Blog VOA
4-5-2020
Tuần trước, một trong những chủ đề tiếp tục thu hút nhiều người tham gia thảo luận vào dịp tròn 45 năm ngày “Giải phóng miền Nam” (30/4/1975 – 30/4/2020) là ai thảo tuyên bố đầu hàng để ông Dương Văn Minh (Tổng thống cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa) đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn?
Có hai nhân vật liên quan đến yếu tố này: Ông Bùi Văn Tùng lúc ấy là Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và ông Phạm Xuân Thệ lúc ấy là Đại úy, Phó Chỉ huy trưởng Trung đoàn 66 bộ binh. Cả hai đơn vị này cùng thuộc Quân đoàn 2… và cùng bảo rằng chính mình đã làm điều đó – và lịch sử đảng vẫn lấp lửng không xác định ai đúng, ai sai!
***
Trong mười năm đầu tiên sau sự kiện 30/4/1975, ông Tùng vẫn được xem như tác giả tuyên bố đầu hàng, đến 1985, sau khi ông Tùng đã về hưu với cấp bậc Đại tá, ông Thệ liên tục xuất hiện như tác giả tuyên bố đầu hàng ấy… Do đa số nhân chứng còn sống, vật chứng cũng còn nguyên nên cuộc tranh luận thật – hư hết sức… sôi nổi (1)!
Đáng lưu ý là trong cuộc tranh luận kéo dài ấy, có cả sự tham gia của hai cơ quan chuyên… nghiên cứu về khoa học lịch sử tại Việt Nam. Qua Tạp chí Xưa và Nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đưa ra nhiều nhân chứng, vật chứng, chứng minh ông Tùng đúng. Viện Lịch sử Quân sự của Bộ Quốc phòng làm ngược lại!
Đến giờ, “đảng ta” – nơi thường xuyên đề cập đến “sự thật lịch sử”, không chịu phân xử nên trong vấn đề vừa đề cập, “lịch sử” có tới hai… “sự thật”, công chúng muốn chọn “sự thật” nào cũng… được! Ông Tùng đã chết. Ông Thệ sau này trở thành Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Tư lệnh Quân đoàn 2, rồi Tư lệnh Quân khu 1,… thì “tả xung, hữu đột” dọa kiện nhiều nơi, đòi xử lý nhiều người vì xuyên tạc “sự thật lịch sử” theo hướng không có lợi cho ông!
Cuối tuần vừa rồi, nhân dịp 30 tháng 4, ông Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, quay trở lại vấn đề vừa đề cập. Ông Khoa dẫn lại ý kiến của nhiều nhân chứng, khẳng định ông Tùng mới là tác giả tuyên bố đầu hàng và mong Viện Lịch sử Quân sự, nơi từng tổ chức “hội thảo khoa học”, từng soạn sách để… ủng hộ ông Thệ… làm tác giả tuyên bố đầu hàng “kết luận lại” vì: Nếu nhập nhèm, người ta sẽ không còn tin vào những trang sử khác cũng rất vinh quang của quân đội chúng ta (2)…
Có một điểm khác cũng cần chú ý, trong sự kiện 30/4/1975, chỉ tính riêng phạm vi Dinh Độc Lập đã có tới năm, bảy “sự thật lịch sử” khác nhau: Chẳng hạn chiếc tăng nào (một mang số hiệu 390, một mang số hiệu 843) húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Dù có hàng trăm nhân chứng, các “sử gia” của “đảng ta” vẫn khẳng định, đó là chiếc tăng mang số hiệu 843 do ông Bùi Quang Thận chỉ huy. Nhờ vậy, ông Thận thăng tiến không ngừng, trở thành Đại tá, Chủ nhiệm Tăng – Thiết giáp của Quân đoàn 2…
“Sự thật lịch sử” chỉ được… cải sửa sau 1995, khi Francoise Demulder – một nhà báo Pháp, từng hiện diện tại Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, đem sang Việt Nam những tấm ảnh ông chụp ngày hôm ấy tại Dinh Độc Lập. Theo đó, chiếc tăng mang số hiệu 309 mới húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Lúc ấy, ông Vũ Đang Toàn – người chỉ huy chiếc tăng mang số hiệu 309 đã giải ngũ được mười năm với cấp bậc đại úy và đang cày ruộng, nuôi heo, gà, làm bánh đa (3)…
***
Lịch sử “đảng ta” nói riêng và lịch sử Việt Nam do các “sử gia” của “đảng ta” biên soạn nói chung, có nhiều “sự thật” không… thật như thế. Chẳng hạn năm ngoái, chỉ vài giờ sau khi phát phóng sự đặc biệt “Vòng vây lửa”, kênh số 1 của Đài Truyền hình Quốc gia (VTV1) “tự ý đục bỏ” link giới thiệu “phóng sự đặc biệt” này. Lý do: Nhân vật chính của phóng sự – Thượng úy Phạm Bá Miều, cựu binh Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 “nhận vơ công lao đánh đồi A1” (4) trong trận Điện Biên Phủ nên bị phản ứng dữ dội…
Trước nữa, nhiều “sự thật lịch sử” khác cũng đã bị lột trần. Ví dụ: “Anh hùng” Lê Văn Tám chỉ là nhân vật được “đảng ta” hư cấu (5). “Anh hùng” Võ Thị Sáu chỉ là một cô gái có khiếm khuyết về sức khỏe tâm thần, bị “đảng ta” lợi dụng để khoa trương thanh thế từ lúc sống cho đến khi đã chết (6). “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé không như “đảng ta” tuyên truyền, không những không “hy sinh”, “Anh hùng” Nguyễn Văn Bé còn hồi chánh, về với chính nghĩa quốc gia ở miền Nam Việt Nam (7)…
***
Cũng vào cuối tuần vừa qua, Linh Nguyen, 27 tuổi, cựu phóng viên BBC, vừa đưa lên channel “Chuyện của Linh” trên YouTube, tâm sự của cô về sự kiện 30/4/1975. Cô gái mà cha mẹ từ Bắc vào Nam định cư tại Ban Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk, sau tháng 4 năm 1975, kể rằng, cô đã từng hết sức tự hào về xứ sở của mình, về sự tuyệt vời của “đảng ta” cho đến khi rời Việt Nam du học, chứng kiến thái độ của thiên hạ khi nghe đề cập đến cộng sản, rồi đọc thêm sách báo, tài liệu về chiến tranh Việt Nam…
Theo Linh, kể từ đó cô mới biết về “thuyền nhân”, về những thông tin mà ngày còn sống, còn đi học tại Việt Nam cô chưa từng được nghe và những “góc nhìn” đó khác hoàn toàn với sách giáo khoa về “lịch sử” tại Việt Nam. Linh nhận ra, cách “chúng ta” nhìn cuộc chiến Việt Nam, nhìn “chúng ta” khác hoàn toàn với thiên hạ… Linh khuyên mọi người nên bước ra ngoài, hỏi, nghe thiên hạ nghĩ gì về cuộc chiến Việt Nam, về Việt Nam và sẽ rất dễ dàng nhận ra thiên hạ không nghĩ về “chúng ta” như “chúng ta” vẫn nghĩ (8)…
“Đổi mới” bằng cách quay trở lại con đường trước nay thiên hạ vẫn đi để được hội nhập, rồi Internet và sự phổ quát của các thiết bị số, tiếp tục làm thứ “lịch sử” phải bỏ trong ngoặc kép tại Việt Nam phân rã. Bất kể thế nào, nỗ lực… dẫn dắt lịch sử theo hướng lừa bịp để thu đoạt sự tin phục, đem lại lợi ích cho một số cá nhân nói riêng và “đảng ta”, đang hóa thành… công dã tràng. Hệ thống giáo dục, tuyên truyền của “đảng ta” vô vọng trong việc ngăn chặn thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục bĩu môi với… “môn sử”.
Cho dù mức độ nghiệt ngã, tàn bạo trong “ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc” mỗi ngày một cao nhưng cuối cùng, ai cũng có thể nhận ra, tác dụng của cả lớn họng lẫn hà khắc giảm dần, không thể duy trì được sự mê muội và tạo ra được sự sợ hãi như “đảng ta” ước muốn, chúng chỉ làm sự chán ngán tăng nhanh. Có thời nào, ở đâu “khoa học lịch sử” và “sự thật lịch sử” làm người ta tởm và oán giận đến mức như thế?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/nhan-chung-dac-biet—ky-1-trung-ta-tung-hay-dai-uy-the-198768.htm
(2) https://www.facebook.com/nhathotrandangkhoa/posts/1363129733881540
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Vũ_Đăng_Toàn
(4) https://nongnghiep.vn/nhan-vo-cong-lao-danh-doi-a1-d241143.html
(5) http://daotao.vtv.vn/gs-phan-huy-le-tra-lai-su-that-hinh-tuong-le-van-tam/
(6) http://tuanbaovannghetphcm.vn/do-la-hanh-dong-xuc-pham-nguoi-anh-hung/
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Bé_(tuyên_truyền)
Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975 của Trần Mai Hạnh viết rõ về sự kiện này:
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi?a=d&d=Qik19750502.2.9
Ký giả Jean Claude Labbe có một hình về sự kiện này cho thấy chiếc tăng 879 vào trước. Có thể xem hình ở đây:
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=28574.80
Về câu hỏi chiếc xe tăng nào của cộng sản Bắc Việt vào Dinh Độc Lập thì có lẽ tác giả đã có chút lầm nhỏ. Không có xe tăng mang mã số “309”, chỉ có chiếc xa tăng mang mã số 390.
Nhưng tôi nghĩ tất cả bài viết đều bỏ qua một sự thật quan trọng là cả hai chiếc 390 và 843 KHÔNG phải vào Dinh Độc Lập đầu tiên. Sự thật là chiếc mang mã số 879 co Bùi Đức Mai cầm đầu là chiếc vào Dinh Độc Lập đầu tiên, và lúc đó cổng mở toang, không có người gác. Có hình ghi lại sự việc này.
Sau chiếc 879, đến chiếc 843 từ Đại lộ Thống Nhứt tiến vào Dinh, nhưng vì lái dở nên bị mắc kẹt ở cổng. Bùi Quang Thận xuốg xe là lấy cờ của bọn mặt trận miền Nam vào Dinh.
Sau chiếc 843 là chiếc 390 đi từ Công Lý – Hồng Thập Tự tiến vào cổng chính của Dinh, nhưng vì lái dở nên mũi xe quẹt vào bản lề bên trái của cổng Dinh và làm cho cổng bị ngã sang một bên.
Như vậy, chiếc tăng đầu tiên vào Dinh không phải 390 hay 843, mà là 879. Nhưng cộng sản Bắc Việt đã xoá bỏ sự thật này và chiếc tăng 879 không hề được nhắc tới.
Chiếc tăng 843 là của của Liên Sô viện trợ, chiếc tăng 390 là của Trung cộng tài trợ. Thoạt đầu cộng sản Bắc Việt định xoá sổ chiếc 390 vì lúc đó đang có mâu thuẫn với Trung cộng. Tuy nhiên, cũng nên đề cập rằng sau này cộng sản Bắc Việt đã chính thức ghi nhận chiếc xe tăng 390 húc vào cổng Dinh Độc Lập trước chiếc 843. Xem link dưới đây:
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/so-phan-dac-biet-cua-chiec-xe-tang-390-233865.html
Nhưng ghi nhận này vẫn sai sự thật lịch sử, vì chiếc 879 mới là chiếc đầu tiên vào Dinh trong khi cổng vẫn mở rộng.
Trich: “Nhưng ghi nhận này vẫn sai sự thật lịch sử, vì chiếc 879 mới là chiếc đầu tiên vào Dinh trong khi cổng vẫn mở rộng.”
Tôi rất mong người viết comment này cho biết rõ nguồn của thông tin vừa nêu.