Tác giả: Stefan Hertrampf và Oliver Klein
Dịch giả: Hiếu Bá Linh
4-6-2020
Một bức ảnh từ Hoa Kỳ gây xôn xao dư luận: Trong một cuộc biểu tình, một cảnh sát dường như đang chĩa súng vào một đứa trẻ. Kênh ZDF, đài truyền hình công cộng lớn nhất nhì nước Đức, điều tra những gì thật sự đã xảy ra.
Richard Grant, nhiếp ảnh gia người Mỹ mô tả bức ảnh của ông là, “bức ảnh ấn tượng nhất mà tôi từng chụp“. Nó cho thấy một cảnh bên lề cuộc biểu tình ở Long Beach gần Los Angeles chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát.
Một người đàn ông với đứa bé ngồi trên vai, phải đối mặt với một số cảnh sát vũ trang. Họ đội mũ bảo hộ và mang súng bắn đạn cao su. Một trong những cảnh sát dường như đang chĩa súng nhắm trực tiếp vào đứa bé – ngón tay đặt trên cò súng.
Chỉ riêng trên Twitter, bức ảnh đã được chia sẻ gần 150.000 lần và có hơn 300.000 lượt người bấm “thích”. Đồng thời, ngày càng nhiều các cáo buộc cho rằng bức ảnh này là ảnh giả. Đài ZDF đã đi tìm hiểu thực hư.
Bức ảnh là ảnh thật
Bức ảnh rõ ràng được chụp hôm Chủ nhật 31 tháng 5 tại trung tâm thành phố Long Beach, trên Pine Avenue, góc đường E Broadway. Cột đá cẩm thạch của tòa nhà phản chiếu và có hoa văn giống như khảm có thể được nhìn thấy rõ ràng trong cả ảnh và cảnh đường phố của Google. Tác giả bức ảnh là Richard Grant, một cựu quân nhân, đang được đào tạo để trở thành phóng viên ảnh.
Ông Grant đã tải nhiều bức ảnh khác về cuộc biểu tình lên tài khoản Instagram và Twitter của mình. Một trong số đó cho thấy cảnh tượng cảnh sát và đứa trẻ từ một góc độ khác, nói lên tính xác thực của bức ảnh.
Nữ nhân chứng xác nhận sự việc xảy ra
Đài ZDF cũng đã tìm được những người có mặt chứng kiến, để xác nhận những gì đã xảy ra. Cô Cheantay Jensen làm việc như một phóng viên cho báo “Long Beach Post”. Cô kể với đài ZDF qua email: “Tôi thấy người đàn ông với đứa trẻ trên vai tiến đến cảnh sát càng lúc càng gần trong khoảng hai phút“.
Ông Thomas Cordova, biên tập viên của báo “Long Beach Post”, cũng có mặt ở đó và xác nhận với chúng tôi qua email: “Những người biểu tình khác bảo người cha hãy rời khỏi nơi này cùng với đứa con trước khi tình hình leo thang. Tôi không biết ông có còn ở đó không, nhưng tôi đã không gặp ông ta nữa khi cảnh sát bắt đầu nổ súng (bắn đạn cao su)“.
Có phải cảnh sát chĩa súng nhắm vào đứa trẻ
Câu hỏi vẫn là liệu cảnh sát đã cố tình chĩa súng nhắm vào người đàn ông với đứa trẻ, hoặc là thậm chí đã bắn. Qua email, nhiếp ảnh gia Richard Grant cho đài ZDF biết rằng, ông ta quan sát người đàn ông với đứa con trên vai đã tiến gần đến cảnh sát như thế nào, nhưng cảnh sát đã không phản ứng với anh ta.
Trên Twitter, ông Grant viết rằng, cảnh sát “không bao giờ bắn anh ta, nhưng đôi khi hướng khẩu súng bắn đạn cao su về phía anh ta“. Nghe có vẻ hợp lý vì những người biểu tình mà cảnh sát chủ đích nhắm tới là đứng đằng sau lưng anh ta.
Trong bức ảnh thứ hai của cảnh này, nó cũng tạo ấn tượng rằng cảnh sát không nhắm trực tiếp vào người đàn ông và đứa trẻ, mà chỉ nhắm vào đám đông phía sau ông ta. Nữ phóng viên Cheantay Jensen của tờ “Long Beach Post” cũng xác nhận: “Tôi không hề thấy cảnh sát có thái độ thù địch với người đàn ông hay đứa trẻ. Nhưng thành thật mà nói, tôi đã giận dữ vì người đàn ông lại mang đứa con của mình tiến đến gần cảnh sát như thế đó“.
Tờ “The Long Beach Post” cho biết, ông Grant đã nói chuyện với người cha. Anh ta nói rằng cảnh sát đã chĩa súng vào mặt anh “trong một khoảnh khắc“. Với khoảng cách ngắn này, vũ khí bắn đạn cao su cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Vì cảnh sát đã để ngón tay trên cò súng, trong tình huống căng thẳng này chỉ cần một cử động nhỏ, không cố ý, cũng có thể gây ra hậu quả tồi tệ nhất.
Cảnh sát địa phương hiện đang điều tra vụ việc.
Kết luận
Tất cả mọi chi tiết cho thấy rằng, bức ảnh này là ảnh thật. Theo lời kể của những người đã chứng kiến, thì cảnh sát đã không cố tình chĩa súng nhắm vào đứa trẻ. Tuy nhiên theo tường thuật báo chí, cha của đứa trẻ nói rằng trong suốt thời gian đó, cảnh sát cũng đã chĩa súng vào mặt anh ta trong một khoảnh khắc.