Trương Nhân Tuấn
5-6-2020
Nói về “chiến trường pháp lý” Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp quốc.
Bà con giới “học giả Biển Đông” bàn tán mấy ngày nay về “cuộc chiến công hàm”, nhân việc Mỹ cũng gởi công hàm phản đối các yêu sách của Trung Quốc lên Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc mấy hôm trước.
Sự tham gia đột ngột của Mỹ trong “chiến tranh công hàm”, xảy ra từ tháng 12 năm ngoái tại “chiến trường” là Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa” giữa các quốc gia chung quanh Biển Đông. Các quốc gia Việt Nam, Phi, Mã lai… từ nay có “đồng minh” Mỹ đứng cùng “chiến tuyến”.
Việc lựa chọn Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa thuộc LHQ, thay vì một trọng tài quốc tế, làm “chiến trường pháp lý” để chống lại các yêu sách phi lý của Trung Quốc (về đường chữ U, về quyền lịch sử, về vùng biển tiếp cận các đảo Trường Sa…) cho thấy là một “lựa chọn thông minh”.
Cùng với việc các bên (Mỹ, Việt Nam, Phi, Mã lai, Indonesia…) phối hợp, tận dụng hiệu lực phán quyết của Tòa PCA tháng Bẩy năm 2016 và UNCLOS. Mục đích của Mỹ là để bảo vệ lợi ích “tự do hàng hải”. Lợi ích của Việt Nam, Phi, Mã lai, Indonesia… trong trường hợp này trùng lặp với lợi ích của các đại cường (Mỹ, Nhật, Châu Âu…).
“Chiến trường” Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa các bên “bắn” nhau bằng “lý lẽ”. Nền tảng “lý lẽ” của các bên (Mỹ, Việt Nam, Phi, Mã lai, Indonesia) để “chống” lại Trung Quốc là nội dung Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết 14 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực.
Dĩ nhiên ta phải chờ xem “thái độ” của Trung Quốc ra sao trước sự “dấn thân” của Mỹ trong “cuộc chiến công hàm”.
Trung Quốc có thể tuyên bố vùng ADIZ ở Biển Đông hay không?
Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa là nơi có thẩm quyền “phê chuẩn” hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” của các quốc gia tiếp cận Biển Đông. Ủy ban này cũng có thẩm quyền yêu cầu Tòa Công lý Quốc tế cho một “ý kiến tham vấn” về các điều liên quan đến việc “giải thích luật lệ” hay giải thích nội dung và hiệu quả của các phán quyết.
Đi con đường này Việt Nam có nhiều phần thắng và ít “mạo hiểm” hơn là “đấu tay đôi” với Trung Quốc trước một tòa án quốc tế.