1-6-2020
Tối 31.5, tờ South China Morning Post đăng bài viết giật tít: “Các kế hoạch của Bắc Kinh cho vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông bao phủ quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa, nguồn tin PLA cho biết“.
Bài báo này lập tức gây xôn xao bởi nó dường như gợi lên cho người đọc cảm giác rằng Trung Quốc chuẩn bị thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một bước đi cực kỳ khiêu khích và nguy hiểm giữa lúc căng thẳng ở khu vực gia tăng.
Bản thân tôi cũng thoáng giật mình khi nhìn thấy bài báo. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ, tôi kết luận không có thông tin mới trong bài báo của tác giả Minnie Chan.
Ngay trong bài báo cũng khẳng định các kế hoạch cho ADIZ ở Biển Đông đã có cách đây một thập niên.
Nó được manh nha từ năm 2010, cùng thời gian Bắc Kinh lập kế hoạch cho ADIZ ở Hoa Đông.
Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc chỉ thiết lập ADIZ ở Hoa Đông vào tháng 11.2013 trong một bước đi được đánh giá là khá hấp tấp để trả đũa Nhật Bản vì vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nổi lên thời gian trước đó.
Một ADIZ ở Biển Đông cũng được nhắc đến nhiều sau thời điểm tháng 11.2013 và ngay cả tôi từ khi đó cũng đã biết Trung Quốc luôn có hai phương án cho ADIZ ở Biển Đông.
- Một phương án là chỉ lập ADIZ ở phía bắc Biển Đông, bao phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Pratas mà họ gọi là Đông Sa.
- Phương án thứ hai là ADIZ bao phủ gần hết Biển Đông, bao trùm cả quần đảo Trường Sa.
Trong đó, phương án thứ nhất có vẻ khả thi hơn.
Thứ nhất, nó bao phủ một khu vực nhỏ gần Hải Nam và Hoàng Sa nên dễ thực thi trên thực tế hơn.
Thứ hai, đối tượng khiêu khích trực tiếp của nó chỉ là Việt Nam.
Tuy Đài Loan cũng nhận mình là bên tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, nhưng vì Bắc Kinh luôn coi Đài Bắc là chuyện nội bộ nên không đếm xỉa đến.
Còn đối với phương án thứ hai, Trung Quốc sẽ rất khó thực thi dựa vào khả năng kiểm soát của họ khi đó.
Hơn nữa, một ADIZ bao phủ Trường Sa là sự thách thức trực tiếp đến nhiều nước Đông Nam Á liên quan.
Đây là thứ mà Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng về hậu quả chính trị và ngoại giao.
Ngay cả lúc này, khi khả năng kiểm soát được củng cố với 7 căn cứ quân sự phi pháp và máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay tuần tra biển KQ-200 được triển khai đến Đá Chữ Thập, việc tuyên bố lập ADIZ ở Trường Sa vào thời điểm hiện nay chỉ có thể là “một sự ngu xuẩn chiến lược”.
Trong bối cảnh ngày càng bị cô lập và Chiến tranh Lạnh với Mỹ đã ló dạng, bước đi này chẳng khác nào cung cấp cho các quốc gia Đông Nam Á liên quan một lý do hoàn hảo và kịp lúc để biết sẽ phải quay lưng với ai và chọn về phe ai.
Tuy các kế hoạch và hành động xâm chiếm lãnh thổ của Bắc Kinh thường hung hăng, nhưng nó hiếm khi được triển khai một cách dại dột.
Nói như thế không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không lập ADIZ ở Biển Đông trong tương lai và cũng không loại nên loại bỏ khả năng tôi đánh giá quá cao năng lực tính toán đường đi nước bước của Trung Nam Hải.
Tuy nhiên, như đã nói trên, bài báo của South China Morning Post hoàn toàn không thể hiện một thông tin nào mới.
Nguồn tin ẩn danh của tờ báo ở Hồng Kông chỉ mô tả phạm vi ADIZ trong các kế hoạch từ trước đến nay của Trung Quốc về ADIZ ở Biển Đông, thậm chí còn thiếu chi tiết hơn những gì mà đại đa số giới quan sát khu vực luôn hiểu.
Tóm lại, theo tôi, xác xuất Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, đặc biệt là cả ở Trường Sa, vẫn y nguyên như trước khi có bài báo của South China Morning Post, và cũng vẫn y nguyên như trước khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đài Loan tình cờ nhắc đến nó khi bị hạch hỏi trong một phiên điều trần vào đầu tháng 5.
Nó sẽ tăng cao hơn sau khi Trung Quốc triển khai bước đi khiêu khích về quân sự tiềm tàng kế tiếp là đưa chiến đấu cơ đến Trường Sa.
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên loại trừ kịch bản Trung Quốc chỉ lập ADIZ ở phía bắc Biển Đông, bao phủ Hoàng Sa và Pratas.
Thế nhưng, đối với Việt Nam, một ADIZ của Trung Quốc dù ở bất kỳ đâu trên Biển Đông cũng sẽ cho phép các nhà lãnh đạo ở Hà Nội nói thẳng với Bắc Kinh rằng: Các anh đã không để cho chúng tôi có một lựa chọn nào khác!
Đó là hậu quả mà Trung Quốc không mong muốn. Tất nhiên, trừ khi Việt Nam là nước chủ động đi nước đi quyết định trước để tách lìa Trung Quốc.
Nếu quả như vậy, ADIZ ở Biển Đông có khi lại là chuyện “tái ông thất mã”.
Thế nên, luôn luôn cảnh giác, nhưng hãy bình tĩnh, gõ địa chỉ email ô bên dưới và bấm nút Subscribe để tôi có thể chuyển thẳng những bài viết như thế này vào hộp thư của bạn trong những lần sau!
Bình thường, nó sẽ là những bản tin tổng hợp gửi định kỳ như thế này! Còn như bài viết này là những báo cáo tình huống (SIREP) có thể được gửi vào bất kỳ lúc nào phát sinh chuyện quan trọng.
Chào thân ái và quyết thắng!
***
Chuyện bên lề:
Có một giả thiết cũng không nên loại trừ là Bắc Kinh thông qua tờ South China Morning Post muốn “ném đá dò đường” và tạo ra sự mơ hồ như một sự đe dọa lơ lửng với các quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tôi không thiên về giả thiết này khi nhìn thấy tên tác giả là Minnie Chan.
Việc đưa ra nhận xét tiêu cực về cá nhân trong một bài viết như thế này là không nên, nhưng vì đây là vấn đề hệ trọng nên tôi nghĩ cần nêu thêm thông tin về tác giả để cung cấp cái nhìn toàn diện hơn và không loại bỏ bất kỳ khả năng nào.
(Tôi thực lòng không dám có ý dè bĩu ai khi nhắc đến chi tiết này và đã cân nhắc đưa vào cắt ra mấy lần cho đến khi quyết định cho nó vào câu chuyện bên lề).
Đối với giới quan sát về quân sự Trung Quốc, Minnie Chan là cái tên ít được tin cậy.
Các bài báo của cô Chan thường chỉ sử dụng một nguồn ẩn danh cho thông tin then chốt nhất, cộng với cách giật tít kiểu giật gân tạo ra ấn tượng sai lạc.
Đôi khi giá trị các nguồn ẩn danh này cũng không hơn nguồn trà đá vỉa hè ở Việt Nam là mấy.
Và rất thường xuyên, sau khi được các tờ báo ở Anh hoặc ở Úc trích dẫn lại, chúng lại có thêm một tầng lệch lạc mới kịch tính hơn hẳn với bản chất câu chuyện lúc đầu.
Bài báo về ADIZ chỉ là một ví dụ mới nhất cho những kiểu bài thường gặp như thế.
Lẽ ra nó có thể có một cái tít như kiểu: “Lợi và hại cho Trung Quốc nếu lập ADIZ ở Biển Đông”.
Nhưng nếu như vậy, nó sẽ không thu hút và không gây xôn xao. Đó là một câu chuyện buồn!
“phương án thứ nhất có vẻ khả thi hơn.
Thứ nhất, nó bao phủ một khu vực nhỏ gần Hải Nam và Hoàng Sa nên dễ thực thi trên thực tế hơn.
Thứ hai, đối tượng khiêu khích trực tiếp của nó chỉ là Việt Nam.”.
-Đồng ý với bác Đặng Sơn Duân về việc TQ sẽ thực hiện PA1 vào 01 thời điểm thích hợp, cũng có thể PA1 TQ lại chia ra thực hiện trước PA1.1, rồi bước tiếp theo thực hiện PA1.2 (hiện TQ đang gây hấn với Ấn Độ có phải là chiêu trò “Dương Đông, kích Tây” trước khi thực hiện PA1.1?).
Gử bác Đặng Sơn Duân,
Dân Việt nam ta, có điều 4 hiến pháp, tức là có “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, quyền lực: lãnh đạo cơ quan Hành Pháp, Lập pháp và Tư pháp, lớn hơn rất nhiều Tổng thống Mỹ Trump, Thủ tướng Đức Merkel, .. , thì còn phải lo gì. Đấy là cái “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” chưa ra tay đấy thôi!