Thượng đỉnh EU – Trung Quốc: Trung Quốc bỏ mặc EU, thậm chí còn đe dọa

Handelsblatt

Tác giả: Dana Heide, Till Hope Moritz Koch

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

22-6-2020

Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc về các vấn đề thương mại, bảo vệ khí hậu và Hồng Kông: Trung Quốc bỏ mặc EU – và thậm chí còn đe dọa

Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU, ông Charles Michel trong cuộc họp báo ngày 22/6/2020. Ảnh: AP

Châu Âu đang đòi hỏi nhiều từ giới lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh. Nhưng Trung Quốc thậm chí còn tăng áp lực với các kế hoạch bao cấp cho nền kinh tế của mình.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã bị hoãn 2 lần, hiện chưa ấn định thời điểm mới. Chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Đức Merkel dự định vào tháng 7 tới cũng sẽ không diễn ra.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc trước đây, sau khi kết thúc, đã có một cuộc họp báo chung và một tuyên bố chung. Nhưng hôm thứ Hai 22/6 đã không diễn ra như vậy. Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen (chính trị gia Đức) và Chủ tịch Hội đồng EU, ông Charles Michel, đã xuất hiện trong cuộc họp báo mà không có đối tác Trung Quốc và tuyên bố chung cũng bị hủy bỏ.

Lý do: Bắc Kinh không muốn. Sự kiện này cho thấy mối quan hệ giữa hai bên có vấn đề. Sau hội nghị thượng đỉnh lần gần đây nhất vào mùa xuân 2019, châu Âu đã thận trọng lạc quan cho rằng, họ có thể vòi vĩnh được những nhượng bộ từ lãnh đạo Trung Quốc xung quanh Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Mặc dù Bắc Kinh đã bảo đảm bằng văn bản rằng, họ muốn ký kết hiệp định đầu tư với EU vào cuối năm 2020, qua đó cải thiện các điều kiện cho những nhà đầu tư. Nhưng sau đó – lại một lần nữa – không có gì xảy ra nhiều. “Nhiều giao ước đã không được thực hiện đầy đủ”, một quan chức cấp cao của EU chỉ trích.

Ít nhất một số chính trị gia ở Brussels hy vọng rằng, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này sẽ mang lại động lực mới: Các cuộc đàm phán thương mại, cam kết bảo vệ khí hậu của Bắc Kinh và hành động của Trung Quốc tại Hồng Kông đã được bà Leyen và ông Michel đề cập đến. Tuy nhiên, dường như Tập và Lý không lắng nghe cho lắm.

Chúng tôi phải đạt được một sự tiến triển”, bà Leyen nhấn mạnh. Nhưng hội nghị thượng đỉnh này chỉ có thể là sự khởi đầu. Về hiệp định đầu tư, Bắc Kinh phải thể hiện nhiều thiện chí hơn nữa để có thể kết thúc các cuộc đàm phán vào cuối năm nay.

Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã xấu đi

Hội nghị thượng đỉnh lẽ ra đã diễn ra vào cuối tháng 3 tại Trung Quốc, nhưng đã bị hoãn lại do sự bùng phát virus corona. Theo kịch bản ban đầu, cuộc họp này đáng lẽ khởi động cho một năm định hướng trong quan hệ song phương, mà đỉnh cao là một cuộc gặp mặt lịch sử của tất cả 27 nhà lãnh đạo EU với lãnh đạo Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh do Thủ tướng Angela Merkel đề xuất tại Leipzig (Đức) vào giữa tháng 9 năm nay, gần đây cũng đã bị EU hoãn lại mà không ấn định thời điểm mới. Theo thông tin của báo Handelsblatt, chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Đức Merkel dự định vào tháng Bảy tới cũng sẽ không diễn ra.

Việc hoãn hội nghị được nêu lý do là vì các hạn chế liên quan đến virus corona. Tiến trình đàm phán chậm chạp cũng được viện dẫn giống như vậy trước thềm cuộc họp trực tuyến hôm nay. Nhưng đó chỉ là một nửa sự thật: mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã tiếp tục xấu hơn nữa trong những tháng qua.

Những nỗ lực của các quan chức chính phủ Trung Quốc giải thích virus Sars CoV-2 có nguồn gốc xuất phát từ nơi khác (không phải Trung Quốc) đã khiến châu Âu phẫn nộ, không kém những sự việc khác Bắc Kinh tuyên truyền trên Internet.

Các quốc gia thành viên EU nhất trí lên án dự luật an ninh Hồng Kông là xâm phạm sâu rộng quyền tự trị. Bắc Kinh viện lý do rằng, luật này nhằm tái lập trật tự và luật pháp trong khu vực hành chính đặc biệt của mình. Nhưng châu Âu coi đây là sự vi phạm nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”. Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel cho biết, hành động của Trung Quốc tại Hồng Kông là “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với EU.

Hôm thứ Sáu tuần rồi, Nghị viện châu Âu cũng yêu cầu xem xét đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế. “EU không được nhắm mắt bỏ qua, nếu còn muốn giữ một vai trò địa chính trị ở đây”, Chủ tịch phái đoàn Trung Quốc của Nghị viện EU Reinhard Bütikofer nói.

Căng thẳng chính trị cũng tác động xấu đến các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn. Châu Âu yêu cầu mở cửa thị trường Trung Quốc rộng hơn nữa, ví dụ, cho các nhà sản xuất xe ô tô châu Âu, nhà cung cấp dịch vụ tài chính và các công ty công nghệ sinh học. Ngoài ra, họ khăng khăng đòi hỏi rằng chính quyền không được gây bất lợi cho các công ty nước ngoài so với các công ty nhà nước và công ty tư nhân của Trung Quốc; và Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và công nhân.

Tranh cãi về chính sách khí hậu

Chỉ khi Bắc Kinh đáp ứng những yêu cầu này, các quốc gia thành viên EU mới đồng ý với một hiệp định đầu tư: “Thỏa thuận xấu không phải là một lựa chọn”, Đại sứ Đức tại EU Michael Clauss nói với báo “South China Morning Post”.

Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Liên bang Đức nhấn mạnh: “Một hiệp định đầu tư chỉ có ý nghĩa đối với EU nếu các công ty châu Âu được tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc”. Châu Âu chỉ có thể hình thành mối quan hệ với Trung Quốc bằng “sức mạnh có tính cách xây dựng” của mình.

Cho đến nay, Tập chưa sẵn sàng cho các cải cách cần thiết. Tuần trước trong một lá thư gửi Phó Chủ tịch Ủy ban EU Valdis Dombrovskis, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói rằng “một bước đột phá” trong các cuộc đàm phán là có thể xảy ra trước kỳ nghỉ mùa hè.

Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa thể thấy rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của họ: “Các khái niệm như có đi có lại và cạnh tranh công bằng rõ ràng là khó dịch sang tiếng Trung”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói.

Phía EU lập luận rằng thị trường của họ mở cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc rộng hơn rất nhiều so với chiều ngược lại. Do đó, Bắc Kinh giờ đây cần phải đáp ứng phía châu Âu.

Để tăng áp lực, EU đang đặt các “công cụ tra tấn” của riêng mình lên bàn: Ngoài các công cụ hiện có như thuế chống bán phá giá và kiểm soát đầu tư, Ủy ban EU còn muốn bổ sung thêm các công cụ nhằm chống lại bao cấp quy mô của Trung Quốc cho ngành công nghiệp của mình. “Nếu chúng ta không thể đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc chung, thì chúng tôi sẽ phải hành động đơn phương”, nữ quan chức EU cảnh báo.

Châu Âu cũng không hài lòng với Trung Quốc về bảo vệ khí hậu. Bà Leyen và ông Michel muốn thúc giục đối tác của họ đầu tư vào việc hiện đại hóa nền kinh tế sau đại dịch và cải thiện các cam kết của họ về thỏa thuận bảo vệ khí hậu Paris.

Mặc dù Bắc Kinh hỗ trợ năng lượng tái tạo và ô tô điện với số tiền lớn, nhưng chính quyền địa phương đang đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng than có hại cho khí hậu. Năm 2019 giấy phép thành lập các nhà máy nhiệt điện than được cấp nhiều hơn.

Theo tường thuật của báo chí, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt gần 10 gigawatt nhà máy nhiệt điện than trong quý đầu tiên năm 2020 – gần tương đương với những gì đã được phê duyệt cho cả năm ngoái. Do đó, ông Bütikofer cảnh báo: “Trung Quốc đang đi theo một hướng khác so với chúng ta”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Mấy chục năm qua kể từ khi Nixon qua Tàu, Mỹ và Âu châu vẫn cứ giả vờ ngây thơ.

    Lạ thật!

Comments are closed.