Trúc Nguyễn
23-4-2020
Bạn tôi sống ở thành phố thuộc nhóm “có nguy cơ cao” phải “giãn cách” ít nhất đến ngày 22/4. Cuối buổi chiều ngày 18/4 sau khi đạp xe nhiều km qua những con phố thưa vắng cảm giác chưa đủ nên anh ghé vào một sân bóng để chạy bộ.
Trên sân cỏ rộng hàng ngàn mét vuông có 3 người và 1 con chó, đeo khẩu trang và giãn cách tốt, ai nấy lầm lũi chạy như những xác chết di động. Nhưng chỉ khoảng 5 phút, xe bán tải CA phường xuất hiện phát loa yêu cầu giải tán. Đó là “zoom cận cảnh” một sinh hoạt xã hội thời chống dịch ở 1 phường của Sài Gòn, phải nói là nghiêm và đa phần người dân tuân thủ, hợp tác.
Chúng ta đang ở tuần thứ 3 giãn cách xã hội, có khả năng tiếp tục qua tuần thứ 4 đến cuối tháng, nhiều địa phương lên kế hoạch cho học sinh nghỉ học qua đến tuần đầu tháng 5. VN là một trong những nước kết quả phòng chống dịch bệnh tốt nhất thế giới…
Nhưng mặt khác “ngồi ăn thì núi lỡ“, 3 tuần giãn cách cũng là 3 tuần người dân nín thở để sống. Nền kinh tế đã “ngấm đòn”, người lao động bế tắc, đã có người Anh (dân “Ăng -Lê”) cầm bảng xuống đường xin tiền. Ngàn doanh nghiệp, vạn hộ kinh doanh, người dân sống bằng vốn vay, mỗi sáng mở bát ra là cục nợ to dần.
Một diễn biến khác, làn sóng mua bán sát nhập công ty đang diễn ra: “Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 3 có đến 940 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là hơn 1,172 tỉ đô la. So với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 35%“. M&A là một hoạt động theo quy luật thị trường, nhưng xảy ra thời điểm này không tránh khỏi mất giá, bán rẻ gây thất thoát tài sản và thương hiệu, dù của tư nhân hay tổ chức thì xét cho cùng cũng là tài sản của quốc gia.
Dư luận chia hai phe: Tiếp tục cách ly hay phục hoạt lại nhịp sống xã hội… Từ những diễn biến nêu trên rồi đọc tin dịch bệnh hoành hành các nước châu Âu, Mỹ thì khó nói giải pháp nào hay hơn. Nhưng VN có những đặc thù riêng: nền kinh tế quy mô nhỏ, tích lũy thấp, đa phần doanh nghiệp sử dụng vốn vay, phúc lợi xã hội chưa phát triển, một bộ phận người dân chạy ăn từng bữa…
Hy sinh kinh tế để bảo vệ tính mạng người dân là quyết định chính trị có trách nhiệm nhưng sau hơn 3 tháng phòng chống dịch, 3 tuần cách ly xã hội chúng ta đã thu đạt kết quả tốt, đã rút ra được bài học kinh nghiệm là cơ sở để thực hiện nguyên tắc “Điều chỉnh tích cực” cùng với “Kiểm soát dịch bệnh” để tiến tới “Chung sống an toàn” như PTT Võ Đức Đam nêu trong cuộc họp BCĐ phòng chống dịch ngày 17/4.
Mỗi địa phương, tổ chức, đặc biệt là các viện, trường đại học… nên thiết kế những kịch bản chi tiết riêng để tái khởi động các hoạt động làm thí điểm. Đặt mục tiêu rủi ro mức độ nào là chấp nhận được, nếu vượt ngưỡng thì phải phong tỏa trở lại… rồi lượng giá kết quả rút kinh nghiệm tiến tới nhân rộng mô hình.
Một lãnh đạo trường Y nói “Trong cơ cấu chương trình đào tạo ngành y thì 2/3 thời lượng là sinh viên học lâm sàng. Sinh viên từ năm thứ 3 trở đi chủ yếu học lâm sàng. Mà học lâm sàng thì không thể học trực tuyến được”.
Bạn tôi, trưởng Khoa ngoai một bệnh viện tuyến Trung ương nổi tiếng, tâm sự, đi chuyên tu nước ngoài như Mỹ, Nhật về, chủ yếu là làm việc với máy móc hiện đại, học cách quản lý chuyên nghiệp… còn chuyên môn thì môi trường thực hành không bằng VN vì ngày nào cũng có nạn nhân tai nạn giao thông cần mổ, bác sĩ cực nhưng cũng nhờ vậy tay nghề cao hơn hẳn so với đồng nghiệp cùng lứa ở nước ngoài.
Học ngành Y thì dịch bệnh là một cơ hội có một không hai để thâm nhập cọ xát với thực tế, nhưng thời gian vừa qua các trường Y “lock down” cùng với đất nước. Thiển nghĩ, đóng cửa trường Y để tránh dịch là một thiệt thòi cho sinh viên và tổn thất cho xã hội!
Nhà có người thân học Bách Khoa, những ngày đầu thực hiện giãn cách, tôi trông chờ trường đề xuất quy trình an toàn khép kín cho việc sinh viên đi học trở lại… thực tế thì sinh viên BK cũng học online, nghỉ miệt mài! Việc cho học sinh sinh viên nghỉ ở nhà bắt đầu thành quán tính nghỉ tiếp chắc cũng không sao, đến khi xuất hiện một lứa thanh niên tăng cân, phản ứng chậm, đầu óc tưng tưng… thành hiệu ứng xã hội mới cuống cuồng thấy “có sao” thì e là đã muộn!
Phát minh dễ thương cây “ATM gạo” trong mùa dịch là của một cá nhân, đội ngũ phòng chống dịch thì làm việc bở hơi, tai còn các Viện, các trường đại học… những nơi lý luận “đầy mình”, phòng nghiên cứu, cơ sở vật chất, nhân sự là hàng ngàn GS, TS, Thạc sĩ… thì đây là cơ hội để phát minh sáng kiến, ứng dụng, tiện ích thì không mấy động tĩnh, ngược lại nhất cử nhất động đều chờ và làm theo chỉ thị của Thủ tướng.
Nguyên nhân là do tâm lý thụ động, sợ trách nhiệm hay là vì vướng cơ chế? Nếu thế thì cần phải hạ bỏ gánh nặng cơ chế giải phóng năng lượng sáng tạo cho các nhà khoa học và lực lượng tri thức nước ta là một nhu cầu bức xúc! Có thể nói giới khoa học VN đang bỏ qua một cơ hội cống hiến, mang danh trí thức mà không bị thôi thúc của tâm thế phục vụ cuộc sống quả là đời buồn!
Mặt khác cũng có ý kiến cho rằng, nhờ lock down mà nhiều chỉ số môi trường khắp thế giới trong đó có VN tốt lên trông thấy, chẳng phải là tốt hay sao! Nhưng hơn 7 tỉ sinh linh trên trái đất này và một bộ phận không nhỏ trong gần 100 triệu dân VN phải lo sốt vó từng bữa ăn…
Ý thức về môi trường cần thể hiện trong mọi ứng xử sinh hoạt hàng ngày làm đều đặn năm này qua năm nọ cho thành kỷ luật mới hiệu quả chứ không phải hy sinh sinh mệnh kinh tế để cho Mẹ trái đất nghỉ mệt, hết dịch lại đâu vào đấy! Nếu lock down kéo dài đến cuối năm vẫn chưa có vaccine thì phải giải bài toán kinh tế làm sao?
Tham khảo
https://tuoitre.vn/cach-ly-xa-