Nghị trường và Tư pháp

Mai Quốc Ấn

17-6-2020

Giữa nghị trường, Chánh án Toà tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn về một sinh mệnh bằng cách đem 25 bản nhận tội của bị cáo ra làm minh chứng. Ông ấy quên khái niệm “trọng chứng hơn trọng cung”- khái niệm cơ bản của quá trình tố tụng, thủ tục cơ bản của nền tư pháp?

Con dao, cái thớt dính máu là vật chứng quan trọng của bất kỳ vụ án nào chứ không phải chỉ vụ án liên quan tử tù Hồ Duy Hải. Mất vật chứng quan trọng bằng hình thức “vứt đi” hoàn toàn không phải “sơ suất”, mà là vi phạm tố tụng.

Như mọi khi, lãnh đạo bị chất vấn là có ngay một Đại biểu Quốc hội thuộc ngành bị chất vấn, đứng ra “cứu chúa”. Những gì tạo nên dư luận bức xúc của nhân dân thành cứ liệu chất vấn của Đại biểu Quốc hội khác bị chụp mũ là “do thế lực thù địch kích động”. Đến mức đại biểu Trương Trọng Nghĩa phải thốt lên rằng đừng đem “thế lực thù địch” ra mãi, như một cách đem bóng ma doạ dẫm người yếu bóng vía.

Sự đê tiện được đẩy lên đỉnh cao khi kẻ giả người cho rằng, chỉ vài vụ (oan sai) lẻ tẻ mà đánh giá nền tư pháp xuống cấp là không đúng. Nói như vậy như những sinh mệnh Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long và bao nhiêu nạn nhân oan sai khác (may mắn) được minh oan, xin lỗi há chẳng phải là mạng người ư?

Sinh mạng nào cũng quý!

Coi mạng người như cỏ rác chỉ có thể là loại giả người, sẵn sàng không chỉ bòn rút ngân sách, tham chiếm tài nguyên hay thậm chí cưỡng đoạt sinh mạng con người, để chiếm đoạt quyền lực hay củng cố quyền lực và thoả mãn cái tôi quyền lực.

Đất nước mình có một khái niệm: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất!” Đã “cao nhất” thì Quốc hội-lập pháp, không có sự phân lập trong tam quyền, cùng với hành pháp và tư pháp. Vậy thì chí ít tại nghị trường có truyền hình trực tiếp, cũng đừng nên diễn ra cảnh người cùng ngành bảo vệ nhau. Làm thế là phủ nhận tính chính danh của khái niệm “Đại biểu Quốc hội”.

Việc nước không lo, chỉ chăm chăm lợi ích ngành mình thì nên về làm “đại biểu ngành”, để vị trí ấy cho người vì dân, vì nước.

Mà cũng cần nhắc lại điều rất cũ, hễ cứ ngành nào xài ngân sách thì cũng là hoạt động từ thuế dân. Xài thuế dân mà không nghĩ cho dân thì cần xem lại tính chính danh của khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” lẫn khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Chứ không phải một màn diễn phiếu 17/17 đồng ý chấm dứt một sinh mệnh “thành công tốt đẹp”!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có lẽ đã đến lúc phải lấy nhiều hơn cách làm của các nước pháp quyền tiên tiến và nguyên tắc chuẩn quốc tế để soi rọi vào các vấn đề tranh cãi tư pháp ở Việt nam. Hiện nay sau 34 năm điều tra cảnh sát Thụy Điển mới có thể đóng hồ sơ vụ giết Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme – người cũng khá gần gũi và ủng hộ Việt Nam. Riêng vụ này theo hồ sơ (có thể tra cứu báo tiếng Anh tại gooogle thời điểm hiện nay để kiểm chứng) cho biết có tới hơn 134 người nhận đã giết Ông ta. Nếu theo cách làm của Nguyễn Hòa Bình và nhiều quan chức trọng lời khai thì vụ án như thế có lẽ đã được phá án ngay từ 1986, năm Ông ta bị giết – vì nếu túm được ai nhận tội là lí tưởng, còn nghi vấn ai và nhục hình tàn độc như vụ Nguyễn Văn Chấn … thì có đến „gấu cũng phải nhận là thỏ“ trong chuyện tiếu lâm hiện đại về năng lực phá án nhanh của công an Việt nam – hay như lời ông Nguyễn Văn A, tra tấn, nhục hình như thế thì có đến bảo nghi phạm, bị cáo mang bom nguyên tử thì nó cũng phải nhận! Tóm lại Việt nam phải tuân thủ những gì mình đã cam kết như tại Điều 14 CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ: „Mục 3 Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: phần g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.“
    Nghĩa là ngay cả khi họ đã nhận tội, mà sau đó rút lại vẫn là quyền của họ và Tòa khi xử phải công nhận điều đó. Còn tất cả những lời thú nhận do bức cung, nhục hình thì là bất hợp pháp nên mọi lời khai đều không có giá trị – và đó là cách làm của Thế giới văn minh hiện nay!

Comments are closed.