Tổng thống Trump bị thổ dân cấm đến Mount Rushmore dự Lễ Độc lập

BTV Tiếng Dân

3-7-2020

Trong khi cả nước Mỹ đang đối phó với đại dịch, Tổng thống Trump tổ chức mừng Lễ Độc lập ở bang South Dakota, một sự kiện dự kiến sẽ có hơn 7.000 người tham dự. Ông Trump và bà Melania đang trên đường tới bang South Dakota, tham dự Lễ Độc lập tại Đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore, nơi ông sẽ có bài phát biểu và tổ chức bắn pháo hoa vào lúc 10h50’ đêm nay 3/7/2020.

Buổi lễ này đang gây tranh cãi, rằng ông Trump khiến người dân gặp nguy hiểm không cần thiết khi tổ chức sự kiện có đông người tham dự trong lúc đại dịch đang hoành hành khắp nước Mỹ. Tháng trước, ông ta cũng đã tổ chức một buổi tụ tập tại Tulsa, Oklahoma, mà nhiều người lo ngại rằng, hoạt động này giúp virus lây lan nhanh.

Những người tổ chức cho biết, họ không có kế hoạch về giãn cách xã hội trong sự kiện này, mặc dù các ca nhiễm virus mới ở nhiều tiểu bang trên toàn nước Mỹ đang tăng cao kỷ lục. AP đưa tin, việc giãn cách xã hội sẽ không được thực hiện và việc đeo khẩu trang cũng không bắt buộc, mà là tùy sự lựa chọn của mỗi người.

Bà Kristi Noem, Thống đốc bang South Dakota, nói với Fox News: “Chúng tôi đã nói với những người lo ngại rằng họ có thể ở nhà, nhưng nếu họ muốn đến tham gia cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ tặng khẩu trang miễn phí nếu họ muốn mang. Nhưng chúng tôi sẽ không giữ khoảng cách xã hội“.

Thị trưởng Steve Allender của thành phố Rapid bày tỏ sự hoài nghi về các biện pháp phòng ngừa. Ông Allender nói rằng, những người dự định tham dự có lẽ không ở nhà nếu họ bị ho vào ngày hôm trước hoặc trong ngày hôm đó.

Lãnh đạo của các bộ lạc người Mỹ bản địa bày tỏ mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm virus corona khi Trump tổ chức sự kiện này. Các bộ lạc nói rằng, họ đang làm điều mà Trump đã thất bại trong việc chống dịch Covid-19. Chuyến thăm của Trump tới Mount Rushmore cũng gây ra sự bất bình của các bộ lạc, vì đài tưởng niệm nằm trên vùng đất lấy của người Lakota.

Ông Nick Tilsen, một thành viên của bộ lạc Oglala Lakota và là Chủ tịch của tổ chức NDN Collective, nói: “Mount Rushmore là biểu tượng của quyền lực tối thượng da trắng, của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hiện tại vẫn còn sống tốt trong xã hội ngày nay. Thật là bất công khi họ chủ động đánh cắp đất đai của người bản địa, sau đó khắc lên những khuôn mặt da trắng của những kẻ thực dân đã phạm tội diệt chủng”, theo PBS.

Ông Harold Frazier, Tổng lĩnh của Bộ lạc Cheyenne River Sioux, nói với AP: “Tổng thống đang khiến các thành viên trong bộ lạc của chúng tôi gặp nguy hiểm khi thực hiện một bức ảnh tại một trong những địa điểm linh thiêng nhất của chúng tôi“.

Còn Tổng lĩnh Julian Bear Runner của Bộ lạc Oglala Sioux đã thẳng thừng ra lệnh cho Tổng thống Trump phải hủy bỏ chuyến thăm tới núi Rushmore hôm nay. Ông Julian Bear Runner nói với báo Guardian:

Những vùng đất có ngọn núi đó được chạm khắc [hình các tổng thống] và những vùng đất mà ông ta sắp tới, thuộc về Great Sioux theo một hiệp ước được ký năm 1851 và Hiệp ước Fort Laramie năm 1868. Tôi phải nói với ông ta rằng, ông ta không được phép từ các chủ sở hữu nguyên thủy của nó để đi vào vùng lãnh thổ trong thời điểm này… Là lãnh đạo Hoa Kỳ, ông phải có nghĩa vụ tôn trọng các hiệp ước, là luật tối thượng về đất đai”.

Tổng lĩnh Julian Bear Runner của Bộ lạc Oglala Sioux. Nguồn: Ryan Hermans/ AP

Vụ tranh chấp vùng đất này không phải là chuyện mới. Nơi đây, một nhóm người Mỹ bản địa đã từng biểu tình và chiếm đóng hồi thập niên 1970. Năm 1980, Tòa án Tối cao ra phán quyết bồi thường hơn 100 triệu đô la cho tám bộ lạc.

Tổng lĩnh Julian Bear Runner trả lời phỏng vấn đài MSNBC:

Ngoài ra, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về môi trường, khi bắn pháo hoa ở vùng đất khô cằn, có thể gây cháy rừng. Đây sẽ là màn bắn pháo hoa đầu tiên tại khu di tích quốc gia này trong 10 năm.

Truyền thống đốt pháo hoa ở đây đã bị Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ cấm, sau khi nó bị xem là nguy cơ gây ra hỏa hoạn, cháy rừng. Quyết định đó đã bị đảo ngược hồi tháng 4/2020, sau khi có một đánh giá xác định, chương trình có thể tiếp tục mà không có nguy cơ lớn về hỏa hoạn và quyết định đảo ngược này theo lệnh của tổng thống Trump.

Bình Luận từ Facebook