Biển Đông và cách nó biến thành lãnh thổ của Trung Quốc “theo lịch sử” vào năm 1975 (Phần 1)

Trần Đức Anh Sơn

4-5-2020

Lời giới thiệu

Như đã giới thiệu trên tài khoản Facebook của tôi cách đây 10 ngày, hôm nay tôi đăng một bài khảo cứu rất đặc sắc của GS. Johannes L. Kurz (Đại học Brunei Darussalam, Brunei).

Đây là bản tham luận do Johannes L. Kurz trình bày tại Hội thảo “Reframing the South China Sea” (Tái cấu trúc Biển Đông), do Viện Châu Á học thuộc Đại học Brunei Darussalam tổ chức (11 – 13/11/2013). Sau đó, tác giả đã cập nhật, bổ sung thông tin, để in vào cuốn sách “China and the World – The World and China” (Trung Quốc và thế giới – Thế giới và Trung Quốc). [Volume 3. Transcultural Perspectives on Modern China. Edited by Barbara Mittler and Natascha Gentz – 2019].

Trong tham luận này, Johannes L. Kurz đã bóc trần tất cả những thủ đoạn mà các học giả người Hoa, bao gồm cả người Hoa ở Đài Loan, ở Hong Kong và ở Trung Quốc đại lục, đã sử dụng các thư tịch cổ Trung Hoa một cách phi lý, lươn lẹo, xảo trá, bất chấp tính khách quan của sử liệu, bỏ qua các thao tác khoa học trong nghiên cứu lịch sử, để giải thích sử liệu theo hướng biến tất cả những thực thể địa lý ở Biển Đông và vùng biển này thành lãnh thổ của Trung Quốc, mặc dù cho đến giữa thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn còn mơ hồ về kiến thức, vị trí địa lý, tên gọi các thực thể địa lý ở Biển Đông và vùng biển này.

Bài viết gốc của Johannes L. Kurz viết bằng tiếng Anh, có chua chữ Hán và phiên âm pinjin; dịch giả Phan Văn Song đã chuyển ngữ theo đúng định dạng của bài gốc, nhưng chuyển các phiên âm pinjin sang âm Hán – Việt, và có bổ sung 5 chú thích (bản gốc có 100 chú thích).

Khi nhận bản dịch của dịch giả Phan Văn Song, tôi nhận thấy cách trình bày như bản gốc thì hơi khó đọc đối với độc giả người Việt, vì thế tôi xin phép dịch giả chỉnh sửa format, loại bỏ phần phiên âm pinjin, chuyển các trích dẫn gốc bằng chữ Hán xuống chú thích và hiệu đính bản dịch ở một số nơi, đồng thời bổ sung thêm một số chú thích của tôi (thành 180 chú thích) để độc giả dễ hiểu hơn.

Bài này vừa được in trên tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI ĐÀ NẴNG (số 124, tháng 4/2020).

Trân trọng giới thiệu cùng quý vị.

***

BIỂN ĐÔNG VÀ CÁCH NÓ BIẾN THÀNH LÃNH THỔ CỦA TRUNG QUỐC “THEO LỊCH SỬ” VÀO NĂM 1975 – Phần 1

Tác giả: JOHANNES L. KURZ (Brunei)
Dịch sang tiếng Việt: PHAN VĂN SONG (Úc)
Hiệu đính, biên tập: TRẦN ĐỨC ANH SƠN (Đà Nẵng, Việt Nam)

Một trong những bài viết sớm nhất trình bày “bằng chứng lịch sử” cho hiểu biết và hành động lâu đời của Trung Quốc về các nhóm đảo ở biển Đông đã xuất hiện trên tờ Nhân dân nhật báo (人民日报) vào ngày 25.11.1975 có tựa đề là “Các đảo ở Nam Hải1 từ xưa là lãnh thổ của chúng ta”.2

Việc Nhân dân Nhật báo đăng bài báo này phản ánh lập trường chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và khuyến khích nỗ lực của học giả Trung Quốc trong việc chứng minh tính xác thực của các yêu sách lịch sử ở biển Đông. Bài báo này có ảnh hưởng sâu sắc đến các diễn đạt chính trị và học thuật trong tương lai trong việc tom góp các đảo ở biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Để cho thấy bài viết của “Shi Dizu” (史棣祖: Sử lệ tổ) thiết lập “thẩm quyền lịch sử” đối với các đảo ở biển Đông như thế nào3, tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng một số nguồn của nó một cách chi tiết dưới đây. Điều này đặc biệt thích hợp vào thời điểm Hoa Kỳ đang thực thi quyền tự do đi lại (FONOP) ở biển Đông ở mức độ thường xuyên4 và khi một lượng lớn giao thương toàn cầu đi qua khu vực này.5 Thêm vào đó, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông. Cuối cùng là Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) tại The Hague (Hà Lan) vào tháng 7.2016 đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở biển Đông như tuyên bố của Trung Quốc năm 2009 qua việc nộp một công hàm có bản đồ “đường 9 đoạn” (九段线: cửu đoạn tuyến).6 Việc xem xét lại quá trình này bắt đầu vào năm 2015, khởi đầu bằng vụ Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2013. Phán quyết này ngay lập tức đã bị Trung Quốc bác bỏ qua việc một lần nữa nói rằng lịch sử vẫn là một luận cứ hậu thuẫn quyền sở hữu của Trung Quốc đối với biển Đông.7

1. MỞ ĐẦU

Vào tháng 1.1974, Quân giải phóng Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là 西沙群岛: Tây Sa quần đảo) với việc đánh bại lực lượng Nam Việt Nam đóng tại đó.8 Sau đó, từ tháng 3 đến tháng 4.1974, Bảo tàng tỉnh Quảng Đông9 và Cục Văn hóa Khu hành chính Hải Nam10 đã cử một nhóm nhà nghiên cứu đến khảo sát lãnh thổ mới chiếm được. Khi tìm thấy một số đồ vật như tiền đồng và gốm sứ Trung Quốc họ bèn kết luận rằng “quần đảo Tây Sa từ xưa đã là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc”.11 Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu chợt bắt gặp một tài liệu thủy lộ bạ (水路簿: sổ đi biển) thuộc sở hữu của ngư dân Su Deliu (苏德柳: Tô Đức Liễu) ở Đàm Môn (潭门) phía đông đảo Hải Nam12 có ghi chép các tuyến đường đi thuyền đến các đảo và có nói đến các đảo và bãi cạn theo tiếng địa phương Đàm Môn.13 Thú vị là kết quả của cuộc điều tra này được ba bài báo ở Hong Kong- chứ không phải ở Trung Quốc – dõi theo, đều bênh vực cùng một điểm, đó là các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc trong khu vực, dựa trên cơ sở các tài liệu lịch sử.14 Hai bài trong số này xuất hiện trên Minh báo nguyệt san (明報月刊) cùng số. Bài đầu của Deng Siyu (邓嗣禹: Đặng Tự Vũ), có tựa là “Vấn đề chủ quyền ở các đảo và rạn đá ở biển Nam Trung Hoa”15 và mạnh mẽ đề xuất rằng tất cả các nhóm đảo trong biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc.16 Deng Siyu sử dụng một số ít sách vở và bản đồ trước thế kỷ XIX để củng cố luận điểm của mình trong khi bài báo thứ hai do Ye Hanming (葉漢明: Diệp Hán Minh) và Wu Ruiqing (吳瑞卿: Ngô Thụy Khanh) viết thì đầy đủ hơn và sử dụng các sách vở Trung Quốc từ thế kỷ I trở đi.17 Ngoài số lượng tài liệu tham khảo tăng lên rất nhiều, bài viết của Ye và Wo cũng có cả bản đồ. Tác giả của bài viết thứ ba – trong Thất thập niên đại (七十年代) – là Qi Xin (齊辛: Tề Tân), lại tập trung vào lịch sử thế kỷ XIX và XX và lý do vì sao Tây Sa quần đảo là lãnh thổ Trung Quốc trong một thời gian dài. Giống như Deng Siyu, Qi Xin không cung cấp nhiều sách vở xưa hơn của Trung Quốc, nhưng bàn luận về các chính sách hiện đại.18 Hai bài báo trên Minh báo nhằm chứng minh các nhà nước phong kiến và hiện đại Trung Quốc tiếp nối nhau đã kiểm soát các đảo ở biển Đông như thế nào và do đó đã biến chúng thành lãnh thổ Trung Quốc – “Nam hải chư đảo đích chủ quyền quy thuộc”.19 Nhiều khả năng việc Trung Quốc chiếm được quần đảo Hoàng Sa và đẩy lùi lực lượng Nam Việt Nam mới trước đó đã thúc đẩy các tác giả viết ra các bài báo này. Với khả năng quân sự của Trung Quốc vào thời điểm đó còn kém phát triển so với Hoa Kỳ, việc dùng lập luận lịch sử có lẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống lại việc can thiệp ủng hộ Nam Việt Nam có thể có của Hoa Kỳ.

2. TÌM RA BIỂN ĐÔNG TRONG SÁCH VỞ TIỀN HIỆN ĐẠI: “SHI DIZU” NĂM 1975

Trước khi bài báo của “Shi Dizu” xuất hiện trên Nhân dân nhật báo năm 1975, Shao Xunzheng (邵循正: Thiệu Tuần Chính, 1909 – 1972) đã viết trên Nhân dân nhật báo năm 1956 rằng một phần của biển Đông là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc.20 Shao Xunzheng là một nhà nghiên cứu tại Sở Nghiên cứu Lịch sử số 3 Viện Khoa học Trung Quốc.21 Ông giải thích rằng các thể địa lý trong đại dương ghi trong các nguồn tài liệu Trung Quốc tiền hiện đại là những quy chiếu trực tiếp đến các nhóm đảo ở biển Đông. Shao Xunzheng tập trung vào cụm từ Thất Châu dương (七洲洋: biển bảy đảo) mà theo ông là để chỉ “Tây Sa quần đảo” (quần đảo Hoàng Sa), và ông đã truy cụm từ này qua một số sách vở. Trong số sách vở trước thế kỷ XX mà ông khảo sát là truyện “Sử Bật” (史弼) trong Nguyên sử (元史); Đảo di chí lược (島夷志略), Tinh tra thắng lãm (星槎胜览), Vũ bị chí (备志), Hải ngữ (海语), Hải quốc văn kiến lục (海国闻见录); Hải lục (海录).22 Từ đó, ông đã thiết lập một kiến thức liên tục về “Tây Sa quần đảo” từ năm 1292 đến cuối thời Thanh, và tiếp đó, thời hiện đại.

Gần 20 năm sau đó, bài viết của “Shi Dizu” cung cấp nhiều bằng chứng “lịch sử” về biển Đông cho chính phủ Trung Quốc trong việc bác bỏ phản đối của Nam Việt Nam đối với sự hiện diện của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Kể từ khi quần đảo Hoàng Sa vào năm 1975 hiển nhiên là lãnh thổ của Trung Quốc qua việc chiếm đóng của quân đội họ, bài viết mới này đã vươn xa hơn về mặt lãnh thổ, cũng như về các nguồn sách vở được sử dụng. Bằng việc sử dụng các sách vở lịch sử, “Shi Dizu” lập luận rằng “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi được đối với các đảo này”.23 Theo nghĩa đó, “Shi Dizu”, thẳng thắn hơn nhiều so với các tác giả của các bài báo được xuất bản trước đây ở Hong Kong, và có thể là như vậy, vì việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa đã và sẽ không bị thách thức về mặt quân sự.24 Việc nhấn mạnh lịch sử như là một lập luận hậu thuẫn cho các quyền của Trung Quốc ở biển Đông chắc chắn là nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á tiếp giáp với biển Đông. Các quốc gia này không có ghi chép lịch sử nào để đưa ra và do đó không thể thách thức Trung Quốc được. Ngoài ra, các quy định liên quan đến các đại dương, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS, 1982) vào thời điểm đó vẫn chưa được hình thành.

“Shi Dizu” là một bút danh được các thành viên của Tổ Địa lý Lịch sử thuộc Sở Địa lý Viện Khoa học Trung Quốc25 sử dụng, hoặc “shidizu” (史地组: sử địa tổ), nhóm cùng viết bài báo xuất hiện lần đầu tiên trên Quang minh nhật báo (光明日报) vào ngày 24.11.1975 và được đăng lại vào ngày hôm sau trên Nhân dân nhật báo.26 Nhiều sách vở mà “Shi Dizu” đào bới đã được Ye và Wu tham khảo trước đó.

Sau đó, “Shi Dizu” đã sử dụng một mảng lớn sách vở cho phép họ mở rộng các hiểu biết cho là của Trung Quốc về biển Đông và các đảo của nước này trong hơn một ngàn năm. Họ đã thiết lập một kho tài liệu tham khảo mà các tác giả sau này ở Trung Quốc thường xuyên đọc đi đọc lại.27

Thay vì chỉ đưa ra bằng chứng từ sách vở, “Shi Dizu” đã phân loại sách vở thành loại cung cấp bằng chứng về việc đặt tên trước nhất cho các đảo, loại về sự khai thác và canh tác thực tế, và loại về việc cai quản trong lịch sử qua các triều đại tiếp nối của Trung Quốc. Điều này trở thành khuôn khổ chung cho tất cả các nỗ lực nghiên cứu lớn cũng như các tuyên bố chính thức của các cơ quan chính phủ cho đến gần đây.

Sách vở đôi khi chỉ được nêu tên, nhưng nói chung, “Shi Dizu” không chỉ ra đích xác vị trí của các đoạn trích. Tôi đã xác định các đoạn trích nguyên gốc đến mức có thể được, và dịch ra [tiếng Anh]. Các từ ngữ trung tâm đóng vai trò quan trọng trong lập luận về biển Đông là: trướng hải (涨海: biển trướng / dâng lên), thạch đường (石塘: kè / bờ / bãi đá), vạn lý thạch đường (万里石塘: bờ đá mười ngàn lý), vạn lý thạch đường dư (万里石塘屿: đảo / bờ đá mười ngàn lý), trường sa (长沙: bãi cát dài), vạn lý trường sa (万里长沙: bãi cát mười ngàn lý), Thất Châu dương (七洲洋 / 七州洋: biển bảy đảo), Cửu Nhũ Loa châu (九乳螺洲: đảo Cửu Nhũ Loa)28 và nhiều từ khác. Vì các tên gọi bằng tiếng Trung nên các địa điểm này mặc nhiên là lãnh thổ của Trung Quốc theo nguyên tắc “Ai đặt tên, người ấy là chủ”. Các nguồn được “Shi Dizu” tham khảo, bao gồm các ghi chép chính thức và không chính thức của các triều đại, ghi chép về các chuyến đi, địa chí, sổ tay đi biển, và bản đồ, còn đối với cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là báo chí và hướng dẫn đi biển của Anh.

3. CÁC NGUỒN SỬ LIỆU TRUNG QUỐC

Sau đây tôi sẽ bàn về các nguồn Trung Quốc tiền hiện đại cho đến đầu thế kỷ XIX mà “Shi Dizu” có chỉ đến. “Shi Dizu” giới thiệu các nguồn theo hai tiêu đề chính, thứ nhất là “Phát hiện địa lý với một lịch sử lâu dài”29, và thứ hai là “Khai phá cần mẫn liên tục không gián đoạn”.30 Tiếp theo đó là phần có tiêu đề “Việc cai quản của các chính phủ các triều đại đối với các đảo ở biển Đông”31 trong đó có nêu thêm nhiều tài liệu lịch sử. Bài báo kết thúc với phần có tiêu đề “Lãnh thổ thiêng liêng là không thể xâm phạm”32 trong đó tập trung chủ yếu vào các yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông trong thế kỷ XX. Tài liệu bao gồm chủ yếu là các bài báo trên tạp chí và các bản đồ thuộc phần cuối của thế kỷ XIX và những thập niên đầu của thế kỷ XX được bàn trong phần thứ hai và phần thứ tư đã được Bill Hayton phân tích đầy đủ và tôi muốn giới thiệu cho người đọc về công trình rất chi tiết của ông về chủ đề này.33 Trong phần sau tôi sẽ trình bày các nguồn lịch sử khi chúng xuất hiện dưới tiêu đề thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

3.1. Phát hiện địa lý với một lịch sử lâu dài

Loạt bằng chứng dạng văn bản dưới tiêu đề thứ nhất bắt đầu với Hậu Hán thư (后汉书) của Xie Cheng (谢承: Tạ Thừa, thế kỷ III), vốn chỉ còn các mảnh rời. “Shi Dizu” dẫn một mục trong những bản được lưu giữ trong cuốn bách khoa toàn thư Thái Bình ngự lãm (太平御览)34 thời đầu nhà Tống: “Trần Mậu35 từ Nhữ Nam đã từng là một biệt giá ở Giao Chỉ [một chức quan] tương ứng với chức quan và ông ta chưa từng đi qua biển trướng. Khi thứ sử Chu Xưởng xuống thuyền ra biển, một cơn gió nổi lên đe dọa làm lật thuyền, Mậu rút kiếm ra mắng thủy thần và gió lập tức dịu xuống”.36

Làm cách nào mà đoạn văn này kể lại việc cai quản biển Đông, như “Shi Dizu” khẳng định vẫn còn là một câu đố. Nó mô tả một chuyến đi biển trắc trở, nhưng không làm nên bằng chứng thuyết phục cho việc tuần hành (巡行) trên biển.37 Thay vào đó, tên một chức quan, cụ thể là chức quan thứ sử hành bộ (刺史行部) đã biến thành một khẳng định hành bộ trướng hải (行部涨海: đi tuần biển trướng) qua việc diễn giải lại tuần hành như một động từ thay cho vai trò ban đầu của nó như là một phần của tên chức vụ.

Các tác giả sau này như Nan Mingzi (南溟子: Nam Minh Tử)38 đã chọn một mảnh trong Hậu Hán thư lưu trong bách khoa toàn thư nhà Đường Sơ học ký (初学记)39: “Các cống vật từ bảy quận của Giao Chỉ đều được gửi tới qua trướng hải”.40

Phần trích ở đây có lưu ý miền bắc Việt Nam (Giao Chỉ) là lãnh thổ dưới quyền của Trung Quốc, và ngụ ý là vùng biển giữa miền bắc Việt Nam và Trung Quốc cũng phải thuộc Trung Quốc.

Cuốn sách tiếp theo, Nam châu dị vật chí (南州异物志)41 do Wan Zhen (万振: Vạn Chấn) thời Tam Quốc (thế kỷ III) biên soạn, được trích trong Thái Bình ngự lãm như sau: “Đi thuyền từ phía tây nam đến phía đông bắc [ta gặp] những tảng đá khổng lồ nổi lên trong biển trướng. Quanh đó nước cạn và có nhiều đá nam châm”.42

Lời giải thích được đưa ra ở đây là đoạn văn này mô tả các bãi cát và rạn san hô ngầm mà tàu thuyền có thể gặp trong các chuyến đi từ Đông Nam Á đến Nam Trung Quốc. Đối với “Shi Dizu”, điều này liên quan đến “việc phát hiện và mô tả sớm về các đảo ở biển Đông”. Tuy nhiên, thông tin quá mơ hồ, đoạn trích từ Nam châu dị vật chí này đã được bổ sung – nếu không phải bỏ hoàn toàn – trong các công bố sau này viết theo Dị vật chí (异物志)43 của Yang Fu (杨孚: Dương Phu) thời nhà Hậu Hán (25 – 220).44 Lý do có khả năng nhất cho sự thay đổi này là vì Dị vật chí có trước Nam châu dị vật chí vài thập kỷ.45 Dị vật chí viết: “Có nhiều đá mấp mô trong biển trướng, và ở đó nước cạn và có rất nhiều đá nam châm. Người nước ngoài gia cố thuyền lớn của họ bằng các tấm kim loại. Khi họ đến vùng biển này thì không thể vượt qua được vì bị đá nam châm hút”.46

Đoạn này nhấn mạnh đến việc đâm vào các bãi cát và đá là không thể tránh khỏi khi đi thuyền trong khu vực chưa có hải đồ. Nó hàm ý rằng giao thông đường biển từ tây nam đến đông bắc không phải do người Trung Quốc đảm nhận, mà do “người nước ngoài”, rất có khả năng là người Đông Nam Á. Những người này có thể đã báo cho người Trung Quốc về những nguy hiểm của việc vượt đại dương khi họ cho tàu thuyền thực hiện những chuyến đi như vậy. Dù sao đi nữa, việc đề cập đến các chướng ngại vật trong một khu vực biển không xác định khó có thể chấp nhận như là kiến thức ban đầu của Trung Quốc về các đảo biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố bằng tiếng Anh về biển Đông vào ngày 17.11.2000, đã dịch trướng hải khi đầu (涨海崎头: những mỏm đá lớn trên biển trướng) thành “những hòn đảo, rạn san hô, bờ cát và bãi biển của Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo, các đảo ở biển Đông”.47 Tuyên bố tiếp tục với việc vẫn cho rằng khi đầu (崎头 ) là một từ tổng quát được người Trung Quốc sử dụng để chỉ “tất cả các đảo, rạn san hô, bãi cạn và đảo ở biển Đông, bao gồm cả Nam Sa và Tây Sa quần đảo”. Cách giải thích này cũng được đưa vào phiên bản tiếng Trung của tuyên bố ngày 22.11.2000.48 Cách dịch tiếng Anh hơi sai lệch này phục vụ cho việc thuyết phục các đối tượng người nước ngoài đọc tiếng Anh về các yêu sách chính đáng của Trung Quốc. Ngoài ra, nó còn tăng thêm nghĩa của “những mỏm đá lớn” trong lời văn gốc với việc gộp hết mọi loại thể địa lý triều thấp và triều cao ở biển Đông vào. Theo đó, chỉ một từ gốc duy nhất bao gồm hết tất cả các đảo và các rạn san hô ngầm có thể có mà Trung Quốc thèm muốn. Nếu không có năng lực ngôn ngữ cần thiết thì ai có thể tranh luận hoặc sẽ tranh luận với “bằng chứng lịch sử” đó?49

Shen Jianming (申建明: Thân Kiến Minh) đã đưa ra một bản dịch thậm chí táo tợn hơn đoạn văn trong phiên bản Nam châu dị vật chí lưu trong Thái Bình ngự lãm50 “Có nhiều đảo nhỏ, cồn cát, rạn đá và bãi cát ở biển Đông, ở đó nước cạn và chứa đầy đá nam châm. Các quan đi tuần biển dùng thuyền lớn có bọc sắt; khi đến khu vực này, họ không thể tiến xa hơn vì đá nam châm”.51

Shen Jianming đã biến khi đầu (崎头: đá) thành “đảo nhỏ, cồn cát, rạn đá và bãi cát”52; trướng hải (涨海: biển trướng) thành “biển Đông”; và kiếu ngoại nhân (徼外人: người nước ngoài) thành “các quan đi tuần biển”.53 Bằng cách thay đổi thứ tự các chữ trong kiếu ngoại nhân (徼外人) thành ngoại kiếu nhân (外徼人), ông đã biến người nước ngoài ở “bên ngoài biên giới” (徼外) thành quan “tuần tra biên giới” (外徼). Ông cũng đã thay đổi bạc (舶) vốn cho thấy nguồn gốc của tàu thuyền có thể là từ Đông Nam Á54 thành thuyền (船). Do đó, ông đã biến một tàu có thể là của nước ngoài thành tàu của Trung Quốc, biến một quan sát do các thủy thủ nước ngoài thực hiện thành một quan sát của thủy thủ Trung Quốc. Như vậy, Shen Jianming đã sửa đổi lời văn để mô tả thành bối cảnh của Trung Quốc, trong đó các quan Trung Quốc đi tuần tra một khu vực biển do Trung Quốc kiểm soát, và đã loại bỏ đi ý nghĩa ban đầu theo đó có thể là người đi biển Đông Nam Á đi thuyền trên một đại dương mở. Các tàu được bảo vệ bằng các tấm sắt nếu chúng đâm vào đá. Từ tính của các tảng đá là hình ảnh cho việc va vào đá không thể tránh khỏi, và những con tàu được gia cố bằng các tấm kim loại không phải bị dừng lại vì từ tính mà vì không có cách nào vượt qua chướng ngại vật.55, 56

Phù Nam truyện (扶南传) là một tường thuật của Kang Tai (康泰: Khang Thái) và Zhu Ying (朱应: Chu Ứng) về chuyến đi Phù Nam (ở miền Nam Việt Nam hiện nay), xem thêm Ngô thời ngoại quốc truyện (吴时外国传) vào thế kỷ III. Chỉ còn những mảnh rời rạc dưới dạng các đoạn trích trong bách khoa toàn thư thời Đường và Tống. Những mảnh rời này đã được Chen Jiarong (陈佳荣: Trần Giai Vinh) tìm cách ghép lại và xuất bản.57 Đoạn văn ngắn có liên quan từ bản gốc được trích dẫn trong Thái Bình ngự lãm như sau: “Ở biển trướng, có thể gặp các đảo san hô58 mà ở dưới chân của các đảo này san hô mọc lên trên đá”.59

Đối với “Shi Dizu”, câu này cho thấy các thủy thủ xưa của Trung Quốc đã có một “hiểu biết khá chính xác”60 về hình dạng và cấu trúc của các đảo biển Đông. Vị trí của các đảo san hô này chỉ là thứ yếu, vì trướng hải (涨海) theo cách hiểu của “Shi Dizu” là biển Đông. Với vai trò là một trong những từ trung tâm trong lập luận của Trung Quốc, các học giả Trung Quốc đã lặp đi lặp lại lập luận cho trướng hải là biển Đông.

Trước đây ít lâu Roderich Ptak đã chỉ ra rằng kết luận cuối cùng về cách giải thích từ này vẫn chưa được nói ra và việc thảo luận về nó vẫn đang tiếp diễn.61 Trong nghiên cứu chi tiết trước đó về từ này, Ptak giải thích rằng trướng hải – một từ ông không dịch khác hơn là “biển zhang” (“Zhang Meer”) – là một từ mô tả vùng biển ngoài khơi Quảng Đông, xung quanh đảo Hải Nam, và vịnh Bắc Bộ.62 Cuối cùng, từ này bao gồm hầu hết các khu vực biển từ Quảng Đông đến Ấn Độ Dương. Theo đó, trướng hải không nhất thiết chỉ một khu vực biển cụ thể, mà là một tên gọi mơ hồ cho một khu vực biển không xác định.

“Shi Dizu” không cung cấp dù chỉ một nguồn nào để nêu thêm bằng chứng cho các tên gọi của Trung Quốc cho biển Đông hoặc bất kỳ thể địa lý nào nằm trong đó thuộc giai đoạn từ thời Tam Quốc tới triều đại nhà Đường (thế kỷ III đến đầu thế kỷ X); không có tư liệu cho giai đoạn này, “Shi Dizu” nhảy sang triều Tống.63 Lý do chính để đề cập đến Bình châu khả đàm (萍洲可談)64 của Zhu Yu (朱彧: Chu Úc) là vì đó là một trong những sách vở đầu tiên mô tả việc đi thuyền với la bàn. Mặc dù la bàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trên biển, nhưng “Shi Dizu” giải thích rằng các địa điểm đó không thể do những người đi biển xác định. Vì trong Bình châu khả đàm không đề cập đến đảo, đảo san hô cũng như rạn đá nào, nên “Shi Dizu” đã tham khảo Lĩnh ngoại đại đáp (岭外代答)65 của Zhou Qufei (周去非: Chu Khứ Phi).

“Shi Dizu” khẳng định sách sử thời nhà Tống cho thấy “hiểu biết địa lý”66, “địa hình của đáy biển”67 và “đưa ra tên chính thức cho các đảo ở Nam hải”.68 Câu trong Lĩnh ngoại đại đáp mà “Shi Dizu” rút ra – ở dạng cắt xén – như sau: “Trong đại dương lớn phía đông có một bãi cát dài và một bờ đá kéo dài hàng mười nghìn lý”.69

Bãi cát và bờ đá trong câu này là những mô tả về các đảo biển Đông. Đoạn trích ở dạng đầy đủ là: “Nghe nói rằng ở đại dương phía đông, nhiều bãi cát và bờ đá kéo dài hàng chục ngàn lý mà ở đó nước thoát đi tại rốn biển (vĩ lư) và đổ xuống chín vực thẳm (âm phủ)”.70, 71

Câu trích bị cắt ngắn giấu đi sự mơ hồ (truyện văn: nghe nói)72 của bản gốc. Thay vì mô tả các đảo ở biển Đông và đề cập đến chúng bằng tên chính thức được cho là của chúng một cách chắc chắn, Lĩnh ngoại đại đáp lặp lại lời đồn về những trở ngại đối với việc đi lại trên biển. Sau khi “Shi Dizu” thiết lập những trở ngại vô danh này (trường sa, vạn lý thạch đường…) thành tên gọi cho các đảo ở biển Đông, việc kết hợp các hồ sơ lịch sử để hậu thuẫn cho điều giả định này là đơn giản. Điều giả định này còn chừa chỗ để thực hiện thêm các xác định khác, chẳng hạn như trong trường hợp bãi cát dài.73

Đối với “Shi Dizu” lời văn trên rõ ràng là nói tới các đảo trên biển Đông với các tên gọi “bãi cát ngàn lý, bờ đá mười ngàn lý”.74 Hơn nữa, “Shi Dizu” còn xem lời văn đó cung cấp “một mô tả về các thể địa lý và tình hình hàng hải biển Đông”.75 Quỳnh quản chí (琼管志)76, nhiều khả năng biên soạn vào đầu thời Nam Tống, không còn tồn tại mà chỉ còn sót lại một vài mảnh rời. Dư địa ký thắng (舆地纪胜)77, sách địa lý do Wang Xiangzhi (王象之: Vương Tượng Chi) biên soạn (khoảng 1196 – 1221) thời Nam Tống, trích dẫn Quỳnh quản chí trong mục về trại Cát Dương (吉阳军) trên đảo Hải Nam như sau: “Ngoài biên giới của nơi này [Cát Dương] có các hòn đảo có tên là Ô Lý, Tô Mật, và Cát Lãng nằm đối diện với Chiêm Thành. Phía tây [của Cát Dương] là Chân Lạp và Giao Chỉ, và phía đông là các bãi cát ngàn lý (thiên lý trường sa) và các bờ đá mười ngàn lý (vạn lý thạch đường). Rộng lớn và vô tận từ trên xuống dưới, kéo dài hàng ngàn lý một màu […]”.78

Theo cách hiểu của “Shi Dizu”, hai cụm từ này (thiên lý trường sa, vạn lý thạch đường) trong Quỳnh quản chí thực tế là tên gọi của tất cả các đảo trong biển Đông thay vì là những mô tả mơ hồ về các mối nguy hàng hải. “Shi Dizu” cho rằng các bản đồ hàng hải được vẽ ra vào cuối thế kỷ XIII đã phản ánh kiến thức này.79 “Shi Dizu” đặc biệt chú trọng vào một bản đồ hay các bản đồ mà Zhao Rushi (赵汝适: Triệu Nhữ Quát) có nhắc tới mà ông đã xem được.

Zhao Rushi, tác giả của Chư phiên chí (诸蕃志)80, từng trông coi ti thị bạc (hải quan)81 ở Tuyền Châu, Phúc Kiến. Chư phiên chí, dựa trên thông tin do các người đi biển cung cấp, là một trong những sách vở đầu tiên có nêu tên gọi “mới” thiên lý trường sa (bãi cát ngàn lý) và vạn lý thạch đường (bờ đá mười ngàn lý).82 Ptak đề xuất rằng cả hai cụm từ này có thể là tên gọi chung cho các bãi và bãi cát, và không chỉ đảo hoặc nhóm đảo cụ thể nào. Đối với ông, cho dù trường sa và thạch đường chỉ cái gì, chắc chắn chúng không phải dưới quyền cai quản của các triều đại Tống, Nguyên, Minh. Tương tự, ông khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho bất kỳ sự định cư nào của người Trung Quốc được tìm thấy trong các nguồn có liên quan.83

Trong lời nói đầu cuốn Chư phiên chí, Zhao Rushi có nói đến thạch sàng (sàn/giường đá)84 và trường sa (bãi cát dài)85 đã được ghi trên bản đồ hoặc các bản đồ Chư phiên đồ (诸蕃图).86 Những bản đồ cụ thể này là bản đồ nào thì không rõ. “Shi Dizu” coi Chư phiên đồ như là một “hải đồ lâu đời nhất”87 có đánh dấu “những nguy hiểm của các sàn đá và bãi cát dài”. Đoạn đầy đủ trong lời nói đầu như sau: “Sau khi Nhữ Quát được lệnh ở đây, ông đã xem qua các bản đồ của tất cả [nước] phiên trong thời gian rảnh rỗi. Ông đã kiểm tra các ghi chép khác về sự nguy hiểm của sàn đá và bãi cát dài, cùng ranh giới của biển Giao (Giao dương) và đảo Trúc (Trúc dư) [mà các bản đồ đề cập], nhưng không có gì trên đó”.88, 89

Trong khi không thể xác định được gốc tích của “sàn đá” và “bãi cát dài”, thì biển Giao và đảo Trúc lại có thể là chỉ dẫn trực tiếp đến một mục trong Lĩnh ngoại đại đáp.90 Mục này mô tả chuyến đi từ Srivijaya trên Sumatra đến miền nam Trung Quốc qua biển Giao và đảo Trúc.91 Các ghi chép mà Zhao Rushi đọc qua để tìm kiếm vị trí của sàn đá và bãi cát dài không cung cấp chi tiết nào thích hợp.

Cẩm nang quân sự Vũ kinh tổng yếu (武经总要)92 của Zeng Gongliang (曾公亮: Tăng Công Lượng, 998 – 1078) có nói đến cụm từ Cửu Nhũ Loa thạch (九乳螺石) trong mô tả các đoạn đường biển xuất phát từ Quảng Châu thuộc Quảng Đông, có thể ngầm hiểu là đi về phía nam: “Từ núi Đồn Môn lợi dụng gió đông, có thể tới đá Cửu Nhũ Loa sau khi đi theo hướng tây nam trong bảy ngày. Sau ba ngày nữa sẽ đi đến đảo Chiêm Bất Lao [tại biên giới] của nước Hoàn Châu”.93, 94

Đối với “Shi Dizu”, nhiều rạn đá ngầm ở Tây Sa quần đảo (Hoàng Sa) là lý do để Vũ kinh tổng yếu gọi chúng bằng cái tên Cửu Nhũ Loa (九乳螺). “Shi Dizu” đã củng cố quan điểm của họ bằng một bản đồ trong Dương phòng tập yếu (洋防辑要)95 (xem Bản đồ 2) của Yan Ruyi (严如熠: Nghiêm Như Tập, 1759 – 1826).96 Quảng Đông dương đồ (广东洋图)97 – xuất bản sau Vũ kinh tổng yếu vài trăm năm – được cho là phản ánh kiến thức thời Tống vì nó đặt đảo Cửu Nhũ Loa98 “ở vị trí của Tây Sa quần đảo”.99 Bản đồ đó chắc chắn không được vẽ theo tỉ lệ và do đó không thể xác định chính xác vị trí của các rạn đá và bãi cát.100

Mộng lương lục (梦梁录)101 của Wu Zimu (吴自牧: Ngô Tự Mục, khoảng 1256 – sau 1334) theo “Shi Dizu” là nguồn lâu đời nhất cho cụm từ Thất Châu dương (七洲洋), giống như Cửu Nhũ Loa châu (九乳螺洲) cũng được cho là tên gọi của “Tây Sa quần đảo”.102 “Shi Dizu” kết luận rằng sách vở từ nhà Tống là bằng chứng cho thấy “… kiến thức của nhân dân lao động Trung Quốc về địa hình Nam hải trong thế kỷ XIII đã có bước tiến”.103, 104

“Shi Dizu” tin rằng truyện Sử Bật (Shibi) trong Nguyên sử (元史), một chỉ huy Mông Cổ trong đội quân đi tấn công Java không thành công vào năm 1292, là bằng chứng cho thấy hạm đội Trung Quốc “đã đi qua các đảo ở biển Đông”.105 “Shi Dizu” đưa ra đoạn văn106 sau: “Khởi hành từ Tuyền Châu […] họ đi ngang qua biển Thất Châu và bờ đá mười ngàn lý, và sau đó đến lãnh thổ của Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam) và Chiêm Thành (miền Trung Việt Nam)”.107
Đây không phải là bằng chứng cho thấy các tàu đó đi qua khu vực này; thay vào đó, đoạn văn nói rõ rằng một thủy thủ khôn ngoan sẽ tránh các đảo, bãi cát và đá không chỉ trong biển Thất Châu mà cụ thể là dãy đá chắn được cho là dài mười ngàn lý. Do đó bắt buộc phải tránh chướng ngại vật này thay vì đi thuyền xuyên qua nó.108

Sau khi vét hết kiến thức thời Nguyên được cho là về các đảo ở biển Đông, “Shi Dizu” săm soi tới Vũ bị chí (武备志)109 (xem Bản đồ 3), một tài liệu được Mao Yuanyi (茅元仪: Mao Nguyên Nghi, 1594 – 1640?) biên soạn sau chuyến đi của Zheng He (鄭和: Trịnh Hòa, 1371 – 1433) trong nửa đầu thế kỷ XV. Vũ bị chí có ghi dấu các vị trí như: thạch tinh thạch đường110 (bờ đá sao đá), thạch đường111 (bờ đá) và vạn sinh thạch đường dư112 (đảo bờ đá mười ngàn kiếp). Tài liệu tham khảo của “Shi Dizu” trong trường hợp này là các bản đồ chứa trong Trịnh Hòa hàng hải đồ (鄭和航海圖).113

Thạch tinh thạch đường được miêu tả thành vô số các dấu chấm có lẽ có nghĩa là các rạn san hô và bãi ngầm. Cách gọi tên này có lẽ biểu thị số lượng chướng ngại quá nhiều như sao trên trời. Hai thể địa lý khác được thể hiện là “núi” hoặc “đá”. Vạn sinh thạch đường dư rất có thể để chỉ tính chất nguy hiểm của nó, có thể phải trả giá nhiều mạng sống.114

Ngoài các công trình lịch sử, “Shi Dizu” cũng bàn luận về các tài liệu đi biển thực tế. Tất cả các tài liệu đó đều có đề cập dưới dạng này hay dạng khác các thể địa lý mà “Shi Dizu” đã khẳng định là tên gọi cho các đảo ở biển Đông. Sách đầu tiên trong số đó là Hải ngữ (海語), một tác phẩm do Hoàng Trung (黄衷: Huang Zhong) thời Minh biên soạn (1474 – 1553) có nói đến một “bờ đá mười ngàn lý”115 và “bãi cát mười ngàn lý”.116, 117

Đông tây dương khảo (東西洋考)118 của Zhang Xie (张燮: Trương Tiếp, 1574 – 1640) có ghi chép một số tuyến đường biển trên biển Đông. Mục từ trong Đông tây dương khảo mà “Shi Dizu” có rất nhiều khả năng quan tâm tới là mục sau:

“Thất Châu sơn, Thất Châu dương. Quỳnh Châu chí nói: Cách Văn Xương 100 lý về phía đông có một ngọn núi trong đại dương mà từ đó nhô lên bảy đỉnh. Trong đó có một suối nước trong uống được. Đây là nơi Lưu Thâm, lính nhà Nguyên, bắt được Du Đình Khuê, hầu cận [của hoàng đế] khi truy đuổi hoàng đế Đoan Tông (khoảng 1276 – 1278) nhà Tống.119 Truyền thuyết kể rằng Thất Châu xưa kia là một đại dương sâu thẳm. Đi thuyền qua nó, [thủy thủ] phải cúng cháo cho các loài ma quỷ của đại dương và cầu nguyện không ngừng. Khi tàu đã vượt qua khu vực nguy hiểm này, sau một thời gian ngắn nó sẽ đi đến một bờ đá kéo dài khoảng mười ngàn lý ở phía đông, và đó là nơi mà Quỳnh chí gọi là Thạch Đường hải (biển bờ đá) phía đông Vạn Châu. Khi tàu đâm vào bờ đá, người ta chỉ có thể hi vọng rằng nó sẽ tự thoát. Nước ở Thất Châu dương sâu 130 thác (sải) [khoảng 234 m]. Khi đi thuyền từ đó đến Đông Kinh ở Giao Chỉ (Bắc Bộ, miền Bắc Việt Nam) thì đi thẳng theo hướng Thân (240 độ), và sau năm canh giờ (khoảng 115 km), sẽ tới cho núi Lê Mẫu”.120, 121

“Shi Dizu” đã diễn giải các tài liệu sau đây theo cách tương tự, cụ thể như là bằng chứng cho hiểu biết lâu đời của Trung Quốc về biển Đông và các tên gọi được dùng để mô tả các nhóm đảo và rạn đá. Kể từ khi Thuận phong tương tống (顺风相送)122, một cuốn sổ tay của người đi biển (rutter)123, là cuốn xưa nhất thuộc nhóm tài liệu này, đáng để đi sâu vào chi tiết thực tế hơn. Lời văn cảnh báo về sự nguy hiểm mà “bờ đá mười ngàn lý” và “bãi cát ngàn lý” gây ra cho tàu thuyền. Lời văn đưa ra một khoảng cách bảy canh giờ (khoảng 160 km hoặc 16 đến 17 giờ) trên một lộ trình theo hướng đông từ Thất Châu dương đến “bờ đá mười ngàn lý”. Câu hỏi đặt ra là liệu “khoảng thời gian ngắn” này cho đoạn đường đi từ Thất Châu dương đến “bờ đá mười ngàn lý” có thể bằng với bảy canh giờ ghi trong Thuận phong tương tống hay không. Đi thuyền từ Đông Nam Á tới miền nam Trung Quốc với gió mùa tây nam trên một lộ trình theo hướng đông, lời văn cảnh báo về “bãi cát mười ngàn lý”.124 Các hướng dẫn đi thuyền xuất phát từ Giao Chỉ đặt “bãi đá mười ngàn lý” cách đó bảy canh giờ thẳng về phía đông.125 Do đó, bãi đá sẽ cách đều miền bắc Việt Nam và Thất Châu dương khiến cho cách xác định nó là quần đảo Hoàng Sa như “Shi Dizu” đưa ra, sẽ rất khó chấp nhận. Chỉ nam chính pháp (指南正法)126, một cẩm nang đi biển từ thời đầu Thanh, lặp lại thông tin từ Đông tây dương khảo cũng như từ Thuận phong tương tống.127 Sau đó, “Shi Dizu” đưa ra Đông dương Nam dương hải đạo đồ (东洋南洋海道图: Bản đồ các tuyến đường biển ở hai đại dương phía đông và phía nam, xem Bản đồ 5)128 như là bằng chứng bản đồ cho thấy người Trung Quốc thời nhà Thanh đã biết từng đảo ở biển Đông nằm ở đâu, trong khi Hải quốc văn kiến lục (海国闻見錄)129 và Doanh hoàn chí lược (瀛寰志略)130 cung cấp bằng chứng bằng lời về nó. Đông dương Nam dương hải đạo đồ (东洋南洋海道图)131 là công trình của Shi Shiqiao (施世骠: Thi Thế Phiếu), vốn là thủy sư đề đốc hải quân ở Phúc Kiến từ năm 1712 đến 1722. Bản đồ cho thấy một khu vực dày đặc với những chấm nhỏ ở vị trí gần trùng với quần đảo Hoàng Sa. Điểm thú vị của bản đồ là phân định các tuyến đường đi biển giữa Trung Quốc và các địa điểm ở Đông Nam Á.132

Các tài liệu khác mà “Shi Dizu”, đề cập sau đó đã không thêm thông tin mới nào cho cuộc thảo luận, nhưng chúng bổ sung cho mảng nguồn được cho là đã chứng minh quyền cai quản thiết lập lâu đời của Trung Quốc đối với các nhóm đảo ở biển Đông.

Tài liệu đầu tiên, Hải quốc văn kiến lục của Chen Lunjiong (陈伦炯: Trần Luân Quýnh ) (fl. 1730) có thông tin này: “Biển Thất Châu, ở phía đông nam Vạn Châu thuộc Quỳnh Đảo (Hải Nam), là một khu vực mà tất cả những người đi thuyền đến đại dương phía Nam (Đông Nam Á) phải đi qua”.132, 133

Tài liệu thứ hai, một mục trong Doanh hoàn chí lược, chỉ là một đoạn trích khác từ Hải quốc văn kiến lục và do đó không góp thêm kiến thức mới.134 “Shi Dizu” coi tài liệu thứ ba, Sứ tây kỷ trình (使西纪程)135 của Guo Songtao (郭嵩焘: Quách Tung Đảo, 1818 – 1891), là một nguồn hàng đầu về quần đảo Hoàng Sa vì Guo Songtao nêu chúng là “các đảo thuộc Trung Quốc”.136 Guo Songtao đã được những hành khách khác trên chiếc tàu đưa ông qua đại dương cho biết nó có tên là 齐纳细 (Qinaxi)137 mà ông ta hiểu có nghĩa là “biển Trung Quốc”.138 Phần có liên quan trong bản dịch của J. D. Frodsham ghi: “Cách cảng không xa139 [về phía bên trái] là quần đảo 拍拉苏 (P’ai-la-su)140 sản xuất sên biển và san hô, dù không có chất lượng tốt nhất. Các đảo này thuộc Trung Quốc, nhưng chúng khô cằn [là đảo hoang] và không có người ở”.141, 142

Một trong những lập luận của phía Trung Quốc về quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa là sự canh tác liên tục của họ.143 Khẳng định của Guo Songtao rằng các đảo không có người ở nói điều ngược lại. Tuy nhiên, việc nhật ký của Guo Songtao có đề cập đến các đảo vẫn được lấy làm bằng chứng, dù bấp bênh, rằng Trung Quốc kiểm soát chúng vào năm 1876.

_____

Nguồn: “The South China Sea and How It Turned into ‘Historically’ Chinese Territory in 1975”); Paper presented at workshop ‘Reframing the South China Sea’, Institute of Asian Studies, 11 – 13.11.2013, University Brunei Darussalam. In: China and the World – the World and China. Volume 3. Transcultural Perspectives on Modern China. Edited by Barbara Mittler and Natascha Gentz – 2019.

CHÚ THÍCH

1 Trung Quốc gọi biển Đông là 南海 (Nam hải) – Chú thích của người dịch (ND).

2 Trung văn: 南海诸岛自古就是我国领土 (Nam hải chư đảo tự cổ tựu thị ngã quốc lãnh thổ).

3 Tôi dùng cụm từ này để chỉ các rạn san, cồn, bãi cát ngầm và đảo san hô mà người Trung Quốc gọi là 南海诸岛 (Nam Hải chư đảo). Thuật ngữ 诸岛 (chư đảo) chỉ: 西沙 (Tây Sa, tức quần đảo Hoàng Sa), 东沙 (Đông Sa, tức quần đảo Pratas); 中沙 (Trung Sa, tức bãi ngầm Macclesfield) và 南沙 (Nam Sa, tức quần đảo Trường Sa). Đông Sa thuộc quyền quản lý của Trung Hoa Dân Quốc, trong khi các quần đảo khác bị tranh chấp bởi một số quốc gia quanh biển Đông. Chỉ từ khi Trung Quốc bắt đầu chương trình xây dựng trên các thể địa lý này, biến một số trong đó thành “đảo”, chẳng hạn: 渚碧礁 (Chữ Bích tiêu, tức đá Subi / Zhubi ở quần đảo Trường Sa) ban đầu là bãi triều thấp, không nhìn thấy khi triều cao, đá Subi đã được biến thành một đảo nhân tạo thông qua bồi đắp đất từ năm 2014. Về sự phát triển của Subi, xem: Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng kiến Minh bạch biển châu Á) [2019]. Về mặt pháp lý, các đảo có thể tạo ra một lãnh hải, một vùng tiếp giáp và một vùng đặc quyền kinh tế, trong khi bãi triều thấp thì không. Xem: Freund [2017].

4 Một trong những FONOP (hoạt động tự do đi lại trên biển) mới nhất được tiến hành vào tháng 1.2019. Xem: Storey [2019]. Gần đây, Hải quân Hoa Kỳ đã được Hải quân Hoàng gia Anh cùng tham gia. Xem: Royal Navy [2019].

5 Năm 2016, gần 3,4 ngàn tỉ USD thương mại được vận chuyển qua biển Đông, tức là khoảng 1/5 thương mại toàn cầu tại thời điểm đó. Xem: China Power Team [2017].

6 Về phán quyết, xem: Permanent Court of Arbitration (Tòa Trọng tài Thường trực) [2016]. Đối với công hàm bao gồm bản đồ của Trung Quốc gửi cho Liên Hiệp Quốc, xem: People’s Republic of China (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, gọi tắt là Trung Quốc) [2009]. Xem thêm: United States Department of State (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) [2014]. Các chuyên gia pháp lý phương Tây trước đó đã bác bỏ quan niệm về các yêu sách lịch sử của Trung Quốc vì chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Xem: Dupuy và Dupuy [2013]. Ngoài ra, xem thêm: Kopela [2017].

7 Foreign Ministry of the People’s Republic of China (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) [2016]. Ngoài ra, còn thấy phản bác dài dòng phán quyết tòa của Hội Luật Quốc tế Trung Quốc đề cập đến nhiều nguồn được đề cập trong bài báo của “Shi Dizu” (史棣祖: Sử lệ tổ) dưới tiêu đề “China’s Practice in the South China Sea prior to the 20th Century” (Hành động thực tế của Trung Quốc ở biển Đông trước thế kỷ XX). Xem: Chinese Society of International Law (Hội Luật quốc tế Trung Quốc) [2018], 455-457.

8 Về một tường thuật của Nam Việt Nam về trận chiến, xem: Ho (Hồ Văn Kỳ Thoại) [2014]. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án sự hiện diện của Nam Việt Nam trong Nhóm Lưỡi liềm (永乐群岛: Vĩnh Lạc quần đảo, nhóm đảo phía tây) ở quần đảo Hoàng Sa như là “xâm phạm” vào lãnh thổ Trung Quốc và do đó biện minh cho việc sử dụng vũ lực. Xem: 中华人民共和国外交部 (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) [1974].

9 Trung văn: 广东省博物馆.

10 Trung văn: 海南行政区文化局.

11 Trung văn: 西沙群岛自古以来就是中国的神圣领土.

12 Về Thủy lộ bạ (水路簿) và sau cùng là Canh lộ bạ (更路簿) xem Kurz sắp công bố. Bản của Su Deliu (苏德柳: Tô Đức Liễu) được công nhận là một tài liệu tham khảo quan trọng đối với các hoạt động liên tục của ngư dân Trung Quốc tại các đảo trong một bài báo đăng trên 人民日报 (Nhân dân nhật báo) năm 1976. Xem: 人民日报 [1976].

13 广东省博物馆 (Quảng Đông tỉnh bác vật quán) [1974]. Các thành viên của cơ quan này đã thực hiện một cuộc điều tra khác vào năm 1975 với kết quả được công bố trên 广东省博物馆 1976.

14 Wang Hengjie (王恒杰: Vương Hằng Kiệt, 1932 – 1996) đã giúp củng cố lập trường chính thức với việc tổng hợp hai báo cáo về nghiên cứu khảo cổ khẳng định sự hiện diện của Trung Quốc trên hai quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” (hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trong hơn 2.500 năm (Wang Hengjie [1992], 776-777) và hơn 2.000 năm (Wang Hengjie 1997, 68-69). Bài báo sau xuất hiện sau khi tác giả mất. Xu Yongjie (许永杰: Hứa Vĩnh Kiệt) và Fan Yiran (范伊然: Phạm Y Nhiên) [2012] cung cấp một bản tóm tắt các đợt nghiên cứu khảo cổ trên các đảo ở biển Đông. Về sự không chắc chắn của bằng chứng khảo cổ học trên các đảo ở biển Đông, xem: Lassere [1999]. Một trong những vấn đề lớn là không có cách chắc chắn nào để biết đồ gốm, tiền đồng và các đồ vật khác đã tới các đảo bằng cách nào.

15 Trung văn: 南中国海诸岛屿的主权问题.

16 Deng Siyu (邓嗣禹) [1974].

17 Ye Hanming (葉漢明) và Wu Ruiqing (吳瑞卿) [1974].

18 Qi Xin (齊辛) [1974].

19 Trung văn: 南海诸岛的主权归属.

20 Shao Xunzheng (邵循 正: Thiệu Tuần Chính) [1956]. Ju Jiwu (鞠继武: Cúc Kế Vũ) [1954] có một phần (44-46) tập trung chủ yếu vào tài liệu của thế kỷ XIX và XX.

21 Trung văn: 国科学院第三历史研究所.

22 Nguyên sử (元史: Sử nhà Nguyên), Đảo di chí lược (島夷志略: Lược thuật về các đảo của bọn người di, 1349), Tinh tra thắng lãm (星槎胜览: Ngắm cảnh đẹp trên đường đi sứ, khoảng năm 1436), Vũ bị chí (备志: Sách ghi chép về vũ khí, 1621), Hải ngữ (海语: Hội thoại về biển, giữa triều Minh), Hải quốc văn kiến lục (海国闻见录: Ghi lại những điều nghe thấy về các nước ngoài biển, nửa đầu thế kỷ XVIII); Hải lục (海录: Ghi chép về biển, 1820).

23 Trung văn: “国对南海诸岛的主权无可争辩”. Đây là một tuyên bố lặp đi lặp lại giống như câu thần chú trong các tuyên bố chính thức liên tiếp. Xem, ví dụ: Foreign Ministry of the People’s Republic of China [1980]; [1988]; [2011]; [2015]; [2016].

24 Trong khi nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là đối thủ chính của Trung Quốc ở biển Đông và Philippines đang lèo lái một tiến trình vòng vèo liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Duterte, các quốc gia ASEAN còn lại đã im lặng về vấn đề này. Như đã đề cập trước đó, Hoa Kỳ đang thách thức Trung Quốc với FONOP (hoạt động tự do đi lại trên biển) mà một số trong đó đã được tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa. Về FONOP của Hoa Kỳ cho đến năm 2017, xem: Standifer [2017].

25 Một bản dịch tiếng Anh của văn bản xuất hiện vào ngày 12, chẳng hạn: Shi Dizu [1975]. Tên của ba trong số các tác giả đã được biết: đó là Li Baotian (李宝田: Lý Bảo Điền), Song Lifu (宋力夫: Tống Lực Phu) và Zhu Dexiang (朱德祥: Chu Đức Tường). Zhu Zhenhai (朱德祥: Chu Chấn Hải), người đi cùng với bộ ba này, làm việc tại Ban Địa mạo (地貌室 tại Viện Khoa học Trung Quốc). Các cơ quan hữu quan thưởng cho những nỗ lực của họ bằng cơ hội được làm thêm nghiên cứu ở quần đảo Tây Sa vào năm 1976. Năm 1977, “Shi Dizu” đã viết một báo cáo về chuyến đi này, “西沙行” (Tây Sa hành) trong 地理知识 (Địa lý tri thức) số 2 và 3. Tôi chưa tiếp xúc được ấn phẩm này. Họ có công bố bản hồi ký liên quan đến chuyến trải nghiệm này năm 2010. Xem: Shi Dizu [2010]. Li Baotian đã xuất bản một bài tiểu luận kỷ niệm chuyến đi đến “Tây Sa quần đảo” năm 1976. Xem: Li Baotian [2016].

26 Trung văn: 中国科学院地理研究所历史地理组.

27 Đầu tiên trong số này có lẽ là 厦门大学南洋研究所南史组 (Tổ Nam sử Sở nghiên cứu Nam dương Đại học Hạ Môn) [1975]. Bài báo của họ, ký tên “Nanshizu” (南史组: Nam sử tổ), ngày 1.12.1975.

28 Tôi vẫn chưa tìm thấy một cách dịch chấp nhận được cho cụm từ này. Đá ốc xà cừ chín vú là một lựa chọn có tính đến việc “Shi Dizu” cho là các rạn san hô ngập nước. Một lựa chọn khác là coi 九乳螺 (cửu nhũ loa) là dạng thông tục xác định đá hoặc nhiều đá.

29 Trung văn: 历史悠久的地理发现.

30 Trung văn: 持续不断的辛勤开发.

31 Trung văn: 我国历代 政府对南海诸岛的行政管辖. Tiêu đề này có thể ít nhất đã gây hứng cho một bài viết có tựa và lập luận tương tự. Xem: Lin Ronggui (林荣贵: Lâm Vinh Quý) [1990].

32 Trung văn: 神圣领土不容侵犯 – BT.

33 Xem: Hayton [2014], đặc biệt là 29-60, và, gần đây hơn: Hayton [2018a] và Hayton [2018b].

34 太平御览 (Thái Bình ngự lãm: vua triều Thái Bình xem, 983).

35 Trần Mậu (陈茂) dưới quyền Chu Xưởng (周敞), thứ sử Vũ Châu ở miền trung Trung Quốc, người đã trao cho ông vị trí phụ tá. Xem: 太平御览, 263.1b, 1230.

36 Trung văn: 汝南陈茂尝为交趾别驾. 旧刺史行部, 不渡涨海, 刺史周敞涉海遇风, 船欲覆没, 茂拔剑诃骂水神, 风即止息 – BT. Xem: 太平御览, 60.1b, 287.

37 Tuy nhiên, Shen Jianming (申建明: Thân Kiến Minh) đã khẳng định đúng ngay điều này qua việc thay đổi lời văn gốc một chút để đọc thành “行部涨海” (hành bộ trướng hải) và dịch nó thành “một cuộc thị sát và tuần tra của hải quân trên các đảo ở biển Đông”. Xem: Shen Jianming [1997], 18.

38 Nan Mingzi (南溟子: Nam Minh Tử) là bút danh của nhà sử học Chen Jiarong (陈佳荣: Trần Giai Vinh). Bài báo đang bàn là Nan Mingzi (ND). Nguyên bản tiếng Anh tác giả ghi là: Chen Jiarong [1982] – Chen không dẫn mục trong Hậu Hán thư.

39 初学记 (Sơ học ký: Ghi chép cho người mới bắt đầu học: nửa đầu thế kỷ XVIII).

40 Trung văn: 交趾七郡獻貢,皆從漲海出入. Xem: 初学记, 6.115.

41 南州异物志 (Nam châu dị vật chí: Ghi chép về các thứ kỳ lạ ở Nam châu).

42 Trung văn: 东北行,极大崎头,出涨海,中浅而多磁石 – BT. Xem: 太平御览, 790,7b (tr. 3501);

43 异物志 (Dị vật chí: Ghi chép về những điều kỳ lạ) của Yang Fu (杨孚: Dương Phu) thời nhà Hậu Hán (25 – 220).

44 Xem, ví dụ: Han Zhenhua [1988], 23; 中华人民共和国外交部 [2000]; 中華民國 [2016].

45 Ye Hanming, Wu Ruiqing [1974], cũng đề cập đến Dị vật chí (10). Nếu như “Shi Dizu” có tiếp xúc bài viết này, có thể họ đã sử dụng nó vì nó xưa hơn Nam châu dị vật chí.

46 Trung văn: 涨海崎头,水浅而多磁石, 徼外人乘大舶, 皆以铁锢之, 至此关, 以磁石不得过. Xem: 异物志 (Dị vật chí), 3. Lưu ý rằng cụm từ có liên quan trong Dị vật chí, được trích dẫn trong 正德琼台志 (Chính Đức Quỳnh Đài chí: Sách ghi chép về Quỳnh Đài thời Chính Đức), 42, 14b, hơi khác so với cụm từ trong tập đã chỉnh sửa của Dị vật chí.

47 Tiếng Anh trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “islands, reefs, sand banks, and beaches of the Xisha and Nansha Islands of the South China Sea Islands”. Xem: 中华人民共和国外交部 [2000].

48 中华人民共和国外交部 [2000].

49 Các ấn phẩm đầu tiên bằng tiếng Anh kể từ nửa sau thập niên 1970 đã chấp nhận các yêu sách lịch sử của Trung Quốc và đến lượt nó trở thành tài liệu tham khảo được trích dẫn trong các nghiên cứu sau này. Xem: Hayton [2018b], 4.

50 太平御览, 988.3a, 4372.

51 Trung văn: 涨海崎头, 水浅而多磁石, 徼外人乘大船, 皆以铁锢之, 至此关, 以磁石不得过. Xem: Shen Jianming [2002], 113-114.

52 Trong Shen Jianming [1997] (18), thuật ngữ 崎头 (khi đầu) bao hàm tất cả những ý nghĩa này.

53 Trong bài viết trước đó, Shen thậm chí còn “dịch” lời văn sai hơn: “Các quan làm nhiệm vụ tuần tra đi thuyền lớn đều phải đổi sang thuyền nhỏ để đến khu vực này…”. Xem: Shen Jianming [1977], 19.

54 Manguin [1980], 274.

55 Chỉ vào cuối cuối thế kỷ XIX, người đi biển mới có thông tin cụ thể hơn về các vị trí của bãi cạn, đảo san hô và các rạn đá ngầm. Cho đến lúc đó, tàu thuyền thường đi theo các tuyến đường biển an toàn hơn được xác lập rõ dọc theo bờ biển của Đông Nam Á. Xem: Minh Hà Phạm [2016].

56 Xét tựa của cuốn sách là Dị vật chí cũng như các nội dung khác của cuốn sách – gồm những chuyên khác thường, hoang đường… có thể để thu hút người đọc Trung Quốc – thì cách hiểu theo nghĩa đen [biển có đá nam châm có thể hút làm thuyền không chạy được] có lẽ phù hợp hơn cách hiểu ẩn dụ thế này – ND.

57 Chen Jiarong [2006].

58 珊瑚洲 (san hô châu) là một cụm từ mơ hồ khác nhưng vẫn được một số tác giả Trung Quốc hiện đại xác định là để chỉ tất cả các đảo ở biển Đông. Xem, ví dụ: Liu Nanwei [1996], 13-14.

59 Nguyên văn: 张海中, 到珊瑚洲 , 洲底有盘石, 珊瑚生其上也. 太平御览, 69.3b (327). Xem thêm Han Zhenhua [1988], 25. Về san hô, xem: Ptak [1990].

60 Nguyên văn: 相当精确的认识.

61 Ptak [2007], 236.

62 Xem phần thảo luận chi tiết về thuật ngữ “zhanghai” (trướng hải) trong Ptak [2004].

63 Ye và Wang [1974] đã giới thiệu 广州通海夷道 (Quảng Châu thông hải di đạo: Các tuyến đường biển từ Quảng Châu đến các nước phiên di), do Jia Dan (贾耽: Giả Đam) (730 – 805) biên soạn, như là nguồn chính của họ từ thời Đường. Mô tả tuyến đường từ Quảng Đông đến Đông Nam Á, được tìm thấy ở 新唐书 (Tân Đường thư, 1060) 43A.1153. Han Zhenhua đã tìm cách lấp đầy thêm khoảng trống Tùy – Đường. Trong số các công trình khác ông đề xuất rằng 隋书 (Tùy thư, 656), chứa một ghi chép nhiêu chuyến đi thường xuyên đến “Tây Sa quần đảo” mà ông nghĩ đã được gọi tên bằng cụm từ 礁石山 (Tiều thạch sơn), rằng 通典 (Thông điển: Lịch sử bách khoa của các tổ chức của chính phủ, 801) ghi nhận các quan chức đi thuyền qua khỏi “Tây Sa quần đảo” (tức Tiều thạch sơn), và rằng Quảng Châu thông hải di đạo đã lưu ý về “Tây Sa quần đảo” với tên gọi là 象石 (Tượng thạch). Xem: Han Zhenhua [1988], 29-31.

64 萍洲可談 (Bình châu khả đàm: Trò chuyện về một đảo nổi) do Zhu Yu (朱彧: Chu Úc) biên soạn, khoảng đầu thế kỷ XII.

65 岭外代答 (Lĩnh ngoại đại đáp: Thông tin về các vùng đất phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh) do Zhou Qufei (周去非: Chu Khứ Phi, ? – 1178) soạn.

66 Trung văn: 地理认识.

67 Trung văn: 海底地形的概貌.

68 Trung văn: 给南海诸岛正式命名.

69 东大洋海, 有长砂石塘数万里. Ye và Wu trích dẫn mục có liên quan (三合流: tam hợp lưu) trọn vẹn, nhưng vẫn đi đến kết luận tương tự như “Sử lệ tổ”. Xem: Ye / Wu [1974], 11.

70 Đây là một trích dẫn từ 庄子 (Trang Tử), “秋水” (Thu thủy). Xem: https://ctext.org/zhuangzi/floods-of-autumn/zh, truy cập ngày 6.11.2018. Tôi sử dụng bản dịch của Burton Watson. Xem: https://terebess.hu/english/chuangtzu1.html #17, truy cập ngày 6.11.2018.

71 Trung văn: 传闻东大洋海, 有长砂石塘数万里, 尾闾所泄, 沦入九幽. 岭外代答校注 (Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú), 36.

72 Không chỉ là 传闻 (truyện văn: nghe nói), mà còn thậm chí hoang đường như: vĩ lư (rốn biển), cửu u (âm phủ) – ND.

73 Yang Wuquan (杨武泉: Dương Vũ Tuyền), biên tập viên hiện đại của 岭外代答校注 (Lĩnh ngoại đại đáp), giải thích rằng cụm từ này biểu thị cả “Tây Sa quần đảo” (Hoàng Sa quần đảo) và “Trung Sa quần đảo” (Macclesfield). Xem: 岭外代答校注, 37.

74 Trung văn: 千里长沙万里石塘.

75 Trung văn: 描述了这个海域 的地理特征 航海 情况.

76 琼管志 (Quỳnh quản chí: Sách ghi chép việc cai quản Quỳnh [châu]), nhiều khả năng biên soạn vào đầu thời Nam Tống, không còn tồn tại mà chỉ còn sót lại một vài mảnh rời.

77 舆地纪胜 (Dư địa ký thắng: Sách ghi chép các nơi nổi tiếng).

78 Trung văn: 其外则乌里苏密吉浪之洲, 而与占城相对. 西则真腊交趾, 南则千里长沙, 万里石塘, 上下渺茫, 千里一色. Xem: 舆地纪胜 (Dư địa ký thắng), 127.3b, 3622. Lưu ý rằng Su Jiqing không chính xác khi dẫn quyển 27 của Dư địa ký thắng trong bài bình luận của mình cho 島夷志略 (Đảo di chí lược) như là nơi mà Quỳnh quản chí được trích dẫn về “万里石塘” (vạn lý thạch đường). Xem thêm thảo luận về nguồn này trong Ptak 1997, 165, chú thích 14.

79 诸蕃志 (Chư phiên chí: Sách ghi chép về các nước phiên thuộc).

80 Hsu [1988], 96-97, giải thích rằng không có hải đồ nào trong giai đoạn được đề cập là còn tồn tại. Việc xác định các thể địa lý trong văn bản gốc được để lại cho Lin Jinzhi (林金枝: Lâm Kim Chi), người đề xuất rằng trong thời nhà Tống, 长沙 (trường sa) chỉ “Tây Sa quần đảo” (quần đảo Hoàng Sa) và 石塘 (thạch đường) chỉ “Nam Sa quần đảo” (quần đảo Trường Sa). Xem: Lin Jinzhi [1979], 102.

81 Trung văn: 千里长沙.

82 Trung văn: 萬里石塘.

83 Xem: Ptak [1997], 161-165.

84 Trung văn: 石床.

85 Trung văn: 长沙.

86 Trung văn: 诸蕃图 (Chư phiên đồ: Bản đồ các nước phiên).

87 Trung văn: 这张最古老的海图.

88 Trung văn: 汝适被命来此, 暇日阅《诸蕃图》, 有所谓石床(塘), 长沙之险, 交洋, 竺屿之限, 问其志则无有焉.

89 “Zhao Rukuo (赵汝适序), trong 诸蕃志校釋 (Chư phiên chí hiệu thích), 1. Tham khảo bản “dịch” của Shen Jianming: “Khi tôi hỏi liệu họ có các ghi chép về những người man rợ không, họ không có ghi chép nào […]”. Shen Jianming đã thay đổi chủ từ từ “các ghi chép” thành “họ” ẩn danh, và thay thế chủ đề, các thể địa lý và khu vực biển, thành “bọn man di”. Do đó, Shen đã làm cho việc Triệu Nhữ Quát thực sự sở hữu một bản đồ cho thấy “sàn đá” và “bãi cát dài” trở nên có thật. Xem: Shen Jianming [2002], 118.

90 岭外代答校注 (Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú), 126.

91 交洋 (Giao dương: biển Giao) có lẽ đồng nhất với biển ở miền bắc Việt Nam (Giao Chỉ). Về Giao Chỉ dương, xem Li Tana [2006a] và Li Tana [2006b]. 竺屿 (Trúc dư: đảo Trúc) bày ra một vấn đề cho các nhà bình luận hiện đại. Ví dụ, Han Zhenhua tin rằng nó là Borneo trong khi Zhen Binghua (甄炳华: Chân Bỉnh Hoa) thích chọn Pulau Aur ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Malaysia như vị trí cho đảo Trúc hơn. Xem: Han Zhenhua [1984], 88 và Zhen Binghua [2014], 87.

92 武经总要 (Vũ kinh tổng yếu: Những điều cốt yếu về quân sự).

93 Trung văn: 从屯门山用东风, 西南行七日至九乳螺州, 又三日至占不劳山 [在环州国界].

94 武经总要, 21.16ab (1055 – 1056). Đồn Môn sơn (屯门山) rất có thể chỉ đến một trại lính được thành lập trong triều đại nhà Đường ở huyện Bảo An để chống cướp biển. Trong triều đại nhà Tống, Đồn Môn sơn cũng được gọi là Đồn Môn (屯门). Chiêm Bất Lao sơn (占不劳山) có thể nói đến một chuỗi các hòn đảo nhỏ tên là Cù Lao Chàm ngoài khơi Việt Nam gần Đà Nẵng. Khi đó, Hoàn Châu (环州国) là một nước trong khu vực đó, và cái tên này có lẽ chỉ Champa.

95 洋防辑要 (Dương phòng tập yếu: Tóm tắt về phòng thủ biển).

96 洋防辑要, 1.8a (27).

97 广东洋图 (Quảng Đông dương đồ: Bản đồ biển Quảng Đông).

98 Trung văn: 九乳螺洲.

99 Trung văn: 在西沙群岛的位置上.

100 Để làm ổn thỏa việc đặt Cửu Nhũ Loa châu ở quần đảo Hoàng Sa, Han Zhenhua đã diễn giải lại các tài liệu có được và tính toán lại khoảng cách và thời gian đi thuyền. Han Zhenhua đưa ra một Thất Châu dương (七州洋) gần đảo Chiêm Bất Lao (占不劳山), khác với quần đảo Thất Châu dương (七洲洋) mà nhiều người khác đã xác định là quần đảo Taya. Do đó, Cửu Nhũ Loa châu bị chuyển vị trí tới “Tây Sa quần đảo”. Xem: Han Zhenhua [1981], 5.

101 梦梁录 (Mộng lương lục: Chuyện về giấc mơ trên bát kê).

102 Một trong số ít các học giả Trung Quốc bác bỏ việc đồng nhất 七洲洋 với ‘Tây Sa quần đảo’ là nhà địa lý học nổi tiếng Tan Qixiang (谭其骧 : Đàm Kỳ Tương) mà đối với ông cụm từ này dùng chỉ 七洲列岛 (Thất Châu liệt đảo) ở phía đông bắc Hải Nam. Xem: Tan Qixiang [1979]. Tôi chưa tiếp xúc với bài viết này vốn được dẫn trong Liu Yijie (刘义杰: Lưu Nghĩa Kiệt) [2016], 29.

103 Trung văn: 早在十三世纪我国劳动人民已对南海的地形有了进一步的了解.

104 Đối với Ye và Wu [1974], 12, mục có liên quan nhất trong 梦梁录 (Mộng lương lục) như sau: “Từ xưa, người đi thuyền có nói: ‘Khi đi thì sợ Thất Châu, khi về thì sợ Côn Lôn, ở đó nước sâu hơn 50 trượng” (自古舟人云 去怕七洲囘怕崑崙 亦深五十餘丈). Đối với Ye và Wu, nó biểu thị những mối nguy hiểm mà người đi biển phải đối mặt quanh “Tây Sa quần đảo” (七洲洋: Thất Châu dương) cũng như biển Đông (昆仑洋: Côn Lôn dương) nói chung. Về trích dẫn này, xem: 梦梁录, 12.15a. Về một giải thích chi tiết cho cái ông ta gọi là một câu tục ngữ, xem: Liu Yijie [2016]

105 Trung văn: 已经遍历南海诸岛.

106 元史(Nguyên sử), 162.3799

107 Trung văn: 从泉州启航, 过七洲洋, 万里石塘, 交趾, 占城.

108 Tuy nhiên, Shen Jianming đã có truyện Sử Bật và quân lính của ông này “đi thuyền… xuyên qua [tôi nhấn mạnh] Thất Châu dương và Vạn Lý Thạch Đường”, hay “Tây Sa quần đảo” và “Nam Sa quần đảo” theo cách hiểu của ông. Xem: Shen Jianming [1997], 27.

109 武备志 (Vũ bị chí: Sách về vũ khí quân sự).

110 Trung văn: 石星石塘.

111 Trung văn: 石塘 – BT.

112 Trung văn: 万生石塘屿.

113 Xem: 鄭和航海圖 (Trịnh Hòa hàng hải đồ: Bản đồ hàng hải của Trịnh Hòa), 武备志, 240.11a, 40.

114 Lin Jinzhi (林金枝: Lâm Kim Chi) tự mình dùng nó để xác định các tên gọi. Ông khẳng định phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa là thạch đường (石塘: bờ đá), có giải thích thêm rằng “ngư dân Hải Nam cho đến ngày nay thường nhắc đến nhóm đảo Vĩnh Lạc (永乐群岛) ở phía tây Tây Sa quần đảo là thạch đường”. Đối với chi tiết thứ hai này, ông không cung cấp tài liệu tham khảo. Thạch tinh thạch đường (石星石塘: bờ sao, bờ đá) đối với Lin Jinzhi không những chỉ Đông Sa quần đảo (Pratas) mà “rất có khả năng” (很可能) còn bao gồm cả Trung Sa quần đảo (Macclesfield). Hoàn toàn tự nhiên là điều đó khiến chỉ còn “Nam Sa quần đảo” (quần đảo Trường Sa) như là địa điểm có khả năng nhất cho vạn sinh thạch đường dư (万生石塘屿: bãi đá đá mười ngàn kiếp). Cho điều này Lin Jinzhi đã chủ yếu dựa trên những bình luận của Xiang Da (Hướng Đạt) trong phần chỉ mục của Trịnh Hòa hàng hải đồ. Xem: Lin Jinzhi [1979], 104.

115 Trung văn: 万里石塘

116 Trung văn: 万里长沙.

117 海語 (Hải ngữ), 3.2a và 2b (34-35). Lin Jinzhi giải thích bằng chứng này như sau: “Hải ngữ không chỉ là tài liệu đầu tiên thay trường sa thời Tống và thời Nguyên (cũng như thiên lý trường sa) bằng vạn lý trường sa, mà quan trọng hơn nó là tài liệu đầu tiên xác định trường sa (hay thiên lý trường sa) mà thời Tống đã dùng để gọi Tây Sa quần đảo, là Nam Sa quần đảo, và xác định thạch đường (hay vạn lý thạch đường) mà thời Tống đã dùng để gọi Nam Sa quần đảo, là Tây Sa quần đảo, và như vậy đảo ngược hai tên gọi”. Xem: Lin Jinzhi [1979], 106.

118 東西洋考 (Đông tây dương khảo: Về đại dương phía đông và phía tây).

119 Liu Shen (劉深: Lưu Thâm) bắt được Yu Rugui (俞如珪: Du Như Khuê) vào cuối tháng 12.1277 tại Thất Châu dương (七州洋). Xem: Tống sử, 47.944.

120 Trung văn: 七州山, 七州洋. 瓊州志曰: 在文昌東一百里. 海中有山, 連起七峰, 內有泉, 甘冽可食. 元兵劉深追宋端, 宗執其親屬俞廷珪之地也. 俗传古是七州沉而成, 海舶过, 用牲粥祭海厉, 不则为祟, 舟过此极险, 稍贪东, 便是万里石塘. 即《琼志》所谓万州东之石塘海也. 舟犯石塘, 希脱者. 七洲洋打水一百三 十托, 若往交趾东京, 用单申针五更见黎母山.

121 東西洋考, 9.172.

122 Trung văn: 顺风相送 (Thuận phong tương tống: thuận gió ra khơi).

123 T’ien Ju-k’ang 1982 đã chất vấn về tính xác thực của Thuận phong tương tống như một công trình độc lập và coi nó như một bản sao của 渡海方程 (Độ hải phương trình: Phương trình vượt biển, 1537). Điều đó sẽ làm cho Thuận phong tương tống trở thành một công trình giữa thế kỷ XVI.

124 兩種海道針經 (Lưỡng chủng hải đạo châm kinh), 27-28.

125 兩種海道針經, 33.

127 兩種海道針經 (Lưỡng chủng hải đạo châm kinh), 108 và 117, tương ứng.

128 Trung văn: 指南正法 (Chỉ nam chính pháp: Hướng dẫn la bàn chuẩn).

129 海国闻見錄 (Hải quốc văn kiến lục).

130 瀛寰志略 (Doanh hoàn chí lược: Sách ghi chép gọn về trời đất, 1848).

131 东洋南洋海道图 (Đông dương Nam dương hải đạo đồ: Bản đồ các tuyến đường biển ở hai đại dương phía đông và phía nam).

132 Bản đồ 5: https://www.nansha.org.cn/…/dong_yang_nan_yang_hai_dao_tu.h…, truy cập ngày 3.4.2019. Để biết thêm về Đông dương Nam dương hải đạo đồ, xem: Fang Biyong (方碧勇: Phương Bích Dũng) [2016].

132 Trung văn: 七州洋在琼岛万州之东南, 凡往南洋者, 必经之所.

133 海国闻見錄 (Hải quốc văn kiến lục), A.20b, “南洋记” (Nam dương chí). 中国古今地名大辞 典 (Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển) cũng như Zheng Ziyue (郑资约: Trịnh Tư Ước) trích dẫn một phiên bản khá khác với mục từ này: “Thất Châu Dương nằm ở phía đông nam của huyện Vạn trên đảo Hải Nam thuộc Quảng Đông. Những ai đi đến đại dương phía Nam chắc chắn đi ngang qua nó. Về phía đông bắc của nó là một bãi cát dài, một bờ đá và nhiều rạn san hô khác, và tàu thuyền đi qua đó phải thận trọng. Theo truyền thuyết, trong đại dương này có những con chim mũi tên (tiễn điểu) sinh sống, và khi những con tàu đi vào đại dương này, thì những con chim bay đến dẫn đường giúp”. Xem: 中国古今地名大辞典 [1931], 4-5; và Zheng Ziyue [1947], 75. Có thể là Zheng Ziyue đã sao chép trích dẫn của ông về Hải quốc văn kiến lục từ công trình tham khảo địa lý trước đó.

134 瀛寰志略 (Doanh hoàn chí lược), 1 “亚细亚南洋滨海各” (Á Tế Á Nam dương tân hải các quốc). Để biết thêm về Xu Jiyu (徐继畬: Từ Kế Dư: ? -1873) và tác phẩm của ông, xem: Drake [1975].

135 使西纪程 (Sứ tây kỷ trình: Nhật ký đi sứ phương Tây, 1876).

136 Trung văn: 为中国属岛.

137 齐纳细 là phiên âm của China Sea, âm Hán – Việt là Tế Nạp Tế – ND.

138 Trung văn: 中国海.

139 Không thấy ý “cách cảng không xa” trong đoạn trích, có lẽ Frodsham dịch thoát, và lưu ý rằng ở đây Guo Songtao (郭嵩焘: Quách Tung Đảo, 1818 – 1891) không dùng tên tiếng Trung kiểu Thạch đường (石塘) hay Thất Châu七洲 (七洲)… như học giả Trung Quốc cho đó là tên của Hoàng Sa thời xưa mà lại nêu phiên âm P’ai-la-su của Paracels – ND.

140 拍拉苏 là phiên âm của Paracel, âm Hán – Việt là Phách Lạp Tô – ND.

141 Trung văn: 计当琼南二三百里, 船人名之 “斋纳细”, 犹言中国海也. 海多飞鱼, 约长数尺, 跃而上腾, 至丈许乃下. 左近拍拉苏岛, 出海参, 亦产珊瑚而不甚佳. 中国属岛也. 系荒岛, 无居民.

142 Frodsham [1974], 11. Hayton loại không coi đoạn văn này như là bằng chứng của chính quyền Trung Quốc đối với các đảo vì đây không phải là một yêu sách lãnh thổ được ban hành chính thức, mà chỉ là một ghi chú trong một cuốn nhật ký. Hơn nữa Hayton còn nghĩ rằng trước đây chính phủ Trung Quốc không hề biết về những hòn đảo này, đó có thể là lý do vì sao Guo Songtao không đề cập đến chúng ngay từ đầu. Xem: Hayton [2017], 22-23.

143 Han Zhenhua đã bác bỏ ý kiến cho rằng cái tên Paracel Islands của phương Tây trong suốt thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX để chỉ quần đảo Hoàng Sa. Thay vì vậy, Han Zhenhua giải thích, cái tên Paracel Islands được sử dụng cho các đảo ngoài khơi Việt Nam. Do đó, lập luận của Han Zhenhua đã bác bỏ hiểu biết của phương Tây về quần đảo Hoàng Sa, và cũng bác bỏ việc thủy thủ phương Tây đặt tên cho các đảo này mà vào thời điểm đó và cho đến thế kỷ XIX không có một tên gọi chính thức thích đáng nào của Trung Quốc. Xem: Han Zhenhua 1980. Tương tự, ông cũng loại bỏ các yêu sách của Việt Nam khi gọi hai tên quần đảo này bằng các tên tiếng Việt là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Xem: Han Zhenhua và Wu Fengbin [1980].

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trần Đức Anh Sơn rất có công nghiên cứu để vạch dã tâm của TQ.
    Ông bức xúc tới mức không thể kiềm chế (theo yêu cầu của cấp trên: CS); do vậy ông bị CS loại trừ. Nhưng sẽ tới lúc dân loại trừ CS.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây