Từ Tha La đến Lộc Hưng

Phạm Thanh Nghiên

22-12-2019

Ảnh: FB tác giả

Vào những ngày cuối năm tiết trời Sài Gòn se se lạnh, khắp nơi trong cái thành phố ồn ào hối hả này đã phô diễn cảnh sắc rực rỡ của mùa Giáng Sinh. Các xóm đạo đã lên đèn, từng vạt sáng chiếu soi từng con ngõ tỏ rõ như ban ngày, từng ngôi nhà thờ và cả từng góc xóm nhiều hang đá đang được nhanh chóng dựng lên. Đã có những phố hang đá, những đồi hang đá, những đoàn xe hoa rước hang đá… Ở đâu đó những địa danh gắn liền với cuộc sống giản đơn chất phác, hôm nay đua chị ganh em xuất hiện trên các trang mạng xã hội khẳng định đẳng cấp của mình.

Càng ngày càng có nhiều thứ lạ, cái lạ của người đời mang đầy ước muốn “không đụng hàng”. Đấy là lý do để xuất hiện nhiều kiểu hang đá, nhiều kiểu trang trí, nhiều kiểu diễn nguyện mới mang lại nhiều màu sắc mới, nhưng cũng không ít kiểu gây tranh cãi, đề tài tranh cãi nhiều nhất vẫn là lập trường xã hội trong sắc màu tôn giáo. Ý thức xã hội là một vấn đề nhạy cảm và nóng trong hoàn cảnh sống ở Việt Nam hiện nay, nhưng dư luận xem ra khá hứng thú và mặn mà với không gian này. Ngược lại, vấn đề trang trí và làm hang đá mùa Giáng Sinh bắt nguồn từ cảm thức tôn giáo và năng lực mỹ thuật thì gần như không ai bàn tới.

Nếu là một người không bận tâm đến các vấn đề xã hội, hoặc là một người xa lạ với đất nước và con người Việt Nam, nhìn qua các hình ảnh phô diễn của các mùa Giáng Sinh trước và cả mùa Giáng Sinh năm nay nữa, hẳn sẽ dễ dàng kết luận về Việt Nam là một xã hội an bình, no ấm và tự do, đáng sống.

Thật xót xa cho những giáo điểm xa xôi, thật đau lòng cho cộng đoàn bé nhỏ nghèo nàn, trực chờ suốt đêm ánh đèn xe của người Linh mục xuyên rừng đến giải tội và dâng lễ không thể hẹn giờ.

Có dây đèn nào chiếu sáng cho đoàn lũ những người anh em dân tộc bồng bế rời bản làng, kéo nhau về phố thị dự lễ nửa đêm?

Có miếng bánh miếng kẹo nào cho những ánh mắt ngơ ngác sáng ngày đại lễ đi qua các phố đạo rực sáng với từng cánh cổng lặng lẽ âm thần đóng kín sau một đêm chất ngất cơn say?

Ngay trong lòng thành phố đầy hoa lệ, chen giữa những ngôi nhà thờ, những xóm đạo rộn rã mừng vui, có một xóm đạo lọt thỏm vào cái buồn tủi cô đơn của ngày đại lễ. Những hang đá ngất ngây không biết có lúc nào nghiêng mình nhìn đến cái hang đá nhỏ bé nghèo hèn bị giật tung, kéo đi kèm theo những lời chửi rủa tục tĩu và những giọt máu trên đầu, trên thân hình của những ai cố gắng giữ lại, cố gắng bảo vệ niềm vui nhỏ bé, chút tự do tôn giáo cỏn con của xóm đạo mình ! Và cuối cùng là tiếng nức nở bên đống mảnh vụn của tượng Thánh gia bị vỡ tan.

Hôm qua có người gửi cho tôi hai bài hát “Tha La Xóm đạo” và “Hận Tha La”, đều viết về một cộng đoàn nhỏ bé hiền hoà. Nhưng xóm đạo nhỏ bé ấy đã trở nên điêu tàn khi giặc tràn qua cướp phá gây chết chóc đau thương. Tha La ngày nay đã được xây dựng lại, cuộc sống tuy khó khăn nhưng hình bóng đổ nát không còn nữa, từng vạt rừng tre cao ngất đưa Tha La đến một thương hiệu nổi tiếng về loài cây gần gũi với cuộc sống của người Việt. Tiếng máy cắt, máy cưa chế biến tre vang lên theo từng con xóm, từng con đường. Nhưng văn học, nghệ thuật và tâm trí con người, nhất là giáo dân Tha La không quên được cảnh cướp phá, không quên được cảm giác kinh sợ sự tàn ác khi những kẻ không chung màu da, không cùng tiếng nói đã đập tan bầu khí thanh bình của xóm đạo. Đấy là Tha La với mối hận thuộc về quá khứ mấy chục năm về trước.

Ngày hôm nay, người dân xóm đạo Vườn rau Lộc Hưng không phải khoác lên người bộ chinh y như người dân Tha La xóm đạo năm nào. Nhưng cái não nùng, cái buồn lây lất của nỗi “sầu quốc biến” vẫn chất chứa khôn nguôi. Người ta vốn dĩ thích sự tròn trịa, hoàn hảo, nhưng sự vẹn nguyên mang tên nỗi đau thì mấy ai cần đến. Nỗi đau ấy vừa mới đến từ hôm qua và đang hiển hiện trong ngày hôm nay, rồi sẽ ở lại trong nhiều tháng, nhiều năm, qua nhiều phận đời của người dân Vườn rau Lộc Hưng lam lũ nữa.

Có ai còn nhớ thầy giáo Long, dạy cấp ba nhiều năm dày kinh nghiệm, qua nhiều lớp có uy tín, được học trò quý mến, sau cái ngày kinh hoàng 8/1/2019 ông bị trầm cảm, gần một năm rồi vẫn còn hoảng loạn, mất trí nhớ, trở thành người tàn phế, gánh nặng cho cả gia đình? Cô Minh Thy, một giáo viên dạy nhạc, tâm hồn thường bổng trầm theo những giòng suối âm thanh, bây giờ mỗi khi nghe tiếng máy xây dựng, tiếng bánh xích, tiếng đập phá tường, cô lại bị ám ảnh, đầu óc quay cuồng. Cũng sau cái ngày căn nhà của mình cùng 500 căn nhà khác tại Vườn rau Lộc Hưng bị biến thành đống đổ nát khổng lồ, anh Tám đã thành một bệnh nhân tâm thần. Còn nhiều, còn nhiều những tâm bệnh gim chặt vào thân phận người dân Lộc Hưng không thể đong đếm được.

Lộc Hưng hơn một năm nay là cả trăm gia đình không cửa không nhà tứ tán tha phương. Là cả ngàn người ngồi giữa sương đêm, dưới cái nắng gay gắt bên câu khẩu hiệu “Chăm lo cái Tết cho bà con Vườn rau Lộc Hưng” như một sự mỉa mai đầy ai oán. Gần một năm rồi không công ăn việc làm, gần một năm rồi không nhà không cửa, gần một năm rồi bị xua đuổi, gần một năm rồi kêu oan khắp nơi,…

Tha La hôm qua giặc tràn sang cướp phá, Vườn rau Lộc Hưng thì giặc nào tàn phá hôm nay?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

    Nguồn Mạng

  2. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  3. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  4. Tha La nổi tiếng vì đó là địa điểm tôn giáo mà thời chiên tranh hai phe
    đối địch một mất một còn,dù chính nghĩa hay phi nghĩa thì cũng chỉ để
    mong sống sót còn ngược lại ngày nay Lộc Hưng đang ở thời hoà bình
    nhưng ngưòi dân lại bị khủng bố đàn áp bởi chính những kẻ to mồm hô
    khẩu hiệu “của dân,do dân và vì dân”…cầm nhầm của đế quốc Mỹ !
    Hỏi có còn nghịch lý khốn nạn nào hơn ?

Comments are closed.