‘The interpreter’ – Nỗ lực tạo đối thoại của một nhóm trẻ gốc Việt

Nhã Duy

25-6-2020

Tin về một giới trẻ thuộc thế hệ Z yêu nhạc K-Pop và sử dụng mạng xã hội Tik-Tok ghi tên nhưng không tham dự cuộc vận động của tổng thống Donald Trump tại Tulsa, là đề tài được bàn luận khá nhiều kể từ đầu tuần qua.

Ủng hộ hay chỉ trích hành động này, thì có một sự thật chúng ta cần nhìn nhận là có một giới trẻ đang bày tỏ tiếng nói của mình và dự phần vào cuộc tranh luận xã hội theo phương cách và những phương tiện đang bắt đầu được chú ý.

Giới trẻ thế hệ Z gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng có một số em quan tâm đến chính trường. Những em này không chỉ bày tỏ thái độ mà còn có hành động cụ thể, như nhóm The Interpreter (Người Thông Dịch), của những em gốc Việt tuổi ngoài đôi mươi, hoặc sinh ra hay trưởng thành tại Mỹ.

Một số thành viên chủ chốt, từ trái (trên): Cookie Dương, Jady Chan. Hàng dưới: Evelyn Leong (trái) và Nhân Nguyễn. Ảnh: Tác giả gửi tới

Sinh hoạt của nhóm có thể được dùng như một điển cứu (case study) để chúng ta tìm hiểu một trong những khuynh hướng của giới trẻ gốc Việt trong bối cảnh chính trị hiện nay.

Trang tin tức của nhóm The Interpreter do Cookie Dương, tên tiếng Việt là Dương Ca Dao và Jady Chan, một sinh viên gốc Việt-Hoa đồng sáng lập, vừa được trình làng đầu tháng Sáu. Cookie Dương là một tân cử nhân 22 tuổi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Đối Ngoại tại đại học University of Southern California (USC) trong niên học 2020 vừa qua và Jady Chan là sinh viên, đang theo học ngành Thuật Toán Thần Kinh Học, cũng tại USC.

Với sự giúp đỡ và tiếp tay của một số bạn đồng ý hướng như Evelyn Leong, Ashley Dương, Nhân Nguyễn, Terry Nguyễn, Cookie Dương trong vai trò biên tập, dịch thuật và Jady Chan chịu trách nhiệm thiết kế trang mạng, đã lập ra trang The Interpreter, với mục đích mang các kiến thức, thông tin thời sự đến thế hệ gốc Việt lớn tuổi và bị trở ngại ngôn ngữ, trong việc tiếp cận thông tin dòng chính, cũng như nhằm chống lại các tin tức giả mạo, ngụy tạo đang lan tràn trong cộng đồng người Việt hiện nay.

Cookie Dương, sáng lập viên The Interpreter. Photo Courtesy

Qua phương châm “Chuyển dịch kiến thức, tăng sức mạnh cộng đồng” (Translating Knowledge, Empowering Community), nhóm trẻ có khả năng sử dụng lưu loát song ngữ này, một điều khá thú vị và hiếm ở lứa tuổi các em, để thực hiện những mẩu phim Tik-Tok ngắn, chuyển dịch tin tức, bài viết từ các hãng thông tấn uy tín thế giới sang tiếng Việt một cách khá chính xác về cách dùng chữ, để cung cấp cho cộng đồng những thông tin xác thực.

Quy tụ khoảng gần 20 em đã tốt nghiệp các đại học Mỹ hay là những chuyên gia trẻ, có cả thành viên đang làm cho tờ báo VOX, nhóm thiện nguyện trẻ gốc Việt này tìm đến nhau và khởi đầu từ những bức bối cá nhân trong gia đình. Cookie Dương bảo rằng cha mẹ, người thân lớn tuổi trong gia đình các em đã đọc những thông tin và có cái nhìn khá thiên lệch về một số vấn đề xã hội chính trị đang xảy ra hiện nay, dẫn đến tình trạng tranh cãi, xung đột trong gia đình giữa cha mẹ và con cái.

Từ những kinh nghiệm cá nhân mà nhiều em gốc Việt sinh ra hay lớn lên tại Mỹ đang gặp phải trong gia đình, The Interpreter ra đời không chỉ để nối lại khoảng cách với cha mẹ, tụ họp giới trẻ gốc Việt mà còn mang cả với ý hướng tích cực, nhằm giúp đỡ và phát triển cộng đồng bằng những tri thức và trải nghiệm mà các em đã được thụ hưởng từ một nền giáo dục khai phóng, luôn cổ súy những giá trị dân chủ và bác ái của xã hội.

Chỉ sau vài tuần hoạt động, Facebook của The Interpreter đã có hơn 800 người thích và theo dõi. Cookie Dương cho biết, hiện có khoảng 500-700 lượt người đọc tin tức mỗi ngày. Hầu hết những ủng hộ và chia sẻ khá tích cực, dù không thiếu những lời chỉ trích, bài bác.

Bên cạnh các vấn đề thời cuộc như dịch bịnh, chủng tộc, chính trường…, trang The Interpreter còn có một số bài dịch khá thú vị về cách để đối thoại với cha mẹ và người thân gia đình trước các vấn đề gây tranh cãi. Cũng có không ít những người trẻ đồng lứa của các em đang có chung xung đột với gia đình, cũng đã vào để chia sẻ vấn đề, suy nghĩ và chuyển tin tức cho người thân.

Nhìn nhận về dự án, chủ trương và cách thức hoạt động của nhóm The Interpreter có thể khác nhau theo nhãn quan chính trị xã hội của một số người, nhưng phải ghi nhận rằng, đây là một tín hiệu tích cực và đầy hy vọng khi nhìn vào một giới trẻ gốc Việt biết dấn thân, đang nhắm đến ích lợi cộng đồng và tìm kiếm sự thông hiểu giữa hai thế hệ qua việc chia sẻ thông tin.

Khoảng cách thế hệ do những trải nghiệm, quá khứ cho đến sự giáo dục, nhận thức khác biệt luôn hiện diện trong mỗi gia đình và càng cách biệt hơn trong các gia đình di dân. Là một thế hệ trẻ đã được thụ hưởng nền giáo dục khai phóng để trở những con người trưởng thành độc lập trong suy nghĩ, ý thức trong hành động và có tri thức trong vấn đề, việc đối thoại trên tinh thần tôn trọng cùng thái độ lắng nghe, thông hiểu với các em không chỉ là một sự cần thiết mà còn là lợi ích lớn lao trong mỗi gia đình. Cho chính các em và cả những bậc cha mẹ.

Dù theo khuynh hướng nào, chắc hẳn sinh hoạt của nhóm The Interpreter cũng góp phần vào sự suy nghĩ và đánh giá của cộng đồng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, khi cảm xúc bênh – chống các ứng viên ngày càng mạnh mẽ, đến độ trở nên kích động. Những chiến lược gia và ban tranh cử của các bên xem ra đang tìm cách tốt nhất để tìm sự ủng hộ từ mỗi nhóm cử tri khác nhau.

Nói về bầu cử thì không thể không nói đến tầm quan trọng của lá phiếu của những cử tri trẻ tuổi, đặc biệt với những thiếu niên vừa đúng 18 tuổi để bỏ phiếu lần đầu trong năm nay, ước tính sẽ vào khoảng bốn triệu em theo như số liệu từ Đại Học Florida.

Vẫn theo nghiên cứu trên, nhóm này có xu hướng nghiêng về đảng Dân Chủ, với 61.6 % bỏ phiếu cho TT Barack Obama vào năm 2008, chỉ thua kỳ bầu cử năm 1960 cho TT Kennedy là 63.8%.

Tuy nhiều số liệu và quan sát chung cho thấy xu hướng và thái độ chính trị của người gốc Việt tại Hoa Kỳ nghiêng về đảng Cộng Hòa, vẫn chưa có những thăm dò và con số chính thức riêng về giới trẻ gốc Việt. Ắt cũng không khác mấy nếu dựa theo thăm dò từ tổ chức Quỹ Pháp Lý và Giáo Dục người Mỹ gốc Á (AALDEF), cho thấy nhóm cử tri trẻ gốc Á 18-29 tuổi hầu như đã dồn phiếu cho các ứng viên đảng Dân Chủ với tỉ lệ 89%.

Sẽ không phải các em trao quyền cho cộng đồng qua việc tạo đối thoại như nhóm The Interpreter nói trên, mà chính cộng đồng cùng những bậc cha mẹ gốc Việt cần đặt niềm tin và trao quyền cho các em. Để các em sẽ thay mặt thế hệ đi trước, dự phần và đáp trả cho xã hội những gì mà chúng ta đã được thụ hưởng đầy đặc ân, trong tư cách là những công dân có trách nhiệm, đồng thời là những di dân xứng đáng của những quốc gia đang sinh sống.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nếu chính những người trẻ nói trên nghĩ ra và thực hiện hoạt động này thì rất
    đáng hoan nghênh nhưng phải nói thẳng là kiến thức chinh trị của họ có lẽ là
    còn “sách vở” hay lý tưởng,nên đề nghị họ cần phải học hỏi và kiểm chứng tất
    cả những gì viết ra trên báo chí,chứ đừng dễ tin mà lầm thì tai hại lắm !
    Một số không nhỏ nguời VN.vẫn còn “lý tưởng hoá” Mỹ lắm ? Hãy coi chừng !

    • Còn mấy người già có kinh nghiệm lại bóp méo sự thực mới đáng sợ hơn.

Comments are closed.