Một vụ cưỡng chế kỳ lạ

Nguyễn Đức

25-6-2020

Sáng 5-6, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Trần Thị Minh Trang, chủ Gia Trang quán – Tràm Chim resort, xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, TP.HCM và người bị kiện là chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.

Tại tòa, phía bà Trang đề nghị cho phép bà bổ sung nhân chứng vào tham gia tố tụng. Bà này có năm nhân chứng, nhưng chỉ có một người có mặt tại tòa. Ngoài ra, luật sư (LS) của bà Trang đề nghị tòa triệu tập Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM để làm rõ một số nội dung của vụ án.

Mặt khác, ba LS bảo vệ cho bà Trang còn cho rằng đã bị tòa hạn chế quyền tiếp cận công khai, giao nộp chứng cứ, sao chụp hồ sơ đầy đủ. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trang.
HĐXX sau khi hội ý, xét thấy cần có thời gian để thu thập, bổ sung tài liệu, đánh giá chứng cứ, khi đó mới có thể giải quyết được vụ án một cách toàn diện, khách quan, qua đó đảm bảo quyền lợi của các bên. Do đó, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa và sẽ mở lại vào ngày 2-7.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ và đại diện hợp pháp của ông Lữ là ông Nguyễn Văn Tài (phó chủ tịch huyện) đều vắng mặt tại phiên tòa.

Có 6 người tham gia bảo vệ cũng như đại diện cho Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, UBND xã Tân Quý Tây (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là UBND huyện Bình Chánh và UBND xã Tân Quý Tây).

Theo hồ sơ, bà Trang khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh do người này ký ban hành Quyết định hành chính số 798 (ngày 12-11-2019) về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà bà cho là sai sự thật, không đúng luật.

Cụ thể, có 4 hành vi vi phạm (thuộc 2 nhóm hành vi) của bà Trang mà quyết định nêu trên chỉ ra. Cụ thể là tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất lúa sang đất phi nông nghiệp, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Tất cả đều chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cũng tại phiên tòa, phía UBND huyện Bình Chánh cho rằng: “Tại sao chúng tôi cung cấp chứng cứ được mà bà Trang không cung cấp được, thời gian ảnh hưởng dịch COVID chỉ có 1 tháng?” (phía bà Trang cho biết thư ký phiên tòa trước đây không cho các LS của bà giao nộp chứng cứ với lý do dịch COVID nên hạn chế người vào tòa).

Cạnh đó, phía UBND huyện và xã cũng không đồng ý cho nhập vụ án (theo yêu cầu của bà Trang). Mặt khác, đại diện của UBND huyện Bình Chánh và UBND xã Tân Quý Tây cũng không đồng ý với việc hoãn phiên tòa do họ đã đi lại rất nhiều lần, nhiều việc và hồ sơ họ cần giải quyết cho dân.

Được biết, phiên tòa này được mở sau 2 lần hòa giải, đối thoại bất thành vào các ngày 5-3, 11-3. Trước đó (ngày 29-5), phiên tòa cũng đã hoãn do có đơn xin hoãn của bà Trang.

Link PLO: Chủ tịch huyện Bình Chánh vắng mặt tại tòa vụ Gia Trang quán

KÌ LẠ THAY TÒA ĐANG THỤ LÝ VẪN PHONG TỎA CẢ KHU NHÀ, CƯỠNG CHẾ?

Trong khi tòa đang xét xử thì trong 2 ngày 23,24/6, chính quyền địa phương phong tỏa căn nhà bà Trang để cưỡng chế, không cho phép bà Trang vào nhà để ghi nhận vụ cưỡng chế! Trong khi đó bà Trang cho rằng không xây dựng trái phép, còn phía địa phương lại cho rằng bà Trang vi phạm.

Vụ việc tòa đang thụ lý, chưa phân xử thì huyện Bình Chánh cưỡng chế liệu có quá kì lạ?

Theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Ngoài pháp luật dân sự thì BLHS là công cụ để bảo vệ quyền con người khỏi sự xâm phạm khỏi những hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

Điều 158 BLHS 2015 quy định tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Một số hình ảnh cưỡng chế của nhà báo Nguyễn Đức:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.
    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.
    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    *
    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra. TBT

  2. tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
    hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
    hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
    bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
    chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
    cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.

    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
    không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
    lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
    khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
    biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
    mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
    sợ nữa đi có sợ mãi được không,
    cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
    mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.

    bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
    lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
    còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
    sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
    tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
    cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
    vì người ta cần ánh mặt trời,
    tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi! TBT

Leave a Reply to CÁCH MẠNG Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây