BTV Tiếng Dân
30-6-2020
Tin Biển Đông
Tin tiếng Anh của RFA đưa hôm qua: Trung Quốc đưa tàu chiến khổng lồ vào đảo Phú Lâm trước cuộc tập trận hải quân. Hình ảnh vệ tinh mà RFA chụp được, cho thấy một con tàu loại Type 071 đang neo đậu tại đảo Phú Lâm vào ngày 27/6. Hôm 25/6, con tàu này đã không ở đó.
Type 071 là tàu vận tải đổ bộ, có khả năng mang theo máy bay trực thăng, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, xe vận tải và các hàng hóa khác phục vụ cho cuộc chiến đổ bộ. Tàu này có tính năng nổi bật trong các cuộc tập trận hoặc diễn tập quân sự của Hải quân Trung Quốc.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Lại sắp tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì? GS Yoichiro Sato, từ Đại học Ritsumeikan Asia Pacific Nhật Bản, nhận định, Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa gửi 2 thông điệp:
“Thứ nhất là thông điệp đe dọa gửi đến các nước trong khu vực, bởi tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua thì các thành viên của khối này đã có nhiều phát biểu lên án các hành vi gây quan ngại ở Biển Đông. Thêm vào đó, một số nước ASEAN đã có các chỉ dấu có thể viện dẫn các biện pháp về pháp lý chống lại tuyên bố chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Thông điệp thứ hai là nhằm chứng minh với dư luận nội bộ Trung Quốc rằng hải quân nước này có khả năng bảo vệ cái mà Bắc Kinh gọi là lợi ích cốt lõi”
Tuổi Trẻ có bài: Mỹ, Trung nắn gân nhau bằng tập trận ầm ĩ trên biển. Tin cho biết, giữa tháng 6, một tàu ngầm hạt nhân Mỹ được huy động làm “quân xanh” cho soái hạm USS Blue Ridge trên biển Philippines. Chỉ huy soái hạm của Hạm đội 7 nói đầy ẩn ý: “Cần chuẩn bị tinh thần cho thủy thủ lỡ mai kia thấy tàu ngầm của ai đó”.
Sau khi Ngoại trưởng Mỹ phát biểu Biển Đông không phải “đế chế hàng hải” của Trung Quốc, báo ANTĐ có bài, ASEAN: Phải thượng tôn pháp luật, quyết không chấp nhận “đế chế hàng hải” ở Biển Đông. Bài viết kêu gọi các thành viên ASEAN, cũng như các đối tác cùng chung quan điểm rằng, cần phải thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình, đồng thời không chấp nhận bất kỳ ai tự tung tự tác, biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của riêng mình.
Trang Diplomat có bài phân tích: Chú ý đến “Dự án Biển Xanh 2020” của Trung Quốc. Bài viết cho biết, Dự án Biển Xanh 2020 do Trung Quốc khởi xướng kéo dài từ ngày 1/4 đến ngày 30/11, là sáng kiến thực thi pháp luật hàng hải mới nhất của Bắc Kinh, nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển.
Trái với những gì Trung Quốc tuyên bố, bài viết nhận định: “Nhìn bề ngoài, sáng kiến dường như chỉ nhằm mục đích tăng cường bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, các hoạt động thực thi pháp luật theo sáng kiến này sẽ liên quan đến các cuộc tuần tra ven biển, cũng như khả năng giám sát từ xa. Điều này thể hiện một khả năng đáng lo ngại là sáng kiến này có thể được Bắc Kinh sử dụng như một lời biện minh cho sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu thực thi pháp luật Trung Quốc ở Biển Đông”.
Mời đọc thêm: Vai trò của Việt Nam trong thông điệp ‘mạnh mẽ’ của ASEAN đối với Trung Quốc — Việt Nam tăng năng lực quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo (VOA). – Động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông gây lo ngại (LĐ). – Trung Quốc dân sự hóa các đảo của Việt Nam để độc chiếm Biển Đông (TCTĐ). – Bị tàu Trung Quốc tông trúng, 14 ngư dân Philippines mất tích (PLTP).
Vụ linh mục Đặng Hữu Nam bị dừng mục vụ vì “lý do chính trị”
Các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, linh mục Đặng Hữu Nam chính thức rời giáo xứ Mỹ Khánh, thuộc Giáo phận Vinh, trong vòng tay lưu luyến của hàng trăm giáo dân địa phương. Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc Linh mục Nam bị bề trên “tạm dừng mục vụ”, tức ngưng thực hiện các nghi lễ tôn giáo cho giáo dân, với lý do được cho là “liên quan tới chính trị”.
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bày tỏ cảm xúc trước sự việc: “Chỉ một tấm hình này thôi đủ nói lên tình cảm và sự tín nhiệm của nhân dân đối với cha Đặng Hữu Nam, một linh mục vì hết lòng với dân với nước mà bị bề trên cho nghỉ mục vụ”.
Trang Tin mừng cho người nghèo có video clip ghi lại cuộc chia tay đẫm nước mắt của linh mục Đặng Hữu Nam với giáo xứ Mỹ Khánh:
Thông báo của Tòa Giám mục Xã Đoài hôm 17/6, được ký bởi Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long của giáo phận Vinh, không đề cập đến lý do tạm dừng mục vụ đối LM Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào Bộ giáo luật 1983, điều 1740-1741 được nêu trong Quyết định này, linh mục Nam có thể bị tạm dừng mục vụ, giải nhiệm khỏi giáo xứ vì các lý do: Khi thừa tác vụ của một cha sở trở nên nguy hại hay ít là không có hiệu quả vì một lý do nào đó (điều 1740); hoặc gây thiệt hại hay xáo trộn nặng cho sự hiệp thông trong Giáo Hội (Điều 1741).
Nhận định về vụ việc, hôm 27/6, Facebooker Đỗ Ngà có bài viết: Tôn giáo – Chính trị. Ông Ngà viết: “Chính trị và tôn giáo sẽ đứng độc lập được nếu chúng ta có một nền chính trị tử tế. Còn khi mà chính trị là một thứ quyền lực tà ác thì không bao giờ tôn giáo có thể đứng độc lập được. Lúc đó tôn giáo đứng trước 2 lựa chọn, một là phải làm công cụ cho chính trị, hai là bị bức hại.
Tôn giáo đúng nghĩa thì bao giờ cũng hướng thiện và lên án thế lực tà ác, chính vì thế mà tu sĩ chân chính chắc chắn phải động chạm đến thế lực chính trị nếu đó là thế lực chính trị tà ác như ĐCS. Khi động chạm như vậy, thì chắc chắn những vị tu sĩ chân chính ấy hoặc sẽ bị CS loại bỏ, hoặc bị CS trả thù bằng cách này hay cách khác. Linh mục Đặng Hữu Nam đã bị tạm ngưng công tác mục vụ, nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế -Kỳ Đồng – Q3 –Sài Gòn thì bị kẻ lạ mặt tưới xăng đốt. Điều đặc biệt là cả cha Nam và nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế đều không ngại đụng chạm đến thế lực chính trị tà ác đương thời”.
Một số ý kiến cho ằng, việc Giám mục Nguyễn Hữu Long được đưa về cai quản ở một “điểm nóng” như Giáo phận Vinh là một sự thành công của chính quyền CSVN. Cư dân mạng truyền tải những hình ảnh cho thấy Giám mục Nguyễn Hữu Long khác xa vị Giám mục tiền nhiệm Nguyễn Thái Hợp, trong mối quan hệ với chính quyền.
Mời đọc thêm: Linh mục Anton Đặng Hữu Nam “được” nghỉ mục vụ vì “Nói chuyện chính trị” – Phần I – Phần 2 – Phần 3 (JB Nguyễn Hữu Vinh/ Blog RFA). – Chống Formosa: LM Nguyễn Đình Thục bị thuyên chuyển, LM Đặng Hữu Nam bị nghỉ mục vụ (NV). Mời đọc lại: Thế lực nào muốn vô hiệu hóa Linh mục Đặng Hữu Nam? (TD).
Tin Nhân Quyền
Làm thế nào để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền và tham nhũng? Tất cả các hướng dẫn sẽ có trong tác phẩm: “TỘI ÁC PHẢI BỊ TRỪNG PHẠT- hướng dẫn sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt kẻ vi phạm nhân quyền”, một ấn phẩm mới nhất của Nhà xuất bản Tự do vừa được phát hành hôm 29/6.
Nhà xuất bản hy vọng, “cuốn sách này sẽ trở thành một công cụ tốt mà mỗi người dân Việt Nam, nhất là hàng triệu nạn nhân của bất công, tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đều có thể sử dụng trong công cuộc mưu cầu tự do và công lý, ở một quốc gia vẫn còn trong chế độ độc tài công an trị như Việt Nam hiện nay”.
BBC có cuộc trao đổi với nhiều vị khách mời là những nhà hoạt động, Bất đồng chính kiến Việt Nam: Góc nhìn qua các thế hệ. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung nhận định, “một trong những điểm lớn nhất khiến tôi băn khoăn chính là việc chưa đoàn kết đủ trong phong trào dân chủ, xã hội dân sự để tạo sức mạnh lớn hơn, cả đối với thế hệ trước và thế hệ sau… Theo thời gian, những tổ chức, cá nhân xuất sắc sẽ thu hút được quần chúng, tập hợp được lực lượng xã hội rộng lớn hơn để có thể xây dựng được nền dân chủ thực thụ tại Việt Nam“.
Mời đọc thêm: Cử tri mong Tổng bí thư ở lại nhiệm kỳ nữa – sự dọn đường cho ông Trọng ở lại? (RFA). – Vụ SBD bị World Bank cấm vận vì gian lận có đủ làm gương cho doanh nghiệp khác ở Việt Nam? (RFA). – Làn sóng tẩy chay có khiến Facebook sụp đổ? (BBC).
Tin về Luật an ninh quốc gia Hồng Kông
RFI đưa tin: Bắc Kinh khẩn cấp ra luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Ông Wu Qiang, một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, giải thích: “Nếu như các đại biểu Quốc Hội quyết định họp lại một cách gấp gáp như vậy, rõ ràng là vì Bắc Kinh đang sốt ruột. Luật sẽ có hiệu lực ngay sau cuộc bỏ phiếu này. Mục tiêu là để kịp ngăn chặn các phản kháng trước dịp 23 năm ngày Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc”.
Phản ứng trước sự kiện này, nhà hoạt động Hoàng Chí Phong viết trên twitter: “Sự kết thúc của Hồng Kông là sự bắt đầu thống trị của khủng bố. Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh đánh dấu sự kết thúc của Hồng Kông mà thế giới đã biết trước đó”. Đồng thời, nhà hoạt động trẻ này cũng tuyên bố rút khỏi đảng Demosisto.
BBC có bài về sự kiện Hong Kong: Ít phút sau khi luật an ninh được thông qua, các gương mặt dân chủ từ chức. Người đứng đầu tổ chức Ân xá Quốc tế Trung Quốc bình luận: “Từ nay, Trung Quốc sẽ có quyền áp đặt luật của họ với bất kỳ nghi phạm nào họ chọn. Việc chính quyền Trung Quốc thông qua luật này dù người dân Hong Kong không được xem nói lên nhiều điều về ý định của họ. Mục tiêu của họ là điều hành Hong Kong bằng nỗi sợ từ thời điểm này trở đi”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong (BBC). – Mỹ chính thức bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong (PLTP). – Mỹ chấm dứt xuất khẩu quân sự cho Hồng Kông để trừng phạt luật an ninh (TN). – Mỹ huỷ trạng thái đặc biệt của Hong Kong, bà Carrie Lam nói ‘không sợ’ (TP). – Nhật ‘lấy làm tiếc’ với luật an ninh Hong Kong (VNE).
Tin Covid-19 ở Việt Nam
Báo sạch đưa tin, ngày 29/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh tiến hành lấy mẫu xét nghiệm virus Covid 19 toàn bộ cư dân ở Tầng 12, Lô D của Chung cư Phạm Viết Chánh, phường 19, Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Theo thông báo của UBND phường 19, mục đích của việc xét nghiệm “nhằm kịp thời khoanh vùng, khống chế và phòng ngừa lây lan virus Covid 19 ra cộng đồng”.
Báo Nhân Dân dẫn tin từ Bộ Y tế, cho biết, tại Chung cư này đã phát hiện một trường hợp “tái dương tính”. Đó là bệnh nhân 326, là du học sinh từ Pháp về Việt Nam ngày 24/5, phát hiện dương tính với Covid-19 ngày 25/5. Sau thời gian điều trị cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh ngày 9/6, và trở về nhà tại Chung cư Phạm Viết Chánh. Đến ngày 20/6, bệnh nhân xét nghiệm kiểm tra lại thì phát hiện bị tái nhiễm bệnh Covid-19.
VTC Now có clip: Tin tức dịch do virus Corona (Covid-19) sáng 30/6: 1 ca tái nhiễm, xét nghiệm cả chung cư:
VTC dẫn tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 28/6 đến 6h ngày 30/6, Việt Nam không có ca nhiễm virus Corona (Covid-19) mới. Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 30/6, đã 75 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam hiện có 355 ca nhiễm, theo tin từ Bộ Y tế VN, cũng như trang thống kê Worldometers, dẫn nguồn từ Bộ Y tế VN. Cũng theo số liệu từ trang Worldometers, từ ngày 16/4 đến 29/6, Việt Nam có thêm 87 ca nhiễm.
GM gì mà khúm na bớt khúm núm đưa cả hai tay bắt, GM gì mà không đủ bản lãnh khiến thằng chủ tịch nó xem thường. Nhìn cái dáng là biết thuộc hàng vua nịnh.