Trọng Nghĩa
14-12-2019
Trong mục châu Á, tuần báo Anh The Economist số ra ngày 13/12/2019 đã có một bài viết lý thú về một câu lạc bộ bóng đá ở Việt Nam, mang một cái tên kỳ lạ bằng tiếng Anh: “No-U FC”. Đối với The Economist, đây là một “câu lạc bộ bóng đá Việt Nam đang thách thức Trung Quốc”.
Mở đầu bài viết mang tựa đề đơn giản “Thẻ đỏ”, gởi đi từ Hà Nội, phóng viên của The Economist đã tả lại một buổi tập luyện của thành viên câu lạc bộ bóng đá này, mà ngay tên gọi đã được nhà báo Anh cho là một “tiếng kêu xuất phát từ trái tim”, dùng nguyên văn từ ngữ tiếng Pháp “cri de coeur”, một cái tên biểu thị rõ ý muốn bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh đối với Biển Đông
Về cái tên câu lạc bộ bóng đá “No-U FC”, bài báo đã giải thích rõ rằng chữ U trong tên đội bóng chỉ “đường chín đoạn” hình chữ U mà Trung Quốc dùng để yêu sách chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông, ăn vào cả một khu vực rộng lớn mà luật pháp quốc tế công nhận là thuộc về Việt Nam.
Điểm lý thú được The Economist ghi nhận là trong tên gọi của câu lạc bộ đó, chữ tắt FC có thể hiểu theo hai cách, cách thông thường là “Football Club” – Câu Lạc Bộ Bóng Đá – nhưng cũng có người giải thích một cách nôm na hơn là “Fuck China”, tức là “đ… m… Trung Quốc”.
Đối với phóng viên của The Economist, câu lạc bộ No-U FC được thành lập vào năm 2011 để phản đối các hành động xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông, chiếm cứ các đảo và rạn san hô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, đặt các nơi này vào một khu hành chính mới của Trung Quốc, trong lúc tàu Trung Quốc thì tấn công và giết chết ngư dân Việt Nam trên vùng biển bị Bắc Kinh tranh chấp.
Theo The Economist, chính vì cho rằng Trung Quốc đang xâm lấn vùng biển Việt Nam mà các nhóm xã hội dân sự non trẻ tại Việt Nam đã tổ chức một số cuộc biểu tình. Chuyên gia Vũ Tường thuộc Đại Học Mỹ Oregon cho biết là vào năm 2018 chẳng hạn, hàng ngàn người đã biểu tình phản đối một dự luật về các đặc khu kinh tế bị cho là có hệ quả là bán rẻ đất nước cho Trung Quốc.
Hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nhanh chóng bị nhà chức trách Việt Nam giải tán, nhưng trước đó một nhóm các nhà hoạt động đã nghĩ ra cách để nói lên quan điểm của mình mà không bị bắt giữ. Và thế là No-U FC ra đời.
Công an Việt Nam tuy nhiên không bị lừa lâu, các trận đấu của Câu lạc bộ đã bị đình chỉ, các nhà quản lý sân bóng được khuyến cáo là không được cho câu lạc bộ này vào chơi bóng, và nhiều thành viên Câu lạc bộ thì bị đánh đập và bỏ tù. Cho dù vậy, đội No U FC vẫn không nản lòng và tiếp tục chơi bóng mỗi Chủ Nhật.
Việc chính quyền đối xử khắc nghiệt với câu lạc bộ No-U FC quả là đáng ngạc nhiên vì Câu lạc bộ này được thành lập chỉ để thể hiện tình cảm ủng hộ Việt Nam. Nhưng theo The Economist, có hai lý do giải thích phản ứng đó.
Trước hết, câu lạc bộ này có thể là đã quá yêu nước so với khẩu vị của chế độ. Mặc dù chính quyền Việt Nam phản đối các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng trong thực tế, phản ứng của Việt Nam thường rất nhẹ nhàng. Nhà nghiên cứu Vũ Tường cho rằng trong Đảng Cộng Sản cầm quyền có một phe bảo thủ không muốn xúc phạm đối tác Trung Quốc.
Lý do thứ hai là có một kết nối đang phát triển giữa câu lạc bộ và các hoạt động dân chủ. Vì thái độ thận trọng của chính phủ trong vùng biển tranh chấp, nhiều nhà hoạt động cho rằng Đảng còn yếu đuối trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Trong bài biên khảo về hoạt động chính trị ở Việt Nam mang tựa “Nói thẳng tại Việt Nam – Speaking Out in Vietnam”, nhà nghiên cứu Ben Kerkvliet cho rằng một số người đã “kết luận rằng, để cứu đất nước Việt Nam, hệ thống chính trị phải được thay thế bằng một nền dân chủ mạnh mẽ”.