Nguyễn Văn Nghệ
10-7-2020
Cuối bài viết “Căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã nhập lý” của tôi có viết: “Muốn chữa trị tuyệt gốc căn bệnh tham nhũng hiện nay, phải chấp nhận đau đớn một lần. Người xưa nói: ‘Cát ung tuy thống, thắng ư dưỡng độc’ (Xẻ mụt nhọt tuy đau, còn hơn nuôi dưỡng nọc độc). Tuân tử nói: ‘Nguyên ác bất đãi giáo nhi tru’ (Kẻ đứng đầu tội ác không cần dạy dỗ, mà giết đi)”.
Nhiều độc giả sau khi đọc xong bài viết đã có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tựu trung chia thành hai phe:
Một phe chủ trương: Bắn một người răn vạn người.
Một phe chủ trương: Hễ tham nhũng là giết thì còn đâu cán bộ làm việc!
Với suy nghĩ: Hễ tham nhũng là giết thì còn đâu cán bộ làm việc! thì quá bi quan cho việc chống tham nhũng. Với suy nghĩ như vậy thì hóa ra, hiện nay cán bộ đảng viên nào cũng tham nhũng hết cả hay sao? Thế thì “thậm cấp chí nguy” cho đất nước Việt Nam. Đất nước ta chuẩn bị “xhcn” (xuống hố cả nước)!
Chẳng lẽ cả nước Việt Nam chỉ có những đảng viên mới làm cán bộ viên chức được hay sao? Có biết bao công dân Việt Nam yêu nước nhưng không yêu chủ nghĩa xã hội, tốt gấp vạn lần đảng viên, sao chúng ta không sử dụng những con người ấy làm cán bộ viên chức để kiến tạo một nước Việt Nam hùng mạnh về mọi mặt.
“Người tài đức có đặc điểm giàu lòng tự trọng, nhưng trung thực thủy chung… trong hoàn cảnh nào cũng lấy đất nước, dân tộc, quê hương làm mục đích cống hiến phục vụ, cho nên làm nhân sự mà có trong tay những người tài đức thì xét góc độ khía cạnh nào cũng là điều tốt cho dân cho nước. Là người ngoài Đảng, việc họ có quan điểm việc này việc kia khác biệt là điều bình thường. Người tài đức ngoài Đảng mặt khác là động lực cạnh tranh để cán bộ đảng viên nhìn vào mà phấn đấu rèn luyện” [1].
Hiện nay trong bộ máy Đảng và Nhà nước có rất nhiều cán bộ đảng viên thuộc loại “ngụy quân tử”. Theo tác giả Trúc Nguyễn đó là loại “đỏ” mà không “chín”. Loại “đỏ” mà không “chín” luôn sử dụng thủ đoạn “chụp mũ” những người liêm chính đã vạch ra lỗi của mình.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế -xã hội, ngân sách tại Quốc hội chiều 15.6.2020: “Mỗi khi người người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó… Không mượn bóng ma của các thế lực này để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử” [2].
Loại “đỏ” mà không “chín”, “đích thị là kẻ cơ hội, kém cỏi… nếu để họ luồn lách rồi leo lên cao thì chỉ có một con đường đưa đất nước vào chỗ lụn bại, nên phải kiên quyết thanh lọc, loại bỏ” [3]. Gương mặt “đỏ” mà không “chín” trong cán bộ đảng viên mà nhiều người biết tới nhất là Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông. Khi đương chức, y đã tham nhũng nhưng lại viết sách dạy đời!
“Câu nói ‘đừng thấy đỏ mà tưởng chín’ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh bây giờ còn mang ngữ nghĩa là một lời cảnh báo: Đừng nhân danh Đảng, nhân danh chế độ mà làm việc phạm pháp rồi nghĩ là được bao che… Cái lò chống tham nhũng đã, đang và sẽ tiếp tục nóng thời gian qua và sắp tới sẽ minh chứng nhận định” [4].
Nhìn thấy “cái lò chống tham nhũng đã, đang và sẽ tiếp tục nóng” làm tôi nhớ đến câu chuyện trong Kinh Thánh về “Người thiếu phụ phạm tội ngoại tình”. Bọn Pharisêu dẫn đến trước Đức Jésus và nói: Theo luật Do Thái thì kẻ phạm tội ngoại tình sẽ bị ném đá, còn Thầy thì sao? Sau khi bị hỏi thúc tới, Đức Jésus mới nói: “Ai trong các ngươi sạch tội hãy ném đá chị này trước đi!”.
Nói rồi, Đức Jésus tiếp tục cúi xuống lấy tay viết trên mặt đất. Trong lúc ấy bọn Pharisêu tự vấn lương tâm và thấy mình cũng chẳng sạch chút nào nên họ rút lui từ từ, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất cho đến người ít tuổi nhất. Đức Jésus ngước lên và thấy chỉ còn một mình thiếu phụ, Ngài hỏi: Những người kết tội chị đâu cả rồi? Thiếu phụ đáp: Họ đã bỏ đi hết cả rồi! Đức Jésus nói: Phần ta, ta không kết tội chị, chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa!
Trước khi “đốt lò” chắc những người thợ đốt lò đã tự vấn lương tâm và thấy mình tinh sạch chẳng chút bợn nhơ nên mới dám ra tay “đốt lò” như vậy!
Đốt lò mà chỉ đốt củi nhánh, củi nhóc thì làm sao lò nóng lên được? Phải đốt củi gộc thì lò mới rực nóng lên. “Nhược dục trị tội, đương trừ nguyên ác” (Nếu muốn trị tội, nên diệt trừ mấy tên gian ác đứng đầu – Tam quốc diễn nghĩa, hồi thứ ba).
Nguyễn Văn Nghệ, Diên Khánh, Khánh Hòa
____
Chú thích:
[2] https://plo.vn/thoi-su/nhung-phat-ngon-day-song-o-nghi-truong-tuan-qua-919107.html
Viết một bài hẳn hoi khó lắm, ngắt câu ngắt chữ tỉ mỉ, tách ý rõ lời nghiêm cẩn,chú ý cú pháp câu từ để mọi người đọc khỏi nói rằng chưa hiểu rõ ngữ pháp Viêt mà đòi dài dòng 😀 . Nhiều bài viết trên FB và trên trang này cả mấy lần tua chuột, rốt cuộc nội dung chính vài ba câu là xong, mắc công chỉ ở diễn giải luận chứng từng cái một, rất mệt. Cmt thì tóm tắt ý tưởng nhanh chóng, ngay theo dòng suy nghĩ.
Với tôi, cơ sở lý luận nền tảng của CNXH đã không đúng , thì những người bám theo nó, dù mục đích nào đi nữa , cũng không thể xây dựng được một nhà nước có chuyên môn và năng lực đúng mực với mong đợi người dân, những người chỉ mong có tiền để sống và sống tốt hơn. Cũng như ý niệm về ” tự do dân chủ” ở Mỹ và châu Âu mà thành vô lí, thì cũng không thể có những đế quốc hùng cường vững chắc lâu nay như vậy.
Bài đã dài, do vậy chỉ nên bình luận ngắn thôi.
Bác nào bình luận dài, nhiều lý lẽ, nên viết thành một bài hoàn chỉnh. Bõ công đọc.
– Lôi cổ từng đứa tham nhũng ra bắn bỏ?
– Có thể cứ “đòm, đòm” liên hồi, nhưng xin nhớ rằng: Chính chế độ này sinh ra tham nhũng, sinh bất tận…
– Vậy cứ “đòm” một phát thôi, cho nó đổ kềnh, là gọn nhất
Thời đại này nên nói luật pháp hơn là nói ví von nho giáo, lại thêm giết làm gì cho nghe ghê ghớm, và cuối cùng chả giết ai cũng mang tiếng. Cứ nhớ vụ Đồng tâm những người nông dân Đồng tâm chả hiểu nói gì đến chuyện „tiêu diệt“ đến 300 lính nếu dám tấn công … khiến họ cứ thế quy cho đến mức tội khủng bố và thế là ta vô tình gây bất lợi cho ta và họ thì cố chấp từng lời nói. Ở đây đơn giản tham nhũng là 1 tội, và bình thường cần xử lý công bằng như mọi loại tội khác chính quyền xử dân thế thôi. Ví dụ 1 đứa trẻ do đói cướp ăn giá trị 40.000 đồng bị đi tù gần cả năm thì công bằng chỉ cần 1 cán bộ đi họp vô tư nhận 1 phong bì giá trị 50, 100, 200 nghìn đồng cần hiểu tội của mình còn cao hơn đứa trẻ kia – vì cán bộ thì không đói, mà đã là lứa tuổi trưởng thành và dù người ta đưa tiền thì nhận trái luật cũng là phạm pháp. Và công bằng thì có mà xử hình sự toàn bộ cán bộ nhà nước hiện nay cũng được và cứ nhìn mức đứa trẻ mà nên tăng thêm nhiều lần đối với người trưởng thành mà mức độ tiền còn cao hơn chúng. Còn với mức bị bắt quả tang 1 lần của ông cựu bộ trưởng thông tin mà so với nhữung đúa trẻ trên thì khỏi phải nói. Tôi không ủng hộ tử hình, nhưng nếu công bằng thì ông Son pahri chịu án chung thân. Còn cứ ví von củi, và nay lại củi gộc thì tôi lại thấy buồn người Việt nam, cứ thấy lãnh đạo ví von gì là nhắc lại không suy nghĩ. Xin nhớ củi hay gỗ nói chung là đồ quý giá, không thể đòi đốt nó vô tội vạ được!
Vấn nạn tham nhũng bắt nguồn từ dân trí thấp, dưới chế độ ngu dân và mỵ dân giam hãm người dân trong ngu tối:
1)- Bởi vì ngu dốt không đủ kiến thức KHKT và khả năng xoay xở bằng trí sáng tạo và lao động tay chân cho nên mới phải đi của hậu, nâng phong bì, nhậu nhẹt đãi đằng cán bộ để đi đường tắt, kiếm tiền nhanh hơn là kiên trì lao động và học hành để tiến lên;
2)- Luật pháp lỏng lẻo, không kiểm tra nghiêm nhặt, không dám phạt vạ vì sợ bị trù ẻo, theo tâm lý chung của mọi người là “Nhất Thế / Nhì Thân / Thức Ba Nhậu Nhẹt / Thứ Tư Phong Bì”;
3)- Mọi người chỉ nghĩ đến kiếm tiền bằng đủ mọi cách thức không quan tâm đến phẩm chất công việc và sản phẩm ngoài thị trường từ đó mất sức cạnh tranh và kinh tế èo uột lùi dần vào thế bị động, sống bám vào ngoại bang và nợ nần chồng chất;
4)- Tham nhũng phát triển mạnh và lan rộng ở những nước nghèo dân trí thấp, không phải bất cứ là CS. Công nghiệp nặng bị phá sản, không đủ sức hỗ trợ cho mọi ngành sản xuất khác. Thử nhìn xem, VN có hơn 2200km đường biển, sát cạnh Thái Bình Dương,không hề bị bão tố, không động đất đe dọa, nông nghiệp phát triên, tài nguyên không thiếu …thế mà sau 45 năm hòa bình không hề xây dựng nổi một nhà máy đóng tàu cỡ lớn hỗ trợ cho ngư dân, cho hải quân. Nông dân vẫn còn sử dụng con trâu và cái cầy thì lấy đâu ra sức bật cho nền kinh tế lâu dài;
5)- Trí thức vẫn còn chịu ảnh hưởng “từ chương, lý thuyết xuông” không dám dấn thân vào xã hội để đi vào ứng dụng thực tiễn. Thích nói hơn làm, “chỉ tay năm ngón”, sống giàu sang phè phỡn trên nhung lụa, nhà lầu, xe hơi từ cạn bã của ngoại quốc rót vào .