Đại biểu Dương Trung Quốc bị “6 đảng viên Đồng Tâm” tố cáo?

Lão mà chưa an

29-11-2019

Dương Trung Quốc                     Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đại biểu Quốc hội khoá XIV                       Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Nai

V/v: Về ý kiến của 6 vị đảng viên Đồng Tâm

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2019

Kính gửi:

Cách đây gần 6 tháng, quý vị đã nhận được “đơn kiến nghị” đề ngày 6-6-2019 của 6 vị đảng viên xã Đồng Tâm “về phát biểu của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc ngày 31-5-2019…” (Tài liệu gửi kèm). Nhưng phải đến ngày 4-10-2019 tôi mới được biết đến thông tin này qua công văn của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình báo cáo về việc xác minh nhân thân 6 vị đảng viên này. Tôi đã có văn bản yêu cầu được cung cấp và cho đến ngày 18-11-2019 tôi mới nhận được từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Điều đó cũng có nghĩa là từ nửa năm nay, nội dung lá “đơn kiến nghị” của 6 cử tri là đảng viên ở Đồng Tâm (từ nay gọi chung là “6 đảng viên ĐT”) góp ý cho tôi đã không được chuyển tới tôi. Phải nói đó là điều khó hiểu (!?).

Mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội luôn phải là minh bạch và thẳng thắn. Những cử tri góp ý cho tôi, một đại biểu QH lẽ ra có thể gửi thẳng tới người được góp ý, hoặc những cơ quan nhận được sự góp ý ấy (nhất là cơ quan QH) phải chuyển cho tôi để tiếp thu hoặc trao đổi lại nếu thấy cần thiết.

Đến ngày 18-11-2019, theo yêu cầu của tôi UBND Thành phố Hà Nội mới chuyển văn bản ấy cho tôi và qua đó được biết lá đơn đã được gửi tới 22 (“cá nhân và các cơ quan lãnh đạo từ cao nhất tới Thành phố” ngoài ra còn gửi tới “các cơ quan trung ương” và “kính thưa toàn thể kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV”).

Sự khuất tất ấy khiến tôi tự đặt câu hỏi rằng: Phải chăng vì tôi là “đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên cộng sản”, nên không được quyền biết đến những ý kiến đánh giá của đảng viên? Như vậy, đó không phải chỉ là “đơn kiến nghị” mà là thực chất là một lá đơn tố cáo và sự khuất tất trong việc không gửi lá đơn cho tôi cũng là tước bỏ quyền làm sáng tỏ sự thật của tôi (?!). Bởi lẽ những nội dung viết trong “đơn đề nghị này” cho thấy sự thiếu hiểu biết đầy ác ý của “6 đảng viên ĐT” ngay đối với những gì diễn ra trên quê hương của mình.

Tôi xin làm rõ từng điểm được nêu trong “đơn đề nghị”:

Thứ nhất, đúng là tôi về Đồng Tâm với tư cách cá nhân nhưng là cá nhân của một đại biểu QH thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm được luật định. Ngay từ trước đó, khi xẩy ra sự việc ông Lê Đình Kình bị đánh gẫy chân, sau khi Chủ tịch UBNDTP Hà Nội (CTHN) Nguyễn Đức Chung lo chạy chữa và đến thăm, thì tôi cũng đã đến để tìm hiểu sự việc giữa lúc dư luận đang xôn xao vì những cách giải thích khác nhau đối với trách nhiệm của cơ quan công an.

Vào thời điểm tình hình Đồng Tâm căng thẳng do việc một số sĩ quan và chiến sĩ CSCĐ bị dân giữ, với những mối quan hệ vốn có, tôi đã nhắn tin đề nghị CTHN nhớ tới sự kiện Thái Bình nên xuống gặp dân như ông Phạm Thế Duyệt năm xưa và nếu có khó khăn gì tôi sẵn sàng xuống trước; song, CTHN trả lời rằng sẽ tự làm. Nhưng sau đó, do thấy các phương tiện thông tin đưa tin CTHN chỉ xuống huyện (Mỹ Đức) mà không xuống xã, nên tôi quyết định xuống thẳng Đồng Tâm xem sự việc có gì mà nghiêm trọng. Và cùng ý nghĩ như tôi có đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng cùng đi với một nhà báo (tờ “Tuổi Trẻ” TPHCM).

Tới nơi, thấy không khí có phần bình thường hơn những gì mình tưởng, tôi vào thăm sức khỏe ông Kình là lẽ bình thường vì cũng biết ông là một trong những người đang có một vai trò trong sự kiện, để tìm hiểu tình hình. Biết tôi đang có mặt ở Đồng Tâm, ông CTHN gọi điện khuyên tôi nên ra khỏi hiện trường nhưng tôi trả lời đang thực hiện việc giám sát của mình. Do vậy CTHN nhắn tôi lên trụ sở xã và tôi cùng đại biểu Nhưỡng đến gặp chính quyền, thực ra chỉ còn bà Lan (bí thư) có mặt tại nơi làm việc. Thời gian chờ đợi Đoàn Thành phố do CTHN dẫn đầu xuống Đồng Tâm, đã 3 lần tôi nghe CT Chung hỏi bà Lan về tình hình tại xã thì đều được trả lời rằng mọi sự bình yên và cho biết có 2 đại biểu QH đang có mặt tại xã.

Trong lúc Chủ tịch Chung tiếp xúc và trao đổi với dân xã, tham gia chính thức trong đoàn còn có nguyên đại biểu QH Đỗ Văn Đương, nhưng khi dân hỏi CTHN rằng làm sao dân có thể tin được những điều CT hứa tại hội nghị, thì chính CTHN nói rằng, trong hội trường này có 2 đại biểu QH.

Khi đoàn Thành phố đến địa điểm giữ người thì chỉ có tôi và đại biểu Nhưỡng được vào tiếp xúc trước với anh em CSCĐ, còn CTHN và đoàn Thành phố phải ở ngoài để làm biên bản bàn giao. Nhưng khi biên bản đã soạn xong thì gặp bế tắc vì phía dân đòi, ngoài chữ ký của CTHN phải có con dấu thì chính tôi đứng ra nói với bà con Đồng Tâm và viết vào biên bản lời cam đoan rằng việc ký kết là công khai, bảo đảm giá trị pháp lý vì nó được ký trước mặt mọi người…

Sự việc diễn ra là như vậy, tôi đã thực thi đúng trách nhiệm của mình góp phần vào việc giải cứu các chiến sĩ CSCĐ cũng như giải tỏa bước đầu những bức xúc tại Đồng Tâm sau cuộc tiếp xúc của lãnh đạo TP. Sự việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, có sự chứng kiến của người dân, báo chí, đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng, nguyên đại biểu QH Đỗ Văn Đương và ông CTHN.

Còn lúc đó không biết “6 đảng viên ĐT” viết đơn đề nghị đang ở đâu và làm gì với trách nhiệm của đảng viên cộng sản để góp phần làm ổn định tình hình? Vả lại, vào thời điểm ấy, chính quyền xã có còn hoạt động không và đang ở đâu để tôi có thể đến liên hệ, ngoài bà Lan mà sau đó lại bị kỷ luật (?). Tôi rất mong câu hỏi của tôi được các cơ quan có thẩm quyền giải đáp.

Thứ hai: Việc xác định về đất đai không phải là trách nhiệm của tôi. Nó thuộc về các cơ quan có chuyên môn và có thẩm quyền. Tôi chưa bao giờ thể hiện quan điểm của mình về đất quốc phòng làm sân bay hay cánh đồng Sênh. Cũng vì thế mà tôi không cần đến gặp “6 đảng viên ĐT” làm gì.

Tôi chỉ quan tâm đến việc quản lý đất đai của nhà nước. Một dự án với diện tích không nhỏ nhằm mục tiêu quan trọng là mở rộng sân bay. Vậy mà chỉ có một bằng chứng duy nhất sau văn bản cấp đất của người đứng đầu chính phủ vào năm 1980 là một tấm bản đồ (nói đúng là một sơ đồ) vẽ tay do cấp huyện lập với sự xác nhận của mấy vị lãnh đạo xã cam kết không có tranh chấp đất đai. Điều đáng nói là bản đồ này được lập vào thời gian 12 năm sau (tròn một giáp) kể từ thời điểm cấp đất (1980-1992).

Nên lưu ý rằng khi cấp đất là thời kỳ căng thẳng của chiến tranh Việt-Trung cần mở rộng sân bay; còn khi vẽ bản đồ thì 2 nước đã bình thường hóa quan hệ, việc mở rộng sân bay đã không thực hiện. Điều đó chỉ cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp, nhất là với đất quốc phòng và liên quan đến công trình quốc phòng. Nó cũng cho thấy cái hệ quả tất yếu là sự lãng phí, để đất hoang hóa, nẩy sinh tiêu cực… Thời gian lập và hình hài tấm bản đồ nói lên tất cả những gì mà một đại biểu QH phải giám sát và nêu vấn đề trước QH. Với một dự án quản lý như vậy mà năm 2014 Thành phố Hà Nội vẫn cấp sổ đỏ.

Còn với quan điểm về Cánh Đồng Sênh của ông Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm, tôi chỉ yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là các cơ quan thanh tra phải tiếp cận, bằng lý lẽ bằng chứng của mình để tiếp thu hay phản bác trước khi có kết luận cuối cùng. Bỏ ngoài tai ý kiến dù chỉ là một bộ phận của nhân dân, Thanh tra Chính phủ chỉ thẩm định kết luận của Thanh tra Thành phố, theo tôi là không đúng với quan điểm khách quan và dân chủ.

Ngay quan điểm của ông Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm về 14 hộ dân có sự lẫn lộn giữa 2 khu đất khác nhau cũng cần được thẩm định trước khi bác bỏ. Nếu nhà nước đủ bằng chứng khi đối thoại với những người dân còn có ý kiến khác thì tôi cho rằng cái kết luận sẽ bền vững, lòng dân ổn định. Tại sao lại né tránh, tại sao tất cả những ý kiến của dân đề đạt không được quan tâm mà chỉ luẩn quẩn với việc xem xét dân có quyền được khiếu nại hay không?

Thứ ba: Tổ “đồng thuận” có bao nhiêu người tôi không rõ, nhưng những gì tôi chứng kiến trong cái ngày xuống Đồng Tâm thì tôi hiểu rằng “không chỉ một bộ phận rất nhỏ người dân xã Đồng Tâm” bức xúc. Lẽ ra lãnh đạo thành phố nên có một cuộc điều tra xã hội học xem lòng dân Đồng Tâm thế nào? Còn “6 đảng viên ĐT” có phải là tiếng nói đại diện cho dân xã hay không thì cũng nên tự hỏi. Điều đó hãy để các cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Thứ tư: Tôi đã trả lời ở phần thứ 2 và nhắc lại rằng: không thể coi tấm bản đồ dựng năm 1992 là văn bản gốc cho việc cấp đất năm 1980. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tìm lại trong các hồ sơ lưu trữ những bản đồ do Chính phủ hay Quân đội lập cùng lúc hoặc ngay sau khi có văn bản cấp đất của người đứng đầu Chính phủ (ông Đỗ Mười). Trong trường hợp mất hay thất lạc thì cũng nên xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Bài học “bản đồ Thủ Thiêm”, đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

Trong đơn, “6 đảng viên ĐT” đề nghị tôi “hãy về Đồng Tâm gặp chúng tôi…”. Nếu lời mời này được gửi cho tôi ngay trong thời điểm 6-6-2019 chắc chắn tôi đã về ngay. Nhưng văn bản chỉ gửi cho lãnh đạo mà không gửi cho người mời thì đó không chỉ là sự bất lịch sự mà là thủ đoạn giả dối.

Hơn nữa, chính trong thời gian tôi chưa được đọc “đơn đề nghị” của “6 đảng viên ĐT” thì ông Lê Đình Kình và một số người dân Đồng Tâm đã gửi tới tôi và nhiều cơ quan có trách nhiệm “Đơn kiến nghị” tố cáo “6 Đảng viên này là những người trực tiếp tham nhũng đất đai, xây dựng nhà cửa, chuồng trại trái phép trên đất nông nghiệp, có con em trong gia đình chiếm đoạt để xây dựng trên đất nông nghiệp, và tham ô tham nhũng” kèm theo những nội dung tố giác cụ thể (tải liệu gửi kèm).

Về “đơn kiến nghị” này tôi xin chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xem xét. Nếu sự tố cáo không đúng thì như trong đơn, ông Lê Đình Kình và một số người dân ở Đồng Tâm cam kết “nếu sai chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật” và tôi sẽ về Đồng Tâm lắng nghe “6 vị đảng viên ĐT” góp ý. Còn nếu sự tố giác ấy là đúng, thì đương nhiên tôi sẽ không khi nào đối thoại với hạng đảng viên dính tham nhũng. Kính mong các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội giám sát việc này và thông báo kết quả cho tôi.

Cuối cùng, tôi cũng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét sự việc: vì sao, cho đến thời điểm này, khi ông Lê Đình Kình vẫn là một công dân, cử tri, đảng viên thâm niên tuổi Đảng…; trong khi Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu Lãnh đạo Hà Nội và Thanh tra Chính phủ phải làm việc với tôi, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng để tiến tới đối thoại với người dân Đồng Tâm làm rõ vụ việc, thì báo “Hà Nội Mới” đã đăng loạt bài viết của một tác giả ký tên là “Trí Dũng” coi những kiến nghị của ông Lê Đình Kình là hành vi phạm pháp.

Trên thực tế rất nhiều đơn ông Kình và một số người Đồng Tâm gửi tới các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và Hà Nội chưa bao giờ được trả lời theo đúng quy định của pháp luật. Người dân tôn trọng kết luận của Thanh tra các cấp nhưng vẫn có quyền yêu cầu được xem xét những kết luận chưa thỏa đáng. Vụ Thủ Thiêm phải qua bao nhiêu lần thanh tra sự thật mới dần sáng tỏ. Dùng tờ báo của Đảng bộ Thành phố, qua bài viết của một cá nhân “Trí Dũng” nào đó mà lên án những công dân, đảng viên khác trong khi chưa có một kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền thì đó cũng phải coi là một hình thức “khủng bố” bằng báo chí?!

Cũng như trường hợp CTHN công khai nói trong buổi tiếp tôi trước mặt cử tọa rất đông tại trụ sở thành phố rằng vào thời điểm tôi xuống Đồng Tâm, có những người còn “định bắt giữ đại biểu Dương Trung Quốc” mà chẳng đưa ra một căn cứ nào và đến nay tôi đề nghị đưa ra bằng chứng thì vẫn chưa trả lời (?!). Nếu điều đó không phải là sự thật thì tôi coi đó là sự xúc phạm không chỉ với cá nhân tôi mà với cả QH, mong CTHN sớm làm rõ.

Vụ việc xẩy ra ở Đồng Tâm không thuần túy chỉ là vấn đề đất đai mà trước hết và chủ yếu là “khủng hoảng lòng tin”. Khi tiếp xúc với một số người dân Đồng Tâm tôi luôn yêu cầu sự cầu thị, hợp tác giữa người dân và chính quyền. Cần dẹp sang một bên tâm thế “thắng-thua” nhất là của một số người cầm quyền. Và nếu người cầm quyền nhận thức được rằng “trong mỗi cái sai của người dân có cái lỗi của mình” thì tôi tin rằng sẽ giải tỏa được bức xúc, chỉnh đốn được công việc.

Là một đại biểu Quốc hội có thời gian nhiều năm thực thi trách nhiệm của mình, dù trình độ nhận thức có hạn, trong việc làm có thể sai sót nhưng điều tôi luôn gìn giữ và phát huy là sự ngay thẳng và thiện chí. Tôi tham gia vào việc này cũng vì những lẽ ấy. Tôi sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng cũng như chấp nhận những hình thức kỷ luật nếu làm sai chức trách của mình, nhưng tôi cũng đòi hỏi phải được đối xử công bằng đúng như luật định. Bởi vậy tôi mong sẽ nhận được hồi âm của những người đã đọc “đơn kiến nghị” của “6 đảng viên ĐT” cũng như văn bản này của tôi. Trắng đen phải rõ ràng.

Xin kính gửi lời chào trân trọng.

Nơi gửi:

22 địa chỉ đã nhận đơn của “6 đảng viên ĐT”

Tổng Thanh tra Chính phủ
Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai
Ban công tác đại biểu của Quốc hội
6 vị Đảng viên xã Đồng Tâm
Ô. Lê Đình Kình và một số người dân ĐT
Báo “Tuổi Trẻ” và báo “Hà Nội Mới” (để biết)

Bổ sung: Khi tôi chưa kịp gửi văn bản này thì chiều 25-11-2019, diễn ra tại Mỹ Đức cuộc đối thoại của CTHN, Thanh tra Chính phủ về vụ việc Đồng Tâm. Thêm một lần nữa phải đặt câu hỏi vì sao cuộc đối thoại không được thực hiện tại ngay xã Đồng Tâm. Đã 1 lần CTHN định tiếp dân xã tại huyện không thành và sau đó xuống xã thì thành công. Vì sao lần này không rút kinh nghiệm mà dũng cảm đến với dân, đối thoại với những người có ý kiến khác mà chỉ triệu tập một số đại diện (mà chắc chắn thành phần nằm trong ý đồ của người tổ chức).

Giấy mời thì ghi đến “nghe thông báo”, tại cuộc họp thì trưng biển “đối thoại”. Những người có ý kiến khác thì không dám tiếp cận, tôi và ĐB Nhưỡng không được mời dự, nhưng để cho một số người lên nói về các đại biểu QH…. Đó là những thủ thuật thấp hèn không xứng đáng với một nhà nước kiến tạo và dân chủ. Nó là bằng chứng về sự xa dân, sợ dân cũng là khinh dân của một số người đại diện cho Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” mà chúng ta đang phấn đấu. Tôi đề nghị Thủ tướng cho tôi đối thoại với lãnh đạo Hà Nội và Tổng Thanh tra Chính phủ về vụ việc này.

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả: Thái Bá Tân

    Mục đích của cách mạng
    Vô sản và công nông
    Là thông qua bạo lực
    Biến của tư thành công.

    Khi cách mạng thắng lợi,
    Nhanh chóng hoặc từ từ,
    Các quan chức cộng sản
    Biến của công thành tư.

    Cộng sản gây đau khổ
    Cho hàng triệu, triệu người
    Rốt cục để mang lợi
    Cho một số ít người.

    Một sự thật chua xót –
    Các vấn đề của ta,
    Cách này hay cách nọ,
    Từ cộng sản mà ra.

    Nguồn Mạng.

  2. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  3. Học giả: Bùi Chí Vinh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện truyền đời trang sử máu tanh
    Ngày xưa có quân sư Nguyễn Trãi
    Giúp nhà Lê mã đáo công thành

    Dè đâu lúc lên ngôi cửu ngũ
    Diệt trừ ngay cả trẻ sơ sanh
    Mượn Lệ Chi Viên làm án ảo
    Giết đời cha, con, cháu cho đành

    Hỏa mù Thị Lộ thành con rắn
    Công thần thua một lũ hư danh
    Ải Nam Quan giờ còn chảy máu
    Bình Ngô mà khóc Nguyễn Phi Khanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Chuyện xưa giờ tái hiện sử xanh
    Đồng Tâm có cụ Kình giữ đất
    Chẳng ai ngờ bụng rạch, thây phanh

    Hai con án chết đầy oan khốc
    Một cháu chung thân xử rành rành
    Tam tộc một đời đi theo Đảng
    Tưởng thời phong kiến mới lưu manh

    Không ngờ thế kỷ 21
    Còn cảnh vua quan “chém treo ngành”
    Còn cảnh nhổ cỏ nhổ tận gốc
    Ba đời máu chảy vẫn còn tanh

    Tru di ta viết một bài hành
    Quả báo ngày nay đến rất nhanh…

    Nguồn Mạng.

  4. HỌC GIẢ NGUYỄN DUY.

    Phúc chu thủy tín dân do thủy (*)

    Thượng sách muôn đời lấy dân làm gốc
    nhân dân đây
    cái gốc quốc gia này.

    Bán mặt cho đất
    bán lưng cho trời
    nhân dân mẹ cha
    nhân dân ông bà
    nhân dân tổ tiên
    nhân dân nguồn cội
    hột gạo củ khoai nuôi nấng cả giống nòi.

    Mảnh đất truyền đời
    chát mồ hôi
    đắng máu
    lớp lớp anh hùng áo vải
    lớp lớp xác người giữ đất
    vẫn nhân dân.

    Sao nên nỗi người cày không có ruộng
    luật hoang vu hoang hóa nhân tình?

    Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
    ăn quả trên cành tè axit gốc cây?

    Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
    ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?

    Ai nuôi cái mù lòa đáy mắt
    nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?

    Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
    tự biến thành thù địch trước nhân dân?

    Lai tỉnh
    hỡi lương tri
    lai tỉnh!

    (*) Lật thuyền mới biết dân là nước
    (Quan hải, Nguyễn Trãi)

  5. Tên bài viết là “Đại biểu Dương Trung Quốc bị “6 đảng viên Đồng Tâm” tố cáo…
    Ý nghĩa rành rành của bài: Dương Trung Quốc là nạn nhân.
    Do vậy, chẳng có lý do gì để nghiemnv phát điên mà viết những câu (nguyên văn) để chửi nạn nhân (như sau): Tau ghét mày Dương Khựa ạ. Mày điếm đàng hưởng lợi trên xác dân nhiều qua…

    Con người này bộc lộ quá đầy đủ nhân cách.

  6. Nghiemnv viết (nguyên văn): Tau ghét mày Dương Khựa ạ. Mày điếm đàng hưởng lợi trên xác dân nhiều qua
    Tôi thử bắt chước lời lẽ nghiemnv (xưng hô “tau” và “mày”), để viết như dưới đây.
    Dương Trung Quốc là cái tên cha mẹ đặt, không dính dáng gì tới nước (thù địch) TQ. Vậy thì, khi nghiemnv gọi DTQ là “mày” và “Dương Khựa” tôi cũng học theo đó để phát ngôn: Nghiemnv ơi! “mày” dùng nick để chửi một người dùng tên tuối thật của mình?. Sao hèn vậy?.

    Dương TQ là đại biểu ngoài đảng gây rất nhiều phiền phức cho ĐCS.
    Ngay bài này, nếu đọc kỹ sẽ thấy DTQ tố cáo “sáu đồng chí đảng viên” có tư cách rất khốn nạn.

    Nghiemnv ơi! “Mày” hãy đưa ra bằng chứng DTQ “hưởng lợi trên xác dân nhiều qua” (nguyên văn “mày” viết). Nếu không đưa ra bằng chứng, thì tôi xin nhét trả lại câu đó vào miệng nghiemnv, để “mày” cố nuốt vào.

  7. Tôi thử bắt chước lời lẽ nghiemnv, để viết như dưới đây.
    Dương Trung Quốc là cái tên cha mẹ đặt, không dính dáng gì tới nước (thù địch) TQ. Vậy thì, khi nghiemnv gọi DTQ là “mày” và “Dương Khựa” tôi cũng học theo đó để phát ngôn: Tiên sư cha thằng nghiemnv dùng nick để chửi một người dùng tên tuối thật của mình. Đồ chó đểu.

    Dương TQ là đại biểu ngoài đảng gây rất nhiều phiền phức cho ĐCS.
    Ngay bài này, nếu đọc kỹ sẽ thấy DTQ tố cáo “sáu đồng chí đảng viên” có tư cách rất khốn nạn.

    Thằng nghiemnv hãy đưa ra bằng chứng DTQ “hưởng lợi trên xác dân nhiều qua” (nguyên văn mày viết). Nếu không đưa ra bằng chứng, thì tôi xin nhét trả lại câu đó vào miệng nghiemnv, và bát nó cố nuốt vào.

  8. Tại sao đơn tố cáo lại ko được chuyển cho người bị tố cáo nhỉ, mà chuyển sau đó một thời gian rất dài như vậy. Có điều gì mờ ám ở đây, cần làm rõ

  9. Tau ghét mày Dương Khựa ạ. Mày điếm đàng hưởng lợi trên xác dân nhiều qua

  10. Lẽ ra, đại biểu quốc hội cóc cần phải quan tâm tới những chuyện riêng của một đảng mà họ không phải là đảng viên. Nhưng ở Việt Nam, rõ ràng đây là:

    6 sát thủ báo cáo ngầm cho đảng hội kín!

Comments are closed.