Trung Bảo
15-7-2020
Hình ảnh trẻ nít là thứ cực kỳ nhạy cảm đối với biên tập viên khi chọn lựa cho lên trang. Hình ảnh trẻ nít không quần áo càng phải tránh dùng trên mặt báo. Hình ảnh trẻ nít bị tai nạn, dị tật… lại càng cấm kỵ vì khơi gợi sự bất nhẫn nơi người xem, lẫn vi phạm quyền riêng tư của con trẻ.
Vậy mà chiều nay tràn ngập trên nhiều mặt báo, trang tin là hình cặp trẻ sinh đôi sơ sinh dính liền nhau trần truồng trên giường mổ.
Nhà báo ở Mỹ có một thứ quyền lực rất lớn, được gọi là “đệ tứ quyền” hẳn ai cũng biết. Họ có dùng máy thu tín hiệu của xe cảnh sát để chạy đến hiện trường vụ án lấy tin. Nhưng, chỉ được phép đứng ngoài phạm vi hiện trường để chụp ảnh hay khai thác thông tin. Mọi hình chụp nhân vật ở hiện trường phải đảm bảo quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ. Đến toà án, hình ảnh phiên toà sẽ được hoạ sĩ vẽ lại rồi cung cấp cho báo chí.
Lúc còn theo học Báo chí ở Mỹ, một lần chúng tôi được giao làm một phóng sự gồm bài viết và clip cho trang báo ở trường. Đề tài được chọn là một dòng họ sở hữu một nghĩa trang tư nhân ở ngoại ô Los Angeles từ thời khai phá miền Viễn Tây.
Đến khi nộp bài về, trong giờ “họp toà soạn”, một bức ảnh bị loại đó là hình chụp cảnh một goá phụ trẻ bưng mặt trước mộ phần của chồng. Biên tập viên chính đồng thời là giảng viên, giải thích: “Nhà báo là người kể chuyện nhưng không phải chuyện gì cũng nên kể, nhất là đem chuyện buồn của người ta ra kể cho nhiều người khác”.
Sẽ chẳng có gì đáng quan tâm ở một vụ bắt mại dâm ngoài việc nhà báo nên đặt vấn đề cho công chúng liệu có nên không việc hợp pháp hoá mại dâm. Ngoài điều ấy ra, việc đăng hình cô gái loã lồ quấn khăn ngồi ký giấy trước người cảnh sát chẳng mang lại thông tin gì khác ngoài khơi gợi trí tò mò dục tính của công chúng.
Tôi có thể kể bạn nghe “quy trình nghiệp vụ” của một vụ bắt mại dâm, nhưng đó là thứ tàn nhẫn với phụ nữ nhất mà tôi được chứng kiến.
Liệu việc xông vào phòng mổ với máy ảnh, chĩa ống kính vào mặt cặp vợ chồng đau đớn lo âu vì con mình đang bước vào ca mổ sinh tử, có là phục vụ bạn đọc?
Tôi không muốn trả lời câu hỏi này cũng như tôi chẳng có được câu trả lời thật sự cho câu hỏi tiếp theo:
Nếu hăng say phục vụ bạn đọc đến như thế thì tại sao một vụ án đầy rẫy oan sai ai oán như vụ Hồ Duy Hải lại chẳng thấy gì trên hầu hết các trang báo hôm qua, hôm nay, và ngày mai?
Báo chí cũng xuất thân từ bộ Giáo Dục mà ra, giáo dục gì mà nát bét từ thời đàn bò vào thành phố, ngày hôm nay họ có một bộ trưởng ngọng níu nưỡi và một bộ trưởng truyền thông cũng nẫn nộn thông tin thấy chóng mặt, từ đó mới sản sinh ra cái bọn 4b đáng nguyền rủa.