16-1-2020
Sau cuộc biểu tình, tụi mình kéo Vincent Go vào quán cà phê Tims Horton kế bên đại lộ Mendiola ở San Miguel City, Manila. Anh lấy điện thoại rồi mở cho mình xem album hình. Đấy là hình anh chụp những nạn nhân bị bắn chết trong các chiến dịch truy quét ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Sau khi lên nắm quyền vào giữa năm 2016, ông Duterte đã phát động cuộc chiến bài trừ ma túy đẫm máu không tiền khoáng hậu.
“Nếu nước Đức có Hitler thì Philippines có…”, ông Duterte nói rồi chỉ vào mình. “Hitler đã giết ba triệu người Do Thái… Hiện có ba triệu con nghiện. Chúng đang ở đây. Tôi rất vui lòng giết sạch bọn chúng.”
Chiến dịch của Tổng thống Duterte cho phép công an, người dân giết các nghi phạm ma túy, bao gồm người bán và người sử dụng, mà không cần qua xét xử. Đến nay, sau hơn ba năm, đã có khoảng hơn 30.000 người bị giết theo cách ấy (theo số liệu của các tổ chức độc lập, còn số liệu chính thức của chính phủ thì ít hơn nhiều, tầm 6.000 người).
Vincent dùng ngón cái và ngón trỏ xòe xòe trên màn hình điện thoại, zoom cận cảnh cổ tay mỗi nạn nhân. Mình tháo kính, nhòm sát vào, thấy có hằn những vết rất sâu. Mình mường tượng ra cổ tay nạn nhân từng bị trói hoặc bị tác động mạnh.
“Họ đã bị còng tay”, Vincent nói.
“Ồ, bị còng tay à?”
“Anh biết điều này có ý nghĩa gì không?”, anh ta hỏi.
Mình ngờ ngợ có vấn đề gì đấy không ổn, nhưng nhất thời chưa rõ đó là gì.
“Hầu hết các nạn nhân mà tôi chụp được đều bị còng tay trước khi chết,” Vincent nói. “Nhưng trong báo cáo của cảnh sát thì luôn luôn là những người này đã bị bắn chết khi đấu súng với cảnh sát. Luôn luôn như thế.”
Mình à lên, hóa ra là vậy! Hèn gì tấm nào Vincent cũng cố ý chụp cận cảnh cổ tay người chết.
Chuyện này thực ra không hề dễ. Thoạt tiên, lúc chiến dịch mới khởi sự, cảnh sát hoan hỉ mời báo chí tới hiện trường án mạng để khoe thành tích tiêu diệt tội phạm ma túy. Tuy nhiên, về sau, khi quá nhiều nghi vấn và phê phán liên quan đến hoạt động giết người không qua xét xử được nêu ra, cảnh sát bèn phong tỏa hiện trường rất chặt. Từ khoảng đầu năm 2017, nhà báo và các phóng viên ảnh tự do như Vincent không còn có thể tiếp cận các nạn nhân bị giết nữa. Anh bèn đứng từ xa chĩa ống tele vào chụp các cổ tay. Đôi khi anh tìm cách tiếp cận nạn nhân khi thi thể của họ được đưa đi chôn cất. Và anh thấy rằng, hầu hết nơi cổ tay các nạn nhân đều có dấu tích của còng số 8.
“Làm sao anh có thể bắn cảnh sát với hai tay bị còng?”, Vincent hỏi tu từ, cũng là khẳng định điều mà anh đã tìm thấy qua ba năm tác nghiệp tại hàng trăm hiện trường án mạng.
Việc Tổng thống Duterte bật đèn xanh cho hoạt động giết người không qua xét xử đã tạo ra những hiệu ứng trái chiều trong lòng xã hội Philippines. Các chiến dịch truyền thông của chính phủ cho biết nhờ mạnh tay mà tình hình tội phạm ma túy giảm hẳn. Rất nhiều người dân ủng hộ cách làm này. Trong khi đó, các tổ chức dân sự, báo chí, giới chính trị gia đối lập, các tổ chức tôn giáo… lên án mạnh mẽ, cho rằng việc làm ấy đã vượt qua khuôn khổ pháp luật, tạo ra nhiều cái chết oan, bị lợi dụng để thủ tiêu đối thủ chính trị, kẻ thù…
Nói kiểu gì thì nói, xét dưới lăng kính của một xã hội với các khế ước đã được tạo lập, việc giết ai đó chỉ vì nghi ngờ hoặc thậm chí có bằng chứng phạm tội mà không qua bất kỳ quy trình xét xử nào là điều không thể chấp nhận được, nó đi ngược lại các tiêu chuẩn của một xã hội văn minh, đi ngược lại nguyên tắc pháp trị.
Hãy hình dung thế này: Một nhóm người họp lại với nhau, cùng biểu quyết thông qua các luật chơi để tất cả mọi người cùng tuân thủ. Thế rồi, một ngày nọ, vài người đứng đầu quyết định dẹp hết luật chơi và hành động theo ý muốn của mình và tuyên bố rằng làm như vậy sẽ tốt hơn cho nhóm.
Có một thực tế trớ trêu là, có không ít người dân ủng hộ chính sách bắn bỏ của Tổng thống cho đến khi chính bản thân họ hoặc người thân của họ trở thành nạn nhân của chính chính sách này.
“Police planted evidence!” (Công an đã ngụy tạo bằng chứng). Không phải đến lúc gặp Vincent mình mới nghe tới lời buộc tội ấy. Báo chí, các tổ chức nhân quyền, các nghị sĩ đối lập,… đều đã khẳng định như vậy. Đây hoàn toàn không phải là cáo buộc vô căn cứ hay thuyết âm mưu. Chuyện này đã được chứng minh nhiều lần.
Ngay dưới đây là một ví dụ.
Đêm 16.8.2017, nam sinh viên 17 tuổi Kian delos Santos bị bắn chết trong chiến dịch truy quét ma túy ở Caloocan City, Manila. Báo cáo ban đầu của cảnh sát là một kịch bản quen thuộc: Cảnh sát truy lùng tội phạm ma túy, Kian cầm súng tấn công, cảnh sát buộc phải bắn chết anh ta.
Xui cho cảnh sát là camera an ninh trong khu vực lúc đó lại đang hoạt động. Hình ảnh được tiết lộ sau đó cho thấy cảnh người ta bắt Kian, cảnh cậu này van lạy xin tha chết trước khi bị giết. Không hề có cuộc đấu súng nào như báo cáo ban đầu. Thông tin phát lộ về sau còn cho thấy Kian chỉ là một sinh viên, chưa xài ma túy, từng ủng hộ nhiệt tình chính sách bắn bỏ của tổng thống, thế rồi trong một đêm định mệnh, cậu đã trở thành nạn nhân của thứ mà cậu cổ xúy.
Các báo cáo của cảnh sát, có hàng ngàn báo cáo như vậy, thường lặp đi lặp lại điệp khúc là họ buộc phải nổ súng khi thủ phạm – tức nạn nhân – cầm súng tấn công. Rất thường xuyên cảnh sát còn cho thấy trong người của nạn nhân có ma túy.
“Công an đã ngụy tạo bằng chứng!”
Những người chỉ trích buộc tội ngược lại cảnh sát, với nhiều chứng cứ được phơi bày. Có tờ báo, là Philstar, thậm chí còn phát hiện trong các báo cáo của cảnh sát, có những vụ việc khác nhau nhưng người bị giết lại dùng các khẩu súng cùng chủng loại, cùng series để tấn công cảnh sát. Nghĩa là thế này, một anh A bị bắn chết do dùng súng tấn công cảnh sát. Thế rồi bằng cách nào đó, vài tháng sau, có một anh B ở một nơi chốn khác lại dùng đúng khẩu súng mà anh A đã sử dụng ấy để tấn công cảnh sát và rồi cũng bị bắn chết. Có lẽ do cảnh sát “plant evidence” quá nhiều nên thỉnh thoảng nhầm chút xíu.
Chiến dịch bài trừ ma túy do Tổng thống Duterte phát động có cao trào là cuối năm 2016 đầu năm 2017. Vào thời điểm cuối năm 2019 đầu 2020 vẫn còn các vụ giết người lai rai nhưng không nhiều. Báo chí, các nhà hoạt động, giới chính trị gia đối lập vẫn còn lên tiếng, nhưng thưa thớt hơn. Trong khi đó, vẫn còn những con người như Vincent, với sự thôi thúc nội tại của lương tri và sứ mệnh phơi bày sự thật, mỗi ngày vẫn âm thầm “cover” các hiện trường án mạng. Và anh thầm mong chờ công lý sau rốt rồi sẽ đến.
“Không hẳn là công lý cho mỗi một nạn nhân, nhưng tôi tin rồi sẽ có ngày công lý sẽ đến với họ”, Vincent nói.
Những hình ảnh, bằng chứng mà các nhà báo tự do (“tự do” không chỉ là “freelance”, mà là tự do trong tư duy, tự do ở tư tưởng của người làm báo) như anh thu thập được chính là để phục vụ cho cuộc truy tầm công lý.
Trước đây, một vài lần mình viết về chính trị và xã hội Philippines, có nhiều người vào bình luận chê bai dân Philippines thật ngu muội khi đi ủng hộ một chính quyền như vậy và rằng một nền dân chủ như vậy thì đáng vứt vào sọt rác.
Thực ra, nền dân chủ Philippines, mặc dầu nhiều khiếm khuyết và rất nhiều hỗn loạn, vẫn có những giá trị tiến bộ của nó. Một trong những giá trị đó chính là tự do báo chí. Chỉ trong một nền báo chí như vậy, báo chí mới có thể trở thành lực lượng giám sát cường quyền và mới có thể độc lập đi tìm sự thật chứ không chỉ làm mỗi một việc là phụ họa cường quyền.
Và lúc đó, nhà báo mới không toa rập với cường quyền, vì lợi ích thiết thân hoặc bởi niềm tin lệch lạc về sứ mệnh của mình.