Tác giả: John Dickerson
Dịch giả: Mai Sơn
29-3-2020
Giữa hỗn loạn này, xin hãy dành thời gian buồn thương cho những mất mát chung
Nếu bạn từng mất người thân yêu, thì bạn biết cái cảm giác nhìn thế gian qua tấm kính của người thu ngân trong nhà băng ra sao. Bạn quan sát người khác cười đùa và vui hưởng một ngày của họ, nhưng bạn bị tách rời khỏi họ, bị ngăn cách bởi một tấm kính thật dày. Bạn tự hỏi làm sao mà họ có thể nhâm nhi thưởng thức đĩa mì pasta đó, hay hát hò ầm ĩ như vậy, rồi bạn đắn đo, chuyện gì đang xảy ra thế kia.
Thường thì trải nghiệm đó rất riêng tư, nhưng trong thế giới của loài corona, tất cả chúng ta đang ở cùng một phía của tấm kính đó. Mỗi ngày chúng ta phải nhìn qua tấm kính nỗi khổ đau của những người khác. Ngay cả khi bạn không có người quen nào chết, hay bạn không có một người thân nào để lo rằng họ sẽ chết, bạn vẫn nghe nói về con số tử vong ngày một tăng lên ở Mỹ. Nếu bạn giống như tôi, bạn không thể không hình dung những phận người đằng sau các con số đó.
Hôm nay, một người phụ nữ trở thành góa phụ. Một đứa con gái không thể nói lời từ biệt cha. Một đứa con trai nghe mẹ nói câu cuối cùng: con ơi, con đắp mền cho mẹ. Với hàng ngàn người, hôm nay sẽ là một thời điểm xoay chuyển của cuộc đời họ; mọi thứ sẽ được gọi tên là “trước đó” hoặc là “sau đó”.
Độ kinh hoàng của một cái chết lớn hơn chúng ta tưởng. Có những người hàng xóm thắp một ngọn nến bên cửa sổ để tương trợ một gia đình mỏi mòn chờ cuộc gọi điện thoại có thể đến trong đêm. Đằng kia là một người về hưu vừa mất đi một người bạn thân thiết. Các y tá và bác sĩ, những người đang chiến đấu với con virus, còn phải chịu đựng gánh nặng cảm xúc từ mỗi cuộc gọi của thân nhân, những người đang phát cuồng tìm kiếm một dấu hiệu hy vọng. Họ buộc lòng phải báo tin buồn.
Cái chết và khổ đau bao vây chúng ta suốt khoảng thời gian này, nhưng không như thông thường, nỗi tang thương không bị những cuộc tranh luận xã hội gạt bỏ qua một bên. Những cái chết hiện giờ là tin tức nằm ở trang nhất, là món ăn cho các cuộc chiến Twitter hay các bình luận viên truyền hình. Và nhiều người trong chúng ta bị xao lãng, nổi giận, sợ hãi, hay làm những chuyện đơn giản nhất để có thể chế ngự những lo âu tức thời của mình. Nhưng trong thời điểm này, chúng ta nên dành chút thời gian cho nỗi đau thương.
Đó là điều nhân ái phải làm; xin hãy cho nhau lời hứa ở bên nhau.
Nếu chúng ta có được một chút thời gian, hãy cho những người hàng xóm của mình cảm xúc chia sẻ thật đơn giản, rằng giữa đau thương mất mát họ vẫn được quan tâm.
Nếu chúng ta dành ra được một khoảnh khắc, hãy gởi tín hiệu đến những người vừa đánh mất thế giới của mình, để họ đừng nghĩ rằng phần còn lại của thế giới thờ ơ với sự đau khổ của họ.
Nếu chúng ta dành ra được một phút giây, hãy thừa nhận rằng nỗ lực của quốc gia tìm giải pháp để bình thường hóa mọi thứ, dù hợp lý như thế, vẫn là bất khả.
Lý tưởng nhất là một nhân vật của công chúng dùng diễn đàn của mình, như các thủ lãnh ngày xưa, gửi đi tiếng nói. Nếu không được như vậy, thì chúng ta sẽ dùng diễn đàn của chúng ta thôi, có thể là Twitter hay những kết nối trong gia đình, để nói rằng: Chúng tôi cảm nhận sự mất mát và nỗi đau của các bạn, cho dù từ ngữ vụng về thế nào đi nữa. Và cả khi mọi từ ngữ đều bất lực, thì một khoảnh khắc im lặng cũng có thể nói thay rằng: Bạn không cô đơn, ngay cả khi bạn cô đơn nhất.
Sự thử thách lúc này là, hoặc nó kéo tình nhân ái lại gần nhau, hoặc nó đẩy chúng ta rời xa nhau.
Xin hãy vì tình nhân ái.
Lời kêu gọi của nhà báo John Dickerson. Bản dịch nhanh từ tiếng Anh của Mai Sơn và từ tiếng Đức của Võ Thu Phương.