Khi ông lớn Tesla mua đất công ở Đức

Phạm Thị Hoài

12-1-2020

Nhà sáng lập kiêm CEO của hãng xe điện Tesla, ông Elon Musk – Ảnh: Bloomberg/CNBC

Chính quyền bang Brandenburg vừa chấp thuận bán 300 ha (3 triệu m2) đất công ở vùng Grünheide cho dự án 4 tỉ euro, Gigafactory 4, của ông lớn Tesla. Sau Gigafactory 1 & 2 ở Mỹ và 3 ở Trung Quốc, Tesla dự định sản xuất mỗi năm từ 150.000 đến 500.000 chiếc ô tô tại Đức, sát cửa ngõ đông nam Berlin.

Điều gì xảy ra khi đất công ở Đức sang tay một tập đoàn tư nhân, so sánh với ở Việt Nam?

Thứ nhất, đó là mua đứt, không có nhập nhằng sở hữu toàn dân hay tư nhân, chính quyền không thể đòi lại đất đã bán. Nhưng hợp đồng có điều khoản ràng buộc: nếu Tesla hủy dự án, muốn bán lại khu đất này, thì trong vòng 10 năm chính quyền bang Brandenburg được quyền ưu tiên mua trước.

Thứ hai, không phải bí thư, chủ tịch hay phó chủ tịch nào đó có chủ trương hay bút phê, rồi cấp nọ chuyển cấp kia xin ý kiến, rồi tối ngày bộ nọ trình bộ kia, thanh tra nọ thanh tra kia để cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm, mà thủ tục rành mạch gồm hai phần: Trước hết, ủy ban tài chính ngân sách của nghị viện bang bỏ phiếu, kết quả là hợp đồng mua bán với Tesla đã được chấp thuận với số phiếu 6/5. Giá tạm thỏa thuận là 13,50 euro /m2, tổng cộng là 40,5 triệu euro (khoảng 1000 tỉ đồng), có thể điều chỉnh sau thẩm định giá chính thức trong vài tuần tới. Phần tiếp theo quan trọng hơn, là thủ tục cấp phép, căn cứ vào các bộ luật bảo vệ môi trường của Đức. Dự án của Tesla thuộc diện phải qua thủ tục này. Nếu không thỏa mãn mọi điều kiện thuộc thủ tục này thì hợp đồng mua bán dù đã được chấp thuận cũng phải bị hủy bỏ. Cục Môi trường bang đã chính thức mở thủ tục xem xét cấp phép.

Thứ ba, sự minh bạch: Toàn bộ thủ tục cấp phép này, từ khi ra thông báo chính thức ngày 03/1/2020, được công bố rộng rãi, đăng tải công khai trên mạng (https://bravors.brandenburg.de/…/me…/76/Amtsblatt%201_20.pdf), với mọi thông tin về dự án: từ khu đất với bản đồ và danh mục trong địa bạ đến những hạng mục trong kế hoạch sản xuất của dự án, thời gian xây dựng… Bất kì ai, không cần một thứ giấy giới thiệu, đơn từ, mác, thẻ gì, đều có thể xem toàn bộ hồ sơ tại các cơ quan liên quan trong giờ hành chính (kèm theo địa chỉ cụ thể, thí dụ Cục Môi trường, đường phố, số nhà, số phòng, số điện thoại).

Thứ tư, sự tham gia của công luận: Bất kì ai cũng có thể gửi ý kiến phản đối, khiếu nại hay các đề nghị khác về dự án này. Thời hạn, địa chỉ gửi khiếu nại và lịch, địa điểm thảo luận về các khiếu nại cũng được công bố rõ. Báo chí đương nhiên là tự do đưa tin về nhất cử nhất động liên quan.

Trong 300 ha đất dự án Gigafactory 4 có 70 ha rừng thông. Ngoài việc phải trồng mới 70 x 3 = 210 ha rừng ở một địa điểm khác theo luật bảo vệ môi trường của Brandenburg, Tesla còn phải lo di chuyển loài dơi và một số động vật đang ngủ đông tại khu rừng này đến nơi an toàn, mà từ 01/3 đến 30/9 hàng năm, kì sinh sản của chim rừng, lại là thời gian nghiêm cấm động rừng. Nội dung các quy định tuy chi li và phức tạp như vậy, hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường của Tesla dày 2000 trang, nhưng quy trình luật pháp lại hết sức rõ ràng. Ngược lại với ở Việt Nam, nơi nội dung các quy định thì sơ sài, song quy trình luật pháp lại tù mù và rối rắm đến mức vô nghĩa, vô dụng, trừ khả năng nuôi dưỡng tham nhũng và sản sinh xung đột. Thậm chí đến đổ máu kinh hoàng, như ở Đồng Tâm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người Đức bán đi một mảnh đất trồng rừng lại đòi trồng mới ba mảnh. Cũng may gặp đúng cái anh sẵn lòng chịu đày ải. Dân Mỹ chúng tôi không tin Elon Musk là một con người. Chúng tôi nghĩ hắn phải là một AI (thông minh nhân tạo) làm việc không cần nghỉ.

Comments are closed.