23-3-2020
Bạn tôi sống ở Lombardy và vài chuyện kể…
Tôi có người bạn quí (TL) đang ở Lombardy (Ý). Chúng tôi quen nhau khi cùng dự một khóa huấn luyện về quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Turino (Ý) trong 3 tháng. Về nước, bạn ấy sáng lập một tổ chức thiện nguyện hoạt động ở Đà Nẵng cùng người chồng Ý. Họ đi về VN-Ý 50/50 thời gian.
Lần này thì họ đang ở Ý mà nhà họ ngay ở Lombardy, cách Milan 40km. Đôi khi sốt ruột cho bạn, tôi nghĩ (hơi sai sai?): Quá nhọ! Lựa cửa tử thần mà về! Chúng tôi nói chuyện với nhau hàng đêm. Cô bạn tôi không thở than. Chỉ kể chuyện, giọng nhắn tin khá trầm tĩnh:
Người Ý khác mình lắm chị, đứng trên lầu nhìn xuống sân, đang phong tỏa mà họ vẫn ôm nhau, hôn má nhau, thấy thương mà khiếp. Ba má bạn và cả bạn bè chết, tin dồn dập mỗi ngày, đọc thấy cáo phó thì điện thoại chia buồn vì chôn chân trong nhà rồi. Ngày nào cũng nghe tiếng còi cấp cứu hụ to chạy ngang, biết xe đi “lượm” xác chết…
Chiều nay, TL gửi cho tôi đường link bài báo mới nhất và một trang mạng cảm động. Bài báo đây, có những thông tin quan trọng.
BÁC SĨ ĐIỀU TRỊ TẠI BV LOMBARDY: “ĐỪNG NGHĨ CHỈ CÓ NGƯỜI GIÀ MỚI NHIỄM. 50% BỊNH NHÂN Ở ĐÂY LÀ NGƯỜI TRẺ”.
Ở một bệnh viện mà người chết như rạ, bác sĩ Emanuela Catenacci, khu chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Cremona – Lombardy, nói với đài truyền hình Sky News của Anh: “Chúng tôi biết chuyện gì xảy ra. Các nước hãy hành động ngay, phong tỏa thật chặt nếu muốn cứu người!”
Còn bác sĩ Leonor Tamayo thì nói: Tất cả nhân viên y tế chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi “cơn sóng thần” bệnh nhân ập đến. Bệnh viện đã hết chỗ để cất giữ thi thể và buộc phải gửi trong một nhà thờ gần đó. Rồi ông kể về công việc: “Chúng tôi ở đây 12 giờ một ngày. Chỉ về nhà trong vài giờ và quay lại đây để làm việc, bởi vì quá đông bênh nhân chờ”.
Điều khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là: “Phải vật lộn để tiếp nhận bệnh nhân một cách thân thiện, bình tĩnh nhất. Và cố gắng xua tan huyền thoại sai lầm rằng chỉ có người già mới nhiễm và chết vì dịch bệnh này…”
“Đúng vậy đó. Năm mươi phần trăm bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt, là những bệnh nhân nặng nhất, trên 65 tuổi. Nhưng điều đó có nghĩa là 50% bệnh nhân khác của chúng tôi là người trẻ hơn. Có ‘khá nhiều’ bệnh nhân từ 20 đến 30 tuổi, cũng bịnh ‘nặng’ như bệnh nhân lớn tuổi, nhưng họ thường ‘sống sót’ nhiều hơn do có tổng trạng khỏe mạnh hơn“.
NHỮNG GƯƠNG MẶT HẰN SÂU DẤU TÍCH CỦA MỘT TÌNH YÊU LỚN. Chiều nay, TL gửi cho tôi một trang Facebook tên Tra Luce & Oscurità.
Một cô gái này và các bạn bè dành trọn trang để cám ơn các y tá và nhân viên phục vụ ở bệnh viện. Họ ghép các bức ảnh các “nhân vật” chính (xem ảnh ở dưới) mà gương mặt bị lõm sâu các vết hằn vì đeo lâu ngày khẩu trang, kính bảo hộ…
Maria Russo viết: “Thật cao cả những bạn trẻ như chúng tôi mà dám đặt cuộc sống mình vào nơi nguy hiểm nhất“. Các bạn của cô tiếp tục viết:
– Tôi biết trái tim bạn khó xóa đi những gì mà bạn nhìn thấy trong đôi mắt những bệnh nhân nhìn bạn khi họ lìa đời.
– Cuộc sống chúng tôi trong tay bạn. Và tất cả các bạn trong trái tim chúng tôi.
– Tôi khóc khi nhìn những vết hằn trên gương mặt mệt mỏi mà cương nghị của các bạn. Chưa ai biết rằng họ trang điểm thế nào cũng không đẹp bằng nhưng vết hằn ngang dọc tự nhiên đó…
CÓ LẼ CHÚNG TA CHƯA NGHE CÁC THÔNG TIN NÀY…
TL cũng gửi cho tôi một stt của chị Lê Thúy Anh, từng làm bác sĩ ở VN và nay đang là BS ở Ý, cho rằng, về tình hình bùng phát ở Ý, đã có nhiều thông tin bị thiên kiến và bị thiếu. Thúy Anh kể một số điều mà chị cho là nhiều người chưa biết:
– Chính phủ Ý đổ hàng trăm tỷ cho dịch vụ phòng trị dịch, sử dụng Trung tâm hội chợ quốc tế ở Milan làm thêm một bệnh viện dã chiến với các phương tiện máy móc hiện đại.
+ Cho những máy bay chuyên cơ quân đội để cấp cứu các vùng xa.
+ Thu nhận hàng trăm tình nguyện viên làm đường dây nóng tư vấn và cấp thông tin cho dân.
+ Trợ cấp cho các gia đình có con nhỏ mướn cô nuôi trẻ.
+ Giảm thuế cho các doanh nghiệp ngừng sản xuất hay gặp khó khăn.
Hiện đã có 8.000 bác sĩ về hưu tình nguyện quay lại làm việc trong cao điểm dịch. 10.000 bác sĩ, nhân viên y tế tư nhân, và lực lượng quân y hỗ trợ các phòng cấp cứu, điều trị đặc biệt.
Vì sao nước Ý lâm vào tình trạng bi thảm? Tôi đọc nhiều tài liệu thấy phải giải trình nhiều mới đủ, nhưng tựu trung, tôi thấy, chính quyền chủ quan, ứng biến quá chậm trễ. Người dân thì tỉ lệ già hóa khá cao và quen sống vô tư, tự do…
– Mong sao VN không lâm vô tình trạng này.
– Ngay từ trước, tôi đã cám ơ sự tận tụy, quên mình của nhân viên y tế nước ta. Nhất là những người tình nguyện.
Họ rất đáng được kính trọng, nhưng cần thể hiện bằng những trang thiết bị bảo hộ đầy đủ nhất.
– Virus không phân biệt đảng viên và ngoài đảng. Hãy tin và ủng hộ nỗ lực của ĐCS VN trong chống dịch.