Sau 30/4 – Góc gói mì tôm ba người xong bữa tối

Blog VOA

Nguyễn Hùng

4-5-2020

Hình: Trích xuất từ YouTube

Những ngày này 45 năm về trước, địa ngục dần thay thế thiên đường đối với hàng triệu người Việt Nam trong đó có cô Hoàng Thị Oanh Oanh, khi đó mới 12. Cha cô bị đưa đi ‘cải tạo’ mà không hề có bất kỳ bản án nào. Phải tới 14 năm sau ông mới được tự do bán phần.

Ông lão già yếu và gày đét còn tiếp tục bị quản thúc tại gia thêm nhiều năm nữa. Trong lúc ông ở tù, năm trong số sáu người con đã vượt biên bằng thuyền. Hai người đầu đi năm 1978 và may mắn tới Philadelphia, Hoa Kỳ từ Malaysia, nơi thuyền họ cập bến. Cô Oanh Oanh rời đi năm 1979 khi cô 16 và được mẹ giao mang theo hai em nữa, một em 12 và một em 10 tuổi, trong khi bà ở lại cùng cô con gái duy nhất còn lại để đợi ngày chồng ra tù.

Câu chuyện hãi hùng của bà Oanh Oanh, nay là Tiến sỹ Carina Hoàng và là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu tại Úc, đất nước bà theo chồng tới từ năm 2007, được phát hôm 3/5/2020 trong chương trình Outlook của BBC World Service.

Bà Oanh Oanh nói trong câu chuyện mang tên ‘Ba trẻ nhỏ trên đảo hoang’ rằng con thuyền mang theo gần 400 người vượt biên đã gặp bão sau vài tiếng ra khơi. Bão lớn tới mức các con sóng tưởng như có thể nuốt chửng chiếc thuyền dài 25 mét, rộng 4,5 mét và chật cứng người.

Bà Oanh Oanh nói: “Con thuyền bắt đầu lắc và mọi người bị say sóng. Rồi mọi chuyện còn tệ nữa. Mỗi lần sóng đánh vào thuyền mọi người lại hét lên và khóc. Tất cả chúng tôi đều cầu nguyện với âm giọng từ các vùng khác nhau, cầu Thượng đế, Đức Mẹ Maria, Đức Chúa Giê-su, Đức Phật, Tổ Tiên… Mọi người đều cầu Người cứu giúp. Những âm thanh đậm sự hỗn loạn và tuyệt vọng. Chúng tôi ngồi trên đống hỗn độn những thứ người ta nôn ra, phân, nước tiểu pha với nước biển.”

Thuyền còn bị cướp biển Thái Lan rượt đuổi và mọi người đối mặt với khả năng bị cướp và hãm hiếp trong ba ngày trước khi họ tới Malaysia. Hàng trăm người trên thuyền không hề biết rằng Malaysia đã thay đổi chính sách và xua đuổi tất cả các thuyền mang theo người tị nạn cộng sản từ Việt Nam. Hải quân Malaysia đã lên thuyền cướp những gì quý báu mà thuyền nhân mang theo, thậm chí lấy cả la bàn định hướng trước khi kéo thuyền ra giữa biển và đuổi đi.

Thêm vài ngày nữa các thuyền nhân tới một hòn đảo ở Indonesia và gần 400 người lên đảo nơi chỉ có chừng 100 người bản xứ. Chẳng bao lâu sau chính quyền Indonesia đưa tàu tới đón thuyền nhân và ai cũng nghĩ rằng họ sẽ được đưa tới trại tị nạn. Thay vào đó họ được đưa tới đảo hoang không người ở.

“Trưởng tàu không thể nào vào sát bờ nên ông ấy dừng lại, ký giấy cho mọi người xuống, hàng trăm người chúng tôi,” bà Oanh Oanh kể lại với BBC.

“Mọi người xuống tàu, mang theo đồ vật cá nhân và bơi vào bờ. [Chúng tôi] ngồi trên bãi cát, mọi thứ đều ướt hết, rối tung và hỗn loạn.”

Trong ba tháng sau đó, mọi người sống trên bãi biển Kuku của Indonesia với những gì mang theo cùng với bắt cá biển và bất cứ thứ gì có thể ăn được. Tình trạng ăn và vệ sinh tại chỗ khiến hòn đảo bị ruồi bu kín. Bà Oanh Oanh nói khi người ta ngủ ruồi có thể bu đen từ đầu tới chân. Thế rồi dịch bệnh kéo tới trong đó có sốt rét và tiêu chảy.

Một trong những người đi cùng ba chị em bà Oanh Oanh có bé gái mới tám tháng tuổi và bà Oanh Oanh nói chính tay bà đã mặc quần áo cho cháu sau khi cháu chết vì tiêu chảy: “Lúc đầu cháu còn ấm, sau lạnh dần và cứng như búp bê.” Cháu bé nằm trong số khoảng 200 người chết trong mấy tháng sau đó trước khi thế giới biết tới sự tồn tại của thuyền nhân Việt Nam trên đảo hoang.

Bà Oanh Oanh nói bà rất lo sợ khi hai đứa em đổ bệnh, sốt cao và còn sợ hơn khi nghĩ tới chuyện nếu không may bà ốm không qua khỏi thì hai em sẽ ra sao. Bà kể ba chị em còn mì tôm mang theo và phải bẻ gói mì tôm ra làm bốn, mỗi bữa ba chị em chỉ dám ăn một miếng. Ba tháng sau trực thăng của Hội Chữ Thập Đỏ và Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc mới tới giúp những người trên đảo mà lúc đó đã lên tới cả ngàn vì Indonesia tiếp tục đổ thuyền nhân lên đảo hoang.

Bà Oanh Oanh và hai người em cuối cùng cũng may mắn thoát nạn và đoàn tụ với hai người anh chị ở Philadelphia Hoa Kỳ trong năm 1980. Bà nói do quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ còn xấu trong thời gian đó, họ không thể gọi về nhà. Vài năm sau họ mới biết có thể gọi về Việt Nam từ Canada. Lần đầu họ bay sang Montreal để gọi thì điện thoại ở nhà bị hỏng. Vài năm sau họ lại tới Vancouver và may mắn nói chuyện được với gia đình trong đó có cả người cha lúc đó vừa ra tù. Bà Oanh Oanh nhớ lại, khi đó gọi về Việt Nam mất 10 đô la một phút trong khi lương tối tiểu khi đó là bốn đô la mỗi giờ và nói:

“Chúa ôi, khó mà có thể tin nổi [khi được nói chuyện với gia đình]. Chúng tôi cứ khóc. Mẹ tôi khóc và tôi khóc mất vài phút. Tôi không nhớ khi đó là bố tôi hay người họ hàng tôi đang ở cùng nói ‘Đừng khóc, đừng khóc, đắt lắm đó’.

Nhớ lại tình trạng thê thảm của người cha sau khi ra tù, bà nói: “Tôi thấy đau đớn và tức giận. Tôi cứ nghĩ mọi chuyện thật bất công và sai trái.”

Sau lần đó bà về lại Hoa Kỳ và tới thăm bà cô họ, người có con trai mất trên đảo ở Indonesia trên đường tìm tự do. Bà Oanh Oanh kể bữa ăn chỉ có hai người nhưng cô bày ba miếng lót bàn, ba chiếc bát và ba đôi đũa. Rồi bà cô nói: “Cháu thân với anh thì sang ngồi gần anh đi.” Ít lâu sau bà Oanh Oanh mới hiểu đã 18 năm nay người cô vẫn không thể quên người con trai nằm lại trên đảo. Hàng trăm ngàn người thiệt mạng khi rời Việt Nam bằng thuyền trong giai đoạn 1975-1996, nhiều người chết mất xác hoặc chết trên thuyền và xác bị vứt xuống biển.

Nhiều năm sau bà Oanh Oanh nói trong video trên YouTube về tình trạng của những người tị nạn như bà và cả triệu người Việt khác: “Là người tị nạn, bạn mất tất cả. Bạn mất người thân, mất văn hoá, mất bản sắc, mất những gì thân thuộc. Bạn sống với nỗi sợ thường trực, luôn cảm thấy tuyệt vọng và bạn ước gì mình không phải là người tị nạn.” Bà cũng nói khi đó bà không biết rằng cơ hội sống của bà và hai người em trong chuyến đi đó chỉ chừng 10%.

Cho tới nay chính quyền Việt Nam coi như chưa bao giờ có vấn nạn thuyền nhân với số lượng người Việt bỏ nước ra đi lớn chưa từng có trong lịch sử. Hà Nội thậm chí còn muốn xoá mọi dấu vết nhắc nhở tới giai đoạn 20 năm sau cuộc chiến và từng nhiều lần phản đối khi thuyền nhân muốn xây đài tưởng niệm trên các đảo từng cưu mang họ, nơi nhiều người đã mất vợ, mất chồng, mất cha, mất mẹ, mất con, mất anh chị em và người thân. Bà Oanh Oanh đã nhiều lần quay lại đảo ở Indonesia để giúp các cựu thuyền nhân tìm mộ tạm của người thân bắt đầu bằng chuyến đi tìm mộ người anh họ con bà cô như VOA từng đưa tin.

45 năm đã qua đi kể từ ngày cuộc chiến huynh đệ tương tàn kết thúc, bên thắng trận làm cuộc giải phóng ngược kéo lùi đất nước hiện vẫn đang chờ ngày thực sự được khai phóng và giải phóng xuôi khỏi nạn dịch cộng sản. Trong quá trình tìm tư liệu viết blog này, tôi tìm được bài viết trên BBC về một người phụ nữ tị nạn Latvia phải bỏ nước ra đi trong Thế Chiến II hồi năm 1944 và hơn 50 năm sau trở lại để tranh cử tổng thống thành công khi đã 60 tuổi. Vậy mới thấy Việt Nam thay đổi chậm chừng nào về mặt chính trị.

Trong kỳ tới, chương trình Outlook của BBC sẽ nghe về những chuyến đi của bà Oanh Oanh về lại hòn đảo nơi có mộ phần của nhiều thuyền nhân. Mong sẽ có ngày một trong những thuyền nhân trở lại lãnh đạo đất nước và thực sự mang tới thay đổi chính trị và hoà giải.

Thay đổi và hoà giải cũng sẽ giúp Việt Nam mạnh lên trong cuộc đương đầu với bành trướng Trung Quốc. Chưa tới 50 năm trước Việt Nam chưa mất một phần Trường Sa, toàn đảo Hoàng Sa, và Bolsa cũng chưa tồn tại. Lấy lại những gì đã mất ở Trường Sa và Hoàng Sa có lẽ còn mất nhiều thời gian nếu có thể lấy lại được. Nhưng chính quyền nên sớm hành xử như người lớn và không chỉ nhận nhiều tỷ đô la kiều hối mỗi năm từ Bolsa mà còn nên nhìn nhận những đau thương và mất mát trong hàng chục năm để ngày nay làm ra nhiều tỷ đô la gửi về quê hương đau thương.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. ”Quế Hương… ” và Trùng dương nghìn trùng
    *************************************

    https://www.youtube.com/watch?v=5uOgUfX7ABk
    Kim Tước – Lệ Biển / Thơ Ngô Đình Vận, Nhạc Lại Minh Thuận

    Từ bãi cát mịn vàng
    Đại dương chập chùng
    Quần đảo chuyển tiếp nước thứ ba định cư
    Bàn chân em nhỏ nhắn Quế Hương
    Không bao giờ đặt đến
    Hải đảo Indonesia Nam Dương
    Chuyến hải trình tìm Tự Do đã qua rồi
    Chuyến vượt biển đầy gian khổ đau thương
    Hải tặc – đói khát – muôn vàn đoạn trường
    Sóng biển nào đâu Hoa Biển
    Con đường gian truân Kha Luân Bố
    Chỉ có Phật có Chúa hiểu Quế Hương
    Nỗi đau thân phận kiếp người
    Vỏ ốc trống rỗng trần gian nào lắng nghe em !
    Tháp ngà quyền lực điên dại nào lắng nghe lương dân !

    ĐỌC TIẾP SÂU ĐÂY
    hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=12&idpoeme=3923

    Bây giờ chỉ còn lại biển cả
    Bây giờ chỉ lòng đại dương
    Quế Hương yên nghỉ vĩnh cửu
    Khúc Tử ca ru ngủ em mãi mãi
    Trong lòng sâu thẳm đại dương
    Quế Hương em đã lìa trần mang theo giấc mộng Tự Do
    Khát vọng thiết tha của cả Dân tộc em
    Tiếng vọng gió Biển Đông
    Đã cuốn mất Cuộc Sống em và mang đi thật xa
    Vào lòng biển cả giấc mộng Tự Do của em
    Sóng biển bạc đầu
    Như mái tóc Mẹ Việt Nam
    Tẩm liệm thủy táng em vào đại dương
    Những nàng ngư nhân tiễn đưa em Quế Hương
    Dọc theo hải trình đầy rong biển san hô
    Lấp lánh bầy ngựa biển hải mã giang hồ
    Những sinh vật đại dương luân vũ giã từ chào em dọc đường
    Bơi nhẹ nhàng quanh em tiễn đưa Quế Hương
    Về Thiên đường

    http://saigontimesusa.com/bai/thuyennhan/images/thuyennhan1091a.jpg

    Ngàn ngọn hải đăng ơi !
    Giảm độ sáng cho em Quê Hương
    Yên nghỉ vĩnh hằng Thiên đường
    Trong muôn vạn yêu thương
    Về một Giấc mơ Tự Do của em
    Ngàn triệu Hoa Biển ơi !
    Trăng non ơi trên ngưỡng chân trời vào đại dương
    Hãy ru ngủ muôn đời Khát vọng Tự Do của em của Quê Hương
    Người em gái Việt vượt biển vượt trùng dương
    Không may thiệt mạng thọ yểu về Thiên đường
    Yên ngủ nhé Quế Hương !
    Vĩnh biệt em bằng Ngàn triệu Hoa Biển hoa Hồng
    Chào em mãi mãi trong tình yêu thương .. …

    TRIỆU LƯƠNG DÂN


    Đi Vào Biển Cả
    **********************


    https://www.youtube.com/watch?v=a6pzcP0DfJw
    Lời Kinh Đêm – Ý Lan

    ĐỌC TIẾP SÂU ĐÂY

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=28&idpoeme=12583

    Bồng bềnh thuyền nan đêm đen
    Đêm đen biển thẳm
    Đàn chim Việt bập bùng bay
    Bốn phương tám hướng
    Thuyền buồm viễn xứ viễn duơng
    Dàn khoan dầu ngoài khơi
    Quần đảo nổi ngoài khơi
    Mã Lai xa xôi
    Tân gia Ba bán đảo nổi
    Nam Dương ghe máy buông trôi
    Đi vào biển cả
    Đi vào sương mù
    Đi vào sương khói
    Sóng biển ngàn khơi
    Triền sóng ruột gan lên xuống chơi vơi
    Ngày mai cuộc đời bao nỗi
    Chiều đêm vớt trên biển khơi
    Hải phận quốc tế xa rồi
    Đất Nước ơi !
    .. .. .. ..

    https://www.youtube.com/watch?v=Znor2iIjjm4

    Chiều nay cập bến Tân Gia Ba
    Hoàng hôn thiếu một mái nhà
    Đời lưu vong lưu đày từ đây
    Chim xứ lạ sáng nay nức nở hót
    Trại tỵ nạn Sambawang Singapore
    Ngàn mái lều san sát nhau
    Đời du mục dừng chân thảo nguyên
    Tiếng vó ngựa đồng hoang réo gọi
    Giọt nước mắt say theo tiếng chim Đỗ Quyên
    Dòng lệ cuối theo hồn con tàu ma về cố hương
    Thân phận bèo dạt mây trôi
    Rong rêu quyện ngàn hoa biển
    Gởi chút tình chi cho nước non
    Giọt nước nào giọt nước mắt nào rồi cũng trôi về biển cả
    Em ơi sóng xa xôi
    Em ơi sóng xa xôi
    Chín dòng sông nhỏ hẹn hò biển xanh
    Cửu Long đâm mạnh xuyên đau…
    Trên bán đảo tỵ nạn này
    Một đời người băng huyết băng tâm băng hoại
    Kiếp đời ta bồng bềnh phiêu bạt dạt trôi
    Mãi mãi từ ấy !

    S’pore Xuân 1980
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. “Cho tới nay chính quyền Việt Nam coi như chưa bao giờ có vấn nạn thuyền nhân với số lượng người Việt bỏ nước ra đi lớn chưa từng có trong lịch sử. Hà Nội thậm chí còn muốn xoá mọi dấu vết nhắc nhở tới giai đoạn 20 năm sau cuộc chiến và từng nhiều lần phản đối khi thuyền nhân muốn xây đài tưởng niệm trên các đảo từng cưu mang họ, nơi nhiều người đã mất vợ, mất chồng, mất cha, mất mẹ, mất con, mất anh chị em và người thân.”

    Tác giả cầm kiểm chứng lại các tin tức của chính quyền Việt Nam trong thảm kịch thuyền nhân. Họ không coi như chưa bao giờ có vấn đề thuyền nhân là một nhận định sai lầm của tác giả. Thực ra, trước áp lực của báo chí quốc tế và Liên Hiệp Quốc, báo chí Cộng Sản từ năm 1980 không tiếc lời thoá mạ thuyền nhân là thành phần lười biếng lao động, trôm cằp, sống bên lề xã hội, đĩ điếm, không thích nghi voi hoàn cảnh đổi mới của đất nước và còn nhiều lồi lẽ thô tục khác. Sưu tầm lại bình luận báo chì của CSVN trong thời gian này tác giả chắc sẽ tìm ra.

    Còn chuyện phản đối việc xây dựng tương đài thuyền nhân trên các dảo, CSVN còn công khai phản đối các chính quyền Indonesia và Malasia, đe doạ bằng ngoại giao, không phải chỉ có các thuyền nhân.

  3. Trường hợp bà Hoàng thị Oanh Oanh chỉ là 1 trong hàng trăm ngàn trường hợp rất thương tâm. Nhưng kỳ lạ là rất nhiều trong những người xém chết này nay lại quên hết, vui vẻ về VN du hí với đủ mọi lý do, “thăm quê hương”, “làm từ thiện”,… Không thể tin nổi.

Comments are closed.