Tác giả: Josh Groeneveld và Ruqayyah Moynihan
Dịch giả: Kiều Thị An Giang
22-5-2020
“Đừng hy sinh các giá trị của Đức để làm hài lòng Trung Quốc”. Lời kêu gọi thống thiết của các nhà hoạt động Hồng Kông gửi đến Thủ tướng Đức Merkel
Các nhà hoạt động dân chủ Glacier Kwong (Quảng Dung Tình) và Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) kêu gọi chính phủ Đức hãy ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc. “Tôi rất mong bà Angela Merkel hãy đừng hy sinh những giá trị cốt lõi của nước Đức nhằm hỗ trợ nền kinh tế và làm hài lòng Trung Quốc. Phụ thuộc vào Trung Quốc có nghĩa là không sớm thì muộn, nước Đức sẽ phải chịu hậu quả rất nặng nề ”. Quảng Dung Tình đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn của báo Business Insider.
Lời kêu gọi của các nhà hoạt động xã hội này phát sinh ngay sau khi Trung Quốc thông báo về luật an ninh mới đối với Hồng Kông. Căn cứ vào một dự thảo sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội bắt đầu từ thứ Sáu tuần này (22/5), các cơ quan an ninh Trung Quốc trong tương lai sẽ tiến hành biện pháp chống khủng bố và chống sự can thiệp của nước ngoài. Những đòi hỏi độc lập và dân chủ cho Hồng Kông cũng bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa định nghĩa là “khủng bố”.
“Đạo luật này không những chỉ đe dọa sự tự do của Hồng Kông, mà còn xâm phạm đến quyền lợi của cộng đồng quốc tế tại thành phố này”, Hoàng Chi Phong viết trả lời báo Business Insider.
Hồng Kông là một trong những thị trường tài chính quan trọng nhất thế giới và cũng là cửa ngõ đi vào thị trường Trung Quốc. “Và chính vì vậy, tôi kêu gọi các nguyên thủ trên khắp thế giới – đặc biệt là bà Thủ tướng Merkel và nguyên thủ các nước châu Âu – hãy chống lại Trung Quốc và đạo luật hà khắc này, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các hiệp ước Liên Hiệp Quốc, mà được ràng buộc theo Công pháp quốc tế”.
“Không ai có thể tin vào Trung Quốc – Chẳng phải khủng hoảng virus corona đã cho vạch cho chúng ta biết điều đó rồi hay sao!”
“Thế là Bắc Kinh đã vừa táng nốt cái đinh cuối cùng vào chiếc quan tài Hồng Kông”, Quảng Dung Tình bình luận về đạo luật này.
Khát vọng dân chủ ở Hồng Kông dường như đối với Trung Quốc luôn luôn là một vấn đề “chướng tai gai mắt”, nhất là sau khi ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đài Loan đã biến mất trong khủng hoảng virus corona. “Còn bây giờ đang lúc đại dịch, cộng đồng quốc tế không có thời gian và nguồn lực để hỗ trợ Hồng Kông thì chính phủ Trung Quốc bắt đầu ra tay”.
Mặc dù vậy, Quảng Dung Tình vẫn hy vọng vào sự giúp đỡ quốc tế cho thành phố của mình. “Chúng tôi cần sự quan tâm và giúp đỡ của thế giới ngay bây giờ. Hồng Kông là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới. Nếu cây cầu này bị phá hủy, nó ảnh hưởng đến không chỉ chúng tôi, mà tất cả mọi người”.
Do đó, các quốc gia trên thế giới đừng giẫm vào sai lầm là trở nên quá phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Quảng Dung Tình nói: “Bây giờ mà ai dựa vào Trung Quốc thì sau này sẽ phải hối hận. Không ai có thể tin vào Trung Quốc như một cường quốc chính trị hay đối tác thương mại – chẳng phải khủng hoảng virus corona đã cho vạch cho chúng ta biết điều đó rồi hay sao!”
“Còn bây giờ, Trung Quốc đang trả thù phong trào dân chủ”
Quảng Dung Tình và Hoàng Chi Phong tin rằng, qua đạo luật này, Trung Quốc muốn trả thù phong trào dân chủ mà năm ngoái đã lôi cuốn hàng triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình hàng tháng trời để chống lại chính quyền Trung Quốc.
“Có lẽ tôi là một trong những mục tiêu chính của luật này bởi vì khi ra nước ngoài tôi đã công khai nói về sự áp bức độc tài và bạo lực của cảnh sát tại Hồng Kông”, Hoàng Chi Phong nói. Là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của phong trào dân chủ năm ngoái, anh trở thành gương mặt đại diện cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Bây giờ anh cũng muốn tiếp tục các cuộc biểu tình, và tất nhiên anh không bao giờ nghĩ chuyện ra nước ngoài sống lưu vong. Hoàng Chi Phong viết tiếp: “Tôi sẽ ở lại Hồng Kông để cùng với tất cả người dân Hồng Kông đấu tranh giành lại công lý và dân chủ, những điều mà chúng tôi xứng đáng được hưởng!”
Kể cả Quảng Dung Tình – là người đã du học ở Đức từ năm 2018, hiện đang có mặt ở Hồng Kông – cũng muốn ở lại thành phố trong lúc này để tham gia vào các cuộc đấu tranh. Cô nói: “Thật đáng sợ, sẽ có những cuộc phản đối và cũng sẽ có bạo lực. Nhưng chúng tôi không thể tự nguyện buông tay để đánh mất quyền của mình. Và nếu như bây giờ tôi bỏ cuộc ra đi thì tôi sẽ không bao giờ có thể trở về nhà mình nữa, cũng như tôi không bao giờ được gặp các bạn bè và những người thân yêu trong gia đình tôi nữa!”
Tôi cũng cho rằng thế giới nên được tổ chức bảo bảo quyền độc lập cho đảo nhỏ ( điều nầy hoàn toàn khác với nguyện vọng xáp nhập của Crưm).
Kêu gọi Merkel ủng hộ mình và có ý kiến phản đối luật là hoàn toàn đúng – nếu nghĩ tới Liên minh Châu Âu, tuy vậy phải đề nghị cả Liên minh (EU) mới phải! Còn xét về lịch sử cũng như sự gẫn gũi thì Anh Quốc mới là quốc gia liên quan nhất tới Hồng Kông. Anh đóng vai trò chủ chốt phản đối luật này, có Mỹ hỗ trợ và đông đảo các nước, các Liên minh như EU thì may ra Trung Quốc còn có thể chùn bước trước đông đảo đa số dân Hồng Kông phản đối mạnh mẽ, kiên trì và vận dụng mọi biện pháp hợp pháp, hợp lệ không chịu lùi bước trước sức mạnh độc tài.