10-6-2020
Hiến pháp Hoa Kỳ mở đầu bằng một câu bất hủ “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Ghi chú: Mọi người!
Năm 1787, “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, vậy mà gần 100 năm sau, chế độ nô lệ mới kết thúc sau cuộc nội chiến. Hiến pháp là một chuyện, thực tế là một chuyện.
Năm 1787, “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, vậy mà đến đầu thế kỷ 20 (mới hơn 100 năm nay thôi), phụ nữ Hoa Kỳ mới giành được quyền đi bầu. Hiến pháp là một chuyện, thực tế là một chuyện.
Năm 1787, “mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, vậy mà đến thập niên 1960, người Mỹ da đen mới giành được quyền đi xe bus, ăn chung các quán ăn với người da trắng. Hiến pháp là một chuyện, thực tế là một chuyện.
Không có bản Hiến pháp đó, thì không biết khi nào người da đen hay phụ nữ (nói chung nhóm người yếu thế) mới giành được các quyền nói trên. Nhưng nếu không có các hoạt động đấu tranh, thậm chí chiến tranh, thì bản Hiến pháp vẫn chỉ là tờ giấy.
Nước Mỹ là sự đấu tranh không ngừng nghỉ của người thế yếu (phụ nữ, trẻ em, người bản xứ da đỏ, Phi da đen, người khuyết tật), với sự hỗ trợ, sát cánh của người thế mạnh có lương tri. Sự đấu tranh đó, cộng với bản Hiến pháp, góp phần tạo nên sự vĩ đại của Hoa Kỳ ngày nay.
Tại sao ở Mỹ, người ta xếp phụ nữ trên đàn ông? Vì phụ nữ yếu hơn, bị kỳ thị hơn, cần được bảo vệ hơn. Thật ngạc nhiên khi nghe phụ nữ bị kỳ thị phải không? Giờ ta dành chút thời gian nói về kỳ thị.
Như trên tôi nói, qua bao đấu tranh, phụ nữ mới giành được quyền bầu cử. Như vậy, bản thân phụ nữ đã bị kỳ thị trước đó. Nhưng không có nghĩa là sau khi giành được quyền bầu cử, phụ nữ hết bị kỳ thị. Sự kỳ thị nằm trong tư tưởng mỗi cá nhân. Đấu tranh chống kỳ thị phụ nữ là nhằm áp chế cái tư tưởng trong mỗi cá nhân, không cho nó có dịp lộ ra.
Đến tận hôm nay, tư tưởng kỳ thị phụ nữ vẫn còn (không muốn tuyển dụng phụ nữ vì tốn chi phí khi cổ sinh con chẳng hạn). Không ai bắt được bạn bỏ cái tư tưởng đó ra khỏi đầu bạn. Nhưng chế độ chính trị văn minh, nhân bản sẽ luật hóa để tư tưởng đó không có chỗ áp dụng. Và thực tế, những kẻ bệnh hoạn kỳ thị phụ nữ vẫn thể hiện qua vài hành động lố bịch.
Tương tự như vậy là chuyện da đen. Nếu bạn nói “luật bảo vệ người da đen đầy đủ rồi, còn kỳ thị da đen gì nữa”, thì bạn nghĩ sao khi Hiến pháp (văn bản “to” nhất) ra đời năm 1787, tuyên bố “mọi người đều có quyền bình đẳng”, mà đến tận giữa thế kỷ 20, người da đen vẫn phải nhường chỗ cho người xe trắng trên xe bus.
Khi nói đến kỳ thị da đen, là nói đến sự kỳ thị trong tư tưởng. Luật là văn bản nhằm áp chế tư tưởng đó, không cho phép nó hiện ra bằng hành động. Và thực tế, những kẻ bệnh hoạn kỳ thị da màu vẫn thể hiện qua vài hành động lố bịch (ví dụ mới nhất là người da trắng nhổ nước bọt cô gái Việt Nam ở Úc).
Trở lại việc Hoa Kỳ xếp phụ nữ trên đàn ông. Họ vừa xếp phụ nữ trên đàn ông, họ vừa canh me xử thằng đàn ông nào có hành vi / lời nói kỳ thị phụ nữ. Cho nên mới có vài thắc mắc “vợ nó đập tao không sao, tao vừa đụng đến nó là pô-lis tới liền”. Sự “vô lý” đó chính là góp phần làm nên sự vĩ đại của Hoa Kỳ.
Cách đây mới 2 tháng thôi, tôi khá bất ngờ khi biết, nếu tôi mở một quán phở bên Mỹ, tôi không được phép ghi bảng thông báo “Không bán cho người da đen”. Thật quái lạ là tiền tôi, quán tôi mà tôi không được quyền bán cho người này, bán cho người kia. Suy nghĩ rất nhiều, cố gắng nghĩ đến tận cùng, tôi mới hiểu đó là sự vô lý cao đẹp. Vì người da đen là nhóm yếu thế trong xã hội, nên được luật pháp bảo vệ chặt hơn. Sự “vô lý” đó chính là góp phần làm nên sự vĩ đại của Hoa Kỳ.
Bạn có biết câu chuyện ca sĩ Madona bị phạt 50.000 USD, trong khi cùng một lỗi đó, người dân bình thường bị phạt có 1000 USD không? Hy vọng hôm nay bạn sẽ hiểu “à, vì cổ là ca sĩ nổi tiếng, cổ ở thế mạnh quá thì phải chịu thiệt hơn người dân kia”. Sự “vô lý” đó chính là góp phần làm nên sự vĩ đại của Hoa Kỳ.
Ai cũng biết đợt biểu tình vừa qua xuất phát từ việc một cảnh sát giết người da đen. Sau khi anh cảnh sát bị xử lý (bạn cũng đừng quên chi tiết anh ta bị bắt rất trễ sau khi gây án), người ta vẫn tiếp tục biểu tình. Với tất cả những gì thuộc về lịch sử, văn hóa Mỹ nói trên, chắc bạn sẽ thấy những câu nói kiểu “Xử lý rồi, tốt rồi, về đi”, “Mấy ông có quyền lợi thua mẹ gì dân da trắng đâu mà biểu tình” là rất ngớ ngẩn phải không?
Các bạn cũng thấy chính trong tư tưởng các bạn, và…cả tôi nữa (huống hồ trong tư tưởng dân da trắng) là kỳ thị người da đen, đúng không? Người ta đang biểu tình để chính quyền Hoa Kỳ (cụ thể là Tổng thống Donald Trump) có hành động gì đó làm người ta tin rằng “tư tưởng kỳ thị sẽ không có cơ hội phát triển thành hành động / lời nói dưới bất kỳ hình thức nào”. Đó không phải là trách nhiệm của Tổng thống, thì của ai?
Tôi thiết nghĩ là những nghịch lý,thay vì “vô lý” !
Rất nhiều sự vật và sự kiện phát triển không phải đột biến mà là dần dần
được cải thiện,làm cho tốt hơn theo kiểu tiệm tiến,từ ngày này qua ngày
khác trong điều kiện không bị áp lực của hoàn cành hay xã hội bên ngoài
tác động hay chi phối.Trái lại,nếu có áp lực từ bên ngoài như từ một cộng
đồng tác động vào thì sự thay đổi sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều.
Tất nhiên,chính nhờ vào cái nền tảng hiến pháp hay pháp luật mà người ta
xây dựng trưóc đó thì mới có đủ điều kiện để phát triển tốt đẹp hơn.
Liên hệ với VN.thì Hiến Pháp VN.mãi mãi là tờ giấy rác khi nhà nước CS.
toàn trị luôn kềm kẹp và đàn áp dân chúng không cho biểu tình đòi hõi
phải thực thi những quyền đã được minh đinh trong Hiến Pháp đó.