Thanh Nhã
6-6-2020

Nếu nhìn vào đời sống một đô thị, có lẽ nhà hát là thứ rất cần thiết. Nó quan trọng như bất cứ công trình phục vụ cộng đồng nào để khai minh dân trí!
Nói cách khác, nhà hát chuẩn quốc tế là một thiết chế văn hóa đặc biệt cho cư dân hiện đại.
Có thể đó là lý do từ nhiều năm nay, lãnh đạo TP.HCM luôn muốn có một nhà hát giao hưởng. Từ năm 2018, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua dự án nhà hát này. Ngay lập tức dự án vấp phải phản ứng của cử tri nên phải tạm gác…
Và mới đây, ngày 4/6/2020, bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục gợi lại vấn đề không để người dân chờ nhà hát quá lâu. Bà Thảo nói trong buổi tọa đàm do Mặt trận tổ quốc TP.HCM tổ chức.
Sự thực là người dân có đợi nhà hát từ rất lâu? Lấy bộ đếm nào để chỉ sự chờ đợi này trong phần đông dân chúng?
Chưa biết hai câu hỏi trên từ góc độ người dân ra sao, nhưng về phía chính quyền thì đúng là đã muốn xây dựng một nhà hát từ rất lâu! Dự án nhà hát đã được Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa thể thao và du lịch) đã trình duyệt từ năm 1999.
Dự án Nhà hát tiếp tục được gợi lại trong cuộc họp bất thường vào tháng 10/2018 đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân.
Bởi lẽ, bối cảnh lúc bấy giờ, Thủ Thiêm đang dấy lên nỗi oan khiên ngút trời của công tác đền bù giải tỏa. Hàng ngàn người dân trở thành người khiếu kiện kéo dài, vất vưởng đến tận thủ đô Hà Nội để đòi công bằng. Trong cơn biến loạn vì mất đất của người dân, các cán bộ làm sai đã lần lượt trả giả hoặc đang đợi làm củi vào lò.
Đây cũng là lúc đô thị Sài Gòn oằn mình với trường học xuống cấp, ngập nước khắp mọi ngả đường và bệnh viện quá tải.
Bây giờ, có lẽ tình hình chẳng mấy cải thiện vì thành phố đóng ngân sách lớn nhất nước nhưng kinh phí giữ lại quá èo uột, chỉ khoảng 18%. Vì vậy với 1.500 tỷ đồng xây nhà hát là số tiền quá lớn so với đầu tư cho các công trình dân sinh.
Và cả sự vô duyên của một nhà hát mà nếu xây dựng xong, người mộ điệu thính phòng ít ỏi sẽ lội nước ngập, thúi hoắc, sình lầy tới thưởng thức…
Thông lệ của người làm quan trên toàn thế giới có hiểu biết sẽ ẩn dật sau khi hưu. Bà Phạm Phương Thảo xuất hiện đúng lúc nền kinh tế đang khó khăn vì đất nước vừa qua trận cách ly do nCovid, lại nhắc đến nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng là thật không phù hợp!
Nghệ thuật nói chung và âm nhạc giao hưởng nói riêng chỉ có thể đạt được thăng hoa khi mảnh đất dựng lên nhà hát ấy không nhuốm máu và nước mắt người dân lương thiện. Cây tuyết tùng ở Bắc Âu thường được chọn làm thùng đàn guitar chỉ vì nó chừa từng bị găm mảnh đạn chiến tranh.
Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm sẽ chơi thứ âm nhạc gì ngoài điệu buồn oán thán và khắp thành phố người dân đang vất vả vì ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, quá tải bệnh viện, cướp giật đường phố, bất an vì đạo đức xuống cấp…
Một nhà hát hiện đại là cần thiết cho một thành phố hiện đại.
Nhưng một nhà hát hiện đại được xây dựng trên hoang tàn Thủ Thiêm thì đó là một nhà hát chịu số phận oan vì bị người dân ruồng bỏ…
Học Giả Nguyễn Duy
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Nguồn Mạng.
„Phú quý sinh lễ nghĩa“! Thực ra khi TP Hồ Chí Minh đang có nhiều vấn đề cần giải quyết và đa số dân hàng ngày vật lộn với cuộc sống, thì cũng cần hiểu có 1 thiểu số hay không nhỏ cá nhân sống dư thừa – có khi chả cần làm gì cũng thừa ăn do của cải cứ như từ trên trời rơi xuống: bố mẹ cho không cần giải thích nguồn gốc như trường hợp con gái Nguyễn Bắc Son và sau này biết là bất hợp pháp …; bố mẹ cho do quá giầu có qua kinh doanh nhà đất và đa số được coi là tài sản hợp pháp, – mặc dù lúc nào đó phát hiện ra là bất hợp pháp do tham nhũng hối lộ hay hưởng tội rất nhẹ nhàng: do „thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng“ như vụ Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Và còn muôn hình vạn trạng kiểu làm giầu không giống ai như các nghi vấn chạy án phải bỏ tiền – trong khi các nước pháp quyền bói cũng khó tìm ra 1 vụ chạy án. Và thế nào nhỉ: tiền của dư dật thì chưa cần giới có học mà ngay những người vô học cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để gia nhập giới thượng lưu: ngoài sinh hoạt đủ loại câu lạc bộ Gôn (Golf), siêu thuyền, du lịch và mua nhà khắp thế giới (và nhập quốc tịc nước ngoài), tiêu dùng rượu, xì gà, ô tô, nhà cửa đắt tiền thì đúng là họ vẫn luôn quan tâm đến 1 lĩnh vực khá quyết định để đạt tiêu chuẩn thượng lưu thực sự như các nước phương tây là đi nghe nhạc giao hưởng. Điều này tại ngay các nước tiên tiến Châu Âu, Mỹ nếu tinh ý sẽ thấy chỉ 1 nhóm người việt Nam có nhu cầu này – và bình thường nếu họ bỏ tiền túi ra để đáp ứng nhu cầu của họ thì chắc ai cũng thấy là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên cứ cho nhu cầu trên ở Thành Phố Hồ Chí Minh là có thật, nhưng rõ ràng hiện nay chỉ là nhu cầu của 1 nhóm nhỏ, và như bài viết này và nhiều bài viết đã phân tích – là mong muốn này hiện không phù hợp với thực trạng ở Việt Nam nói chung, và TP Hồ Chí Minh nói riêng – và tất nhiên tôi tuy là „1 hạt cát“ cũng tham gia phản đối việc xây dựng này – vì nó CHỈ PHỤC VỤ LỢI ÍCH NHÓM. Còn việc họ cứ nói „xưng xưng“ là nhu cầu xã hội hay đám đông nhân dân thì nếu Việt Nam không có 1 tổ chức nào lấy ý kiến nhân dân khách quan, và chính xác như các nước – thì chỉ coi những lời lẽ đó là SỰ GIẢ DỐI, LỪA GẠT DÂN và đừng bao giờ chấp nhận.