Chiến tranh Pháp – Thanh ở Bắc Kỳ

Dương Quốc Chính

30-11-2019

Hôm qua đến giờ có 1 số bạn hỏi mình về stt của bạn Nguyễn Lương Hải Khôi, có 1 số chi tiết lịch sử, chắc muốn hỏi về quan điểm của mình. Stt đó Khôi có tag mình, mình cũng có 1 số comment ở đó, nhưng nhận thấy rằng comment không đủ ý, nên mình viết riêng stt này để bổ sung, cũng như góp ý về nội dung bài của Khôi.

Bài đó có 2 phần, 1 là phần về Alexandre de Rhodes, phần này đã nhiều người viết, và kiến thức cũng không lạ nên mình không có ý kiến. 2 là về cuộc chiến Pháp – Thanh. Đây là cuộc chiến quan trọng trong lịch sử VN, nhưng SGK Lịch sử là không nói đến hoặc viết rất đại khái, gây hiểu nhầm cho người đọc. Thực ra chuyện này mình cũng đã viết mấy năm rồi, quan điểm nói chung là trùng khớp với bạn Khôi. Có điều là mình chưa viết stt nào cụ thể.

Khôi có 1 số chi tiết viết không được chính xác. Ví dụ, Phùng Tử Tài không phải là viên tướng thời phong kiến cuối cùng tham chiến “xâm lược” VN (Đại Nam). Chữ xâm lược ngoặc kép là bởi vì nó không hoàn toàn chính xác. Mục đích của cuộc chiến Pháp-Thanh trên đất Bắc Kỳ vẫn có 2 quan điểm khác nhau, dựa trên các chi tiết lịch sử khác nhau. Khôi cho là đây hoàn toàn là xâm lược.

Thực ra nhà Thanh lúc đó cũng không hoàn toàn có dã tâm xâm lược (chiếm đóng) Bắc Kỳ cho dù lúc đó tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh có làm mật sớ “… ta mượn tiếng đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì chiếm lấy các tỉnh bắc sông Hồng”. Trên thực tế, nhà Thanh lúc đó cũng đã yếu, lại chẳng có cớ gì để xâm lược nhà Nguyễn, họ chỉ tiện nước đẩy thuyền, cứ đóng quân lại chứ không dám đặt quan cai trị (chiếm đứt). Công bằng mà nói, trong lịch sử Đại Việt luôn là chư hầu các triều đại Trung Hoa, nên về nguyên tắc TQ hiếm khi tự dưng sang xâm lược chư hầu khi nước đó đang bình yên. Các lần xâm lược đều có cớ do Đại Việt nội loạn, có vua đương triều cầu viện, ví dụ như thời nhà Minh, nhà Thanh sang đánh là do nhà hậu Trần, nhà Lê cầu viện.

Lần này nhà Thanh sang đánh VN mấy lần liền, lần đầu thì sang đánh giặc cỏ, tàn quân của Thái Bình thiên quốc, nhưng không đóng quân lại để chiếm giữ (không xâm lược). Phùng Tử Tài đánh với lý do này, ông ta sang đánh giặc Ngô Côn và sau đó là Lý Dương Tài, xong là về.

Sau khi nhận lời cầu viện của Tự Đức thì nhà Thanh cho Tạ Kinh Bưu, Đường Cảnh Tùng và Từ Diên Húc đem quân sang đánh Pháp, chứ không hề đánh quân Cờ đen như Khôi hiểu nhầm.

Lưu Vĩnh Phúc nguyên là tàn quân Thái Bình Thiên quốc chạy sang VN làm cướp, gọi là quân Cờ đen, nhóm tàn quân đó còn có quân Cờ vàng. Quan quân nhà Nguyễn đánh chả được mới thu phục quân Cờ đen, để mượn họ đánh Cờ vàng (Hoàng Sùng Anh). Lưu Vĩnh Phúc khi đó về dưới trướng của Hoàng Kế/Tá Viêm là tổng đốc Sơn Tây. Trước khi về theo Hoàng Kế Viêm thì Lưu Vĩnh Phúc cũng gây nhiều tội ác cướp giật dân lành ở vùng Tuyên Quang, Lào Kai, Cao Bằng, Vĩnh Phúc (Hưng Hóa).

Sau khi HN thất thủ lần thứ nhất, Lưu Vĩnh Phúc lập công to là dụ trung úy Garnier đánh ra ngoài ô Cầu Giấy, để mai phục rồi chém được đầu Garnier. Sau khi lập công, Lưu Vĩnh Phúc được triều đình phong làm phó đề đốc (phó lãnh binh) Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) đại khái giống chức tư lệnh quân khu dưới trướng Hoàng Tá Viêm.

Sau khi HN thất thủ lần 2, Lưu lại lập công to nữa là chém được đầu đại tá Reviere, cũng là người chỉ huy quân Pháp chiếm HN như Garnier, với cách đánh tương tự, vị trí tương tự. Cũng dùng cách tương tự là bêu đầu mấy ngày. Sau chiến công này, Lưu được triều đình Huế phong làm đề đốc, tước Nghĩa lương nam.

Chính vì thế nên SGK lịch sử nhận họ Lưu là quân ta cho nó hào hùng, thì vừa đúng, vừa sai. Đúng ở chỗ là Lưu “đeo lon”, nhận chức của nhà Nguyễn thực, tức là quân ta. Nhưng sai ở chỗ Lưu chỉ như lính đánh thuê, Hoàng Kế Viêm cũng không quản lý được ông ta, dạng như đối tác đánh thuê hơn là thuộc cấp. Bằng chứng là sau khi bị Pháp đánh thua chạy, quân Cờ đen còn chạy đi tỉnh khác, cướp luôn thành, đuổi quan quân nhà Nguyễn đi! Như vậy, Lưu Vĩnh Phúc chưa từng là tướng Mãn Thanh ở VN như Khôi hiểu, ông ta chỉ quay về làm tướng nhà Thanh sau khi chiến tranh kết thúc.

3 tướng quân Thanh sang VN đánh Pháp chứ không hề đánh Lưu Vĩnh Phúc, cũng chả thu nạp ông ta như Khôi đã viết. Vì lúc đó Lưu Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục đánh Pháp dưới trướng Hoàng Kế Viêm, coi như liên quân Thanh Nguyễn.

Sau khi Hà thành thất thủ lần 2, Hoàng Diệu tuẫn tiết, thì Tự Đức mới sai Phạm Thận Duật đi cầu viện nhà Thanh. Thực ra bản chất cũng gần giống Lê Chiêu Thống đi cầu viện trước đây, chỉ khác là lần trước “giặc” là Tây Sơn, lần này là Pháp. Quân Thanh sang VN với lý do là để cứu chư hầu, cũng khá hợp lý.

Có thể về tính “chính danh” này nên SGK lịch sử lược bỏ sự việc này, nên đa số dân VN không hề biết. Mình tra lại 2 cuốn LS thuộc dạng chính sử của chế độ CS, cuốn LSVN của Đào Duy Anh, viết từ những năm ’57, dùng để giảng dạy ĐH, thì có viết sơ lược việc này, khoảng gần 1 trang, có chi tiết cầu viện quân Thanh. Nhưng ở cuốn LSVN của Viện Sử học, bộ 7 cuốn, thì viết lại sơ lược hơn nhiều, chưa tới 7 dòng về cuộc chiến này. Lưu ý đây là sách cho giới nghiên cứu, không phải SGK.

Trong khi đó cuốn VN Sử lược của Trần Trọng Kim viết khá chi tiết, khoảng 5-7 trang. Cuốn SGK lịch sử của VNCH do Lê Kim Ngân soạn thì lấy tư liệu từ VNSL nên cũng khá chi tiết, khoảng 3 trang. Trong số hàng chục cuốn sách có viết về cuộc chiến Pháp – Thanh thì cuốn Việt Pháp bang giao sử lược là chi tiết nhất, khoảng vài chục trang, cuốn này phát hành lần đầu tại VNCH, mới tái bản gần đây. Cuốn Nước Pháp với VN đã mấy lần ký hiệp ước cũng rất chi tiết và nhiều tư liệu Pháp, cũng tái bản sách VNCH. Nhưng cuốn chính sử là Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán thì sơ lược hơn (có thể do chỉ toát yếu?) nhưng rất cụ thể về việc nội bộ triều Nguyễn, 2 cuốn trước thì tác giả dịch từ sách Pháp ra nhiều chi tiết theo góc nhìn của Pháp.

Một số chi tiết mà Khôi không nhắc tới, có thể cũng nhiều người không biết. Đó là cuộc chiến Pháp – Thanh này khá ác liệt, không phải vài trận như cuốn LS VN của Viện Sử viết. Mà nó kéo dài cỡ 2 năm. Trong trận đánh Bắc Ninh, quân Pháp dùng cả khinh khí cầu để do thám quân Thanh, khiến liên quân kinh ngạc. Trận Sơn Tây là ác liệt nhất vì là thủ phủ của quân Hoàng Kế Viêm. Quân Thanh và Cờ Đen đánh Pháp tương đối ngang sức, quân Việt thì hầu như chả có lực gì cả, trăm sự nhờ hết vào LVP. So sánh trận Sơn Tây và 2 lần mất HN là thấy, trận Sơn Tây Pháp bị chết 80, bị thương 300 quân, Cờ Đen chết và bị thương khoảng 1000. Còn 2 trận đánh HN, Pháp bị thương 1, 2 lính, đánh có mấy tiếng là hạ thành. Có 7 lính Pháp chiếm được thành Ninh Bình!

Thực tế cũng có đến 2 hiệp ước Thiên Tân giữa Pháp và Thanh, lần đầu ký năm 1884, là tiền đề để VN và Pháp ký HĐ Patenotre 1884, VN không còn là chư hầu của TQ nữa. Nhà Nguyễn cho nung chảy cái ấn VN quốc vương do Thanh ban cho vua Gia Long trước mặt quan chức Pháp, để chứng tỏ sự đoạn tuyệt với nước Tàu.

Nhưng sau đó quân Thanh vẫn không chịu rút khỏi Bắc Kỳ, lại đánh úp quân Pháp ở Bắc Lệ, Lạng Sơn khiến Pháp thua to, do chủ quan dựa vào hiệp ước đã ký. Trận thua này khiến thủ tướng Pháp phải từ chức.

Thế là Pháp mới phải đánh đòn chí mạng là dùng tàu chiến đánh thẳng vào Đài Loan, đảo Bành Hồ và Phúc Châu, phong tỏa cảng Quảng Châu. Lúc đó nhà Thanh đã yếu, lại vướng thêm vấn đề Cao Ly (Triều Tiên) nên mới phải ký hiệp ước Thiên Tân lần 2 năm 1885 và quyết định từ bỏ hoàn toàn quyền bảo hộ VN gần 1000 năm.

Có 1 chi tiết này nhạy cảm, sách sử Cộng sản giấu biệt. Đó là sau khi ký hòa ước với Pháp, triều đình gọi các tướng, cả Hoàng Kế Viêm về kinh, tức là phải bãi binh. Nhiều tướng đã trả ấn rồi chiêu binh đánh tiếp như Nguyễn Thiện Thuật, trong số nghĩa quân có cả quân Tàu, nhưng số đông khác thì lại theo quân Thanh.

Nổi bật nhất là Tạ Hiện (tên phố Tây ở HN), theo nhà Thanh, nhận chức đề đốc! Có thể chi tiết này phức tạp, địch ta lẫn lộn, nên sách sử CS lờ tịt đi chăng? Thế mà Tạ Hiện vẫn được đặt tên phố đấy!

Tóm lại, giai đoạn lịch sử này rất phức tạp nếu đánh giá theo kiểu địch ta của CS, như nhân vật Tạ Hiện, Lưu Vĩnh Phúc, thậm chí ngay cả quân Thanh, thì là ta hay địch?! Khó đánh giá thì lờ nó đi, khỏi dạy.

Hiệp ước Thiên Tân cũng hơi giống Hiệp định Geneva, tức là Pháp, Tàu đàm phán để chia đất VN!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bình luận, tranh luận, đánh giá,…01 vấn đề lịch sử ko dễ dàng chút nào, đòi hỏi ng viết phải có tấm lòng đam mê nghiên cứu, diễn giải lịch sử với 01 tâm hồn trung thực, trong sáng, khách quan. Viết về lịch sử rất tránh cách viết bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ chủ quan cá nhân, ảnh hưởng bởi những ng viết sử mà Ta gọi là loại “ngụy sử”, ảnh hưởng bởi thể chế đang sống hay ảnh hưởng bởi ý muốn, ý chí lãnh đạo…vv…&…vv…Về đề tài “Chiến tranh Pháp – Thanh ở Bắc Kỳ”, cần có cơ sở tư liệu là các văn bản, thư từ , công văn, văn tự…trao đổi trong nội bộ triều đình Huế, triều đình nhà Thanh, nhà nc Pháp; những trao đổi qua lại giữa triều đình Huế, triều đình nhà Thanh, nhà nc Pháp với nhau trong khoảng thời gian trước, trong & sau cuôc chiến, cũng như nhiều tư liệu trong xã hội lúc đó có liên quan khác. Trên cơ sở nguồn dữ liệu “chính thống” này; ng viết so sánh, đối chiếu, suy luận, phản biện,…rồi “thay lời muốn nói” cho những ng sống vào thời điểm đó, để nói giùm cho họ với độc giả là họ đã “nghĩ gì, nói gì, làm gì” vào thời đó. Giả sử vào năm 2119, có cuộc tranh luận về ý kiến của nhà sử học Dương Quốc Chính đối với cuộc “Chiến tranh Pháp – Thanh ở Bắc Kỳ” thì chính xác nhất là lấy ngay tư liệu bài viết “Chiến tranh Pháp – Thanh ở Bắc Kỳ” của nhà sử học Dương Quốc Chính dc viết vào ngày 30/11/2019 là chuẩn nhất. Lịch sử là những sự việc đã qua rồi, ng đời sau viết lại câu chuyện của ng đời trước mà ko nói đúng như họ đã “nghĩ gì, nói gì, làm gì” vào thời đó thì thật là tội lỗi quá, nhét chữ vào miệng ng quá cố thì có đáng dc coi là con ng ko?

  2. Trước hết, Các sự kiện Lịch Sử cần được nêu lên đầy đủ và trung thực. Lịch Sử là một Khoa Học, cần khác quan, không ai được phép che dấu và xuyên tạc.
    Lịch Sử có mục tiêu là rút ra bài học từ quá khứ cho hiện tại và tương lai.
    Nêu sự diễn biến lịch sử theo quan điểm chính trị, phục vụ chính trị – nhất là để duy trì và củng cố chế độ độc tài… là phi nghĩa.
    Nhà Sử Học Trần Trọng Kim là trí thức đáng được dân Việt kính trọng, nhưng bọn CS (và tay sai) lại có thái độ ngược lại.

  3. “Khó đánh giá thì lờ nó đi, khỏi dạy” ( DQC ), cũng giống như cái gì quản không được thì cấm là dễ nhất.
    Viết sử mà lấp la, lấp liếm, lập là, lập lờ như thế thì còn gì gọi là sử . Người sau, nhất là các thế hệ học sinh chỉ được đọc, học một loại sử “giả cầy ” như thế thật uổng trí nhớ mà chẳng biết sự thật ở đâu.

  4. Đây là một giai đoạn lịch sử cận đại rất quan trọng của VN nhưng đáng tiếc là it người niết rõ.Mong các nhà nghiên cứu lịch sử tìm tòi tư liệu trong các thư viện lưu trữ ở Pháp,TQ,Mỹ…để viết lai lịch sử cho đngs với sự thật

Comments are closed.