ sẽ gia tốc vũ trang. Riêng Nhật Bản và ngay cả Nam Hàn cũng phải tái xét đến nhu cầu vũ khí nguyên tử.

Thời gian trước mắt sẽ vô cùng nguy hiểm cho đảng CSTQ nói chung và Tập Cận Bình nói riêng vì phải lưỡng đầu thọ địch, cả giặc trong lẫn thù ngoài và đảng CSTQ đang đứng trên bờ vực thẳm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhận định của tác giả rất đúng, bây giờ người ta rất ghét Tập Cận Bình và gọi hắn là tên máu me, kiêu binh, kẻ sát nhân v.vv

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây