Đạo đức tại chức: Tôi chào thua!

Chu Mộng Long

8-1-2020

Sắp ăn cơm tối thì nhận hai cuộc điện thoại liên tiếp làm mất cả hứng ăn.

Hai cuộc đều của học viên tại chức mở tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Cuộc thứ nhất của học viên nữ, giọng nhã nhặn xin thầy chấm cho chúng em đủ điểm để tốt nghiệp. Cuộc thứ hai của học viên nam, lúc đầu hỏi nhã nhặn, sau tỏ ra gay gắt vì tại sao chúng em đã xin điểm mà thầy không cho.

Thì ra hai cuộc này có liên quan với nhau. Cuộc thứ nhất đại diện cho số học viên thi lại xin xỏ, vì xin không được mới có cuộc gọi hai, chuyển từ thái đội nhã nhặn sang gay gắt.

Đây là số học viên không đi học giờ nào trong cái chuyên đề tôi dạy và bị điểm 0 cột điểm quá trình (gồm điểm chuyên cần và kiểm tra giữa kỳ theo hệ tín chỉ, nhưng hệ tại chức được nhập làm một). Nhà trường áp dụng nửa tín chỉ (bỏ thi tốt nghiệp), nửa niên chế (thiếu điểm thì được thi lại), nên dù học viên không đi học buổi nào vẫn được nhà trường tổ chức cho thi lại. Cách đào tạo nửa dơi nửa chuột này mà Luật Giáo dục đại học vẫn đánh đồng hệ tại chức với hệ chính quy mới đáng khen cho giáo dục Việt Nam trên đường hội nhập. Hiển nhiên, đối với môn của tôi có thi lại thì vẫn trượt, vì có thánh cũng không thể đạt điểm tối đa để chia trung bình với cột điểm 0 quá trình. Đó là lý do học viên vừa thi xong đã lo xin điểm. Và tôi có là thánh cũng không dám cho điểm 10 cho những cái đầu không có chữ.

Trong cuộc gọi hai, nam học viên sau khi hỏi nếu học lại thì em học ở đâu, tôi bảo hỏi phòng đào tạo. Bất ngờ học viên nói: “Thầy gây khó cho chúng em chứ các thầy cô khác đều thông cảm!”. Tôi bảo đó là việc của các thầy cô khác, còn cá nhân tôi phải thực hiện theo quy chế, không thể khác được. Các bạn không đi học, tức không có chữ gì trong đầu thì làm sao có điểm và có bằng? Nếu tự trọng thì các bạn không nên xin. Bất ngờ học viên nói, giọng gay gắt: “Ngày xưa thầy cũng mua điểm và mua bằng, rồi mua công chức nữa thì sao?” Đến nước này thì tôi phải quát: “Ở đâu ra vậy? Tôi học hành, thi cử đàng hoàng, ở đâu ra cái thông tin tôi đi mua điểm, mua bằng, mua công chức? Vả lại, các bạn không đi học nên không biết tôi là ai, và cũng không biết tôi không nhận phong bì của lớp nên mới ăn nói bừa bãi!”. Học viên nói: “Tại vì em thấy ai cũng mua cả mà!”

Học viên nói vậy thì tôi chào thua và cúp máy. Tôi hiểu, trường không còn lớp nào mở ở Đà Lạt nữa nên học viên mới cùn đến cỡ đấy. Nhưng tôi phải hỏi ai đã nhồi sọ cho học viên tại chức (giáo viên đang đứng lớp dạy học đấy) cái tư tưởng ai cũng mua điểm, mua bằng, mua công chức vậy trời?

Năm nay bỗng dưng tôi phải chịu trận những cú điện thoại như vậy. Trước đó, hàng chục học viên thuê người học thay bị tôi phát hiện và cấm thi, tưởng không đưa ra hội đồng kỷ luật đuổi học là may, vậy mà nhiều học viên vẫn điện thoại nheo nhẻo xin xỏ, như thể tôi mắc nợ gì họ, trong khi dạy xong, lớp nào tặng phong bì tôi đều trả lại. Thề có trời đất và có các bạn đi học chứng giám!

Nhớ cách đây dăm năm, tại Đặk Lăk, khi tôi yêu cầu lớp trưởng điểm danh nghiêm túc, công bằng thì một sự cố diễn ra khá nghiêm trọng. Lớp trưởng bị một số học viên vắng mặt dọa đánh và chửi, rằng tao đã nộp tiền cho mày cúng các thầy mà tại sao mày lại đánh vắng tao? Tôi nghe lớp trưởng kể lại mà phát rợn!

Tôi công khai vụ này để các thầy cô dạy tại chức bớt hoang tưởng rằng, học viên mời thầy ăn nhậu, phong bì phong bao là hết mực kính yêu thầy!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Lỡ tuyên chiến là phải chiến thôi dù sẽ phải gặp ổ voi, bãi mìn thầy CML ạ
    Đã có lần tôi nói tôi có vài thằng cũng là giảng viển đại học, chũng cũng i sì như thầy kể trên. Tôi từ chúng nó lâu lắm rồi. Thầy CML LÀ CỦA HIẾM THỜI MẠT NÀY.

  2. Theo em thì mỗi người điều có suy nghĩ khác nhau. Suy nghĩ trên của thầy ở Đà Lạt chỉ là 1 phía tiêu cực thôi. Em cũng từng là sinh viên tại chức ở trường ĐH ở TPHCM. Mặc dù là hệ tại chức nhưng e đã cố gắng rất nhiều thì mới có được kết quả tốt hơn các bạn. Các thầy cô trong trường dạy rất tận tình và thật sự là sinh viên tụi em rất quý mếm thầy cô. Không hề có 1 ý định nào là tiêu cực trong giáo dục cả. Nhiều khi chỉ vì quý mếm nên mời thầy cô 1 bữa ăn hay 1 bữa nước uống thì em thấy cũng là chuyện bình thường thôi. Vì thầy trong thời gian giảng dạy thầy cô đã rất vất vả với sinh viên rồi.

Comments are closed.