Đơn kiến nghị Giám đốc thẩm của nhà hoạt động Hoàng Bình

Hoàng Nguyên

13-3-2020

Đây là toàn bộ nội dung lá đơn kiến nghị Giám đốc thẩm mà Hoàng Bình gửi về cho tôi, để tôi bổ sung một số nội dung, nhưng sau khi anh đã hoàn thiện lá đơn để gửi về cho tôi, nhờ tôi in ra giấy thì phía trại giam đã không chuyển thư về cho tôi. Xin cộng đồng quan tâm và chia sẻ lá đơn này để biết được nền công lý của Việt Nam.

***

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ngày … tháng … năm 2019

ĐƠN KIẾN NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM

Về việc: Ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm Bản án số 44/2018/HS-PT của Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 24/04/2018, và tuyên trả tự do cho Hoàng Đức Bình

Kính gửi: Chánh án tòa án nhân dân tối cao
Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao

Tên tôi là Hoàng Đức Bình. Sinh ngày 10/02/1983 tại Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An. Hiện đang bị giam cầm oan sai tại trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam

Trân trọng kính trình quý cơ quan những diễn biến chính của vụ án như sau:

– Ngày 15/05/2017 tôi bị công an bắt với cáo buộc tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 BLHS và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS.

– Ngày 04/01/2018 Viện KSND huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An ra cáo trạng số 07/2018/VKS-HS về việc truy tố tôi về các tội: “chống người thi hành công vụ” theo điểm c và d khoản 2 điều 257 BLHS và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 2 điều 258 BLHS và anh Nguyễn Nam Phong về tội “chống người thi hành công vụ” theo điểm d khoản 2 điều 257 BLHS.

– Ngày 06/02/2018 TAND huyện Diễn Châu đã tuyên án tôi 7 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ“ và 7 năm tù về tội „lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, và Nguyễn Nam Phong 2 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ” (Bản án số 08/2018/HS-ST).

– Ngày 10/02/2018 tại trại giam công an tỉnh Nghệ An, tôi đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

– Ngày 24/01/2018 TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và đã bác đơn kháng án của tôi và tuyên bố y án sơ thẩm (Bản án số 44/2018/HS-PT).

Các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã KHÔNG bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, không góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và làm oan người vô tội nên đã làm trái với quy định của Điều 2 Bộ luật tố tụng hình sự 101/2015/QH13 (BLTTHS).

Sau đây, tôi xin trình bày với quý cơ quan về những vi phạm BLHSTT nghiêm trọng trong qua trình tố tụng, điều tra, xét xử tôi trong cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

1. Xâm phạm quyền suy đoán vô tội nên vi phạm Điều 13 BLTTHS

Xâm phạm quyền được xét xử công bằng nên vi phạm Điều 25 BLTTHS
Cơ quan điều tra và tòa án đã không tôn trọng quyền suy đoán vô tội của tôi, chỉ khai thác các lời khai buộc tội tôi và gạt bỏ những nhân chứng và chứng cứ gỡ tội.

a. Chỉ khai thác các lời khai buộc tội

Vi phạm lớn nhất của 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm là vấn đề sử dụng nhân chứng.

Phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra 19 nhân chứng nhưng đều là nhân chứng buộc tội tôi. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại úy công an Nguyễn Thọ Việt được xem là nhân chứng buộc tội tôi. Nhưng Đại úy Việt đã không nói đúng sự thật. Tại phiên tòa luật sư bảo vệ cho tôi đã đưa các hình ảnh do cơ quan điều tra cung cấp chứng minh lời khai của đại úy Việt là không đúng sự thật. Thế nhưng tòa không hề xem xét các bằng chứng này.

Trong phiên tòa phúc thẩm sau đó, chủ tọa phiên tòa đọc rằng:”…phiên tòa hôm nay nhân chứng Nguyễn Thọ Việt có đơn xin được vắng mặt (Bản án phúc thẩm ghi có mặt !!!) vì đang đi điều trị bệnh tai Hà Nội. Tuy nhiên, dựa vào lời khai của nhân chứng trong hồ sơ và và kết quả điều tra thu thập được, xét thấy sự vắng mặt của nhân chứng Nguyễn Thọ Việt không ảnh hướng đến phiên tòa…”.

b. Gạt bỏ những nhân chứng gỡ tội

Mặc dù trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tôi đã nêu tên các nhân chứng có mặt tại hiện trường lúc xảy ra sự kiện tại xã Diên Hồng, huyện Diễn Châu vào ngày 14/02/2017. Vì số người đi khiếu kiện đông khoảng 600 người nên số người chấp nhận làm nhân chứng không phải là nhỏ. Tại cả hai phiên tòa, tôi đã nhiều lần yêu cầu tòa triệu tập các nạn nhân bị công an đánh bị thương, trong đó có ít nhất 29 người phải cấp cứu ở bệnh viện hoặc các trạm y tế. Tuy nhiên cả hai cấp tòa đã bác yêu cầu của tôi với lý do “không thể xác minh địa chỉ cụ thể ra các nhân chứng như lời khai nên không thể triệu tập”. Lý do này hoàn toàn không thuyết phục vì cơ quan điều tra thừa sức xác định địa chỉ của bất cứ nhân chứng nào.

Tôi xin nêu trường hợp của một nhân chứng quan trọng và không thể thiếu trong phiên tòa là linh mục Nguyễn Đình Thục. Linh mục Thục là là người được giáo phận Vinh giao cho trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ bà con giáo dân Song Ngọc kiện Formosa, là người quản nhiệm 300 người dân giáo xứ Song Ngọc huyện Quỳnh Lưu đi khởi kiện và là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc xảy ra vào ngày 14/02/2017.

Trong ngày đó, ban đầu linh mục Thục ngồi trong chiếc xe 37A-277.24 do ông Nguyễn Nam Phong cầm lái (chở tôi và những người khác ở trong đó) và sau đó xuống đi bộ với người dân. Thế nhưng khi linh mục Thục đã làm đơn ngày 15/01/2018 đề nghị TAND huyện Diễn Châu cho tham dự phiên xử sơ thẩm với tư cách người làm chứng thì TAND huyện Diễn Châu không trả lời đơn đề nghị và cũng không triệu tập linh mục Thục ra làm nhân chứng.

Cũng cần nhắc lại rằng vì ngày xử sơ thẩm dự định diễn ra vào ngày 25/01/2018 đã bị dời sang ngày 06/02/2018 cho nên TAND huyện Diễn Châu càng có đủ thời gian để triệu tập linh mục Thục. Lý do mà tòa nêu ra là “do linh mục làm đơn nhưng viết sai ngày“ là hoàn toàn thiếu thuyết phục.

Ngay sau sự kiện ngày 14/02/2017, Linh mục Thục đã có:

– Bản tường trình vào ngày 15/02/2017 kể lại diễn biến sự kiện 14/02/2017 gửi cho Giáo phận Vinh và các linh mục cùng giáo dân, được phổ biến trên mạng http://www.vietcatholic.net/News/Html/215433.htm

– Đơn tố cáo liên quan đến sự kiện kể trên vào ngày 03/07/2017 gửi cho các cơ quan trung ương và tỉnh, được phổ biến trên mạng nhathothaiha.net/cha-gioan-b-nguyen-dinh-thuc-viet-don-cao-nha-cam-quyen-nghe/

c. Gạt bỏ những chứng cứ gỡ tội

Sự kiện xảy tại xã Diên Hồng, huyện Diễn Châu vào ngày 14/02/2017 rất phức tạp. Để đánh giá tôi có “chống người thi hành công vụ“ không, đáng lẽ các tòa phải xem xét kỹ lưỡng những yếu tố gây ra tình huống phức tạp sau đây để đánh giá cho đúng các yếu tố khách quan, chủ quan và động cơ của bị cáo. Nhưng các tòa đã không chịu xem xét hay cho điều tra thêm mà chỉ dùng chứng cớ được cơ quan điều tra cung cấp để luận tội tôi.

i. UBND và Công an tỉnh Nghệ An can thiệp trái pháp luật

Việc công an cản trở 600 người dân trong việc mướn xe đi chung, tách đoàn đã gây ra căng thẳng không cần thiết. Việc UBND tỉnh Nghệ An vận động người dân đưa đơn khởi kiện trực tiếp cho UBND khiến người dân có cảm tưởng UBND cản trở quyền hiến định của họ và can thiệp vào sự xét xử độc lập và chỉ tuân theo luật của TAND (Đ. 23 BLTTHS).

ii. Những người mặc thường phục có thái độ hung hãn và hành hung công dân

Trong diễn biến của ngày 14/02/2017 có sự xuất hiện của nhiều người mặc thường phục. Họ đánh linh mục Thục và đánh, cướp tiền và phá điện thoại của các người khiếu kiện. Họ chặn xe của anh Nam Phong, đấm vào kính và cửa xe, bẻ gẫy gạt nước. Các lực lượng mặc sắc phục đã không ngăn cản hành vi của họ khiến cho người dân mất tin tưởng.

iii. Những viên chức mặc sắc phục đánh đập, đàn áp và bắt giữ người dân

Khoảng 16g thì lực lượng công an sắc phục đã tấn công người dân một cách tàn nhẫn và bắt một số người đem bỏ ở nơi rất xa. Đó cũng là lúc xe của chúng tôi bị cẩu đi. Sau đó, theo lời kể lại, đã có tiếng nổ lớn và gạch đá bị ném – một sự kiện hiện chưa xác định được thủ phạm – và cảnh sát cơ động đã nhân cơ hội này để xông vào đánh hàng trăm người dân, khiến cho khoảng 29 người dân bị thương phải vào bệnh viện hoặc trạm xá để cấp cứu.

Chứng cứ cho những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong diễn biến phức tạp này có thể được kiểm chứng qua những video live stream của tôi hoặc âm thanh, hình ảnh và video của nhiều người khác đăng trên mạng xã hội.

2. Không xét xử công bằng và bảo đảm tranh tụng, nên vi phạm Điều 25 và 26 BLTTHS

Không xác định sự thật vụ án, nên vi phạm Điều 15 BLTTHS

Việc không tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nêu trên đã khiến cho hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm không bảo đảm tính công bằng, không bảo đảm tranh tụng.

a. Oan sai kết tội tôi “chống người thi hành công vụ”

Bản án phúc thẩm số 44/2018/HS-PTcho rằng tôi “dùng thủ đoạn khác để cản trở người thi hành công vụ“ theo Đ 257 BLHS và làm ách tắc giao thông quốc lộ 1A trên đoạn đường kéo dài 5km trong thời gian 1 giờ. „Thủ đoạn khác“ bị tòa đưa ra để buộc tôi là „chỉ đạo“, „yêu cầu“ và „xúi dục“ tài xế Nguyễn Nam Phong cưỡng lệnh của CSGT và không mở cửa xe hay quay kính xe xuống.

Linh mục Thục là chủ và ông Nguyễn Nam Phong là tài xế chiếc xe 37A-277.24 của linh mục bị công an cho là cản trở lưu thông trong ngày 14/02/2017. Để xác định trách nhiệm hình sự của tôi tòa đáng lẽ phải giải đáp thỏa đáng các câu hỏi:

– Ai có quyền chỉ đạo tài xế Nguyễn Nam Phong? Hoàng Đức Bình có quyền gì mà ra lệnh cho tài xế Nguyễn Nam Phong cưỡng lệnh của CSGT khi không phải là chủ xe?

– Là người lái xe và có bổn phận bảo đảm an toàn cho hành khách trên xe, tại sao tài xế Nguyễn Nam Phong quyết định không mở cửa xe hay quay kính xe xuống khi gặp tình huống phức tạp?

– Tình huống phức tạp nào đã diễn ra tại xã Diên Hồng, huyện Diễn Châu vào ngày 14/02/2017 khiến cho tài xế và những người trong xe lo sợ?

– Tôi, Hoàng Đức Bình, như những người bình thường khác sẽ phản ứng thế nào trong tình huống phức tạp này? Những người ngồi trong xe của anh Nam Phong có thể nào yên tâm quay kính xe xuống và ra khỏi xe trước thái độ hung hãn của những người mặc thường phục và thái độ thụ động dung dưỡng hành vi phạm luật của công an, cảnh sát giao thông không?

– Nếu bị xem là vi phạm luật nặng thì tại sao cảnh sát giao thông không cưỡng chế những người trong xe khi đã cẩu xe về Trạm Cảnh sát Giao thông Diễn Châu và lại để cho xe ra về?

Trong các phiên xử tòa đã chỉ dùng các suy diễn do cơ quan điều tra cung cấp, không thực tâm tìm các chứng cứ độc lập khác nên không xác dịnh được bản chất của vụ việc và kết án tôi oan sai về tội “chống người thi hành công vụ“.

b. Oan sai kết tội tôi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ“

Bản án số 44/2018/HS-PT cho rằng tôi, Hoàng Đức Bình, đã dùng điện thoại di động để ghi hình và phát trực tiếp 12 video trên mạng facebook, với thời lượng tổng cộng 70 phút, có 2.458.768 lượt người xem (tính đến ngày 13/3/2017). Bản án cho rằng lời bình luận của tôi trong các video cho rằng công an Nghệ An đập phá xe, đánh đập, đàn áp, bắt giữ cha xứ, người dân đi khiếu kiện là không có căn cứ, không đúng sự thật, gây hiểu nhầm và làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh, danh dự, uy tín của người công an nhân dân nói chung và lực lượng công an Nghệ An nói riêng.

Những lời này được ghi ra từ 12 video tải xuống từ tài khoản Facebook của tôi. Tại cả 2 phiên tòa, tôi đã nhiều lần yêu cầu tòa cho chiếu các video này để phía bị cáo dễ tranh luận với công tố viên nhưng tòa từ chối. Tôi cho rằng trong các video này sẽ cho thấy tôi bình luận đúng sự thật những gì thực tế đang xảy ra trước mắt tôi: công an và những người mặc thường phục đánh người dân đi nộp đơn kiện tập đoàn Formosa gây ô nhiễm biển, giật cửa xe, đấm vào xe, và bẻ cái gạt nước của chiếc xe chở tôi với thái độ dữ tợn đe dọa đến mạng sống của những người ngồi trong xe.

Những video này sẽ cho thấy rằng tôi không hề bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ lực lượng công an tỉnh Nghệ An như cáo trạng đã nêu. Việc tòa án các cấp nhất quyết không công chiếu 12 video này đẽ làm cho phiên tòa thiếu tính chính xác và làm thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của tôi.

Tôi cho rằng trong Bản án số 44/2018/HS-PT tòa phúc thẩm đã có nhiều nhận định sai, kết luận vội vàng dựa trên cơ sở thiếu khách quan. Tôi phản bác các nhận định thiếu vững vàng như sau.

i. “Có bản cung Bình khai có thấy Công an đánh đập người dân đi khiếu kiện, có bản cung Bình khai có bắt giữ ai hay không Bình không biết.“

Tôi giữ nguyên những lời khai này của tôi trong bản cung. Những lời khai trung thực này không mâu thuẫn nhau.

Trong hồ sơ vụ án tôi có ghi ý kiến về việc bị công an Nghệ An đánh đập nhưng tòa lại cho rằng tôi không cung cấp được chứng cứ nên không có cơ sở để giải quyết.

ii. “Kiểm tra hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào xác định lực lượng công an làm nhiệm vụ gìn giữ trật tự trị an đánh đập người dân đi khiếu kiện vào ngày 14/02/2017 tại khu vực khối Nam, xã Diên Hồng, huyện Diễn Châu“ (Các video do bị cáo Bình quay phát trực phát tiếp lên facebook cũng không có cảnh công an đánh đập, bắt giữ ai).

Tài liệu trong hồ sơ vụ án có nhằm mục đích xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ theo qui định của Điều 15 BLTTHS không?

Tại sao trong hồ sơ vụ án không có các chứng cứ về việc công an đánh người được đăng tải đầy trên mạng internet?

Tại sao có cơ quan điều tra, viện kiểm sát, trại giam công an tỉnh Nghệ An và cả các cấp tòa ngăn cản không cho tôi gặp người nhà để lấy các chứng cứ cung cấp cho tòa, trong khi gia đình tôi có khả năng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau?

Tại sao cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng như tòa không cho tôi xem các biên bản giảm định, biên bản niêm phong mẫu vật giảm định của C54 BCA và các vật chứng của vụ án được thu giữ, như tôi đã nhiều lần yêu cầu?

Tại sao tòa không công chiếu 12 video được xem là được tải xuống từ tài khoản Facebook của tôi?

Nếu 12 video được xem là của tôi thu khi ngồi trong xe không có thì tại sao tòa không tìm các video và hình ảnh của những nhân chứng khác đưa lên mạng internet về việc công an đánh đập, bắt giữ người dân?

iii. Người làm chứng và Nguyễn Nam Phong khai không ai nhìn thấy công an đánh đập, đàn áp hay bắt giữ ai.

Anh Nguyễn Nam Phong bận lái xe và do đó không nghe điện thoại báo tin và không nhìn thấy cảnh công an đánh đập, đàn áp hay bắt giữ người đi khiếu kiện. Lời khai của anh Phong không loại trừ khả năng có những người khác trong xe được nghe báo bằng điện thoại và nói lại cho anh về điều này. Lý luận không có người làm chứng khai nhìn thấy công an đánh người không đáng tin khi tất cả người làm chứng đã được chọn lọc để khai man và kết tội tôi và những người làm chứng khác bị loại bỏ.

iv. Báo cáo của công an huyện Diễn Hồng, huyện Diên Châu và xã Quỳnh Ngọc huyện Quỳnh Lưu đều không có việc bắt giữ ai liên quan đến đoàn người đi khiếu kiện Formosa vào ngày 14/02/2017. Sau khi sự việc xảy ra cho đến thời điểm xác minh vào tháng 6 và tháng 9 năm 2017 cũng không có tổ chức hay cá nhân nào tố cáo hay trình báo về việc bị đánh đập, bắt giữ.

Tôi tường thuật những gì mắt thấy tai nghe. Thực tế là có nhiều người trong đoàn khiếu kiện đã bị công an bắt và đưa đi bỏ ở nơi rất xa. Lúc đó họ bị công an bắt, tôi xem là họ bắt giữ. Còn sau này công an thả họ ra hoặc không ghi vào báo cáo nằm ngoài sự lượng định của tôi.

Phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 06/02/2018 và phiên xử phúc thẩm diễn ra vào ngày 24/04/2018. Trước hai phiên xử này, ít nhất đã có linh mục Nguyễn Đình Thục gửi đi bản tường trình vào ngày 15/02/2017 để kể lại diễn biến sự kiện 14/02/2017 và đơn tố cáo liên quan đến sự kiện kể trên vào ngày 03/07/2017 cho các cơ quan trung ương và tỉnh. Cả 2 văn kiện này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng (xem các đường dẫn ở trên). Tại sao phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm có thể cho rằng đến “tháng 9 năm 2017 cũng không có tổ chức hay cá nhân nào tố cáo hay trình báo về việc bị đánh đập, bắt giữ“?

KIẾN NGHỊ

Ở phần trên tôi đã trình bày tại sao tôi cho rằng các phiên tòa đã vi phạm nghiêm trong các nguyên tắc tố tụng của BLTTHS và nguyên tắc xét xử công bằng ghi trong Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam là thành viên.

Bằng đơn này, tôi trình quý cơ quan xem xét sớm ra quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án số 44/2018/HSPT ngày 24/04/2018 của tòa án tỉnh Nghệ An và tuyên bố tôi vô tội, trả lại tự do cho tôi

Trân trọng cảm ơn.

Trại giam An Điềm 24/10/2019

Người làm đơn
Hoàng Đức Bình

Tài liệu đính kèm: Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An số 44/2018/HS-PT ngày 24/04/2018

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. -Xã hội VN có 02 giai cấp: giai cấp lãnh đạo có thẻ Đảng & giai cấp ko có thẻ Đảng.
    *Giai cấp lãnh đạo có thẻ Đảng: Vi phạm Pháp luật được xử lý theo hệ thống văn bản Đảng ban hành. Xử lý xong về mặt Đảng và khi có sự phê duyệt đồng ý của cấp ủy lãnh đạo mới dc phép chuyển vụ án xét xử về mặt Pháp luật qua “Liên ngành tư pháp: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Cấp ủy, Ban Nội chính”.
    *Giai cấp ko có thẻ Đảng: xét xử theo Pháp luật nhưng phải dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có trường hợp ng dân cũng bị đưa qua “Liên ngành tư pháp: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Cấp ủy, Ban Nội chính” định hướng luận tội.
    -Trường hợp nhà hoạt động Hoàng Bình dc xếp vào án điểm, nên Tòa kết án là theo sự chỉ đạo thống nhất của “Liên ngành tư pháp”. Việc làm Đơn kiến nghị rất tốt & càng có nhiều đơn càng tốt (ko nói ra thì dân Việt ko biết nội tình, rồi lại nghĩ CS làm đúng Luật; nói ra để vạch mặt CS xử án bất chấp Luật pháp). Sau này, hồ sơ vụ án dc các Luật sư tập hợp đầy đủ, sẽ lưu vào trang sử hào hùng của “lịch sử Đảng CSVN” trong thời kỳ 4.0 (nhớ lưu luôn tên tuổi cụ thể của các ông, bà CA, VKS, Tòa tham gia vào vụ án). Còn trước mắt, hồ sơ cần phổ biến gấp ra các Tổ chức nhân quyền QT, các Tổ chức Luật sư QT,… để ng dân các nc dân chủ biết, hiểu rõ sự việc oan sai này.

  2. Vâng! Tôi đã đọc kỹ bài này.
    Đọc kỹ bài này để thấy bản chất tòa án CS.
    Tôi mạn phép khuyên như trên.
    Tôi loại trừ những kẻ “không đọc bài”, hoặc “bất kể nội dung bài viết gì” cũng viết comment theo định kiến. Khuyên vô ích

  3. Đây là bản tường thuật chi tiết nhất nội vụ, rất đáng được phát tán rộng rãi.

    Ở xứ sở mà công lý chỉ là màn kịch diễn theo chỉ đạo trong bóng tối của đảng (ta), cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều lộ rõ bản chất án bỏ túi, liệu giám đốc thẩm có dám xử lại vụ án cho đúng trình tự pháp lý?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây