Trong tai họa, vẫn có mầm hạnh phúc

Châu Thị Phan

22-8-2020

Có lẽ trong cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên được ngày 1/4/2020, cái ngày mà Sài Gòn bị phong thành vì dịch cúm Vũ Hán!

Đường phố vắng tanh nhưng tại các quán cơm xã hội Nụ Cười của chúng tôi thì mỗi ngày luôn đông đặc bà con nghèo đến nhận cơm. Từ 300 hộp cơm thăm dò ngày đầu ở quán NC6, hôm sau là tiếp đến quán NC1 và NC2. Chỉ bốn ngày sau, không cần đi đâu phát, quán nào cũng nhảy lên con số trên một ngàn suất/ ngày mà vẫn không đủ. Tủ cơm công nghiệp 100kg tại mỗi quán dù nấu hết công suất vẫn phải nấu thêm 5,6 nồi cơm điện, tăng cường thêm mì gói, bánh mì… với quyết tâm của chúng tôi, không để một ai đến quán mà ra về với cái bụng rỗng.

Cũng ngay trong ngày 1/4 ấy và nhiều ngày sau đó, mỗi ngày hàng trăm công ty, cá nhân ở khắp mọi nơi: Sài Gòn, Đà lạt, Đồng Nai, Long An, Mỹ, Úc, Na Uy… ùn ùn chở gạo, mì, sữa, trứng, dầu, mắm, rau củ quả tới. Những công ty mà tôi biết họ cũng lao đao, thậm chí có thể phá sản vì cơn đại dịch (thậm chí cho đến bây giờ các công ty đó cũng chưa được phép hoạt động hoặc không có nguyên vật liệu để sản xuất, để có những hợp đồng mua vào, bán ra).

Máy điện thoại của tôi thì liên tục báo có tiền chuyển khoản vào quán. Nhiều đến mức kế toán các quán không thể cập nhật tên và tiền (hoặc hiện vật) của nhà hảo tâm đóng góp trước 15h chiều mỗi ngày như trước đây, mà phải qua ngày sau hôm sau (do ban ngày kế toán cũng phải lao vào bếp cùng nấu ăn, vào hộp như các anh chị khác, để kịp có cơm hộp phát đi, nên sổ sách phải làm ban đêm).

Bên cạnh những con số triệu, không ít người chuyển 50 ngàn, một trăm ngàn… Có người còn khệ nệ ôm đến quán mươi bịch muối; vài chai nước tương hoặc vài chục cái khẩu trang do họ tự may. Chao ơi, thương muốn khóc! Thật lòng tôi rất muốn ghi tên các công ty đã đổ tiền, đổ vật phẩm cho các quán cơm Nụ Cười trong mùa đại dịch, nhưng cứ nghĩ như thế sẽ không công bằng với những nhà hảo tâm ít tiền khác. Bởi vì tiền bạc đóng góp cho quán tuy nhiều, ít khác nhau, nhưng TẤM LÒNG VÌ NGƯỜI NGHÈO THÌ ĐỀU NHƯ NHAU.

Trước tình cảm đó, niềm tin đó mà những người đại diện cho Quỹ từ thiện Bông Sen, các quán cơm Nụ Cười không dốc sức, dốc lòng thay mặt các nhà hảo tâm lo cho bà con nghèo thì thật không đáng làm người!

Trước thực tế là cơm phát tại quán chỉ để cứu đói ngay cho những người lang thang không nhà, hoặc do phong thành nên có không ít những người ở tỉnh không về kịp. Còn những người nghèo vé số, xe ôm, lượm bọc… có gia đình làm bữa nào xào bữa đó thì đành chịu chết.

Chúng tôi vội vã mở thêm kênh cứu trợ tiền, gạo và thực phẩm khô tại nhà cho những bà con nghèo lao đao trong mùa dịch. Và quy tụ ngay những người bạn tình nguyện xung kích, chịu khó khiêng vác, chịu khó đi. Việc suy tính làm cách nào để tiền và vật phẩm đến tận tay người nghèo, không để suy suyển chút nào cũng được tính toán một cách tường tận.

Nhiều năm nay, ngoài bán cơm giá rẻ phục vụ người cơ nhở, mỗi năm, ba bốn lần chúng tôi đều tổ chức đi cứu trợ tận các vùng miền núi ở miền trung, miền bắc. Còn trong thành phố, tuy biết vẫn có nhiều người nghèo song trong thâm tâm tôi vẫn tin rằng dẫu sao họ cũng không thể khổ như ở các tỉnh. Nhưng, mùa dịch năm nay, khi đi xuống tận từng nhà, tôi mới biết rằng, cuộc sống của những cư dân này (đa số là dân ngụ cư) cũng tận cùng không kém. Họ đứt bữa ngay khi mỗi ngày không còn được đi bán vé số, lượm ve chai, làm thuê…

Sau khi nắm vững nơi mình dự tính phát thực sự có đông người nghèo khổ, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương lọc trước cho tôi danh sách những người dân thực sự cần cứu giúp. Đồng thời, phân giúp chúng tôi những hộ nghèo theo từng cụm dân cư, để mỗi tình nguyện viên không mất thì giờ chạy loạn xạ từ Đông sang Tây rồi trở lại.

Do mỗi hộ nghèo ngoài tiền (từ ba trăm ngàn đến hai, ba triệu tuỳ hoàn cảnh), còn được lãnh thêm ít nhất là 10 kg gạo, và một bịch quà lớn gồm: đường, sữa, dầu, nước mắm, nước tương, mì gói, lạp xưởng… mà mỗi TNV phải đến cả chục căn hộ, đường lại nhỏ hẹp, khúc khuỷu… chỉ đi bằng xe máy, nên tất cả gạo và quà, chúng tôi đều gửi tại Uỷ ban phường hoặc văn phòng của hội, ban, sau khi hai bên đều đếm kỹ số lượng và ký biên bản bàn giao. Khi xuống từng hộ thăm hỏi, quan sát để xác định đúng người, đúng hoàn cảnh, chúng tôi trao tiền, đồng thời trao luôn phiếu quà (mà trong đó đã ghi rõ số lượng từng món) và dặn bà con ngày giờ lên lãnh gạo, quà.

Tính đến nay, ba quán cơm Nụ cười 1; 2 và 6 đã phát (từ 1/4 đến 6/5/2020) gần 84 ngàn suất ăn; hỗ trợ tiền, gạo tận nhà cho 714 hộ với trên 10 tấn gạo; 1.093 phần quà và trên 300 triệu đồng. Tất cả chứng từ, gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại (nếu có), hoàn cảnh của người nhận đều được lập danh sách để quỹ từ thiện Bông Sen, hoặc công ty kiểm toán quốc tế Ersnt & Young có thể kiểm chứng bất kỳ.

Có bao giờ bạn mất ngủ hay bứt rứt cả mấy ngày khi thấy một vài người nghèo khổ nào đó rất thương tâm, bạn rất muốn chia sẻ nhưng không đủ tiền không? Lúc đó hẳn nhiều người đã ao ước giá mình trúng vé số. Và TRONG MÙA DỊCH NÀY, CHÚNG TÔI CŨNG TRÚNG SỐ. Thật không gì hạnh phúc bằng khi mình muốn cho mà có tiền để cho. Đằng này chúng tôi có phước duyên hơn khi được CÁC THIÊN THẦN MANG TIỀN, VẬT PHẨM ĐẾN ĐỂ MÌNH MANG ĐI CHO.

Những cơn mưa lòng vàng này đã tưới kịp lúc cho những cuộc sống khô hạn. Những giọt nước mắt, những nụ cười méo mó trên từng khuôn mặt đen sạm, khô cằn, những bàn tay nhăn nheo, gân guốc nắm chặt, run run nói lời cảm ơn vì đã đến với họ kịp lúc. TẤT CẢ PHƯỚC ĐỨC NÀY CHÚNG TÔI TRÂN TRỌNG XIN CHUYỂN HẾT ĐẾN CÁC NHÀ HẢO TÂM ĐÃ ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC QUÁN CƠM NỤ CƯỜI KHÔNG CHỈ TRONG MÙA DỊCH MÀ CÒN TRONG NHIỀU NĂM QUA.

____

Một số hình ảnh và chú thích của tác giả Châu Thị Phan:

Bị tai nạn giao thông, nằm bệnh viện suốt mấy năm. Xuất viện một tháng chàng trai thợ hồ này, đi bán vé số chưa được một tháng thì gặp đại dịch Vũ Hán, đành nằm nhà để anh rể nuôi
Bếp vừa là chỗ ngủ, học của một cô bé phụ cha mẹ bán vé số
Phát cơm trong thời gian Sài Gòn bị phong thành
Đường vào “ nhà “ của các hộ sống trên ghe
Cầu tỏm của 19 hộ nơi xóm bọc

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây