Hoa Kỳ ‘đã lãng phí’ hàng tháng trước khi chuẩn bị cho đại dịch

Associated Press

Tác giả: Michael Biesecker

Dịch giả: Trần Tịnh

5-4-2020

Lời người dịch: Chính phủ của ông Trump đang bị chỉ trích nặng nề là đã cẩu thả, kém tổ chức, không chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, đã làm cho dịch bệnh phổi Vũ Hán lây lan mạnh mẽ ở Mỹ. Đến thời điểm này, Mỹ xác nhận đã có hơn 350.000 người nhiễm virus và hơn 10.300 người thiệt mạng. Phóng sự điều tra của hãng thông tấn AP dưới đây, làm rõ chuyện này.

***

Đầu tháng 1/2020 khi đã có những báo động rằng sự bùng phát virus corona (Covid-19) ở Trung Quốc có thể lan thành đại dịch trên toàn cầu, chính quyền Trump đã phí bỏ thời gian suốt gần hai tháng, có thể được sử dụng để củng cố kho dự trữ liên bang, bổ sung các vật tư và thiết bị y tế quan trọng.

AP đã xem xét các hợp đồng mua sắm của chính phủ thì thấy rằng, đến giữa tháng 3/2020, chính phủ Mỹ mới bắt đầu đặt mua số lượng lớn khẩu trang N95, máy trợ thở và các thiết bị khác cần thiết cho nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch.

Trong lúc đó, các bệnh viện ở vài tiểu bang đã phải chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 mà không được trang bị cần thiết, và phải khẩn cầu đến Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia (Strategic National Stockpile – SNS). Kho này là nguồn cung cấp liên bang, được thành lập 20 năm trước, để có thể cung ứng các thiết bị y khoa, dược phẩm trong tình trạng khẩn cấp xảy ra trên đất nước.

Ba tháng sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, kho dự trữ này đã gần như cạn kiệt, với số lượng bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tăng mạnh. Một số viên chức ở các tiểu bang và địa phương cho biết, họ đã nhận được các máy trợ thở hư hỏng, các khẩu trang bị rách nát vì nằm đó cả chục năm nay.

Bà Kathleen Sebelius, Bộ trưởng y tế thời Obama, nói với AP: Chúng ta đã mất hai tháng ròng.

Giữa tháng 1/2020, các viên chức Mỹ đã có thể thấy các bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, tràn ngập bệnh nhân, rất nhiều người phải dùng tới máy trợ thở. Sau đó tới phiên nước Ý, thiếu giường bệnh, thiết bị, bác sĩ.

Bộ Y tế đã không trả lời câu hỏi là tại sao họ không mua để trữ những trang thiết bị đó. Tổng thống Trump thì quyết là liên bang chỉ giữ vai trò thứ yếu trong việc đối phó với đại dịch.

Khi phóng viên của AP hỏi ông Trump trong buổi họp báo hôm Chủ Nhật 5/4 về tình trạng đó, ông ta không trả lời. Ông ta nói một cách bực dọc: “FEMA (cơ quan tình trạng khẩn cấp liên bang), quân đội đã làm nên một sự mầu nhiệm để có được những thứ này. Những gì họ đã làm cho các tiểu bang là không thể tin được”. Rồi ông ta cắt bỏ cuộc họp báo, bỏ đi.

Trump và các viên chức được ông ta bổ nhiệm đã hối thúc các tiểu bang và chính quyền địa phương, các bệnh viện, hãy tự mua khẩu trang và máy trợ thở, nói rằng các yêu cầu đối với kho dự trữ quốc gia đang cạn kiệt, sẽ là biện pháp cuối cùng.

Khái niệm về kho dự trữ liên bang là kho dự trữ của chúng tôi. Nó không được coi là kho dự trữ cho tiểu bang để họ sử dụng“. Ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn của tổng thống, nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm.

Các nhà chuyên môn về sự chuẩn bị và ứng phó tình trạng khẩn cấp đã rất thất vọng trước những tuyên bố như thế, họ bảo rằng, liên bang phải dẫn đầu trong việc tìm nguồn cung ứng, rồi phân phối trang thiết bị y tế đó đến những nơi cần nhất.

Bà Sebelius là người từng là Thống đốc tiểu bang Kansas trước khi làm Bộ trưởng Y tế [thời chính quyền Obama], nói rằng: “Các tiểu bang không có trọng lượng khi mua bán như liên bang, họ cũng không thể chịu được sự thâm thủng như chính quyền liên bang. Họ không có một sức mạnh hậu cần như liên bang“.

Do phản ứng của liên bang đối với dịch Covid-19 như thế, nên thống đốc các tiểu bang nói, bây giờ họ phải giành với các cơ quan liên bang và giành với nhau các món đồ cần thiết, đã đẩy giá tăng vọt.

Thống đốc Andrew Cuomo của New York nói rằng, tình trạng bây giờ giống như là 50 tiểu bang đấu giá với nhau trên eBay để giành nhau mua máy trợ thở.

Trong gần một tháng, ông Cuomo đã kêu gọi ông Trump kích hoạt lại Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để bắt các công ty sản xuất những sản phẩm cần thiết, nhưng ông Trump không chịu, lấy cớ là lĩnh vực tư nhân làm thế đủ rồi.

Ba tháng sau khi Trung Quốc cho biết ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Trump mới ra lệnh cho các công ty Mỹ sản xuất những thiết bị cần thiết. Nước Mỹ đã thành nơi nhiễm bệnh cao nhất thế giới và có 9.000 người chết.

Trong tháng Giêng và tháng Hai, Trump nói rằng những đe dọa về dịch bệnh chỉ là trò giả tạo của Đảng Dân chủ và giới truyền thông. Vào ngày 30/1 khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu, Trump nói rằng dịch bệnh đang nằm trong tầm kiểm soát, và nước Mỹ sẽ kết thúc tốt đẹp.

Chính phủ của ông ta tự tin đến mức, ngày 7/2, Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố viện trợ cho Trung Quốc 18 tấn thiết bị gồm khẩu trang y tế, khẩu trang phẩu thuật, đồ bảo hộ và các vật tư y tế khác cho Trung Quốc bằng đường hàng không.

Ngày 24/2, Nhà Trắng gửi Quốc Hội dự trù một khoản chi 2,5 tỉ dollar để chống dịch. Một ngày sau đó các chuyên gia của Cơ quan phòng chống dịch bệnh (CDC) dự báo, đại dịch sẽ lan nhanh chóng ở Mỹ, sẽ làm thay đổi nặng nề cuộc sống của dân chúng với việc đóng cửa trường học, đóng cửa công ăn việc làm.

Ngày 27/2 Bộ trưởng Y tế Alex Azar nói với các nhà lập pháp rằng, những rủi ro của dịch bệnh đối với công chúng ở Mỹ là thấp.

Trong những tuần đầu tiên rất quan trọng để Mỹ có thể tìm đường đi của dịch bệnh và ngăn chặn nó, thế nhưng rất ít người được xét nghiệm, rồi một loạt sai lầm của chính phủ liên bang dẫn tới sự thiếu hụt các dụng cụ xét nghiệm và khả năng xét nghiệm, mà AP đã đưa tin hồi tháng trước.

Không có dữ liệu cho thấy bệnh dịch lây lan như thế nào, nên chính phủ đã thất bại trong việc chuẩn bị để chống nó.

Giữa tháng Ba, các bệnh viện ở New York, Seattle và New Orleans tràn ngập bệnh nhân. Bác sĩ và y tá dùng mạng xã hội báo động chuyện thiếu thốn đủ thứ, từ khẩu trang cho đến đồ bảo hộ khi tiếp xúc bệnh nhân.

Trump cáo buộc các thống đốc thuộc đảng Dân chủ đã phóng đại nhu cầu, rồi còn chế giễu những người chỉ trích phản ứng [chậm chạp] của liên bang là những người chỉ biết phàn nàn và là bọn rắn độc. Ngày 27/3, Trump lại nói: “Tôi muốn họ phải được đánh giá cao”.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, một nữ phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) nói rằng, SNS có 13 triệu khẩu trang y tế N95, là loại có thể cản đến 95% các phần tử lơ lửng trong không khí và hơi nước, để có thể giúp các nhân viên y tế tránh nhiễm virus. Nhưng số đó chỉ là một phần nhỏ mà các bệnh viện cần, vì các y tá, bác sĩ cần dùng mỗi một khẩu trang y tế cho một bệnh nhân, nhưng bây giờ họ phải dùng một khẩu trang trong suốt mấy ngày.

Trong buổi họp báo ở Nhà Trắng ngày 26/3, Trump than phiền rằng ông ta nhận từ ông Obama một “cái kho trống rỗng”, nhưng “đã nhanh chóng mua sắm đầy kho”.

Tuy nhiên, những chứng từ của liên bang cho thấy, chính phủ Trump cứ trì hoãn việc mua những lô hàng lớn, cho đến khi virus đã lan tràn.

Ngày 4/3, Bộ Y tế công bố sẽ mua 500 triệu khẩu trang y tế N95 để dùng cho 18 tháng tới. Ngày hôm sau, Quốc Hội thông qua gói cứu trợ khẩn cấp, trị giá 8.3 tỉ dollar, gấp ba lần số Nhà Trắng yêu cầu.

Tám ngày sau, ngày 13/3, Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, gần 6 tuần lễ sau khi WHO tuyên bố. Lúc đó cả ngàn trường học đã đóng cửa và cả nước đã có 1.700 ca nhiễm bệnh.

Chính phủ gửi tới tiểu bang Washington, tiểu bang bị nặng nhất lúc đó, hàng chục ngàn khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, nhưng các viên chức tiểu bang nói là không đủ.

Giấy tờ của liên bang cho thấy, Bộ Y tế đặt hàng vào ngày 12/3 một hợp đồng trị giá 4,8 triệu dollar mua khẩu trang N95 của công ty 3M, một nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ. Công ty này đã mở rộng việc sản xuất của mình mấy tuần trước đó để đáp ứng tình hình đại dịch. Sau đó, ngày 21/3, Bộ Y tế đặt thêm 173 triệu dollar để mua hàng, nhưng những hợp đồng này không yêu cầu 3M giao hàng vào kho dự trữ quốc gia đến cuối tháng Tư. Đó là thời điểm Nhà Trắng dự đoán đại dịch sẽ đạt đến đỉnh điểm.

Hôm thứ Năm, Trump đã đe dọa 3M trong một cái tweet “đánh mạnh vào 3M” thông qua lệnh của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nói rằng công ty “sẽ trả một cái giá lớn!” Nhưng ông không đưa ra chi tiết cụ thể.

Bộ Y tế từ chối trả lời là họ đang có trong tay bao nhiêu khẩu trang N95, nhưng ngày 31/3 Nhà Trắng cho biết, họ đã phân phối 11,6 triệu cái cho các tiểu bang và chính quyền địa phương từ kho dự trữ quốc gia. Khoảng 90% trong số đó đã có hồi đầu năm.

Bác sĩ Robert Kadlec, phụ tá bộ trưởng, chịu trách nhiệm vấn đề chuẩn bị và ứng phó của Bộ Y tế, đã ra điều trần trước Quốc hội hồi tháng trước, nói rằng, nước Mỹ cần đến 3,5 tỉ khẩu trang N95, nhưng việc cung ứng của quốc gia chỉ có 1% trong số đó.

Ông Greg Burel, Giám đốc SNS từ năm 2007 đến lúc về hưu đầu năm nay, nói rằng kho dự trữ này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho cầu nối ngắn hạn mà thôi.

Gốc gác của kho hàng SNS này được lập vào năm 1999 để phòng bị khủng hoảng Y2K liên quan đến các máy tính. Sau ngày 9/11, nó được mở rộng để chuẩn bị cho các cuộc tấn công liên quan đến hóa học, sinh học và hạt nhân. Theo ông Burel, Quốc hội đã cung cấp tiền vào năm 2006 để chống dịch cúm, nhưng hầu hết số hàng đó đã được sử dụng vào năm 2009 để chống sự bùng phát của dịch cúm H1N1.

Ông Burel nói: “Không bao giờ có đủ tiền để mua mọi thứ cho đầy kho. Hầu hết các sản phẩm như khẩu trang có thể mua với số lượng lớn khi có chuyện xảy ra”. Ông nhấn mạnh, kho dự trữ sử dụng nguồn tài trợ hàng năm của nó để chuẩn bị cho một loạt các mối đe dọa tiềm tàng.

Nhưng lần này thì cách đó không hữu hiệu. Như AP đã đưa tin hồi tháng trước, phần lớn nguồn cung cấp mặt nạ N95 và nhiều vật phẩm y tế khác trên thế giới được sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc, mà nước này lại bị Covid-19 tấn công đầu tiên, cho nên Bắc Kinh cấm xuất cảng những thứ đó. Họ chỉ nới rộng chuyện xuất cảng trong thời gian gần đây.

Các chuyên gia đang lo rằng, Mỹ sẽ thiếu máy trợ thở, và giá có thể lên đến 12.000 dollar một cái.

Nhà Trắng cho biết, họ đã phân phối phân nửa số máy trợ thở mà họ có trong kho. Kho này có 16.660 cái vào đầu tháng Ba, mà một số đã mua từ trước ngày 11/9/2001 và 2.425 cái thì không còn bảo trì.

Ông Cuomo, thống đốc bang New York, cho biết, New York có thể cần tới 40.000 máy trợ thở để đối phó với dịch bệnh đang tràn ngập trong các bệnh viện ở đó.

Trong suốt tháng 3, thống đốc và thị trưởng của các thành phố lớn kêu gọi ông Trump sử dụng quyền của mình về Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để chỉ đạo các công ty tư nhân đẩy mạnh sản xuất máy trợ thở. Nhưng ông đã không làm cho tới cuối tuần trước, Trump nói rằng, ông sẽ sử dụng quyền đó để ra lệnh cho General Motors bắt đầu sản xuất máy trợ thở – công việc mà công ty này đã tuyên bố đang được tiến hành.

Chính phủ liên bang đã nỗ lực chuẩn bị cho sự gia tăng nhu cầu về máy trợ thở, nhưng họ đã để mọi người chờ đợi mòn mỏi. Từ 2014, Bộ Y tế đã đặt hàng trị giá 13,8 triệu dollar của một công ty tư nhân Respironics Inc., sản xuất máy trợ thở, với giá rẻ hơn, đơn giản hơn, có thể được mua với số lượng lớn, bổ sung vào kho dự trữ quốc gia. Tháng 9/2019 Bộ Y tế đặt hàng một công ty Hòa Lan 10.000 cái cho loại mới, nhưng hợp đồng của liên bang cho thấy, đến năm 2022 mới giao hàng.

Công ty mẹ của Reverironics, là Royal Philips, cho biết, họ có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng máy trợ thở của Hoa Kỳ lên 2.000 cái mỗi tuần vào cuối tháng Năm.

Steve Klink, phát ngôn viên của hãng Royal Philips ở Amsterdam, cho biết, công ty hiện đang tập trung vào sản xuất các mô hình thương mại khác và sẽ cung cấp máy trợ thở đầu tiên cho kho dự trữ quốc gia vào tháng 8, rất lâu sau dự đoán của Nhà Trắng về dịch Covid-19 đạt tới đỉnh.

Ngày 27/3, Trump cam kết rằng, chính quyền của ông sẽ bảo đảm rằng, 100.000 máy trợ thở sẽ được cung cấp “trong vòng 100 ngày”. Hôm thứ Năm, ông nói rằng ông sẽ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để ra lệnh cho các nhà sản xuất máy trợ thở và khẩu trang y tế, đẩy mạnh sản xuất.

Không rõ lệnh của Trump sẽ chuyển 100.000 máy trợ thở mới mà ông đã hứa như thế nào. Trong cuộc họp báo của Ủy ban Giám sát và Cải cách của Hạ viện hồi tuần trước, các quan chức hàng đầu của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang đã thoái thác, nói rằng 100.000 máy thở sẽ có mặt “sớm nhất” vào cuối tháng 6.

Thống đốc New York, ông Cuomo dự đoán hôm thứ Sáu, rằng New York sẽ không còn máy trợ thở trong vòng vài ngày. Với số người chết do virus corona ở tiểu bang của ông gia tăng mạnh, thống đốc tuyên bố sẽ sử dụng thẩm quyền của mình để giữ lấy máy thở, khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế từ các bệnh viện tư nhân để sử dụng cho bệnh nhân.

Trong khi đó, các quan chức y tế liên bang đang hạ thấp các tiêu chuẩn.

Hướng dẫn mới của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép các bệnh viện sử dụng máy trợ thở khẩn cấp thường được sử dụng trong xe cứu thương và máy gây mê thay cho các máy trợ thở chuẩn. Cơ quan này cũng cho biết máy CPAP để đầu giường, thường được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy, cũng có thể được sử dụng để giúp cho bệnh nhân virus corona thở, như là phương cách cuối cùng.

CDC đã khuyên các nhân viên y tế hồi tháng trước là nên sử dụng khẩu trang tự chế hoặc những chiếc khăn để quấn nếu họ không còn các dụng cụ thích hợp. Khắp cả nước, các bệnh viện đã đưa ra những lời yêu cầu khẩn thiết cho những người tình nguyện biết may để may khẩu trang.

Tổng thống Trump đề nghị rằng, người Mỹ không được tiếp cận với khẩu trang do nhà máy sản xuất, có thể che mặt bằng khăn quàng cổ.

Trump nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư tại Nhà Trắng: “Một chiếc khăn quàng cổ được các chuyên gia khuyên dùng. Và tôi nghĩ, theo cách nào đó, tùy thuộc vào loại vải – tôi nghĩ, theo một cách nào đó, một chiếc khăn quàng cổ cũng tốt hơn. Nó thật sự tốt hơn [là không có gì]”.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.