Cạm Bẫy Mê Hồn 

Lê Minh Nguyên

19-6-2020

Người viết chưa từng sống trong chế độ CSVN, nhưng nhờ sớm tham gia chỉnh trị khi còn học ở trường Trung học Chu Văn An nên học hỏi được nhiều về cộng sản, từ những người trực tiếp chiến đấu với CS như GS Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy, Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, Minh Nhật Trương Dụng Khả (chú Đảng Trưởng ĐVQDĐ Trương Tử Anh), Quang Thanh Nguyễn Văn Tại (bạn chiến đấu với Đức Huỳnh Phú Sổ)…

Còn nhớ trước 1975, anh Nguyễn Ngọc Tân (em bà Bảy Vân vợ ông Lê Duẩn) thường đả kích Kim Cương là CS nằm vùng, chuyên đóng vai con ở trong các vở kịch ở Saigon để kích động đấu tranh giai cấp, sau 1975 dân gian có câu “Con ở trong Nam ra thăm Bác” khi Kim Cương đi ra Hà Nội để ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Anh đại tá Trần Văn Tự, một đảng viên kỳ cựu của Đảng Tân Đại Việt đã đi tu và nay là thượng tọa Thích Không Chiếu, trước 1975 anh là tỉnh trưởng Ninh Thuận, quê hương TT Thiệu. Anh Tự kể chuyện tại sao anh làm tỉnh trưởng: Ninh Thuận mất an ninh vì có quá nhiều CS nằm vùng, các tỉnh trưởng trước đó không diệt được. Ông Nguyễn Văn Kiểu, anh TT Thiệu và là một trong các sáng lập viên của Đảng Tân Đại Việt hỏi anh Tự có trị được không? Anh Tự nói để anh thử, thế là anh được bổ nhiệm về làm tỉnh trưởng Ninh Thuận. Anh chọn giải pháp chính trị thay vì giải pháp quân sự, dùng những biện pháp chinh phục lòng dân, tách dần Việt Cộng ra khỏi dân, sau đó Ninh Thuận được ổn định.

Anh Nguyễn Văn Tại từng ở tù Côn Đảo chung với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ (Pháp giam) nên biết rõ CS, khi về anh lập chiến khu, giao lưu với Đức Huỳnh Phú Sổ. Anh kể rằng, trước khi Đức HPS đi họp với CS, ngài có ghé gặp anh, anh can gián hết lời, bảo Thầy không nên đi, Thầy đi nó giết Thầy. Và CS đã giết Đức Huỳnh Phú Sổ.

Đa số những bậc đàn anh này đều có nhận xét rằng CS họ dở rất nhiều điều nhưng có một điều họ giỏi hơn phía Việt Nam Cộng Hoà là chính trị. Ở các vị trí lãnh đạo chính trị trọng yếu, VNCH dành cho nhà binh, tức những người giỏi nơi chiến tuyến. Trong khi đó CS dùng chính trị từ đầu não Hà Nội cho đến chiến trường Miền Nam qua hệ thống chính uỷ.

Khởi đầu, CSVN chưa dùng chính quy mà dùng du kích chiến, nhất là thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Mà du kích chiến là phải ẩn trong dân, cho nên quân đội VNCH rất khó tiêu diệt vì không thể giết lầm dân chúng. Hai lực lượng có thể giữ dân hữu hiệu nhất để đương đầu với CS là tôn giáo và đảng phái. Tiếc thay, dưới thời Đệ I VNCH đảng phái bị cấm hoạt động, còn tôn giáo thì khó tập trung để chống du kích do có quá nhiều va chạm giữa họ với nhau.

Thời Đệ II VNCH thì tôn giáo và đảng phái được hoạt động tự do hơn và chống Cộng hữu hiệu hơn, nhưng đã quá chậm và quá trễ vì CSVN đã bắt đầu dùng chính quy, mang nhiều sư đoàn từ Bắc vào Nam, có những lúc lên đến 16 sư đoàn.

Khi Tổng thống Nixon và Kissinger lôi kéo được Trung Cộng rời Liên Xô, nghiêng về với Hoa Kỳ thì nhu cầu Miền Nam là tiền đồn không còn cần thiết nữa, Hoa Kỳ rút quân.

Thời Đệ I VNCH Mỹ muốn vào Miền Nam, TT Diệm không chịu nhưng rồi họ vẫn vào, thời Đệ II VNCH Mỹ muốn đi, TT Thiệu không muốn nhưng rồi họ vẫn ra đi. Họ bẻ tay TT Thiệu để ký Hiệp Định Paris, TT Thiệu không chịu vì hiệp định này cho phép CS duy trì đại quân ở Miền Nam. Nhưng trước sức ép của Mỹ, TT Thiệu không cưỡng lại nổi.

Ngày nay, qua tài liệu được giải mã, chúng ta biết thêm rằng, Mỹ yêu cầu CSVN không được chiếm miền Nam trong một năm sau khi ký kết, nghĩa là CS có thể làm thịt Miền Nam sau một năm và Mỹ sẽ không can thiệp. Hiệp Định được ký ngày 27/1/1973 và CSVN cưỡng chiếm Miền Nam hơn 2 năm sau, ngày 30/4/1975.

Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam, họ tàn phá đất nước hơn 10 năm, từ 1975-1986, thời gian “cột điện muốn vượt biên” mà Nguyễn Xuân Phúc nhắc hôm 8/6/20. Nguyễn Văn Linh đổi mới chưa được 5 năm thì Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Hoảng hồn, họ đi bẳng đầu gối qua Thành Đô gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng (từ ngày 3 đến 4/9/1990) xin làm chư hầu, dẹp đổi mới, du nhập các chính sách đàn áp của TQ.

Nhận thấy chủ nghĩa CS không còn ai tin nữa, không thu phục được nhân tâm, nhưng không bỏ được, vì bỏ thì mất tính chính danh để nắm quyền và phải trả quyền lại cho dân. Họ giữ chủ nghĩa nhưng trang sức nó với ngọn cờ ái quốc. Họ đã giựt ngọn cờ ái quốc dễ dàng từ các nhà tranh đấu dân chủ giương cờ ái quốc ở trong nước.

Thực tế là CS đã tổ chức truy điệu cho những tử sĩ của chiến tranh biên giới 17/2/1979, cùng lúc họ cô lập, canh nhà những người tranh đấu.

Cộng sản chỉ đạo biểu tình bạo động chống tàu Hải Dương Địa Chất 981 ngày 15/5/2014 chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi nhiều ngàn người dân và các nhà tranh đấu biểu tình ôn hoà trước đó (10-11/5).

Những năm gần đây họ đốt pháo nổ để chống TQ mỗi khi TQ đâm thuyền ngư dân hay xâm phạm lãnh hải, không ngậm tăm im lặng như xưa nên sự căm tức TQ của người dân phần nào cũng được xoa dịu.

Bây giờ họ treo lơ lửng củ cà rốt kiện TQ ra toà án quốc tế để thu phục nhân tâm trong-ngoài nước, yêu nước có nghĩa là đoàn kết với họ để kiện TQ.

Kiện về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thì VNCH mới có tư cách mạnh để thắng, chứ CSVN kiện thì, TQ với công hàm Phạm Văn Đồng và những tài liệu bán nước khác nữa thời chiến tranh để đổi lấy viện trợ vũ khí thì cơ hội mất trắng càng cao. Tiền lệ là các nước lớn dễ thắng kiện hơn, cho nên nếu toà phán chủ quyền thuộc về TQ thì VN mất trắng và dân nổi loạn thì sao? Còn kiện như Philippines đã làm thì tòa không phán về chủ quyền mà về vùng nước, và đã phán rồi.

Cho nên con đường kiện về chủ quyền thì nghìn trùng xa cách, trừ khi xây dựng lại VNCH. Nhưng nó là mật ngọt, là củ cà rốt, là cạm bẫy mê hồn cho chính sách đại đoàn kết của họ, lôi kéo quần chúng trong-ngoài ủng hộ chế độ cùng đứng sau họ dưới ngọn cờ ái quốc. Bình luận được viết, chữ ký được khuyến khích, tinh thần ái quốc được kích động tràn dâng, Đảng CS mĩm cười vì cái bẫy ái quốc quá thành công, chế độ được ủng hộ, dân chủ bị thụt lùi!

Ái quốc thì con dân Việt Nam nào cũng ái quốc, nhưng nếu chúng ta ái quốc dưới ngọn cờ dân chủ thì chúng ta dễ thoát Trung hơn, dễ bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ hơn. Do đó muốn thoát Trung phải dân chủ hoá VN, muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phải dân chủ hoá VN.

Cái bẫy thứ hai không kém mê hồn là bẫy “cuồng Trump” do các dư luận viên CS lập ra ở trong nước. Ở đây cần phân biệt với những công dân Mỹ ủng hộ TT Trump, việc này rất bình thường không có gì sai trái trong nền dân chủ lưỡng đảng của Hoa Kỳ, người viết quý trọng những người này và bài viết hoàn toàn không nhằm vào họ.

Bài viết nhằm vào các sư đoàn dư luận viên đang thò những bàn tay lông lá phá thối hải ngoại, nhất là ở Mỹ. Những DLV này lập ra cả chục trang web thông tin có trụ sở ở Saigon hay Hà Nội để nhiễu loạn thống tin, lấy một tin thật trộn vào năm ba tin giả để gây chia rẽ hải ngoại, loan những tin giả gây hoang mang lo sợ, thí dụ như mẹ con người làm nail bị bốn người Mỹ đen hãm hiếp cướp của, ghép hình hung thủ là những người đã chết từ lâu. Các trang như:

– Vietstar News (vietstarusa.com), quận 3, Tp HCM

– Tạp Chí Người Việt (tapchinguoiviet.com), quận 1, Tp HCM, trang này hình như đã đóng.

– Hải Ngoại News (newsvitality.com), Hà Nội

– Và nhiều trang khác.

Ở Mỹ việc ủng hộ một chính trị gia nào hay một đảng nào là chuyện bình thường, nhưng việc CS luôn luôn tìm cách phân hoá hải ngoại là một việc có thật và họ coi đây là chiến trường của họ. Từ Nghị quyết 36 năm 2004 cho đến Nghị quyết 35 năm 2019 mà mục tiêu là thu phục, phân hoá hải ngoại. Hải ngoại bị phân hoá thì lo đánh nhau, không đánh CS, nên dù CS có yếu thì cũng không lo bị ai xô ngã.

Hai mê hồn trận ái quốc-cuồng Trump này của CS đánh vào những nút tình cảm của con người và đã chứng tỏ là rất hữu hiệu trong thời gian qua để thu phục và chia rẽ hải ngoại. CS vừa làm suy yếu sức mạnh hải ngoại vừa di chuyển mục tiêu đấu tranh qua TQ thay vì vào họ. Chúng ta không thể một mũi tên bắn hai hồng tâm cùng một lúc mà phải bắn từ hồng tâm một, và hồng tâm cần bắn trước là thay đổi chế độ CSVN qua chế độ dân chủ pháp trị.

Chế độ Dân Chủ Pháp Trị mới huy động được nội và ngoại lực để đủ sức thoát Trung và vận động được một quy chế Trung Lập Pháp Lý vĩnh viễn cho Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết này chưa thuyết phục được người đọc vì chỉ tản mạn các vấn đề xưa và nay, từ nghệ Sĩ Kim Cương, chuyện Đức Thầy bị sát hại, Nguyễn Ngọc Huy, cho đến Henry Kissinger, Richard Nixon, rồi đến Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi chuyện một chút. Tất cả giai thoại này không theo một bố cục hay một nội dung nào. Độc giả không thể theo dõi cuối cùng là tác giả muốn đặt các vấn đề gỉ cho bài. Dư luận viên và Dân chủ hoá cho Việt Nam? Tác giả cần trình bày vấn đề này lại một lần nửa trong một bố cục chặt chẽ và nội dung toàn diện. Các luận điểm cho trào lưu dân chủ hoá tại Việt Nam cần thảo luận là
    Tại sao phải dân chũ hoá?
    Trào lưư đang lên hay suy tàn khi các nước phương Tây đang lâm nguy?
    Tự do kinh tế hay đổi mới chính trị là ưu tiên?
    Ai muốn dân chủ hoá? Chính quyền? Dân chúng trong nước hay hải ngoại?
    Bằng cách nào trong khi giáo dục đang suy tàn và dân chúng không có kinh nghiệm?
    Là một chính khách cho một chính đảng hải ngoại, tác giả có kinh nghiệm gì cần chia sẻ trong tiến trình này, nhất là định hình cho dân chủ hoá trong thời hậu COVID-19.
    Đó là các luận điểm nghiêm túc cần thảo luận hơn là kể chuyện đời xưa không liên quan gì đến hiện tinh. Trân trọng

Comments are closed.