Âu Dương Thệ
17-12-2019
Phải dứt khoát đoạn tuyệt với chủ nghĩa Marx-Lenin, mọi người quyết phá rào cản độc tài, cùng nhau đứng lên nắm lấy cơ hội kiến tạo một NƯỚC VIỆT NAM MỚI!
(Trích Chương cuối trong sách: Việt Nam “Đổi mới” ?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!)
NHỮNG ĐIỀU NÊN NHỚ, NÊN TRÁNH VÀ NÊN LÀM
Cho tới ngày hôm nay, hầu như chưa có một nhân vật nào từng giữ trọng trách trong ĐCSVN từ HCM cho tới Nguyễn Phú Trọng đã không ngớt lời ca tụng chế độ toàn trị theo ý thức hệ Marx-Lenin. Theo họ, chính nó đã đưa tới hết thắng lợi này tới thắng lợi khác cho VN.
Ở trong hoàn cảnh của họ có lẽ không thể chờ đợi khác được, mèo phải khen mèo dài đuôi! Nhưng có một số người cũng từng ở vị trí cao đã trải lòng tâm sự có cái nhìn khác. Như cựu TT Võ Văn Kiệt đã có nhận định chân thực nhưng rất thấm thía về cái mà các đồng liêu của ông gọi là “chiến thắng” vào dịp kỉ niệm ngày 30.4 mỗi năm là, trong ngày này “có triệu người vui, nhưng cũng có triệu người buồn!”
Nhưng lời tâm sự thành thực này ông Kiệt chỉ thổ lộ ra sau khi ông giã từ quyền lực, trở về làm thường dân có dịp bắt tay lên trán nhìn lại hoàn cảnh của đất nước và tự vấn với chính mình. Nhiều người cũng ở tâm trạng như ông. Thử hỏi một người cả tình cảm và trí óc bị phân đôi như vậy thì làm sao còn vui được! Một dân tộc cũng rơi vào hoàn cảnh như thế thì còn đau khổ biết nhường nào!
Không chỉ từ 1986 bao nhiêu triệu nhân dân ta đã bị động viên sức lực và tiền của vào thực hiện “công thức đổi mới” vừa cực kì sai lầm vừa ngây thơ ngớ ngẩn, như đã trình bày toàn bộ trong tập sách này; mà cả trước đó từ trước và sau 1954 bao nhiêu triệu đồng bào đã phải hi sinh trong cuộc nội chiến vô cùng tàn khốc, với sự tiếp tay từ bên ngoài. Nhưng nhìn vào những kết quả thực tiễn hiện nay thì lợi tức đầu người của VN mới chỉ đạt ở mức trung bình thấp khoảng trên 2000 USD/năm, theo tiêu chuẩn quốc tế. Hãy nhìn vào hàng chục triệu nông dân vẫn phải canh tác theo lối con trâu đi trước cái cày đi sau. Hãy nhìn vào hàng triệu công nhân phải làm gia công, sống đói rách trong các phòng trọ “như chuồng gà”. Hãy nhìn vào các thanh niên và cả phụ nữ còn con thơ, nhưng đang bị giam giữ, chỉ vì không thể nhắm mắt làm ngơ trước những sai trái của bạo quyền đang tước đoạt các quyền tự do dân chủ căn bản của nhân dân. Hãy nhìn vào các hải đảo của VN đang bị phương Bắc chiếm đóng. Hãy nhìn lên những người đang có quyền lực trong BCT, cả nhiều tướng Công an và Quân đội; họ đang sống phè phỡn trong những biệt điện, nhà lầu được xây dựng từ những đống tiền tham nhũng do bóc lột, bóp cổ và đàn áp nhân dân!
Tại sao bao nhiêu triệu người phải hi sinh nhưng lại dựng lên một chế độ toàn trị thối nát và tàn bạo như ngày hôm nay! Nhà thơ nổi tiếng Bùi Minh Quốc, từng là đảng viên và sĩ quan QĐND, cũng đã trải lòng như vậy nói lên tâm sự của chính mình và bao nhiêu đồng đội đã suốt đời hi sinh cùng cả với những người thân thương, nhưng vào cuối đời lại phải là nạn nhân của những người cầm đầu đã từng thề thốt xây dựng một nước VN phú cường, dân chủ và văn minh! Sau bao nhiêu năm đấu tranh gian khổ và lao động lầm than, nhưng vì sao “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn?” Như câu hỏi rất mộc mạc và chân thành trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?!” của cô giáo thuộc thế hệ trẻ Trần Thị Lam nhắc nhở mọi người!
Hãy nhìn sang những nước có hoàn cảnh gần với VN từ sau Thế chiến thứ hai như Nam hàn, Đài loan, Nhật và Đức. Cũng từ những đống tro tàn của chiến tranh và hận thù, nhưng các chính quyền và dân tộc này đã biết lấy nội lực làm căn bản để cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng lại đất nước. Nay những quốc gia này đã trở thành những nước công nghiệp hàng đầu, lợi tức đầu người hàng năm lên tới mấy chục ngàn Dollar, các quyền công dân căn bản được tôn trọng, trong đó cả quyền tham dự bình đẳng của công dân vào công việc chung của cộng đồng.
Như vậy để nắm vững những nguyên nhân chính đưa tới thất bại của ĐCSVN và những nan giải của đất nước ngày hôm nay, không thể chỉ nhìn từ 1986 mà phải nhìn lại từ 1945. Chúng ta hãy bình tâm và sáng suốt cùng nhau phân tích để nhìn rõ với tấm lòng “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” như Hà Sĩ Phu từng đề nghị, một trí thức từng trưởng thành trong XHCN nhưng đã ngộ ra được những sai lầm cực kì nguy hiểm của chế độ toàn trị. Trí tuệ ở đây không phải chỉ dùng bộ óc thông minh, tinh thần khoa học, mà còn cả bằng tấm lòng trong sáng và thiện tâm. Quyết chí từ nay không để một cá nhân hay tổ chức độc tài nào có thể lợi dụng “mỏ vàng” là lòng yêu nước của nhân dân ta cho những chủ trương điên rồ và những ý thức hệ sai lầm. Như nữ văn sĩ Dương Thu Hương từng là đảng viên có thời đã tin vào “Thiên đường mù CS” vừa tâm sự và cảnh báo cho chúng ta. Mới đây khi quyết định rời bỏ ĐCS nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi đã thiết tha kêu gọi: “Tôi thành tâm mong mỏi ngày càng có nhiều đảng viên có lương tri, còn tâm huyết với dân, với nước, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục rời bỏ Đảng CSVN, Đoàn Thanh niên CSVN. Vận nước, tương lai dân tộc tùy thuộc mỗi người Việt Nam chúng ta!”
1. Cần đặt đúng vị trí và vai trò của các Chính Đảng trong một xã hội dân chủ và văn minh
Một đảng chính trị là một tổ chức của một số người có cùng chí hướng, kết hợp cùng nhau để theo đuổi những mục tiêu chính trị, cao nhất là nắm chính quyền để thực hiện các hoài bão chính trị, hay trở thành các chính đảng đối lập để kiểm soát đảng cầm quyền và ngăn ngừa chế độ độc tài. Xét về số lượng, chính đảng chỉ là một nhóm người. Nhưng một quốc gia thường bao gồm nhiều triệu người, thậm chí hàng trăm triệu hay tỉ người. Xét về mặt chính kiến và mục tiêu, quan điểm và ý muốn của một nhóm người không thể luôn luôn đồng nghĩa với quan điểm và ý muốn của cả một dân tộc, một quốc gia. Ngay cả trong một cặp vợ chồng hay một gia đình là những đơn vị xã hội nhỏ nhất không phải lúc nào cùng đồng nhất, hòa thuận; nhiều khi có những khác biệt về lối sống, bất hòa về tình cảm, quyền lợi… Nhiều khi dẫn tới xung đột mạnh phải li dị nhau, thậm chí gây những thiệt hại cho nhau.
Giữa các cá nhân, bên cạnh những tương đồng cũng có những khác biệt; trong mỗi chính đảng, hay giữa các chính đảng và các tổ chức xã hội cũng như vậy. Xét về mặt các khoa học xã hội thì đây là sự phát triển tự nhiên của con người. Ai phủ nhận những qui luật này đều là phản khoa học, chỉ như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung! Nói một cách khác, trong một quốc gia bao gồm nhiều triệu người không thể lúc nào cũng có chính kiến đồng nhất, không thể có ý muốn và động lực luôn luôn giống nhau. Xã hội loài người là một xã hội đa thể, đa năng và đa diện; cho nên cần phải có chế độ đa đảng và các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Chính nhờ thế nó mới phát triển không ngừng qua sự cạnh tranh để cùng tồn tại.
Trong một xã hội văn minh, các chính đảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và xây dựng đất nước, giống như các kiến trúc sư trong lãnh vực xây cất, các kĩ sư trong một xí nghiệp hay các bác sĩ trong bệnh viện. Một xã hội văn minh, nhân bản, một chế độ thông minh sáng suốt phải biết xây dựng và tổ chức đất nước hợp lí để tạo ra cạnh tranh lành mạnh, công bằng và trật tự trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; chứ không phải lấy hận thù, kì thị và đấu tranh giai cấp làm nền tảng. Vì như thế chỉ dẫn tới tiêu giệt lẫn nhau, phá hủy nội lực, dẫn tới độc tài, nghèo đói, lạc hậu và lệ thuộc bên ngoài! Thảm trạng của VN ngày nay phải là cái gương cảnh giác nghiêm khắc cho mọi người, do hậu quả cực kì tai hại của chế độ độc đảng!
Như thế bất cứ học thuyết hay tiền đề nào cứ khăng khăng ngang ngược cho rằng, ý muốn của một đảng luôn luôn cũng là ý muốn của toàn thể nhân dân; từ đó đặt đảng lên tối thượng, lên trên cả quyền lợi dân tộc. Đây là một sự đảo lộn thứ tự giá trị cực kì nguy hiểm, lấy cái toàn thể phải phục vụ cho một cá thể hay một tổ chức. Đó là cách trồng cây ngược, cho ngọn xuống đất! Nói một cách khác, học thuyết này hoàn toàn sai lầm và cực kì phản khoa học!
Đối chiếu với lịch sử phát triển của nhân loại, coi đảng của mình là tối thượng cũng hoàn toàn đi ngược lại với tiến trình phát triển của loài người. Lịch sử thành lập xã hội và quốc gia chuyển qua nhiều giai đoạn: bộ lạc, xứ quân, quân chủ, độc tài, dân chủ. Phán rằng, đảng của mình là tối thượng, đảng được giao phó sứ mệnh cai trị đất nước. Nó giống hệt như hệ tư tưởng quân chủ thời phong kiến trước đây vài thế kỉ. Trước đây các nhà vua được coi như con trời, được thiên mệnh giao phó xuống trần gian dẫn dắt người dân. Nay những người cầm đầu ĐCS cũng dựa trên lí thuyết phong kiến này với một vài biến thể bề ngoài, qua những lí luận ngụy biện theo kiểu của những kẻ cầm súng trong tay, để quả quyết sự cầm quyền của đảng mình là ý muốn của dân. Vì thế cứ cố tình áp dụng nó, cưỡng bức nhân dân phải theo là hành động vô đạo đức, bất nhân và tất yếu phi chính nghĩa, phản khoa học. Từ đó chính quyền do đảng độc quyền dựng lên là bất chính, các hoạt động của chính quyền của ĐCS như thế không có cơ sở pháp lí, không có cơ sở đạo lí, đó là chính quyền bất chính không đại diện cho ai! Nhân dân và các tổ chức dân chủ có quyền và trách nhiệm phải đạp đổ nó đi!
2. Cần hiểu rõ cho đúng nội dung và ý nghĩa đích thực của sự Trung Thành trong chính trị – Không được lạm dụng, lợi dụng, mạo nhận và cưỡng bức!
Trung thành là một khái niệm thuộc tâm lí học. Vì nhu cầu an ninh cho bản thân nên con người muốn có sự trung thành và họ tìm những lí do và xây dựng những lí luận để chứng minh và thuyết phục cho nhu cầu trung thành. Trung thành, trung tín thể hiện giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức hay với một tư tưởng. Như trung thành (chung thủy) giữa vợ chồng, trung thành với một tôn giáo, một đảng hay với quốc gia (tổ quốc). Sự trung thành dựa trên sự tín nhiệm hoặc niềm tin. Nó thể hiện trên các mặt nhận và cho theo cách thỏa thuận tự nguyện. Khi niềm tin không còn hoặc bị lợi dụng, cưỡng bức thì ý nghĩa và mục đích của sự trung thành bị mất.
Trong các tôn giáo lòng trung thành với giáo chủ và giáo lí của tôn giáo đó thường được đề cao. Thậm chí còn tìm cách sùng tín hóa như một tâm linh mang tính thiêng liêng huyền bí. Vì nói cho cùng, tôn giáo là niềm tin, một lãnh vực thuộc tâm linh của con người, nhất là thời kì các khoa học xã hội, kĩ thuật và tự nhiên chưa phát triển cao. Những lời khuyên của giáo chủ mấy ngàn năm trước như Kinh thánh. Niềm tin thường được đồng hóa với sự thực hay chân lí (không cần chứng minh), tín đồ hoặc người đi sau phải tin tuyệt đối, không được phép xét lại!
Nhưng sự thực thì ngay trong mỗi tôn giáo cũng chia thành nhiều hệ phái khác nhau. Thậm chí giữa các hệ phái này còn chống đối nhau, coi nhau là tử thù (dù cùng một giáo chủ) và mở chiến tranh giết nhau: Thiên chúa giáo chia thành Công giáo, Tin lành, Cơ đốc giáo; mỗi nhánh này lại đẻ ra nhiều hệ phái khác. Hai giáo phái lớn nhất của Thiên chúa giáo là Công giáo và Tin lành sau hơn 4 thế kỉ kình chống nhau đang tìm cách xích lại nhau, tiến trình hòa giải đang được tiến hành. Cao điểm là lễ kỉ niệm 500 năm ra đời của Tin lành ở Đức năm 2017; trong dịp này Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Đức, Hồng Y Reinhard Marx đã cùng Chủ tịch Hội đồng giáo hội Tin lành Đức, Bedford-Strohm, cùng làm lễ chung. Hồi giáo cũng vậy; cuộc tranh chấp dẫn tới chiến tranh giữa các hệ phái Hồi giáo và hiện nay cũng đang diễn ra đặc biệt ở Trung Đông, nơi sinh ra và phát triển mạnh nhất của tôn giáo này. Phật giáo cũng thế, qua thời gian đã chia thành Bắc tông, Nam tông, Thiền tông…
Các cuộc chiến tranh giữa các hệ phái của một tôn giáo cũng tàn bạo không kém những cuộc chiến tranh giữa các vua chúa trước đây, hay giữa các quốc gia hiện nay. Điều này chứng minh rằng, niềm tin của tôn giáo đó không phải vĩnh hằng, tuyệt đối. Vì thế cho rằng, chết cho niềm tin là một hành động đạo đức và cao thượng, chỉ là khẳng định vừa sai lầm vừa cực kì nguy hiểm. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay có đầu óc tiến bộ đã nhận ra những sai lầm này và nghiêm khắc kết án những hành động quá khích cực đoan ngay trong tôn giáo của họ. Nay họ khuyên mọi người giữ đạo đức với nhau, tôn trọng quyền con người và giữ hòa bình giữa các nước. Tóm lược lại, niềm tin chỉ có giá trị rất tương đối, không mang tính phổ quát cho mọi người.
Sau này trong chính trị các vua chúa cũng đề cao lòng trung thành của dân và cũng dùng các lập luận rất gần khái niệm trung thành của các tôn giáo, như “trung thành bất sự nhị quân”, “trung với vua”…Đấy cũng là nhu cầu quan trọng của các vua chúa để đối đầu lại các đối thủ. Các vua chúa thường lợi dụng sự nhẹ dạ và sự lệ thuộc của người dân để bắt họ phải trung thành và phục dịch triều đình.
Ngày nay những người cầm đầu toàn trị ở VN còn tìm mọi cách đề cao lòng trung thành với đảng theo lối tán tận lương tâm, xuyên qua những thủ đoạn rất hạ cấp, bên cạnh củ cà rốt là cái gậy! Họ chọn những kẻ xu nịnh và dễ sai bảo, xây dựng chế độ công an trị, ai chống đảng bị gán ghép tội chống chế độ, phản quốc….Mặc dầu họ vỗ ngực là chống phong kiến và vô tôn giáo. Họ đang thản nhiên làm những gì mà họ đã từng chống lại. Họ đã thay đổi thái độ tâm lí, thay đổi lòng dạ; vì nay họ không còn là người vô sản và vô quyền nữa; trái lại họ đang là những người có quyền hành cao và nắm tài sản kếch xù, nên có thái độ tàn bạo và thối nát như các vua chúa phong kiến. Vì thế họ đang gặp sự chống đối quyết liệt của nhân dân và những người dân chủ, ngay cả trong hàng ngũ của họ. Họ thấy nguy hiểm có thể mất hết, nên tìm mọi cách bảo vệ nó, từ đó đề cao lòng trung thành và đàn áp những người can đảm và biết quí tự trọng chống lại họ! Những mâu thuẫn và hành động trái ngược này so với thời trước khi có quyền lực và tiền bạc đã để lộ rõ chân tướng thực của họ là những người tham lam và tàn ác!
Họ còn lợi dụng và khai thác tính cả tin và lòng yêu nước của đồng bào, tuyên truyền đồng hóa đảng với tổ quốc; vì thế mới có những khẩu hiệu “yêu nước là yêu XHCN”, “chống đảng là chống tổ quốc”! Mặc dù những phạm trù này hoàn toàn khác nhau, như đã trình bày ở trên. Họ còn tán tận lương tâm đến mức không ngại ngùng khai thác cả tâm linh. Đối với bao nhiêu triệu người qua mấy thế hệ đi kháng chiến, hàng triệu người đã hi sinh thì đảng, lãnh tụ là hình ảnh tổ quốc sống động nhất. Nhiều người dân bình thường không thể suy nghĩ độc lập được, chưa nhận ra tim đen của họ. Đây là lợi điểm tâm lí rất lớn cho những người cầm đầu chế độ toàn trị đang lợi dụng và khai thác theo cách bất nhân vô lương tâm nhất để phục vụ các mục tiêu ích kỉ đen tối của họ. Những người cầm đầu toàn trị ở VN hiện nay đang rất thâm độc và quỉ quyệt, áp dụng lại một cách máy móc các phương pháp khai thác rất hạ cấp các điểm yếu trong tâm lí của con người đã từng được nhiều chế độ độc tài bạo ngược sử dụng; tiêu biểu nhất là các bạo chúa Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông!
Mỗi người theo trình độ hiểu biết và tuổi tác, khi còn trẻ thường rất nhạy cảm và dễ tin nên có thể bị dụ dỗ, bị đánh lừa; nhưng khi trưởng thành thì nhận ra được sai lầm nên không làm nữa. Đây là sự trưởng thành, khôn ngoan và sáng suốt. Người lãnh đạo có lương tâm và tinh thần trách nhiệm phải khuyến khích và thực hiện chính sách nâng cao dân trí!
Thay vì có trách nhiệm đưa dân trí lên cao, khuyến khích tinh thần độc lập và trọng khoa học của công dân, những người cầm đầu vô cảm, vô lương tâm lại lợi dụng kiến thức thấp của một số người để cố tình trộn chung sự trung thành với tâm linh, chính trị với tôn giáo. Cũng theo lối làm ăn tà giáo này, nên khi tìm cách loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng và vây cánh đang chống, chính Nguyễn Phú Trọng đã tự khoác cho hành động phục vụ quyền lợi ích kỉ phe nhóm của mình là “thiêng liêng”, cố tình đồng hóa một hành động chính trị như một niềm tin tôn giáo có tính cách tâm linh. Vì đây là lãnh vực tâm lí rất nhậy cảm, nhiều người biết nhưng không dám nói. Các thủ lãnh độc tài đang vận dụng triệt để, nơi thì cho thổi phồng, khi thì khoét sâu vấn đề này.
Sự hi sinh cho một mục đích cao thượng, vì tin tưởng người thủ lãnh đang theo đuổi mục đích chính đáng mình đang tin. Khi ấy họ chưa thấy con người thực của thủ lãnh. Nhưng khi nắm quyền thì thủ lãnh làm nhiều điều ngược lại, thậm chí phản lại những tuyên bố hay lời thề ban đầu, một chuyện rất thường xẩy ra trong chính trị và nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống thường nhật. Thủ lãnh đã phản bội sự hi sinh của những đồng chí và nhân dân. Hay những người bị hi sinh đã bị phản bội. Giả sử nếu có một phép mầu nhiệm để họ sống lại và nhận được ra bộ mặt thực của thủ lãnh thì chắc chắn họ sẽ chối bỏ, xa lánh và chống đối người từng được họ tin tưởng. Như nhiều tướng lãnh và sĩ quan cao cấp QĐND và cán bộ cao cấp đã kết án chế độ, như các tướng Trần Độ, Đặng Quốc Bảo, cựu Đại tá Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc… Đây là tiến trình nhận thức tự nhiên rất chính đáng và cần thiết, chứng tỏ sự trưởng thành và sáng suốt nên rất đáng được trân trọng!
Nhân dân, trong đó có cả những đồng chí còn sống, qua thời gian với kinh nghiệm cuộc sống, qua những biến đổi thời cuộc trong nước và quốc tế, dần dần nhận rõ ra sự thật của sự vật, nhận rõ ra bộ mặt thực của thủ lãnh, nhận thức ra những sai lầm của một chủ thuyết, đường lối…Nên họ không còn tin, thậm chí còn dấn thân chống lại. Mới đây nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi đã giãi bày tâm sự chân thành, cảm thấy chính mình và thế hệ của mình đã bị những người cầm đầu toàn trị phản bội rất trắng trợn, bao nhiêu năm qua họ đã lợi dụng lòng yêu nước và trung thành của bao nhiêu triệu đảng viên và nhân dân:
“Trải tuổi trẻ ở chiến trường, tôi khát khao giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng than ôi! Khi nhận ra mình đã góp tuổi xanh vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn do mâu thuẫn ý thức hệ quốc tế, tôi vô cùng đau đớn. Nhiều đêm trắng tôi thao thức, khi những người ưu tú lần lượt vào tù. Hàng triệu dân oan không nhà làm nhói tim tôi. Im lặng là đồng loã cái ác, là có tội.”[1]
Đây là tiếng nói của lương tâm và trí tuệ, là tiến trình rất tự nhiên và rất chính đáng, phản ảnh tâm trạng và ý thức của hàng triệu người đã cảm thấy những sự hi sinh và lòng yêu nước của chính mình và nhân dân đã bị phản bội. Nó chứng minh sự trưởng thành trong nhận thức và lòng tự trọng. Đó là những điều rất quí cần phải gìn giữ và cổ xúy. Trong một xã hội càng có nhiều người làm như thế, họ là những công dân gương mẫu, xã hội ấy chắc chắn sẽ vươn lên.
Điều này có thể thấy rất rõ ở những xã hội Đông Âu từng nửa thế kỉ u mê trong chủ nghĩa Marx-Lenin và mô hình độc tài XHCN đã đưa đất nước chậm tiến lạc hậu, sợ hãi và hận thù. Nhưng gần ba thập kỉ qua, sau khi đã nhận ra những sai lầm, biết nắm lấy cơ hội, cương quyết rũ bỏ những chế độ toàn trị, cùng nhau dựng lên một xã hội mới nhân bản hơn, gần với con người chân thật hơn, được quyền làm việc, kinh doanh, hoạt động theo đúng khả năng của mình, được tự do suy nghĩ và phát biểu. Nên các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia và đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp chung. Nhờ thế nhiều nước này chỉ trong gần ba thập niên đã tiến bước rõ ràng và chắc chắn trong việc phục hưng đất nước và phục vụ con người! Những hành động và ý chí của người dân Đông Âu hiện nay mới chính là cách đền đáp khôn ngoan và sáng suốt đối với thân nhân, bạn bè và đồng bào của mình đã phải hi sinh suốt mấy thế hệ, nhưng đã bị phản bội bởi các thủ lãnh CS! Giống như trường hợp của VN hiện nay!
3. Vị trí rất tương đối của các Hệ Tư tưởng
Năm nay K. Marx vừa tròn 200 tuổi (1818-2018). Năm trước Cách mạng Tháng 10 (Nga) cũng trải qua 100 năm, nhưng đã tan rã từ cuối thập niên 80 của Thế kỉ 20. Tư tưởng và nhận định của Marx phát suất phần chính từ các nguyên nhân và hậu quả của Cách mạng Công nghiệp ở Anh và Âu châu vào thời gian ông còn sống. Từ đó ông rút ra một số nhận định. Nhưng các nhận định này không có giá trị vĩnh hằng, vô tận về thời gian và không gian. Trước ông cũng đã có nhiều nhà triết học, tư tưởng gia trong chính trị và giáo chủ nhiều tôn giáo đã đưa ra nhiều tư tưởng từng được ca tụng. Nhưng qua thời gian thử thách và sàng lọc, nhiều tư tưởng và lí thuyết này đã bị thực tế phủ nhận, không còn phù hợp với các phát triển mới của xã hội; nên nó mất giá trị, trở thành di tích của lịch sử để người sau rút kinh nghiệm. Một số khác chỉ còn sót lại một vài giá trị rất tương đối. Không có gì vĩnh cửu. Không có gì tuyệt đối. Nhưng đó mới chính là chân lí tuyệt đối nhất.
Các học thuyết thuộc lãnh lực khoa học xã hội nhân văn đều do con người rút từ kinh nghiệm hoặc sáng tạo. Nhưng con người bằng xương bằng thịt có những giới hạn rất tương đối từ thể xác tới tinh thần. Không có ai hoàn hảo 100%. Tốt-xấu, hùng-hèn, thiện-ác …là hai mặt của con người. Nếu có điều kiện tốt thì mặt tốt sẽ phát triển và ngược lại! Trong một xã hội tốt thì sẽ tạo những điều kiện thích hợp để cái tốt của cá nhân và xã hội được phát triển và ngược lại. Nếu để cho những tính xấu của con người phát triển, như lòng tham, hận thù, độc tài…thì chắc chắn sẽ thành xã hội xấu. Để nhận rõ về một người đã là khó, nhận rõ về một xã hội loài người thật khó vô cùng. Vì thế nhân loại mới có câu “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng!” Xã hội loài người tồn tại và phát triển liên tục. Nhiều thách thức mới, nhưng cũng có nhiều cơ hội mới. Để bảo tồn và hạnh phúc hơn, nên loài người tiếp tục công việc sáng tạo, vượt qua trở ngại, bỏ lại những gì không còn giá trị, vượt lên nắm lấy thời cơ!
Dân tộc nào ý thức và sáng suốt biết hành động như thế thì tiếp tục vươn lên. Dân tộc nào thỏa mãn với chiến thắng, ngủ lì và ăn bám quá khứ đều bị loại, bị đứng bên lề lịch sử. Văn minh Ai cập, văn minh Khổng giáo, văn minh Inca…đã chịu chung số phận này. Văn minh Hồi giáo đang bị thời đại của Thế kỉ 21 thử thách. Nhiều tôn giáo từng có giá trị tuyệt đối trong một thời gian dài ở nhiều khu vực trên thế giới, nhưng nay chỉ còn như vang bóng một thời, chỉ giữ một số giá trị tương đối và đang đứng trước những thử thách gay gắt.
Ban đầu tư tưởng của Marx về đấu tranh giai cấp và dự đoán về thế giới đại đồng được nhiều người tin. Các phong trào công nhân dùng bạo lực nhằm tiêu giệt giới chủ (tư bản) đã bùng nổ ở Âu châu. Nhưng không lâu sau đó những người Dân chủ Xã hội đã thấy, bạo lực không giải quyết được mà chỉ làm những khó khăn của xã hội gia tăng; bạo lực càng gây thêm hận thù, phá hoại chỉ đưa tới đổ vỡ! Nhiều chính trị gia và triết gia thức thời đã nhận ra rằng, chỉ có sức mạnh của nhân dân, đám đông có tổ chức và đấu tranh ôn hòa mới thuyết phục và buộc giới chủ nhân phải xét lại.
Vì thế ra đời các phong trào công nhân và thành lập các nghiệp đoàn độc lập, thành lập các chính đảng tham gia bầu cử để đấu tranh ngay trong nghị trường và những tổ chức xã hội dân sự hoạt động độc lập đã đưa đến thắng lợi ở nhiều nước. Thành công này đã khiến các giới quí tộc và tư bản phải nhìn nhận, đời sống công nhân từng bước được cải thiện; các giá trị tiến bộ được các bên nhìn nhận; các quyền tự do dân chủ căn bản cho mọi người, không phân biệt sắc tộc và giới tính được công nhận. Nhờ vậy xã hội phát triển đều đặn trong công bằng và nhân ái, pháp luật nghiêm minh được mọi người tôn trọng.
Trên những cơ sở nhân bản và nhận thức rất thực tế này, nhiều quốc gia đã kiến tạo xã hội văn minh, ấm no và hạnh phúc cho cả cá nhân lẫn cộng đồng. Kiên trì thực hiện đường lối rất thiết thực và khôn ngoan này, nên nhiều nước đã từ tro tàn và hận thù chỉ sau khoảng nửa thế kỉ trở thành những thiên đàng dưới trần gian. Đó là những nước thực hiện nghiêm túc chế độ DCĐN trong chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và tôn giáo.
Ngược lại, Lenin, Stalin đã đem học thuyết Marx áp dụng vào xã hội Nga, bên cạnh một vài thành tích lớn trong công nghiệp phục vụ chiến tranh, nhưng những nhu cầu và quyền lợi căn bản của tuyệt đại đa số nhân dân đã bị bỏ rơi. Trong khi đó những người cầm đầu chỉ lo củng cố quyền lực độc tài, tôn thờ sùng bái cá nhân, tham nhũng và lập vây cánh thanh toán lẫn nhau và đàn áp nhân dân. Sai lầm chồng chất, tàn bạo dã man, nên chế độ toàn trị sau 70 năm đã biến Liên xô thành địa ngục trần gian. Vì thế sau 70 năm chế độ toàn trị ở Liên xô đã tự tan rã. Chỉ còn là một sự kiện lịch sử rất tang thương với bao nhiêu triệu người bị giết, bị đày đọa, bị bỏ đói, bị tước quyền làm người!
Chủ nghĩa Marx đã được thử thách từ Liên xô tới Đông Âu và nhiều nơi khác, cuối cùng đã tự sụp đổ. Đây là kết quả thực tiễn, một sự thực ai cũng có thể kiểm chứng được. Mọi người bình thường đều biết được như thế. Chỉ có những người giả mù, giả điếc không muốn biết. Chỉ những người giáo điều bảo thủ và vô cảm mới không nhận ra sai lầm. Trong số này Nguyễn Phú Trọng được xếp vào người đi đầu. Mặc dầu chế độ CS Liên xô lấy ý thức hệ Marx-Lenin làm kim chỉ nam đã bị tự tan rã từ 1991, nhưng đầu tháng 11.2017 vào dịp kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 ông Trọng vẫn gân cổ lên hết lời ca ngợi!: “Tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới!” [2]
Điều này chứng minh Nguyễn Phú Trọng là người cực kì giáo điều, mở miệng ra là tụng niệm các câu sáo ngữ và sai lầm của Marx-Lenin. Nguyễn Phú Trọng còn vô cảm và lạnh lùng trước những thống khổ và lo âu của nhân dân. Ông đã vô cảm và lạnh lùng đến nỗi thân hành tới chúc mừng ban giám đốc công ti Formosa, đúng vào lúc hàng triệu nhân dân miền Trung đang đau khổ trước thảm họa môi trường do công ti này gây ra. Ông đã vô cảm và lạnh lùng đến nỗi bắt giam cả phụ nữ và thanh niên biểu tình ôn hòa lên tiếng chống TQ xâm lấn, chống bất công và độc tài. Đúng ra trong vai trò của người lãnh đạo, ông Trọng phải khen ngợi lòng yêu nước và tinh thần tiến bộ của họ. Ở những nước dân chủ thực sự, công an có bổn phận gìn giữ trật tự để bảo vệ các cuộc biểu tình. Ông đã vô cảm đến nỗi trong khi BK ngang ngược bành trướng trên biển Đông thì lại hô rằng, tình hình biển Đông không có gì mới! Ông đã kiêu ngạo đến nỗi kết án hàng ngàn trí thức và chuyên viên là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.”, khi họ lên tiếng đòi hỏi rất chính đáng là phải hủy bỏ Điều 4 của Hiến pháp vẫn để ĐCS độc quyền! [3]
Nguyễn Phú Trọng là người mắt sáng, tai thính nhưng tại sao lại không biết những điều này? Hay chính đầu óc giáo điều, tính kiêu ngạo, đa nghi và lòng vô cảm đã khiến ông không muốn biết, không dám nghe, cái gì cũng sợ, nên trở thành như người bất bình thường? Vì vậy Nguyễn Phú Trọng đã tự cho thấy không đủ tư cách, năng lực và phẩm chất. Nguyễn Phú Trọng và những người theo ông tưởng rằng, vẫn có thể nắm quyền qua các chính sách kìm kẹp và đàn áp trên 90 triệu dân. Nhưng đây chỉ như người lội ngược dòng, như các chế độ toàn trị ở Liên xô và Đông Âu trước đây. Dòng nước dân chủ ở VN đang chẩy xiết, không còn lâu sẽ ra tới biển khơi nhập vào đại dương dân chủ và tiến bộ! Những kẻ lội ngược dòng sẽ bị đuối sức và phải bỏ cuộc!
Những người cầm đầu chế độ toàn trị từ HCM tới Nguyễn Phú Trọng thường thề thốt rằng, phải lấy kết quả thực tiễn để kiểm nghiệm lí thuyết. Họ vẫn coi chủ nghĩa Marx-Lenin là bửu bối, là đũa thần. Nhưng sự sụp đổ của Liên xô đã gần 30 năm và ngay tại VN họ cũng thất bại trong mô hình “đổi mới” giả tạo suốt trên 30 năm qua. Các kết quả thực tiễn này đã phủ nhận triệt để và toàn bộ lí thuyết lấy ý thức hệ Marx-Lenin làm trung tâm. Nhưng họ vẫn đang sử dụng trên 90 triệu người VN như những con chuột, con thỏ làm vật thí nghiệm cho chủ thuyết Marx-Lenin, mặc dầu chủ thuyết này đã hoàn toàn thất bại và bị thực tế phủ nhận. Đây rõ ràng vừa là một dã tâm, vừa là sự ương ngạng đến mức mù quáng của những người chỉ biết thờ quyền lực!
4. Ngoại giao mù quáng đưa tới tàn phá Nội lực và lệ thuộc bên ngoài, không được phép lấy mộng làm thực!
Nhiều lãnh đạo CSVN thường tự ca tụng đường lối ngoại giao của họ là rất sáng suốt đã giúp họ giành được những thắng lợi to lớn, nên đã đánh thắng được các cường quốc từ Pháp đến Mĩ. Thoạt nhìn thì tưởng như thật. Nhưng nếu suy nghĩ chín chắn, tự vấn lương tâm và đặt thêm câu hỏi, những thắng lợi này có giữ được lâu dài không? Và có làm cho VN trở thành một nước thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, dân chủ và độc lập thực sự hay không?
Hãy khách quan và can đảm nhìn thẳng vào xã hội VN hiện nay sẽ tìm được câu trả lời trung thực: VN hiện nay sau trên 70 năm thực hiện XHCN đang là thiên đàng hay địa ngục trần gian? Câu trả lời lại là một sự thực hết sức cay đắng, người Việt nào cũng cảm nhận được, vì hầu hết đều là nạn nhân!
Trong từng giai đoạn lịch sử, những thắng lợi to lớn ban đầu đã bị mau chóng biến mất, vượt khỏi tầm tay và cuối cùng hiện nay đang trở thành gánh nặng cho cả dân tộc!:
- Thắng lợi năm 1954 là nhờ ĐCS TQ giúp đỡ, chi viện súng đạn và lương thực. Nhưng đất nước bị chia đôi. Không lâu sau ĐCSVN lại mở “Chiến tranh giải phóng” ở miền Nam để thực hiện giấc mơ đưa cả nước lên thiên đường XHCN, nhờ sự chi viện súng đạn và lương thực của Liên xô và TQ. Mĩ tham chiến. Các lực cực đoan cả trong lẫn ngoài đã xô đẩy VN vào một cuộc nội chiến tàn khốc chưa từng có trong lịch sử dân tộc với sự tiếp tay của bên ngoài.
- Sau thắng lợi 1975 không lâu, chỉ bốn năm sau lại rơi vào chiến tranh chống TQ năm 1979 ở biên giới phía Bắc và sa lầy trong cuộc chiến ở Campuchia. Đất nước lệ thuộc Liên xô cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế. Trong khi đó VN bị bao vây cấm vận, nạn đói đe dọa bao nhiêu triệu người từ Bắc chí Nam, lạm phát phi mã 700-800%. Sau khi Liên xô tan rã, cuối cùng những người cầm đầu chế độ toàn trị lại phải sang Thành đô xin cầu hòa với TQ, mở đường sự lệ thuộc mới vào phương Bắc từ năm1990 và nay đang cưỡng bức VN phải làm thân trâu vàng kéo cày trả nợ!
***
Tại sao thắng lợi quân sự và ngoại giao không giữ được lâu dài và còn đẩy đất nước hết vào cuộc chiến tranh này sang cuộc chiến tranh khác dẫn tới lệ thuộc bên ngoài?
Vì nội lực quá yếu lại bị lạm dụng tới mức cạn kiệt!:
- Các cuộc chiến tranh tàn khốc và triền miên liên tục mấy chục năm đã dẫn tới những tàn phá chưa từng có. Bao nhiêu triệu thanh niên đã bị hi sinh, bao nhiêu triệu cô nhi, quả phụ; hận thù, chia rẽ sâu sắc giữa các thành phần dân tộc. Dẫn tới nghèo đói, lạc hậu và lệ thuộc các nước chủ nợ hết từ Liên xô tới TQ.
- Tệ hại nhất là chủ trương độc quyền chân lí của một nhúm người có quyền lực. Họ mù quáng và kiêu ngạo cho rằng, chỉ có họ mới nắm được chân lí tuyệt đối. Ai nói khác hay chống họ đều bị chụp mũ là kẻ thù của nhân dân, đều bị đàn áp, bịt miệng, thậm chỉ cả thủ tiêu. Chủ trương độc tài tàn bạo dẫn tới phân hóa, làm suy yếu và soi mòn các lực lượng trong xã hội, triệt tiêu sáng kiến và triệt tiêu sự đóng góp trí tuệ, sức lực của mọi tầng lớp nhân dân!
- Những người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN suốt gần 75 năm từ HCM tới Nguyễn Phú Trọng làm chính trị như người chơi cờ bạc. Vốn ít, lực yếu nhưng lại rất hám ăn lớn. Khi thua lớn lại còn tính chơi tháu cáy, đánh xả láng theo cách “đốt cháy cả dãy Trường sơn!” Vì thế khi cháy túi, nội lực không còn thì chỉ còn cách bán vợ đợ con. Như đã phải đem hàng trăm ngàn thanh niên sang cựu Liên xô và các nước CS Đông Âu làm công nhân rẻ tiền để trả nợ cho các nước này. Hay hiện nay hàng triệu công nhân chỉ làm gia công với đồng lương chết đói trong các công ti FDI đầu tư của nước ngoài ngay tại VN!
***
Mặc dầu tư tưởng “thế giới đại đồng” chỉ là một huyền thoại viển vông, nhưng nhiều thế hệ lãnh đạo của CSVN đã ngớ ngẩn đến mức đần độn tôn thờ tư tưởng về “thế giới đại đồng” từ Marx-Lenin đến Mao là “tiến bộ”, “khoa học” và “chân lí” và còn khẳng định, chỉ có duy trì sự độc tôn toàn trị của ĐCS mới thực hiện được XHCN để đạt tới mục tiêu “thế giới đại đồng”! Chính vì thế người sáng lập ĐCSVN đã công khai coi chủ nghĩa Marx-Lenin như là những cây đũa thần và từ khi Mao Trạch Đông giải phóng lục địa TQ và viện trợ súng đạn và cố vấn thì ông Hồ chọn thêm tư tưởng Mao làm thần tượng! Họ coi tình anh em giữa các ĐCS cao hơn quyền lợi chính đáng và lâu dài của dân tộc và sinh mạng hàng bao nhiêu triệu nhân dân để bảo vệ tiền đồn CS! Trong khi đó, đối với chính nhân dân, đồng bào của mình, vì chủ trương giai cấp đấu tranh và tôn thờ tuyệt đối vào bạo lực, nên đã bao nhiêu lần họ đã thẳng tay tiêu giệt những người dân chủ, đàn áp nông dân, trí thức và các tôn giáo!
Nhiều thế hệ lãnh đạo CSVN đã lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện, thậm chí lấy phương tiện làm mục tiêu. Như Hồ Chí Minh lúc đầu dùng học thuyết Marx và phương pháp cướp chính quyền của Lenin (phương tiện) để giải phóng đất nước, giành độc lập cho VN (mục tiêu). Nhưng sau khi cướp được chính quyền họ lại bắt dân phải tuyệt đối tuân theo chủ nghĩa Marx-Lenin, tôn thờ lí tưởng không tưởng “thế giới đại đồng”, xua bao nhiêu triệu người vào 30 năm chiến tranh làm nghĩa vụ quốc tế “canh giữ hòa bình cho thế giới”. Nhưng cựu CTN Nguyễn Minh Triết vẫn không thấy đó là sự ngu dại, lại còn lấy làm hãnh diện muốn VN tiếp tục làm lính “canh thức cho cách mạnh toàn cầu”! Vì vậy mục tiêu bị đẩy xuống làm phương tiện và phương tiện trở thành mục tiêu. Họ lại còn tàn bạo và khờ khạo chủ trương giai cấp đấu tranh làm nền tảng trong xã hội và dùng bạo lực làm phương pháp cai trị xã hội. Một xã hội dùng hận thù và bạo lực giết lẫn nhau thì làm sao còn hạnh phúc và tự do, làm sao tài năng không cạn kiệt được? Một nước bị chìm đắm từ cuộc chiến tranh nay sang cuộc chiến tranh khác thì nội lực bị kiệt quệ, dẫn tới lệ thuộc bên ngoài!!!
Quan điểm cực kì sai lầm đảo lộn mục tiêu thành phương tiện đã được một số chuyên viên cao cấp của chế độ cảnh báo ngay từ cuối thập niên 80 trong một số cuộc hội thảo do chính Tạp chí CS khi ấy tổ chức. Vì chính khi đó phe giáo điều bảo thủ trong BCT đang tìm cách giành lại tay lái và chuẩn bị quay đầu sang chầu BK. Có nắm vững được hai chủ trương “thế giới đại đồng” và độc đảng theo “chuyên chính vô sản” của nhóm cầm đầu CSVN mới hiểu được, vì sao đã có Công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT TQ Chu Ân Lai 14.9.1958, nhìn nhận chủ quyền của TQ trên biển Đông; đồng thời hoàn toàn im lặng trước việc BK dùng hải quân đánh chiếm Hoàng sa của VN 1.1974, khi ấy đang dưới sự quản trị của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng chính khi đó họ lại cho đổ toàn bộ quân đội từ miền Bắc vào miền Nam để giết hại đồng bào mình! Và trong các sách giáo khoa của CSVN giảng dậy trẻ em VN trước 1974 cũng đã từng coi các đảo Hoàng sa-Trường sa là thuộc TQ. Chính vì vậy trong Văn thư gởi Liên hiệp quốc 8.6.2014 nhà cầm quyền BK đã dẫn chứng các văn kiện chính thức này của CSVN đối với các quần đảo tranh chấp để chứng minh lí lẽ của họ.[4] Nghĩa là nhóm cầm đầu BK hiện nay đã lợi dụng sự mơ tưởng hão huyền đến độ cực kì ngây thơ của nhà cầm quyền HN để làm bằng chứng cho việc họ chiếm đóng Hoàng sa-Trường sa của VN!
Có hiểu được tâm lí tự ti nhược tiểu, chịu thuần phục theo tín điều “ĐCSTQ trụ được thì ĐCSVN cũng trụ được”, mới hiểu được cái logic, tại sao những người cầm đầu quyền lực nhất khi ấy là Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã ra lệnh không cho Hải quân VN chống cự lại cuộc tấn công của Hải quân TQ tại đảo Gac-Ma vào giữa tháng 3. 1988. 64 chiến sĩ hải quân đã hi sinh như một món quà để chuẩn bị cho họ lên đường sang Thành đô tháng 9.1990 qui hàng Bắc kinh! Sau sự sụp đổ của các nước CS Đông Âu và Liên xô vào cuối thập niên 80 nên những người cầm đầu CSVN khi ấy vẫn theo tiêu chí đặt giá trị Đảng trước nước sau, lo sợ chế độ toàn trị bị tiêu vong và quyền lực của cá nhân họ cũng bị tiêu tán, nên họ lại xin CSTQ cứu giúp. Vì họ vẫn tin vào “tình đồng chí anh em” trong “thế giới đại đồng”; nghĩ rằng, nếu CS TQ trụ được thì CSVN cũng trụ được. Nghĩa là trong tình hình đen tối chung của Thế giới CS khi ấy thì BK cũng sẽ mở vòng tay cứu vớt HN! Vì thế nhóm cầm đầu CSVN đã cúi đầu thần phục sang họp bí mật ở Thành Đô, TQ vào đầu tháng 9.1990. Dưới thời Nguyễn Phú Trọng tâm lí tự ti mặc cảm lệ thuộc phương Bắc càng gia tăng; trong khi BK đang có những hành động chiếm biển-đảo và giết hại ngư dân VN, nhưng Nguyễn Phú Trọng lại vẫn gọi BK là “Bạn” và đánh lừa cả QH là “tình hình biển Đông không có gì mới!”
Từ đó không chỉ “hợp tác chiến lược toàn diện” trên các bình diện đảng, nhà nước giữa hai bên trong chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh mà còn mở toang cửa kinh tế-thương mại với BK. Vì thế chỉ mới gần ba thập niên qua kinh tế VN đã gần như bị buộc chặt vào thị trường TQ, từ nông sản, khoáng sản, nguyên liệu đều phụ thuộc vào thị trường TQ; đại đa số các công trình hạ tầng đều nằm trong tay các công ti TQ; kim ngạch nhập siêu từ TQ từ 200 triệu USD (2001) nay lên tới trên dưới 30 tỉ USD mỗi năm. Sự lệ thuộc vào kinh tế TQ đã tới mức nguy hiểm, nên chính Trương Tấn Sang khi đang là CTN đã phải nhìn nhận: “Chỉ còn hơn một năm rưỡi thì đến ngày 1.1.2016 về thương mại hóa tự do TQ – ASEAN, nếu cứ lình sình như thế này thì đến ngày 1.1.2016, hàng hóa các loại của TQ sẽ tràn ngập lãnh thổ VN”.[5] Ngay cả Tạp chí CS đã phải nhìn nhận sự lệ thuộc đến mức khủng khiếp của kinh tế VN vào TQ đã lên tới trên 80%: “Nền kinh tế VN phụ thuộc tới hơn 80% vào nền kinh tế TQ; trong khi lý thuyết kinh tế thế giới cho rằng, để giữ nền kinh tế độc lập, tỷ lệ này không nên vượt quá 30%”. Và “2015, nhập siêu của VN từ TQ ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.” [6] Trong khi ấy nợ công của VN gia tăng tới mức nguy hiểm. Ngân hàng Phát triển Á châu cho biết, nợ nước ngoài của VN gia tăng rất nhanh mỗi năm. Năm 1985 trước khi “đổi mới,” nợ nước ngoài chỉ hơn 10 tỷ USD. Nhưng nay Ngân hàng Thế giới nói, nợ công của VN sẽ vượt xa con số 117 tỷ USD của năm 2015. [7]
Lệ thuộc kinh tế đã là cực kì nguy hiểm, nhưng nô lệ trong tư tưởng và nô lệ trong tâm lí -bệnh tự ti mặc cảm- với BK của những người cầm đầu chế độ toàn trị HN còn cực kì nguy hiểm hơn! Vì thế mới dẫn tới thái độ cúi đầu của Nguyễn Phú Trọng gọi kẻ thù giết dân mình, chiếm đọat hải đảo và tài nguyên của nước mình là “Bạn” là “Đồng chí”! Chính sách và những tuyên bố cực kì sai trái như trên của những người cầm đầu chế độ toàn trị đã làm tê liệt ý chí cảnh giác của đảng viên cũng như nhân dân trước ý đồ đen tối của BK, đồng thời đánh lạc toàn bộ sự theo dõi của dư luận quốc tế. Không có cường quốc nào tin tưởng chế độ HN dám đứng thẳng trước BK! Thậm chí từ khi Tòa án Trọng tài Quốc tế ra phán quyết ngày 12.7.16 bác bỏ toàn bộ các yêu sách về “Đường lưỡi bò” và “quyền lịch sử” của TQ trên biển Đông, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa dám công khai ủng hộ và bảo vệ![8]
***
Nói tóm lại, chính những chủ trương và chính sách ngoại giao cực kì sai lầm, lấy mộng làm thực từ 1945 tới nay, khiến cho VN đã bao lần bị làm quân cờ thí trong các cuộc tranh chấp quốc tế. Tại đó chính những “đồng minh tin cậy nhất” từ TQ tới Liên xô đã thí tốt VN trong các cuộc thương lượng quốc tế để bảo vệ quyền lợi quốc gia của họ. Chính vì thế suốt trên 70 năm qua VN thường xuyên bị rơi vào hoàn cảnh cực kì nguy hiểm!
Trong khi Nguyễn Phú Trọng hãnh diện hão tự vỗ ngực về “thành tích ngoại giao”, bảo là, “Ta phải là thế nào thì người ta mới mời mình chứ!” Nhưng ông Trọng đã quên lời cảnh cáo của ông Hồ: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.[9] Thái độ tin tưởng mù quáng vào tân đế quốc BK từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười tới Nguyễn Phú Trọng đã dẫn tới những kết quả thực tiễn cực kì nguy hiểm về chính sách ngoại giao lấy mộng làm thực, tưởng là rất khôn, nhưng chính lại là đại ngu!
5. Không thể xài lại sách lược cũ Dối Trá được nữa!
Những khi chế độ rơi vào hoàn cảnh cực kì nguy hiểm như sợi chỉ treo ngàn cân, họ lôi ngay bửu bối của người sáng lập đảng ra áp dụng. Đó là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (có thể thay đổi sách lược để thích ứng với tình thế, nhưng trước sau phải giữ tuyệt đối Đảng CS nắm độc quyền tiếp tục). Châm ngôn hành động chính trị này HCM đã ứng dụng vào giai đoạn 1945-46 để bảo vệ chính quyền còn rất non trẻ của ông. Khi ấy HCM phải đối đầu với hai kẻ thù trong nước và ngoài nước. Các sư đoàn quân Tưởng Giới Thạch ốm đói và tham nhũng đang ồ ạt tiến xuống phía Bắc để giải giới quân Nhật. Pháp đang tìm cách quay lại Đông dương phục dậy chế độ thực dân. Các đảng không CS đang trỗi dậy đấu tranh đối lập giành quyền với chính quyền CS. Ứng dụng câu trên đối với đoàn quân của họ Tưởng, để bảo vệ chính quyền CS còn trong nôi, ông Hồ đã không từ một thủ đoạn nào tìm mọi cách mua chuộc các tướng Tầu tham nhũng để yên cho chính quyền của ông và bỏ rơi các nhóm chính trị VN không CS; đồng thời mua chuộc, chia rẽ và thanh toán các chính đảng và đảng viên các đảng này.
Vừa thành công trong việc trung lập hóa và vô hiệu hóa đoàn quân của Tưởng Giới Thạch thì HCM lại phải đứng trước việc quân Pháp trở lại VN. Khi đàm phán với Pháp với mục tiêu tìm cách trì hoãn việc Pháp trở lại, để chính quyền HCM có thời gian củng cố thế lực, ông tiên liệu chuyến đi này kéo dài và những thỏa hiệp hòa hoãn để VN đứng trong Liên hiệp Pháp sẽ làm mất lòng dân, các chính đảng không CS sẽ nổi dậy. Chính quyền CS son trẻ lại như sợi chỉ treo ngàn cân. Vì thế HCM lại dùng bửu bối “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trước khi sang Pháp đàm phán ông Hồ đã căn dặn Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Hải Thần ở trong nước phải biết thi hành châm ngôn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để thanh toán các cán bộ cao cấp của các chính đảng không CS (vụ Ôn Như Hầu là một điển hình)!
Cuối thập niên 80 chế độ CSVN lại rơi vào hoàn cảnh cực kì ngặt nghèo không khác thời 1945. Liên xô, nước viện trợ và đồng minh chính của VN, đang rơi vào tan rã. BK đang trở thành tử thù. Mĩ và các nước Tây phương đang phong tỏa và cấm vận, nạn đói đang diễn ra thảm khốc không khác nạn đói 1945! Lúc đó họ còn rơi vào hoàn cảnh cực kì nguy hiểm là ý thức hệ CS đang bị phủ nhận từ Đông Âu tới Liên xô.
Vì thế nhóm cầm đầu khi ấy lại phải dở bửu bối rất xảo quyệt “Dĩ bất biến, vạn ứng biến” ra sài lại. Nhưng hoàn cảnh 1986 hoàn toàn khác với 1945. Ý thức hệ Marx-Lenin đã bị phủ nhận. Thành trì Cách mạng tháng 10 Liên xô đã tự chôn vùi. Họ hoảng hốt nên phải dựng lên và lôi cả “Tư tưởng HCM” bên cạnh Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng của chế độ. Nhưng “Tư tưởng HCM” là gì, nội dung như thế nào, ứng dụng vào thực tại ra làm sao thì không ai trong nhóm cầm đầu định nghĩa được. Sau nhiều cuộc “Hội thảo khoa học” các nhà khoa bảng XHCN hàng đầu cũng không đồng ý được với nhau, thế nào là “tư tưởng HCM”. Nên đã có tới 60 định nghĩa khác nhau về cái gọi là “Tư tưởng HCM”. Nói khác, họ lôi ông Hồ vào chỉ cốt để ru ngủ và đánh lừa đảng viên và những người nhẹ dạ. Vì khi sinh thời chính HCM đã khoán trắng lãnh vực tư tưởng cho Lenin và Mao. Mỗi khi cần thì ông lại dở ra!
***
Tóm lại khi đó chủ nghĩa CS không còn như người chỉ đường, cứ đi theo hướng mặt trời! Khi ấy chính cựu TT Phạm Văn Đồng đã phải thừa nhận, “chúng ta như người đi đường không có bản đồ!” Tâm trạng của một lữ khách cô đơn không biết đi theo hướng nào, lương thực còn bao nhiêu, sức khỏe kéo dài được bao lâu? Trong chính trị, tâm trạng rất hoang mang, lo sợ và bi quan này diễn tả sự mất phương hướng, mất phong độ, không còn sức, không biết chọn giải pháp nào để đối phó với tình thế ngặt nghèo trước mắt.
Trong hoàn cảnh sợi chỉ treo ngàn cân này, họ nên cứ tiếp tục độc quyền, bảo vệ độc quyền? Hay phải sáng suốt và can đảm hội ý với các chuyên viên, trí thức, dựa vào dân để cùng nhau tìm một sinh lộ mới thích hợp cho đất nước? Nhưng như con ngựa quen đường cũ, họ đã trở về khẩu hiệu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến “ để bảo vệ độc quyền cho đảng. Vì thế họ đã giữ thái độ chụp giật, nhắm mắt áp dụng các biện pháp lợi cho đảng trước mắt, hậu quả cho đất nước như thế nào thì mặc kệ! Đó chính là “Công thức đổi mới” đã được 5 đời TBT từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đem ra thi thố suốt trên 30 năm qua. Công thức này bao gồm: Đảng độc tài + KTTT ĐHXHCN với DNNN làm chủ đạo + Chiều chuộng các công ti nước ngoài FDI; bỏ rơi, khinh khi doanh nhân nội và bỏ rơi nông dân.
Chủ trương này được triển khai vào thực tế với mô hình bao gồm: Các tập đoàn và tổng công ti nhà nước trở thành những đứa con cưng nắm độc quyền các huyết mạch kinh tế, đồng thời ưu đãi cho hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Mô hình kinh tế này được khoác cho cái tên “đổi mới”, nhưng vẫn do ĐCS độc quyền, dưới sự chỉ huy độc đoán của những cán bộ đầy quyền lực và rất tham lam, nhưng lại không có khả năng chuyên môn. Vì vậy sau trên 30 năm thi thố dẫn tới những kết quả cực kì tai hại: Đất nước vẫn tụt hậu, nhân dân vẫn lầm than và bị đàn áp, lãnh thổ và chủ quyền đang bị TQ xâm chiếm và đe dọa, tham nhũng như rươi từ các UVBCT tới các cán bộ xã thôn. Không những thế, nay cả ĐCS cũng bị biến thể chỉ còn là cái hình nộm để cho các nhóm lợi ích bất tài vô đức xâu xé! Tục ngữ phương Tây có câu, “Nói dối có cẳng ngắn”. Kẻ dối trá không thể đi xa; kẻ lừa đảo không thể tồn tại lâu!
6. Ý thức và trách nhiệm của công dân: Cứ đi thì sẽ thành đường!
Hãy xé rào công an, xé rào cản chính trị độc tài, bất tuân bạo chúa!
Chính đảng chỉ là một phương tiện, chứ không phải là mục tiêu hay đích cuối. Sự tồn tại và phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân mới là mục tiêu hàng đầu và mang giá trị vĩnh cửu. Một chính đảng đứng ra cầm quyền phải ý thức rằng, họ chỉ cầm quyền bao lâu đáp ứng nguyện vọng của dân và giải quyết tốt được tình thế. Nếu không làm được như vậy thì không còn đủ tư cách và khả năng cầm quyền. Phải biết tự nguyện rút lui, hoặc nhân dân đẩy đi chỗ khác, chấm dứt vai trò cầm quyền của họ. Trước đây các triều đại vua chúa cũng vậy. Nếu được lòng dân thì lên cầm quyền. Khi bất lực, phản bội dân, đối xử bạc ác với dân thì dân nổi dậy đạp đổ. Dân vi quí, chở thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước!
Việc nước là chuyện chung, trong đó ý thức trách nhiệm của mỗi công dân rất quan trọng, như những viên gạch xây nên ngôi nhà chung. Nếu thấy một chính đảng cầm quyền trở thành vật cản, lực phá hoại, thì khi ấy, mọi công dân và các tổ chức có quyền và trách nhiệm phải có can đảm và thông minh quyết chí cùng nhau đẩy vật cản đi, chấm dứt lực phá hoại để dân tộc và đất nước tiến lên!
Các triều đại vua chúa trước đây đều muốn gia truyền con nối. Ngày nay tại VN ĐCS và nhóm cầm đầu bảo thủ cũng muốn tham lam như vậy. Nắm quyền rồi không muốn buông ra, mặc dầu đã hoàn toàn thất bại. Nay chỉ có sức mạnh của nhân dân, sự kết đoàn của những lực lượng tiến bộ trong xã hội thì mới chấm dứt được các thế lực độc tài, tàn bạo và bất lực!
Nhân dân và các tổ chức yêu nước đang ngày càng ý thức trách nhiệm và sứ mạng rất rõ trong việc cùng nhau quyết chí xây dựng một nước VN mới:
- Chế độ độc tài đảng trị hay cá nhân trị không thể giải quyết được những khó khăn của đất nước mà chỉ làm nan giải và nguy hiểm hơn! Dù chế độ độc tài hiện nay có thể biến thể thành chế độ độc tài cá nhân, phe nhóm hay vẫn tồn tại dưới hình nộm đảng trị. Trước sau nó vẫn là chế độ độc tài. Tức là đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân, phản bội những hi sinh và tin tưởng của nhiều thế hệ gần một thế kỉ qua. Sự tồn tại của chế độ tộc tài (đảng trị hay cá nhân) đều cản trở sự phát triển của đất nước và sự đi lên của dân tộc!
- Chế độ độc tài đang làm VN tụt hậu kinh tế so với các nước tiên tiến, kể cả nhiều nước trong khu vực cả nửa thế kỉ, trở thành bãi rác công nghiệp nguy hiểm và lâu dài cho toàn dân tộc. Chế độ độc tài cản trở tài năng, kiến thức, những động lực vô cùng cần thiết để phát triển, canh tân đất nước và bảo vệ độc lập. Chế độ độc tài đang làm phí phạm và phá hoại các tiềm năng nhân lực và tài nguyên. Chế độ độc tài đang làm cho VN mất một phần lãnh thổ, tài nguyên bị xâm chiếm, biển Đông bị đe dọa. Cho nên chủ quyền và độc lập dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng do chủ trương “thực hiện giấc mơ vĩ đại” phục hồi đế quốc Đại Hán đặc biệt dưới thời Tập Cận Bình! Kẻ đang tâm làm nội gián cho phương Bắc hiện nay không ai khác là Nguyễn Phú Trọng. Ông đang ca tụng BK là “Bạn”, đồng thời lại ngăn cản và đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình của nhân dân chống lại các hành động xâm lấn của phương Bắc!
- Khách quan nhận xét và so sánh với nhiều nước, với dân số trên 90 triệu dân, nhiều tài nguyên cả về nông nghiệp lẫn khoáng sản; dân tộc VN có những đức tính cần cù, nhẫn nại, biết trọng những giá trị của dân tộc và biết học tập những tiến bộ của nhân loại, nên trải qua mấy ngàn năm lịch sử VN đã có những thời đại đạt tới nền văn minh nổi trội trong khu vực, kể cả so với những nước lớn. Do đó VN không phải là nước nhược tiểu như một vài đế quốc thực dân đã gán ghép và chế độ độc tài toàn trị và vọng ngoại đang cúi đầu trước tân đế quốc BK!
- Vì vậy VN ngày nay phải sớm trở thành một nước dân chủ và phú cường ở Đông nam Á, sánh vai bình đẳng về mọi phương diện với các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Mọi công dân và các thành phần dân tộc có tiếng nói và chỗ đứng thích hợp, hãnh diện và tham gia tích cực xây dựng một nước VN mới. Nước VN mới của Thế kỉ 21 phải là một nước dân chủ trong chính trị, tự do trong kinh tế, tiến bộ trong giáo dục và khoa học, văn minh trong văn hóa và tôn giáo, công bằng trong việc đóng góp, sống hòa bình và bình đẳng với các dân tộc. Nước VN mới của Thế kỉ 21 long trọng tuyên bố quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; theo đuổi đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác cùng có lợi với các dân tộc ở Á châu và thế giới!
- Con đường đấu tranh nào để đi tới mục tiêu tối thượng và khát vọng chính đáng của dân tộc ta trong Thế kỉ 21? Bạo lực không thế dẫn tới dân chủ mà chỉ dẫn tới hận thù chồng chất và lâu dài. Bất công không thể dẫn tới đoàn kết mà chỉ đi tới chia rẽ. Độc tài chỉ dẫn tới phá hoại, chia rẽ và dẫn tới lệ thuộc. Dùng bạo lực làm giải pháp đấu tranh là đi vào bước chân sai lầm của CS dẫn tới chế độ độc tài toàn trị tàn bạo và khủng khiếp nhất suốt trên nửa thế kỉ vừa qua. Tôn thờ bạo lực chỉ đào sâu hận thù, chia rẽ và tàn phá mọi sáng kiến, tài năng. Lợi dụng sự nhẹ dạ của nhân dân, CS đã lợi dụng lòng yêu nước để xây dựng chế độ độc tài toàn trị trên sự hi sinh xương máu của bao nhiêu triệu đồng bào ta qua nhiều thế hệ!
- Muốn chấm dứt chế độc độc tài hiện nay thì phải biết kết hợp sức mạnh toàn dân. Mọi công dân, mọi đoàn thể chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa và sắc tộc đều có quyền tự nguyện, bình đẳng; với tinh thần trách nhiệm cao tham gia tích cực nhất, sáng tạo nhất bằng phương pháp đấu tranh phi bạo lực để chấm dứt nhanh chóng chế độ độc tài. Có thể khác nhau -đó là sự phát triển tự nhiên của một xã hội thừa nhận sự khác biệt và tinh thần dân chủ- nhưng cùng đi một hướng chung. Đó là độc lập dân tộc, gìn giữ chủ quyền, xây dựng đất nước không dùng bạo lực và đấu tranh giai cấp, nhưng bằng trí tuệ, siêng năng và lòng thương người. Đây chính là biết thực hiện lòng yêu nước khôn ngoan và chính đáng cho mục tiêu cao cả của toàn dân tộc cho một nước VN mới trong Thế kỉ 21.
Cần lập một mẫu số chung vững mạnh, nhưng đủ rộng và thích hợp cho các khuynh hướng dân chủ tiến bộ, để phối hợp hoạt động tích cực và hiệu quả trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn; phù hợp với mục tiêu chung, phục vụ sứ mạng chung nhằm cô lập, làm tê liệt từng bộ phận, từng phần chế độ độc tài, đồng thời mở rộng từng bước và gia tăng sức mạnh các lực lượng yêu nước tiến bộ kiến tạo dân chủ!
- VN là một nước lớn trung bình trên thế giới, giầu tài nguyên, dân số đứng thứ 15 trên thế giới, biết lao động siêng năng, thành phần chuyên viên ngày một đông. Nước ta không thiếu những điều kiện cần để sớm đưa VN thành một nước giầu dân mạnh. Nhưng cái thiếu duy nhất lại rất quan trọng mà dân tộc ta còn thiếu, được coi là điều kiện đủ, đó là một chế độ chính trị vận hành theo những nền tảng của một xã hội Dân chủ Đa nguyên tam quyền phân lập: Ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập với nhau và liên đới trách nhiệm; các chính đảng được tự do hoạt động; kinh tế thị trường tôn trọng hoạt động kinh tế của tư nhân, tôn trọng quyền tư hữu, tôn trọng qui ước cạnh tranh công khai và lành mạnh; đầu tư và khuyến khích một nền giáo dục trọng thực nghiệm, khoa học và nhân bản; xây dựng một nền văn hóa tôn trọng quyền làm người, chống bạo lực và chủ nghĩa dân tộc quá khích, gìn giữ và khơi thông những giá trị đạo đức dân tộc và học hỏi những tiến bộ của thế giới; xây dựng một nền quốc phòng và ngoại giao đủ mạnh, thích hợp với thực lực và tầm vóc của dân tộc để bảo vệ đôc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và các hải đảo; hợp tác với các nước trong khu vực và liên minh với các cường quốc cùng theo những giá trị chung của DCĐN, để gìn giữ hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
- Nền tảng căn bản của một nước VN mới phải đứng vững trên bốn chân: 1. Một tầng lớp trí thức và chuyên viên độc lập và sáng tạo, giữ vai trò phản biện khoa học trong mọi lãnh vực của xã hội. 2. Một tầng lớp doanh nhân mạnh, tự tin, có tinh thần mạo hiểm và trách nhiệm. 3. Các chính đảng dân chủ thực sự, mạnh về lực lượng, có tư tưởng trong sáng và tổ chức chặt chẽ, biết đặt mục tiêu quyền lợi của đất nước cao hơn đảng. 4. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập trong mọi lãnh vực, giữ vai trò là tai, mắt và tiếng nói trung thực của toàn xã hội.
Bốn thành phần này là trụ cột căn bản vừa hỗ trợ, vừa kiểm soát nhau trong tinh thần trách nhiệm liên đới; với niềm vinh dự thực hiện sứ mệnh chung là xây dựng một nước VN mới, lấy hạnh phúc của nhân dân, phú cường của đất nước, độc lập của dân tộc làm mục tiêu tối thượng, để quyết chí sớm đưa VN sánh vai bình đẳng với các dân tộc tiến bộ trên thế giới trong Thế kỉ 21!
7. Hai cuộc Cách mạng toàn cầu hóa kinh tế-tài chính và Internet điện tử đang mở ra kỉ nguyên mới và thách thức mới, làm thay đổi trật tự thế giới, nếp sống và thái độ của con người và đang ảnh hưởng rất mạnh tới vận mạng dân tộc VN
Trong khi cuộc Cách mạng toàn cầu hóa trong kinh tế-tài chính đã tạo những cơ hội cho những công ti liên quốc và những đại công ti đầu tư xây dựng cơ xưởng trên toàn thế giới để tìm lợi nhuận cao, thì nhiều nước đang phát triển có dịp tiếp nhận và học tập các kĩ thuật sản xuất mới, đồng thời tạo công ăn việc làm trên tương quan cùng có lợi trong sự phân công quốc tế. Đấy là đứng về mặt lí thuyết. Trong thực tế liệu hai bên cùng thắng hay chỉ một bên được lợi còn bên kia bị bóc lột, điều này tùy thuộc nhiều điều kiện khác nhau.
Nhờ những phát minh mới trong công nghiệp điện tử qua hệ thống satellit kết nối mọi khu vực trên toàn cầu; đặc biệt với sự ra đời của máy điện toán cá nhân, điện thoại cầm tay, điện thư và các công ti dịch vụ internet nối kết xã hội, nên hàng tỉ người giữa các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau đã gần lại với nhau. Chỉ một bản tin hay hình ảnh chỉ vài giây, vài phút sau đã tới được hàng trăm triệu người, hàng tỉ người gây xúc động lòng người rất mạnh chưa từng có. Nó làm cho những cá nhân trên toàn cầu, nhất là giới trẻ, hàng ngày đối thoại và trao đổi ý kiến với nhau về những vấn đề đang được quan tâm trong nhiều lãnh vực của cuộc sống. Từ đó họ có dịp so sánh giữa đời sống của chính họ cũng như các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Bên cạnh những thông tin trung thực còn có cả những tin vịt, giả mạo (fake news), kêu gọi quá khích, hận thù dân tộc và tôn giáo. Các chế độ cực đoan có thể sử dụng kĩ thuật internet làm tê liệt an ninh-quốc phòng…và các nước độc tài cũng có thể can thiệp trực tiếp vào nội bộ các nước khác.
Hai cuộc Cách mạng toàn cầu hóa kinh tế-tài chính và internet điện tử tuy mới vừa bùng nổ khoảng 3-4 thập niên nhưng đang làm thay đổi kiến trúc và trật tự thế giới, thay đổi cả thói quen và tập quán của con người; từ đó đưa tới thay đổi tâm lí, nếp sống và giữa các nền văn hóa của nhân loại. Vì thế có lẽ hai cuộc cách mạng mới này sẽ có nhiều tác động mạnh hơn cả cuộc Cách mạng Công nghiệp hơn hai thế kỉ trước ở Âu châu. Hai cuộc Cách mạng mới này diễn ra tương đối cùng một lúc và đang song hành ảnh hưởng trực tiếp và hỗ tương lẫn nhau, tạo ra sức mạnh rất vũ bão và sâu rộng tới mọi khu vực trên thế giới. Đặc biệt việc toàn cầu hóa trong kinh tế-tài chính và kết nối mạng điện tử toàn cầu đã vô tình diễn ra trùng vào thời gian Liên xô và Thế giới CS tan rã. Chiến tranh lạnh chấm dứt, mang theo sự chấm dứt của trật tự thế giới lưỡng cực thời Chiến tranh lạnh, với hai đầu HK và Liên xô, với hai mô hình xã hội trái ngược nhau trên thế giới trong chính trị, kinh tế và văn hóa.
Hai cuộc Cách mạng kinh tế-tài chính và kĩ thuật điện tử hiện nay đang làm thay đổi cuộc sống vật chất và tinh thần của nhiều tỉ người, dẫn tới thay đổi những tương quan lực lượng quốc tế, thay đổi tư duy và tâm lí của nhân loại. Những tác động và ảnh hưởng của hai cuộc Cách mạng mới không chỉ trong kinh tế, tài chính, thương mại mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen và thái độ của hàng tỉ người, nhất là các thế hệ trẻ. Nó đang tác động mạnh lên cả chính trị, kinh tế, tài chính, an ninh và trật tự của thế giới; tạo lập những lực lượng và tương quan mới làm đảo lộn trật tự cũ. Nhiều trật tự cũ từng là nền tảng trong bang giao quốc tế từ sau Thế chiến thứ hai đang bị thử thách như LHQ, Ngân hàng Thế giới (WB), Quĩ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức thương mại Quốc tế (WTO)…Từ đó cả nhiều giá trị cũ, nhiều nền văn hóa cũng đang đứng trước những thử thách gắt gao. Nói chung, hai Cuộc cách mạng mới đang thay đổi bộ mặt thế giới và ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy cũng như tập quán của các dân tộc và các nền văn minh.
Nhưng mỗi cuộc cách mạng cũng đều có hai mặt tốt và xấu. Bên cạnh những tiến bộ và thành quả không thể chối cãi được, nó cũng chứa đựng một số rủi ro và sơ hở cần phải nghiêm túc phân tích để sớm ngăn chặn, sửa chữa và cải thiện. Các cuộc cách mạng mới hiện nay đang mở ra cho nhân loại những vận hội mới; như xóa nghèo đói, chậm tiến, đẩy lùi các thế lực độc tài. Những giá trị nhân quyền và tự do dân chủ đang được phổ cập tới từng cá nhân và ngõ ngách mà trước đây hai ba thập kỉ vẫn bị coi là ảo tưởng. Qua hình ảnh và thông tin trên điện thoại cầm tay, những người trẻ Hồi giáo hàng ngày có dịp so sánh với những thế hệ đồng tuổi ở nhiều khu vực có nền văn hóa và văn minh khác. Cũng vậy hàng trăm triệu thanh thiếu niên ở các nước phát triển có thể thấy bằng mắt, bằng tai những sự đàn áp và cả những tiếng than khóc của những người đồng tuổi bị đánh đập dã man của công an dưới những chế độ độc tài. Sức mạnh của truyền thông điện tử ngày nay đã được chính nhà độc tài Nguyễn Phú Trọng rất lo ngại nhận định: Ngày nay “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người”[10] Vì thế tháng 6. 2018 vừa qua Nguyễn Phú Trọng đã để cho QH gật thông qua Luật An ninh mạng để ngăn chặn những tiếng nói độc lập, thông tin đa diện và quan hệ giữa người Việt ở trong và ngoài nước, cũng như giữa VN với thế giới xuyên qua hệ thống internet.
Lợi dụng tiến bộ kĩ thuật điện tử để can thiệp trực tiếp vào tình hình chính trị, kinh tế của nước ngoài mong thoát khỏi sự phong tỏa của quốc tế. Như trường hợp nhà độc tài Nga Putin đã cho tổ chức Hacker đánh cắp các điện thư của ứng cử viên tổng thống bà Clinton, rồi cho WikiLeaks tung ra để giúp Trump thắng cử năm 2016. Hay BK sử dụng Hacker để đánh cắp kĩ thuật công nghệ, theo dõi đối lập trong và ngoài nước. Hai cuộc Cách mạng mới đang tạo thành những sức mạnh vũ bão, khiến cho những chính trị gia độc tài, những chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tôn giáo quá khích lo lắng và hoảng sợ. Họ đang lao đầu phản công bằng những chủ nghĩa mị dân, phao tin thất thiệt để gây hận thù, chia rẽ theo cách cò hến tranh nhau ngư ông biển lợi! Ở một số nơi các cá nhân độc tài và nhà cầm quyền các chế độ cực đoan còn lợi dụng hai cuộc cách mạng mới này để củng cố quyền lực! Như Tổng thống Trump hàng ngày dùng Twitter để tung các fake news (tin giả mạo) kì thị chủng tộc, tôn giáo, chia rẽ đồng minh; Tổng thống Putin cho mật vụ Nga dùng Hacker can thiệp nội bộ Mĩ giúp Trump thắng cử; hay Tập Cận Bình dùng bộ máy công an mật vụ và kĩ thuật điện tử để theo dõi đối lập và ngăn cấm các hoạt động internet bất lợi cho độc tài BK.
Một cuộc cách mạng thường mở ra các cơ hội và khả năng tốt, các lực lượng cách mạng muốn tạo ra một xã hội mới tiến bộ và nhân bản hơn, nhưng các lực lượng phản cách mạng muốn duy trì chế độ cũ. Ngoài ra còn phải lưu ý, có những lực lượng lợi dụng cách mạng để thủ lợi riêng. Trong lịch sử nhân loại đã thường xẩy ra những tình trạng như vậy trong giai đoạn giao thời. Khi các cơ chế cũ không còn thích hợp và những cơ chế mới chưa được thành lập hoặc chưa hoạt động kiến hiệu. Trong đó các thế lực cực tả hoặc cực hữu lợi dụng để thiết lập và củng cố các chế độ không tưởng như Cách mạng Tháng 10 của Lenin ở Nga 1917, hoặc dân tộc cực đoan như Quốc xã Đức thời Hitler không bao lâu sau Thế chiến thứ nhất.
***
Hai cuộc Cách mạng mới đang diễn ra, trong khi đó nhiều cơ chế cũ không còn thích hợp, như chiếc áo chật. Nhiều giới có ý thức trách nhiệm trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế đã nhận ra được những cơ hội rất tốt cho nhân loại, đồng thời cũng thấy rõ một số khuyết điểm của hai cuộc cách mạng mới và đòi hỏi phải nghiêm túc thay đổi nhanh chóng. Đó là:
- Cần phải chấm dứt tình trạng nhiều công ti liên quốc và đại công ti đạt lợi nhuận hàng năm cả chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ Mĩ kim, nhưng đã trốn thuế hoặc chỉ phải đóng thuế rất thấp một vài phần trăm. Vì thế cần hợp tác để thiết lập chế độ thuế khóa quốc gia và quốc tế công bình để chấm dứt những bất công này. Mục tiêu là dùng thuế đánh từ các lợi nhuận của các công ti này cho các quốc gia trực tiếp liên hệ và các tổ chức quốc tế thích hợp để giải quyết công ăn việc làm, cải thiện lương bổng cho công nhân, chống bất công và bóc lột, tạo lợi ích cho đa số.
- Cũng cần chấm dứt sớm tình trạng lợi dụng thời cơ đục nước béo cò ở nhiều nước độc tài đảng trị và độc tài cá nhân. Ở một số nước toàn trị, như TQ và VN, những người cầm đầu đang lợi dụng viện trợ và đầu tư của các nước và công ti nước ngoài lên tới hàng trăm tỉ Mĩ kim để đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, nhằm củng cố bộ máy độc tài và tạo ra nạn tham nhũng bất trị trong hàng ngũ bọn quan đỏ từ trung ương tới địa phương. Các chế độ độc tài đảng trị và cá nhân đang toa rập với nhiều công ti nước ngoài cùng nhau bóc lột công nhân qua các mánh lới thỏa hiệp, đút lót và tham nhũng. Các thủ đoạn tồi tệ này giống hệt như thời kì đầu của Cách mạng Công nghiệp, bọn tư bản và vua chúa đã cấu kết với nhau dựng lên chế độ tư bản rừng rú!
- Cần sớm thiết lập những định chế quốc tế mới, qui định pháp lí công khai, minh bạch và nghiêm khắc để ràng buộc và ngăn cấm những hoạt động Hacker phá hoại, ăn cắp thông tin điện tử cho các mục đích đen tối. Các công ti làm dịch vụ điện tử xã hội phải chịu trách nhiệm về những tin cố tình bịa đặt (fake news), cố súy cho bạo lực, kì thị tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan; nhưng không được thỏa hiệp và nhượng bộ những đòi hỏi của các chế độ tài tìm cách ngăn cản tự do tư tưởng và báo chí. Đồng thời phải thiết lập các cơ chế quốc tế đủ mạnh để thực hiện những biện pháp kiểm soát và chế tài hữu hiệu trên bình diện quốc tế để nghiêm khắc ngăn cấm mọi biện pháp độc tài, xâm phạm tự do báo chí, thông tin và tự do tư tưởng của con người.
***
Đối với hai cuộc Cách mạng toàn cầu hóa kinh tế-tài chính và ứng dụng điện tử internet đang thu hút hàng tỉ người trên thế giới, cần phải giữ tinh thần khoa học khách quan, lòng can đảm và đầu óc sáng suốt, biết sử dụng những lợi ích thiết thực và to lớn mới cho các quốc gia, cho con người; đồng thời biết cương quyết cải thiện và ngăn ngừa những bất cập!
Có những người bi quan cho rằng, Trump gian dối làm tổng thống Mĩ với khẩu hiệu “Mĩ trước tiên” (America First), Tổng thống Putin rất ma đầu và Tổng bí thư Tập Cận Bình tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan “thực hiện giấc mơ vĩ đại của TQ” thì các cuộc cách mạng này sẽ bị chững lại hoặc thậm chí bị thủ tiêu. Nói như thế có khác nào tin rằng, điện thoại cầm tay, điện thư và các phương tiện truyền thông xã hội tân kì gắn kết thông tin và liên lạc hàng ngày giữa nhiều tỉ người trên trái đất sẽ bị vô hiệu hóa, thành đống sắt vụn? Và các giao thương, quan hệ kinh tế trên bình diện toàn cầu hiện nay phải lùi lại trở về nhường chỗ cho giao dịch chỉ giới hạn trong khuôn khổ quốc gia và khu vực như các thế kỉ trước?
Ai tin như thế là nghĩ rằng, độc tài, bạo lực, dối trá và mị dân đang thắng thế và thay cho ôn hòa, trung thực và nhân bản. Ai tin như thế là vô tình hay cố ý cho rằng, những giá trị về nhân quyền, công bằng, bác ái và tự do dân chủ mà nhân loại từ Tây sang Đông đã đổ bao nhiêu xương máu trong nhiều thế kỉ qua đã mất hết giá trị! Những ai tin như vậy có khác gì nghĩ rằng, có thể bắt thời gian ngưng lại, hay quay ngược được thời gian!
Các bạo chúa Hitler, Stalin, Mao…đã có thể khuấy động một nước hay một khu vực trong một thời gian; nhưng nhân loại vẫn từng bước vững vàng tiến về phía trước, loại bỏ các chế độ độc tài và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn, với tự do dân chủ và cuộc sống ấm no hơn. Trước đây cuộc Cách mạng Công nghiệp cùng với sự thành hình những lực lượng và tương quan mới và những chính sách thức thời của những lực lượng tiến bộ và nhân bản đã đưa tới sự ra đời của các nghiệp đoàn công nhân và chủ nhân, chấm dứt lao động bóc lột; công nhận các quyền ứng cử và bầu cử tham gia vào công việc của cộng đồng; nam nữ bình đằng và tiến tới các quyền tự do dân chủ căn bản của con người được nhìn nhận trong Hiến chương Nhân quyền LHQ. Đây là một sự thực lịch sử không ai có thể chối cãi được! Hai cuộc Cách mạng mới cũng sẽ đưa nhân loại tới những bước tiến cao hơn, vững chắc hơn. Không nhà độc tài hay lực lượng phản động nào có thể quay ngược bánh xe lịch sử! Trên đường đi đừng sợ chó sủa, đường ta ta cứ đi!
***
Hai cuộc Cách mạng kinh tế-tài chính và điện tử internet đang mở ra trên bình diện toàn cầu, tạo những cơ hội mới và những thách đố cho cả nhân loại. Các dân tộc tiến bộ, các xã hội văn minh và nhiều tổ chức quốc tế lớn đang nỗ lực vận động và sử dụng hai cuộc Cách mạng này để nâng cao thêm những giá trị đã đạt được của nhân loại trên nhiều bình diện lên những đỉnh cao mới. Mục tiêu thiết thực cụ thể là để Thế kỉ 21 đánh dấu một kì nguyên mới của loài người, với trọng tâm là cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần, các dân tộc và các nền văn minh hiểu biết nhau hơn, cùng phát triển trên nền tảng thịnh vượng và công bằng, giảm bất công và nghèo đói, cùng nhau gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa các chủ trương cực đoan và cùng nhau hợp tác để bảo vệ môi sinh và chế ngự các thiên tai.
Thách đố lớn và cũng là mối nguy hiểm nhất của nhân loại là các chủ nghĩa dân tộc quá khích cực đoan, nuôi tham vọng đế quốc. Trong số này ý đồ phục hồi “thực hiện giấc mơ vĩ đại của TQ” của chế độ toàn trị CSTQ đang trở thành nguy cơ lớn nhất cho Đông Á, Đông nam Á và cả thế giới trong Thế kỉ 21. Trong đó đặc biệt VN, một nước láng giềng và là cửa ngõ trên đường chinh phục khu vực và thế giới của tân đế quốc TQ.
Muốn ngăn cản hữu hiệu nguy cơ bị thôn tính và gìn giữ hòa bình, bảo vệ độc lập thì VN phải “thoát Trung”, hợp tác với các nước trong khu vực và liên minh với các cường quốc dân chủ. Quan trọng nữa là phải xây dựng nội lực vững vàng cả tinh thần lẫn vật chất trên mọi lãnh vực. Trong đó sự tham gia bình đẳng của mọi công dân và đoàn kết chân thành của mọi thành phần dân tộc là nền tảng vững vàng nhất. Đây là những nguyên tắc và điều kiện tối cần thiết để thành hình một nước VN mới càng sớm càng tốt trong Thế kỉ 21. Không thể trông chờ thiện ý và sự thức tỉnh của các nhóm lợi ích đang thao túng chế độ toàn trị hiện nay ở VN. Vì chính nó đang gia tăng cấu kết với tân đế quốc phương Bắc từ Hội nghị Thành đô 9. 1990 nhằm bảo vệ quyền lực và tiền bạc. Nó đang là lực cản và lực phá hoại!
Một nước VN mới dân chủ, tự do, công bằng, thịnh vượng và văn minh là điều kiện rất cần thiết để cùng sát cánh bình đẳng với các dân tộc văn minh và các lực lượng tiến bộ trên thế giới; cùng thực hiện sứ mạng dân chủ, thịnh vượng và hòa bình cho chính VN, khu vực và thế giới trong Thế kỉ 21. Sự sáng suốt, lòng can đảm và tinh thần dấn thân với ý thức trách nhiệm cao đang chờ đợi ở mỗi chúng ta! Mỗi người Việt ở trong và ngoài nước đều có quyền và trách nhiệm tự nguyện tham gia đóng góp tích cực nhất và thông minh nhất vào sứ mạng thiết thực và cao cả này cho VN và thế giới!
______
[1] . Thư ngỏ ra khỏi ĐCS ngày 4.11.18 của nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi
[2] . Diễn văn của Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 – 2017), ND 5.11.17
[3] . BBC 26.2.13
[4] . BK 9.6.14
[5] . Trương Tấn Sang nói trước cử tri tại Sài gòn ngày 28.6, LĐ 28.6.14
[6] . TCCS 25.10.16: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2016/41641/Tac-dong-cua-quan-he-kinh-te-Viet-Nam-Trung-Quoc.aspx
[7] . Người Việt, 14.10.16
[8] . BBC, 13.7.16 Tòa Trọng tài ra phán quyết:https://www.bbc.com/vietnamese/indepth/pca_ruling; Âu Dương Thệ, Nghĩ gì về “Cách mạng Tháng 8”?Từ 71 năm và 7 tháng: Lời hứa của những người cầm đầu chế độ toàn trị trước sau vẫn như “miệng quan trôn trẻ”! http://dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt209.htm
[9] . Infonet 9.2.16
[10] . “Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay”, CS ngày 9.11.05
______
Mời đọc thêm: Mục lục và lời Dẫn nhập
Homeland’s Echo from the deepest of my Heart
**********************************************
Tonight Paris’ sky is going to cover itself
With specks of Blood Moon and Star Dust
And Snow is going resiliently to fall down
I shall hear You, Homeland a thousand miles away
Oh my beloved Motherland !
You are an echo, an echo
From the Southern Hemisphere
Oh my dear Fatherland !
You are an echo, an echo
From the faraway distance
We’re the most resonant echo of one another.
We’re an echo, only an interferent echo
We’re the most synchronous echo of one another.
We’re the most resonant echo of one another.
We’re a long echo of one another.
And wherever You’ve been, Homeland
It’s not hard for me to touch You with my heart,
Homeland’s Love invites us again
Mother Vietnam and her children living in exile
We are tenderness, we are tenderness
We are each other’s tenderness.
Mother Vietnam and her children living in exile
Even in their own Motherland and Fatherland
We are tenderness, we are tenderness,
We are each other’s tenderness.
And even in the kingdom of the coming down hell
Beyond edge of the last circle of Death
I know that Mother Vietnam and her children
Ourselves, we will never leave one another
We are memory, we are hot memory
We are each other’s sunny memory.
I know that Mother Vietnam and her children
Ourselves, we will never leave one another
We are souvenirs, we are soft souvenirs
We are each other’s moony memory.
And whenever You’ve been, Homeland
It’s not hard for me to touch You with my heart,
Homeland’s Love invites us again
Mother Vietnam and her children living in exile
We are tenderness, we are tenderness
We are each other’s tenderness.
Mother Vietnam and her children living in exile
Even in their own Motherland and Fatherland
We are tenderness, we are tenderness,
We are each other’s tenderness.
Tonight Paris’ sky is going to cover itself
With specks of Blood Moon and Star Dust
And Snow is going resiliently to fall down
I shall hear You, Homeland a thousand miles away
Oh my beloved Motherland !
You are an echo, an echo
From the Southern Hemisphere
Oh my dear Fatherland !
You are an echo, an echo
From the faraway distance
We’re the most resonant echo of one another.
We’re an echo, only an interferent echo
We’re the most synchronous echo of one another.
Mother Vietnam and her children living in exile
We’re the most resonant echo of one another.
We’re a long echo of one another. .. ..
MILLIONS OF VIETNAMESE HONEST PEOPLE – TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT