Chuyện về Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản (Kỳ 2)

Nguyễn Thông

18-6-2020

Tiếp theo Kỳ 1

Người cộng sản là những họa sĩ tài ba. Họ rất giỏi vẽ những bức tranh tưởng tượng lãng mạn đầy màu sắc sặc sỡ, rực rỡ, thoát ly hẳn hiện thực. Họ coi lãng mạn là phẩm chất không thể thiếu trong tư duy của người làm cách mạng.

Tuy nhiên, phải là lãng mạn cách mạng. Ngay trong văn học, hồi những năm 50 – 70 ở miền Bắc, thậm chí tới tận bây giờ, họ chia văn chương ra thành từng dòng: cách mạng, hiện thực, lãng mạn. Nếu chỉ lãng mạn thì họ ghét cay ghét đắng, gọi đó là thứ sản phẩm đồi trụy, không tưởng, sướt mướt… của đầu óc tiểu tư sản. Những Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… dù hay cũng bị vứt vào sọt rác. Với họ, lãng mạn cách mạng mới đúng đường lối, mới hợp quy luật phát triển xã hội, kiểu như “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không”, “Ngày mai bao lớp đời dơ/Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay”, “Này này đế quốc biết hay chăng/Ngươi đã già nua ta trẻ măng”, v.v..

Họ cứ say sưa như thế, véo von ca hát. Tới khi cuộc sống đã nằm trong tay họ, suốt bao nhiêu năm xây dựng, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là những thứ bánh vẽ, xa vời, huyền hoặc. Trong khi đó, nghèo đói bất công vẫn đầy rẫy thì họ lờ hiện thực đi.

Bộ máy tuyên truyền cộng sản (tuyên giáo, sách vở, văn học, báo chí, tivi) là nơi thể hiện sự lãng mạn lừa dối, kiêu ngạo ảo tưởng rõ nhất. Quanh năm suốt tháng, đặc biệt vào các dịp lễ tết, băng rôn khẩu hiệu tung hô đỏ rực rợp đường, từ thành thị tới nông thôn, để mừng đảng mừng xuân hoặc tụng ca muôn năm này nọ. Số tiền chi cho việc này cực lớn. Nói không ngoa, những nước xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa là những siêu cường về khẩu hiệu tự tán tụng mình. Các chế độ, nhà nước phong kiến ngày xưa chuyên về “vạn tuế” phải gọi họ bằng cụ.

Sự sùng bái cá nhân của người cộng sản dường như một phần được hình thành từ sự kiêu ngạo. Với họ, cứ là lãnh tụ thì sẽ là thần thánh, là đỉnh cao chói lọi, sáng như vầng thái dương, đẹp hơn cả mùa xuân. Mỗi lời nói của lãnh tụ chả khác gì châu ngọc, gấm thêu. Mỗi điều viết ra đều là trước tác. Những Lênin, Mao Trạch Đông, Stalin, Kim Nhật Thành, Castro, Ceaucescu, và cả cụ Hồ (mà họ tô vẽ chứ bản thân cụ không hẳn thế), đều được ca tụng cực kỳ mẫu mực, đẹp đẽ.

Cuộc sống xã hội chủ nghĩa đã đẹp như thiên đường, chốn thần tiên thì lãnh tụ cộng sản cũng phải đấng bậc thần thánh. Còn hơn cả phật, cả chúa. Không ai được động vào thần tượng. Nói đâu xa, ngay cỡ lãnh tụ tầm vừa vừa ở xứ ta, như các vị Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh…, tới dịp kỷ niệm ngày sinh ngày mất cứ ồn ào như hội, đó là chưa kể xây dựng đủ thứ nhà tưởng niệm nọ kia khiến thiên hạ cảm tưởng đó là thánh chứ không phải người.

Miền Bắc năm 1967, tức đã trải qua 13 năm khi bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những em bé trong ảnh chính là tuổi thơ tôi. Ảnh: Lee Lookwood

Tự xưng là lực lượng tiến bộ nhất của xã hội loài người, có tư duy khoa học, nhìn nhận sáng suốt, suy nghĩ biện chứng… nên họ rất tự đắc. Chắc nhiều người còn nhớ, sau cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn 20 năm, người cộng sản giành phần thắng, bên thắng cuộc. Thắng nên càng sinh kiêu ngạo. Sau ngày 30.4.1975 rất phổ biến tâm lý “từ nay đất nước ta hoàn toàn sạch bóng quân thù, vĩnh viễn độc lập tự do”, “đất nước ta đã thu về một mối, vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của đế quốc thực dân”.

Những câu trên tôi trích trong Lời giới thiệu cuốn “Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội” của Nhà xuất bản Sự Thật (nhà xuất bản riêng của đảng), xuất bản tháng 8.1975 (tôi đang có cuốn sách này). Và không chỉ trong sách, chính Tổng bí thư Lê Duẩn cũng từng rất hào hứng khẳng định trong diễn văn tại lễ kỷ niệm quốc khánh 2.9.1975 rằng kể từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù, thênh thang con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự mừng rỡ say chiến thắng thái quá cùng sự kiêu ngạo, mê muội về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đã làm họ không thấy những tai họa cận kề đang rình rập, năm này qua năm khác, kéo dài mãi tận bây giờ sau gần nửa thế kỷ.

Nhưng có thể châm chước cho những suy nghĩ như thế khi ở vào thời điểm núi lửa lịch sử phun trào dung nham quá nóng quá mạnh, chứ mãi về sau gần nửa thế kỷ, khi đất nước đang loay hoay xóa đói giảm nghèo, lo tụt hậu, ở khoảng cách rất xa so với những nước trước kia cùng xuất phát điểm với mình, tham nhũng tràn lan, đạo đức xuống cấp, văn hóa lộn xộn, dân chủ bị co hẹp, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt… thế mà người đứng đầu đảng cộng sản, đứng đầu thể chế xã hội chủ nghĩa vẫn sung sướng tự hào “từ xưa đến nay, đất nước có bao giờ được thế này chăng”, “Dân chủ đến thế là cùng”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”…

Đó là cái nhìn, cách nghĩ của anh binh nhì tập đội hình dậm chân tại chỗ chứ không phải của người đang làm chủ cuộc sống, chứ chưa nói gì lãnh đạo xã hội, đất nước, dân tộc, nhân dân.

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trích: “người đứng đầu đảng cộng sản, đứng đầu thể chế xã hội chủ nghĩa vẫn sung sướng tự hào “từ xưa đến nay, đất nước có bao giờ được thế này chăng”, “Dân chủ đến thế là cùng”, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”…

    Đó là cái nhìn, cách nghĩ của anh binh nhì tập đội hình dậm chân tại chỗ chứ không phải của người đang làm chủ cuộc sống, chứ chưa nói gì lãnh đạo xã hội, đất nước, dân tộc, nhân dân.“.

    Lũ đĩ bợm Ba Đình thực ra cũng không NGU đến thế. Chúng cũng biết những câu đó là “NGU“. Nhưng “ný nuận” đã bế tắc. Chúng không cố đấm ăn xôi bằng những “ngu xuẩn“, không “ný do” (dù là lý do NGU) để nắm chặt lấy quyền lực.

  2. (mà họ tô vẽ chứ bản thân cụ không hẳn thế) !
    Không rõ tác giả có biết rằng, chính cụ cũng tô vẽ cho cụ trong :” những mẩu chuyện…” không ?

  3. Toàn sự thật, nhưng chỉ là một mớ hiện tượng trong cuộc sống.
    Nói mãi không hết mà chấm dứt thì hẫng

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây