Sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đặt “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ)

Trương Nhân Tuấn

22-6-2020

Sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ đặt “Vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trong vùng biển Hoa Nam (South China Sea), tức Biển Đông theo cách gọi của VN. Điều ta chưa biết là không gian ADIZ vùng biển Hoa Nam của TQ sẽ mở rộng từ đâu đến đâu và khi nào thì họ công bố?

Nếu có theo dõi “Cuộc chiến công hàm“, bắt đầu từ lúc Mã lai công bố Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng Biển Bắc của nước này lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ (CLCS) vào tháng 12 năm 2019. Ta nhận thấy rằng các quốc gia Mã lai, Phi, Indonesia, VN và Mỹ cùng đứng chung một “chiến tuyến” chống lại các yêu sách “quá lố” về lãnh thổ và hải phận của TQ.

Tòa CPA xử vụ Phi kiện TQ, thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, phán quyết ngày 12-7-2016 đươc các bên tận dụng các lý lẽ (jurisprudences) để “tấn công” vào các yêu sách phi lý của TQ.

Phán quyết CPA 12-7-2016 trong chừng mực trở thành “pháo đài” để các bên “chung vai” chống lại mưu đồ mở rộng vùng ADIZ của TQ.

Các quốc gia (nói trên) đều có lợi ích ở Biển Đông. Mỹ có lợi ích là “quyền tự do hàng không và hải hành” trên Biển Đông. Mỹ còn là một “đại cường hải quân và không quân”, từ lâu khẳng định vị thế “chiến lược” của họ ở Châu Á, thông qua các hiệp ước an ninh hỗ tương với Nhật, Nam Hàn, Phi (và Đài Loan qua Taiwan Relations Act). Mỹ không thể (hay khó có thể) chấp nhận để TQ kiểm soát toàn bộ hải lộ Biển Đông cũng như vùng không gian phía trên Biển Đông.

TQ thành công áp đặt vùng ADIZ trên toàn Biển Đông (theo bản đồ chữ U) đồng nghĩa với việc Mỹ phải rút bỏ Châu Á (và VN mất toàn bộ các đảo TS).

Việt Nam, Phi, Mã lai và Indonesia có lợi ích lớn lao (về kinh tế) là vùng biển EEZ và thềm lục địa, theo qui định của của các điều ước trong UNCLOS. TQ áp đặt vùng ADIZ có nghĩa các quốc gia này mất từ 50% đến 80% vùng biển “kinh tế độc quyền” 200 hải lý và “thềm lục địa” (lên tới 350 hải lý) của quốc gia mình (trong Biển Đông).

Theo nhận xét của tôi, hành vi các quốc gia VN, Mã lai, Phi, Indonesia và Mỹ cùng đứng một bên ở diễn đàn Ủy ban Thềm lục địa mở rộng, có thể nhằm chuẩn bị cho một động tác pháp lý chung trong tương lai gần, gọi là “actio popularis”.

Các bên (có lợi ích chung) có chung một lập luận: Tôn trọng phán quyết CPA 12-7-2016 và nhìn nhận Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) là dụng cụ pháp lý duy nhứt áp dụng nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Các bên đồng thuận Phán quyết PCA 12-7-2016 đã trở thành một thứ “luật” trong khu vực biển Đông, có hiệu quả bắt buộc, chung cho tất cả các quốc gia chung quanh Biển Đông cũng như các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông. Thứ “luật bắt buộc cho tất cả” đó gọi là “erga omnes”.

Vấn đề là làm thế nào để đưa TQ vào ảnh hưởng “erga omnes” và buộc họ phải tôn trọng?

Với sự tham gia của Mỹ, Tòa Công lý quốc tế có thể là nơi giải quyết một vấn đề tương tự. Ngoài VN, các bên Mỹ, Mã lai, Phi và Indonesia đều đã từng ký nhận thẩm quyền của ICJ. Tòa có thể vịn vào điều 53 Công ước Vienne 1969 Luật về các công ước để phán rằng vùng ADIZ của TQ đã vi phạm các tiêu chuẩn bắt buộc của Luật quốc tế. Ở đây là vi phạm UNCLOS 1982 (và Phán quyết 12-7-2016).

Vụ phân xử này sẽ khác với các vụ tương tự (tuyên bố erga omnes) trong quá khứ. Tòa không thể nại “Tòa chỉ có phận sự phân xử, dựa trên luật lệ và tập quán quốc tế hiện hành. Tòa không phải là cơ quan lập pháp để ra một “luật”, có hiệu lực bắt buộc (erga pmnes) cho tất cả”.

Bởi vì bản thân phán quyết PCA 12-7-2016 vốn là việc “giải thích” hướng dẫn “cách áp dụng Luật Biển” ở Biển Đông. Tự nó cũng là luật rồi. Điều này tôi cũng nói nhiều lần.

Vì vậy viễn ảnh TQ tuyên bố vùng ADIZ toàn bộ Biển Đông (theo bản đồ chữ U) sẽ là “lâu lắm” vì “khó lắm”. Nhưng TQ có thể tuyên bố vùng ADIZ trong biển Đông, giới hạn từ 13° trở về phía Bắc. Trường hợp này VN “đứng một mình” chống TQ.

VN không có cách nào phản biện được TQ. Đến nay, trong “cuộc chiến công hàm”, VN đã “im tiếng súng” trước sự tấn công của TQ, thông qua “vũ khí” là “công thư” 1958 của Phạm Văn Đồng.

Việt Nam, như thông lệ, đã “im lặng” trước bằng chứng này của TQ.

Đặt trường hợp Biển Đông chỉ quan hệ tới hai quốc gia là VN và TQ (như Vịnh Bắc Việt). Thì TQ đã áp đặt từ tám hoánh vùng ADIZ. Ông Đồng đã nhìn nhận HS và TS thuộc TQ thì bây giờ lý lẽ nào để phản biện lại?

Khí giới để bảo vệ VN hôm nay, (nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần) là phải “kế thừa di sản của VNCH.

“Actio personalis moritur cum persona”. Hành vi của người chết cũng “chết” theo người. Nếu không làm thủ tục “kế thừa” VNCH, VN hôm nay không thể dựa Hòa ước San Francisco 1951 hay các hành vi khác của VNCH để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đơn thuần vì (nếu không có thừa kế), các hành vi này không còn “hiệu lực” nữa.

Bình Luận từ Facebook