Võ Ngọc Ánh
7-6-2020
Ở Việt Nam, mọi việc vẫn do đảng Cộng sản quyết định. Nước Mỹ luôn lắng nghe, sửa chữa trước sức ép của người dân và xã hội để thay đổi tốt hơn.
Nhiều người đang nhìn cái chết của George Floyd với một nước Mỹ còn phân biệt chủng tộc, đầy bạo lực… nhưng thử so sánh với những cái chết không rõ ràng, minh bạch trong đồn công an ở Việt Nam.
Chuyện ở Việt Nam
Những cái chết trong đồn công an ở Việt Nam thường rơi vào quên lãng. Công an kêu tới nhận xác tại đồn, tại bệnh viện cùng những lời giải thích chết do tự tử bằng điện, bằng dây nịt, dây giày, kéo, dao rọc giấy…
Nghe cứ như đồn công an là chỗ người dân rất thích được vào đó tự tử và luôn có sẵn công cụ hỗ trợ. Một lời giải thích nhẹ nhàng hơn, chết do bệnh tật. Dĩ nhiên công an luôn vô can trong hàng loạt cái chết với thông tin đưa ra rất mập mờ, đầy nghi ngờ.
Người chết không thể lên tiếng để nói rõ tại sao mình lìa đời tức tưởi. Thân nhân tự an ủi, “thôi số phận vậy, đành chịu”, nghe giống như thời sơ khai. “Chống lại chính quyền, công an có được gì đâu”, như một sự cam chịu.
Đây là lối suy nghĩ vô cùng phổ biến của thân nhân những người chết trong đồn công an. Cho nên số thân nhân người chết đòi được công lý như nạn nhân Ngô Thanh Kiều, vô cùng ít ỏi.
Khám nghiệm tử thi hay bất kỳ biện pháp hỗ trợ điều tra nào cũng không soi sáng được thêm điều gì để mang lại công lý cho nạn nhân, bởi tất cả chỉ do công an thực hiện, trong một cơ chế hoàn toàn thiếu minh bạch. Việc giám định cái chết trong đồn công an vẫn còn là bí mật. Cả số người chết cũng bí mật, bởi chưa có cơ quan thống kê độc lập và không phải cái chết nào cũng được báo chí đưa tin.
Tuy nhiên người dân có thể vén một phần bí mật đó. Năm 2018, thống kê qua báo chí có ít nhất 11 cái chết do tự tử trong đồn công an. Con số chính thức do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm báo cáo với thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2015, trong khoảng thời gian từ năm 2012 – 2014, có 226 trường hợp chết tại nhà tạm giam, tạm giữ. Theo lời giải thích của ông Lượng, công an vẫn vô can, bởi nạn nhân chết do tự tử, bệnh lý.
Ngay cả cái chết của cụ Lê Đình Kình tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, vào rạng sáng ngày 9/1/2020 do nhà cầm quyền, công an, quân đội thực hiện như một vụ khủng bố. Sự kiện thương tâm này cũng chẳng làm đa số người dân xứ Việt phải bận tâm, phẫn nộ. Cộng sản Việt Nam đã thành công khi biến đa số thờ ơ, nhẫn nhục, để tiếp tục sống trong sợ hãi.
Chỉ khi nào họ vượt qua được sợ hãi, lúc đó người Việt mới có thể nhìn thấy ánh sáng của tự do, dân chủ.
Cũng khó đòi hỏi một xã hội văn minh, khi người dân còn đồng tình với việc, đánh đập dã man, thậm chí giết chết những tay trộm chó, hơn là dùng đến luật pháp để xét xử. Thật khó để trông chờ những con người này thức tỉnh trước nỗi đau, bất công của người khác.
Một xã hội thiếu vắng luật pháp, thì đa số người dân sẽ quay sang ủng hộ luật rừng.
Chuyện ở Mỹ
Đa phần dân Mỹ biết phân biệt đúng, sai, nên họ hành xử theo lương tâm, để không bị nỗi sợ hãi chế ngự, chỉ biết lo cho bản thân mà bỏ qua những giá trị phổ quát như đa số dân Việt.
Vì điều này, cái chết của Georgy Ployd, đâu chỉ những người Mỹ da đen, mà hầu hết các sắc dân khác, trong đó có nhiều người Mỹ trắng cùng nhau xuống đường, cất lên tiếng nói phẫn nộ trước bất công, thiếu tình người. Họ buộc cảnh sát, chính quyền địa phương và những người lãnh đạo đất nước phải chú ý đến sự công bằng, công lý, lẽ phải, hành xử đúng luật…
Những tiếng nói công chính của họ đã tới tai chính quyền các thành phố, các tiểu bang và các vị dân cử địa phương. Họ đã lắng nghe, để cho người dân được lên tiếng nói của mình, qua việc yêu cầu cảnh sát rút đi, ngưng sử dụng hơi cay để giải tán. Điều này hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố, mong đợi của tổng thống đương nhiệm.
Những kẻ cơ hội lợi dụng biểu tình để đập phá, cướp bóc, hôi của sẽ không có đất sống trong một xã hội văn minh, pháp luật được tôn trọng… như Mỹ. Thực tế chuyện bạo lực chỉ có trong những ngày đầu, mà nhiều tờ báo đưa tin là những kẻ cực đoan, trong đó có các nhóm thượng tôn sắc tộc da trắng (white supremacist) và những nhóm cực đoan khác trà trộn vào để đốt phá, hôi của.
Nhà thơ Bảo Phi, một người đang sống gần chỗ anh George Floyd bị giết, cho biết: “Phần lớn là do người ngoài cuộc gây ra: Những kẻ khiêu khích thuộc phong trào cực hữu alt-right có tổ chức”.
Những vụ biểu tình bạo lực sau đó đã giảm, sau khi báo chí và các nhân viên công lực tìm ra những kẻ tổ chức phá hoại đó và truy tố chúng.
Sự kiện George Floyd có thể giúp nước Mỹ trưởng thành hơn, khắc phục được những hạn chế của đất nước này. Lịch sử nước Mỹ đã chứng minh quốc gia này luôn như thế.
Nước Mỹ mạnh không phải vì đồng Đô La, quân đội, vũ khí mà trước tiên ở các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng, trách nhiệm. Đây mới chính là điều làm nên một nước Mỹ được thế giới tin yêu, hướng đến.
Trình độ nghiệp vụ của công an Việt Nam kém nên chúng luôn phải dựa vào lời thú tội của kẻ tình nghi. Đó là lý do vì sao các cuộc điều tra có kết quả rất nhanh chóng. Những người vô tội thường phải trả giá mạng sống của mình vì không chịu thú tội trước sức ép của công an.