9-12-2019
Bà Gloria Glenda, Tổng thư ký tòa soạn Rappler, đã chia sẻ câu chuyện báo chí bị thử thách như thế nào dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.
Tính sơ, Rappler đã 11 lần bị kiện, bị điều tra hoặc đối mặt các đơn tố cáo. Bà Maria Ressa, sáng lập viên và là Tổng biên tập Rappler, bị bắt đôi lần với các cáo buộc liên quan đến thuế và vấn đề sở hữu của công ty Rappler Inc. Phóng viên Rappler từng bị cấm đến dự họp báo tại Dinh Tổng thống.
Hàng loạt nhà báo trở thành mục tiêu của các cuộc quấy rối trên mạng (do các tổ chức dư luận viên được trả tiền thực hiện) và ngoài đời thực. Tổng thống Duterte cũng nhiều lần tấn công báo chí công khai, bằng những phát ngôn đe dọa hoặc lời chỉ trích chua cay thậm tệ. “Cô không chỉ ném giấy vệ sinh mà còn ném cả cứt vào chúng tôi”, ông đã chửi nữ nhà báo Pia Ranada của Rappler trong một phát biểu hồi đầu năm 2018.
Đáp lại, Rappler cùng nhiều tờ báo khác vẫn tiếp tục sứ mệnh báo chí của mình, trong đó có nỗ lực miệt mài phơi bày cuộc chiến bài trừ ma túy đẫm máu do ông Duterte chỉ đạo thực hiện. Các nhà báo còn kiện tổng thống về hành vi vi phạm tự do báo chí.
“Rappler không chọn phe nhóm nào. Nếu gọi là chọn phe, thì phe của chúng tôi là sự thật”, bà Glenda nói khi mình hỏi ngay từ đầu, tức là từ năm 2016, Rappler đã có lập trường như thế nào về chiến dịch tranh cử của Duterte và có hay không truyền thống “endorsement” (tức là báo chí tuyên bố ủng hộ ứng viên tranh cử) tại Philippines.
Rappler là một câu chuyện làm báo cực kỳ thú vị và đáng học hỏi. Nó khởi đầu là một trang Facebook, sau đó hình thành nên tờ báo điện tử vào năm 2012 và nhanh chóng tạo dựng được vị thế của mình như là tờ báo độc lập hàng đầu Philippines và khu vực. Nó đã đạt được nhiều giải thưởng báo chí uy tín, trở thành đối tác trong các dự án quốc tế về kiểm chứng thông tin.
Nói chuyện với Glenda cũng như nhiều nhà báo Philippines – bao gồm cả những người làm báo tự do – thấy tư duy làm báo độc lập thì khác tư duy báo chí công cụ như thế nào. Để có được điều đó là một hành trình dài, mà bên cạnh các điều kiện chính trị, xã hội và giáo dục thì ý thức của chính các nhà báo đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Tại Philippines, sinh viên báo chí được học và thấm nhuần tư duy về tự do báo chí. Ra trường, họ thực hành điều đó trong các tòa soạn như Rappler, Inquirer,… với những người chủ chốt ở các tòa soạn thường được đào tạo tại Mỹ, từng học các nơi danh giá như Nieman Foundation for Journalism, từng làm cho CNN, New York Times…
Cho dù nền dân chủ Philippines còn nhiều khiếm khuyết – như thừa nhận của nhiều nhà báo, chính trị gia và nhà hoạt động mà mình có dịp tiếp cận – thì nó vẫn duy trì được rất nhiều “luật chơi” mà một nền dân chủ phải có, chẳng hạn sự độc lập của báo chí đối với chính quyền. Sự độc lập này được duy trì không phải một cách mặc nhiên, mà bởi các nhà báo luôn đấu tranh để bảo vệ và thúc đẩy. Điều này đặc biệt thể hiện rõ vào những giai đoạn quyền tự do báo chí bị thách thức bởi cường quyền như dưới thời Duterte.
Với sự giám sát của báo chí, của các tổ chức dân sự, chính trị gia,… ở một chừng mực nào đó quyền lực Tổng thống, của chính quyền được kiểm soát. Sau khi ông Duterte nhậm chức tổng thống với tuyên bố “Philippines cần một Hitler” và “sẵn sàng giết 3 triệu tội phạm ma túy” vào năm 2016, các chiến dịch bắn bỏ đã được tiến hành rầm rộ. Có ngày có tới vài chục người bị giết. Không chỉ cảnh sát được phép bắn chết nghi phạm ma túy (bao gồm cả người bán và người sử dụng), các nhóm vũ trang tự phát kiểu “hiệp sĩ đường phố” (vigilante) cũng tham gia vào các chiến dịch shoot-to-kill.
Không ít người kiếm tiền bằng cách giết nghi phạm ma túy và thầu tổ chức các dịch vụ tang lễ cho người bị giết (Mới đây, Rappler có loạt bài điều tra chấn động, phanh phui một tổ chức vũ trang bị cảnh sát bắt rồi thả ra sau đó được thuê làm sát thủ để đi giết nghi phạm ma túy). Trong bối cảnh đó, chính báo chí và các tổ chức dân sự đã trở thành những đối trọng giám sát, tạo áp lực để chính quyền trở nên thận trọng hơn chứ không ngang nhiên ngồi xổm trên pháp luật. Có lẽ nhờ đó mà số vụ giết người liên quan đến cuộc chiến chống ma túy, từng rất cao trong các năm 2016 và 2017, đã giảm trong giai đoạn 2018 – 2019 (tham khảo biểu đồ của ABS-CBN).
“Chúng tôi không chống Duterte hay bất kỳ một chính phủ nào. Điều mà báo chí làm là phơi bày sự thật, phơi bày các hành vi sai trái, việc giết người không qua xét xử (EJK). Bằng cách này, báo chí góp phần bảo vệ và thúc đẩy dân chủ tại Philippines,” bà Glenda nói.
Ở Philippines cũng có nhà báo thỏa hiệp để “vinh thân phì gia” nhưng có rất nhiều những tòa soạn, những nhà báo vẫn kiên định với sứ mệnh của mình, luôn đấu tranh mỗi khi quyền tự do báo chí bị xâm hại.