Đỗ Thành Nhân
22-1-2020
Vừa sinh ra, tôi phải đi qua cuộc chiến tranh tương tàn, nên từ nhỏ đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, thậm chí phải bước qua xác chết để tìm đường sống. Những cái chết này đều xuất phát từ sự vô tình của súng đạn, từ bản năng sinh tồn của các bên tham gia: Giết người để người không giết mình. Có nhiều trường hợp, khi đối phương mất khả năng chống cự thì họ còn chừa cho con đường sống, chứ không đến nỗi đuổi cùng diệt tận.
Các bạn có thể xem một câu chuyện có thật 100% “Chuyện hai người lính” của thương binh, thầy giáo Trần Đình TrọngHiệu trưởng Trường PTTH Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, kể lại rằng: Anh Việt cộng Trần Đình Trọng bị thương nằm chờ chết, được anh lính Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Sơ cứu; sau chiến tranh, hai người lính gặp lại và nhận làm anh em (1). Câu chuyện hay vì có hậu.
Tuy nhiên, khi xem clip khâm liệm ông Lê Đình Kình, tôi và nhiều người đã rùng mình vì sự vô nhân tính của những kẻ giết người. Cái chết của cụ Kình không phải cái chết của hai bên giao tranh đối đầu với nhau; cũng không giống cái chết của một bản án tử hình công khai hay ám sát; mà là cái chết của một sự hành hình; hiện tại chỉ có thể so sánh với sự hành hình của lực lượng ISIS: 4 phát đạn bắn gần, bắn lìa chân, mổ bụng, phanh thây! (2).
Trong khi với động vật, thế giới cũng đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình giết mổ gia súc, gia cầm nhân đạo, không đau đớn, để đủ điều kiện xuất nhập khẩu (3), thì ở Việt Nam, với con người, cụ Kình lại bị giết một cách dã man, khẳng định luôn: ĐÓ LÀ TỘI ÁC.
Câu hỏi đặt ra là: tại sao giữa người với người, không có thù oán cá nhân trước đó, lại thủ ác dã man đến vậy? Vậy đằng sau tội ác là điều gì?
Quay ngược lại lịch sử hiện đại, một cái chết cũng có nhiều nét tương đồng với cái chết của ông Lê Đình Kình đó là cái chết của bà địa chủ Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long (4).
1.- Nếu như ông Lê Đình Kình cả cuộc đời theo đảng Cộng sản với gần 60 năm tuổi Đảng, bị các đồng chí của mình giết chết; thì bà Nguyễn Thị Năm là người ủng hộ nhiều tiền của, con cái tham gia Việt Minh cũng bị giết chết bởi những người mà chính bà đã tin tưởng, cưu mang.
Nếu bà Nguyễn Thị Năm là người bị giết đầu tiên trong cải cách ruộng đất; thì ông Lê Đình Kình là người bị giết đầu tiên vì quyết tâm giữ đất.
2.- Nếu như ông Lê Đình Kình bị hành hình chết với 4 phát đạn, phanh thây dã man; thì bà Nguyễn Thị Năm lại bị đấu tố, hành hạ rồi mới bắn sau lưng đến chết, thậm chí bị đạp gãy xương để nhét vừa vào quan tài.
Trích: [Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng]. [Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”] (5).
3.- Cái chết của hai người đều liên quan tới ruộng đất; nếu như bà Nguyễn Thị Năm chết vì cải cách ruộng đất: lấy đất của nhà giàu chia cho dân nghèo; thì ông Lê Đình Kình chết vì ngược lại, là lấy đất của người dân giao cho doanh nghiệp. – lấy đất người nghèo giao cho người giàu.
4.- Cả hai người bị giết khi quyền lực tối cao của Đảng và Nhà nước tập trung vào một người: thời điểm bà Nguyễn Thị Năm bị giết, ông Hồ Chí Minh là Chủ tịch đảng và Chủ tịch nước; còn lúc ông Lê Đình Kình bị sát hại, ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Nếu như trước khi giết bà Nguyễn Thị Năm, C.B (một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) có bài “Địa chủ ác ghê”; thì sau khi giết ông Lê Đình Kình, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất và phong liệt sĩ cho 3 công an chết.
5.- Sau cái chết của bà Nguyễn Thị Năm là nhiều cái chết khác do làm sai và sửa sai (6); thì bên cạnh cái chết của ông Lê Đình Kình là ít nhất 3 mạng người là những chiến sĩ công an, chưa biết sẽ còn ai nữa!
6.- Bóng dáng Trung Quốc:
Phía sau cái chết của bà Nguyễn Thị Năm là sự áp đặt chính sách cải cách ruộng đất của Trung cộng với tác động bởi cố vấn là các chuyên gia Trung Quốc. Còn đằng sau cái chết của ông Lê Đình Kình là ai, mục đích gì? hiện nay chưa rõ!
Tuy nhiên, một thực tế là gần đây đã có rất nhiều văn kiện hữu nghị được ký kết với Trung Quốc để cụ thể hóa “16 chữ vàng, 4 tốt” (7). Còn trên Biển Đông thì Trung Quốc đang thực hiện dã tâm thôn tính (8); nhưng chưa nghe thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước có bất kỳ động thái nào để khơi dậy tinh thần giữ đất, giữ nước của truyền thống dân tộc.
Tổ tiên chúng tôi trên đường nam tiến đã từng chấp nhận chết để mở mang và giữ gìn đất đai, bờ cõi cho con cháu sau này.
***
Có những sự ngẫu nhiên tương đồng giữa hai cái chết.
Thấy giết bà Nguyễn Thị Năm là tội ác; nhưng phải nhiều năm sau mới chấp nhận sai, sửa sai; đến nay (2017) vẫn chưa được ghi nhận công lao của bà (4). Có điều sau cái chết của bà Nguyễn Thị Năm, công cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, quỷ khốc thần sầu trên toàn miền Bắc thành công.
Cách giết ông Lê Đình Kình cũng là tội ác, đằng sau tội ác này là gì? Thời gian, sự thật, lịch sử sẽ có kết luận. Nhưng rõ ràng cái chết của ông Lê Đình Kình làm nhiều người kinh sợ và từ đó bất kỳ dự án nào cần thì nhà nước thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm. Mấy ai dám liều lĩnh giữ đất như ông Lê Đình Kình – Đồng Tâm.
Còn Trung Quốc hiện tại và tương lai là nhà đầu tư lớn ở Việt Nam với nhiều dự án chiếm đất lớn (9); mà người dân Việt Nam với một tỷ lệ lớn không tin vào Trung Quốc (10).
Ghi chú
(1) “Chuyện hai người lính”: https://tuoitre.vn/chuyen-hai-nguoi-linh-489559.htm; “Văn hóa cờ vàng” https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/2135187176559313
(2) Tra cứu trên Google từ khóa “cụ Kình chết như thế nào”. Xem clip https://www.youtube.com/watch?v=xAiWTcYyMBU.
(3) Đối xử nhân đạo với động vật và lệnh cấm xuất khẩu bò sang Việt Nam https://moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=107219
(4) Nguyễn Thị Năm: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m
Vụ án nhà tư sản Nguyễn Thị Năm: Còn đợi đến bao giờ? http://lsvn.vn/ho-so-tu-lieu/ho-so-tu-lieu/vu-an-nha-tu-san-nguyen-thi-nam-con-doi-den-bao-gio-24720.html
(5) Đèn Củ của Trần Đỉnh – Chương V: https://www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/den-cu-chuong-5/
(6) Tra cứu trên Google từ khóa “Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam”
(7) Việt Nam – Trung Quốc ký kết 15 văn kiện hợp tác quan trọng https://dantri.com.vn/chinh-tri/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-15-van-kien-hop-tac-quan-trong-20170113073843156.htm
(8) Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông https://thanhnien.vn/thoi-su/da-tam-bat-tan-cua-trung-quoc-o-bien-dong-1134047.html
(9) Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh sau thương chiến https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/von-dau-tu-tu-trung-quoc-vao-viet-nam-tang-manh-sau-thuong-chien-1164014.html
(10) Thăm dò dư luận: Gần 80% dân Việt Nam không tin vào Trung Quốc http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200117-th%C4%83m-d%C3%B2-d%C6%B0-lu%E1%BA%ADn-g%E1%BA%A7n-80-d%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-kh%C3%B4ng-tin-v%C3%A0o-trung-qu%E1%BB%91c
Phát đạn bắn lìa chân ông Lê Đình Kình là ác độc nhất. Nếu phát đạn bắn ra khi ông Kình còn sống, nó có ý nghĩa tra tấn… tiếp, như để nhắc nhở cái chân kia bị tàn phế là do ai. Nếu nó bắn ra sau khi ông Kình đã trúng mấy phát đạn đoạt mạng vào tim và đầu, thì nó bộc lộ một tâm địa điên cuồng và vô cùng bệnh hoạn của kẻ bắn. Trong cả hai trường hợp, nó có ý nghĩa hoàn tất “sứ mạng” chưa hoàn tất hồi năm 2017 của đám công an hoặc quân đội tham gia quy trình ăn đất.
Bài nhận định Đằng sau tội ác của Tác giả Đỗ Thành Nhân đăng ngày 22-1-2020 có giá trị lớn về mặt lý luận rất hợp lý chính xác so sánh đối chiếu Hiện tại và Quá khứ qua Việt sử Cận đại