Phán quyết 17 vụ Hồ Duy Hải: Chỉ dựa vào lời khai, không làm rõ các điểm mù, chứng cứ gỡ tội

Nguyễn Đức

21-6-2020

Trở lại trách nhiệm 17 vị thẩm phán tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải. Theo tôi, phán quyết 17 nhắc đến cụm từ: “Vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” là một cụm từ hoàn toàn sai về pháp luật, logic vụ án. Quan niệm này gây hậu quả pháp lý lâu dài, tạo “tiền lệ nguy hiểm”. Bởi lẽ, SỰ THẬT VỤ ÁN mới là điều công luận, các đại biểu quốc hội, các chuyên gia quan tâm chứ không phải là BẢN CHẤT VỤ ÁN.

Trách nhiệm Tòa án là kiểm tra sự thật thông qua tranh tụng mà không phải tự mình đi tìm sự thật thông qua xét hỏi và đưa ra phán quyết cuối cùng về một người nào đó có tội hay vô tội.

Tòa án phải làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ án (cả tình tiết buộc tội và gỡ tội) nhưng không phải để buộc tội hoặc gỡ tội đối với bị cáo mà nhằm mục đích xác định sự thật khách quan của vụ án, để có quyết định đúng đắn về vụ án, tức là để thực hiện chức năng xét xử. 17 vị lẽ nào quên chức năng XÁC ĐỊNH SỰ THẬT KHÁCH QUAN CỦA VỤ ÁN?!

Trong vụ án Hồ Duy Hải, chánh án tối cao viện dẫn 25 lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải mà bỏ quên các lời khai, kêu oan, đơn kêu oan: DẠ THƯA BỊ CÁO KHÔNG GIẾT NGƯỜI. Đây là một sai lầm, vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm làm rõ SỰ THẬT VỤ ÁN.

17 VỊ “QUÊN” GỠ TỘI, SUY ĐOÁN VÔ TỘI

Hoạt động chứng minh là hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật vụ án nên phải đảm bảo chứng cứ đã thu thập có đầy đủ thuộc tính để chứng cứ có giá trị chứng minh cao nhất làm căn cứ cho những nhận định, kết luận hoặc quyết định buộc tội, kết tội hoặc không buộc tội, không kết tội.

Hoạt động này sẽ thật sự có ý nghĩa khi nó bảo đảm được các quyền tố tụng của người bị buộc tội và các chủ thể tham gia tố tụng khác, cụ thể như bảo đảm quyền chứng minh vô tội, quyền không tự buộc tội của bị can, bị cáo, quyền bào chữa, tranh tụng của họ. Sự phản bác, phản biện sự buộc tội chính là yếu tố hạn chế sai lầm, không làm oan người vô tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội; đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho chủ thể buộc tội trong hoạt động buộc tội.

Trong tố tụng hình sự, buộc tội được hiểu như là một loại quyền năng hoặc được hiểu như là một chức năng tố tụng-đó là chức năng buộc tội hoặc được hiểu như là đối tượng chứng minh tội phạm hoặc được coi là “giả thuyết buộc tội”. Thực hiện quyền con người trong thực tế bao gồm cả việc bảo đảm và bảo vệ nên Nhà nước thiết lập nên cơ chế quốc gia để bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

Nguyên tắc suy đoán vô tội để chứng minh một chủ thể nào đó có tội phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định và phải có Bản án kết tội của Tòa án (có hiệu lực pháp luật). Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong

việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ (Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc và Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966 đều có quy định).

Bảo đảm quyền được suy đoán vô tội có nghĩa là: Người bị buộc tội phải được coi là vô tội cho tới khi tội và lỗi của họ được chứng minh theo trình tự luđịnh, phù hợp với nguyên tắc “Lỗi không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”. Yêu cầu về chứng minh tội và lỗi của bị can, bị cáo bị buộc.

NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI KHÔNG BUỘC PHẢI CHỨNG MINH MÌNH VÔ TỘI

Trách nhiệm chứng minh được quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Nguyên tắc này đặt ra trách nhiệm chứng minh buộc tội cho cơ quan buộc tội, chủ thể buộc tội. Để bảo đảm cho yêu cầu này, tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta đã đã đặt ra nguyên tắc nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người hoặc các hình thức trái pháp luật khác trong quá trình thu thập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội có nghĩa là: Người bị buộc tội luôn được quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, được quyền đưa ra chứng cứ chứng minh sự vô tội của mình hoặc không tự buộc tội chính mình (còn gọi là “quyền im lặng”) phù hợp với Công ước quốc tế năm 1966: “…không bị buộc đưa ra lời khai chống lại mình, không bị buộc phải nhận là mình có tội” (khoản 3 Điều 14 Công ước).

Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa, chứng minh bị cáo có tội. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác nêu ra, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

Tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội” và nộidung này cũng phù hợp với nguyên tắc “suy đoán về tính hợp pháp của hành vi”.

PHÁN QUYẾT 17 ĐÃ KHÔNG THUYẾT PHỤC ĐÔNG ĐẢO CÔNG LUẬN, CHUYÊN GIA… SO VỚI CÁC CĂN CỨ KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM, Ý KIẾN CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP QUỐC HỘI.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đảng lãnh đạo toàn diện, do đó đảng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự lãnh đạo toàn diện đó. Vụ án Hồ Duy Hải dư luận quan tâm không phải chỉ riêng cá nhân HDH, vụ án này, xuyên suốt từ cấp sơ thẩm đến giám đốc thẩm bộc lộ nhiều sai trái, không phải do chủ quan hay sơ suất, mà là rất chủ dộng, ngoài ra nó còn liên quan đến người đứng đầu ngành tòa án trong suốt quá trình đó. Tóm lại, vụ án này phản ánh sự thối nát, xấu xa, hiểm độc của một lĩnh vực trong đời sống xã hội mà đảng trực tiếp lãnh đạo, chúng ta chờ xem đảng sẽ xử lý như thế nào.

  2. Chỉ một việc chủ tọa phiên tòa là người đã từng làm việc trong 2 phiên xử trước giám đốc thẩm đã là vi phạm luật thì bản án ông ta tuyên là vô giá trị!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây