24-11-2019
Rào trước để không bị “lòng yêu nước” của đám đông chụp mũ, ném đá. Rằng tôi phản đối người Trung Quốc nói Áo dài và Nón lá là sáng tạo của văn hóa Hán. Nó là sản phẩm của Việt Nam, có bằng chứng lịch sử hẳn hoi. Nón lá thì lâu đời chứ chiếc áo dài tân thời thì mới đây, chứng cứ còn nguyên.
Nón lá là của miền Trung chứ miền Bắc cổ xưa cũng không có. Chỉ có nón quai thao.
Áo dài mà các nhà thời trang Trung Quốc đang quảng bá là áo dài tân thời, do các nhà Âu hóa của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 sáng chế ra cho phụ nữ tân thời, chủ yếu là giới trẻ. Khác với áo dài cổ truyền các cụ già xưa thường mặc đi chùa, bằng gấm, dày, rộng thùng thình, không chít eo. Tôi nghi áo dài đi chùa này chế biến từ áo cà sa.
Hiển nhiên, áo dài tân thời có gốc từ áo dài cổ xưa, nhưng nó đã trẻ hóa, Âu hóa cho thế hệ trẻ bằng chất liệu lụa mỏng, chít eo để khoe những đường cong của cơ thể, kể cả khoe nội y của Tây. Có nghĩa là áo dài tân thời là một cuộc hòa điệu giữa Ta và Tây trong cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây.
Cùng bối cảnh lịch sử Âu hóa đầu thế kỷ 20, tại Thượng Hải, bộ sường xám tân thời ra đời. Sường xám hay Xường xám là phiên âm theo tiếng Quảng Đông, chữ Hán là Trường sam 長衫, cũng mang nghĩa là Áo dài. Gốc loại trang phục này của người Mãn được các nhà thời trang Âu hóa Trung Hoa cải biến, cũng thay đổi chất liệu và khoe đường cong cơ thể và nội y Tây giống như áo dài Việt Nam, nhưng có một số nét khác biệt (cộc tay, xẻ một phía, không quần).
Lịch sử sáng tạo khác biệt ấy là có thật. Người Trung Quốc ăn cắp bản quyền cũng có thật. Ăn cắp nhiều thứ chứ đâu chỉ cái áo dài hay nón lá? Lãnh thổ, công nghệ họ còn ăn cắp được, huống hồ là thời trang?
Tuy nhiên, việc hô hoán lên do ta không tôn vinh Áo dài, Nón lá thành “quốc phục” nên mới bị ăn cắp thì tôi phải bật cưới mà nói rằng, lòng yêu nước của các bạn đang ngang tầm với “lòng yêu nước gắn liền với yêu bóng đá” của những nhà yêu nước mê sảng. Chẳng phải đã có một đám đông từng tôn Park Hang Seo thành “Cha già kính yêu của dân tộc”, viết luôn khẩu hiệu “90 triệu dân Việt Nam nợ Đặng Văn Lâm một lời cám ơn”, tức phải “Đời đời nhớ ơn Park Hang Seo hay Đặng Văn Lâm vĩ đại”? So sánh này không nên, nhưng sự tôn vinh quá lố một thứ thời trang hay một cuộc thể thao thành đại diện cho quốc gia, dân tộc thì có khác gì Xuân Tóc Đỏ trong một trận quần vợt được tôn vinh thành “anh hùng cứu quốc”?
Có người đòi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về tội ăn cắp áo dài Việt Nam thành tài sản của Trung Quốc. Tôi đặt câu hỏi, nếu giữa tòa, có người Tây nào đó bảo áo dài chỉ là vỏ của Việt Nam, còn ruột của Tây thì sao nhỉ? Để đảm bảo sáng chế độc quyền 100% made in Vietnam, từ nay các chị em mặc áo dài không được mặc corset, silip? Hay là buộc phải quay lại áo dài đi chùa của các bà già cổ xưa cho đúng bản sắc?
Thủ tướng vừa phát ngôn: “cái đáng sợ là xâm lăng văn hóa”. Tôi hiểu xâm lăng văn hóa là bị nước lớn hay kẻ xâm lược áp đặt văn hóa của họ lên văn hóa của dân tộc khác với mục đích đồng hóa. Như người Mãn từng bắt người Hán phải ăn mặc và để tóc đuôi sam như người Mãn. Như các triều đại Trung Quốc cũng từng đòi Hán hóa ta mà Quang Trung đã đòi “đánh để được để dài tóc, đánh để được để răng đen” trong hịch đánh quân Thanh…
Sự thật, không có văn hóa nào thuần chủng để gọi là bản sắc. Giao thoa, tương tác giữa các nền văn hóa dẫn đến sự vận động, thay đổi là một tất yếu của lịch sử trong tính tự nhiên của nó. Trong sự giao thoa, tương tác ấy, cái hợp lý sẽ có sức mạnh đào thải những cái bất hợp lý, và tất yếu đi đến sự cộng hưởng sáng tạo giữa các dân tộc. Dân tộc nào cực đoan không chấp nhận sự tương tác tự nhiên đó sẽ bị cô lập, hoặc chậm phát triển, hoặc bị tiêu diệt. Người Hồi giáo bảo thủ, chậm tiến; một số các thổ dân, dân tộc thiểu số bị suy thoái và tiêu diệt dần chẳng hạn.
Trong thế giới hiện đại, ngay cả một dân tộc thiểu số nếu có một nét đẹp văn hóa nào đó thì cũng có thể ảnh hưởng đến dân tộc khác. Chẳng phải người Việt đã học tập và cải biến từ cái hoa văn, màu sắc và trang phục của các dân tộc thiểu số đó sao?
Việc các nhà thời trang Trung Quốc biến áo dài, nón lá Việt Nam thành của họ, chứng tỏ sức mạnh của văn hóa Việt Nam đang Việt hóa Trung Quốc. Bao lâu nay vì mặc cảm thuộc địa, ta sợ, tức đề phòng Hán hóa, Tây hóa, bỗng dưng nay lại sợ cả Việt hóa nữa sao?
Trong Luận án tiến sĩ và một bài báo đã công bố trước đây, tôi khẳng định, quá trình Hán hóa suốt mấy nghìn năm lịch sử luôn tồn tại song song với quá trình Việt hóa, tức tương tác hai chiều. Ta bị cưỡng chế, tức bị xâm lăng, nhưng ta cũng biết tiếp thu cái gì và sàng lọc cái gì. Ngay cả khi tiếp thu Hán, ta cũng đã Việt hóa toàn diện từ ngôn ngữ đến thể loại thi ca. Ngược lại, người Hán đến ta cũng học tập, kể cả “ăn cắp” của ta thành của họ, tức họ đã bị Việt hóa một cách tự nhiên và thành tài sản chung. Luận án của tôi chỉ nói về thơ ca, nhưng điều đó đúng cho mọi lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Không ngẫu nhiên mà Lão Tử, kể Khổng Tử, đã để lộ ra nhiều tư duy triết học của họ có nguồn từ “văn hóa phương Nam rực rỡ”. Chỉ khi giới chính trị Nho gia xem phương Nam là xứ “man di” và tìm cách che lấp sự thật đó, mới dẫn đến nhầm tưởng người Việt hoàn toàn bị nô dịch bởi văn hóa Hán.
Tôi đang mong, không chỉ áo dài, nón lá mà còn nhiều thứ khác nữa sẽ Việt hóa giống dân tự xưng mình là Trung tâm (Trung Hoa) hay Đại Hán. Khi ấy người Việt mới có thể tự hào chính đáng về “sức mạnh Việt Nam”!
Tất nhiên, khi đó phải bắt người Trung Quốc biết ơn người Việt chứ đừng để họ hàm hồ nói ngược là ta ảnh hưởng từ họ hay “xâm lăng văn hóa” họ. Như trường hợp Cảnh Sảng vừa nói sảng rằng ta đã xâm phạm lãnh thổ của người Trung Quốc vậy!
Một số hình ảnh trên mạng:
Thời VNCH là thời kỳ vàng son nhất của áo dài các bà các cô, xin đừng quên đó cũng là trang phục chính của nữ sinh. Đảo chìm đảo nổi của mình nó còn thịt, huống chi… Mai đây nó còn công bố đòi lại ông HCM về để bái tổ nữa chứ chẳng chơi.
Tám Tàng nói có lý.
Chúng ta đang tự vệ ở cái tư thế TỰ TI
Nếu tôi là người làm văn hóa của Tàu cộng thì tôi sẽ quát cái tay thiết kế ăn cắp kiểu áo dài VN này tàn tệ.
Văn hóa Trung Quốc lâu đời, sâu sắc và rất nhiều điều hay đẹp. Khai thác cái hay đẹp trong nền văn hóa này thì cả trăm năm nữa vẫn chưa hết. Cớ gì phải ăn cắp văn hóa Việt Nam?
Người Tàu lục địa bị cái vô văn hóa của chủ nghĩa Mao ảnh hưởng, rồi đến chủ nghĩa vật chất (Mỹ thả lỏng cho làm ăn quá thành công trước thời TT Trump), cộng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiện đại của Giang, Tập làm thui chột cái nhìn của họ. Nhãn quan nhân bản, cái đẹp bất tận của văn hóa nhân văn đã bị người Tàu bỏ quên. Cho nên họ ăn cắp cả cái của nền văn hóa nhỏ hơn là Việt Nam, 1 phần để phục vụ cho mưu đồ xâm lăng, mạo danh, đánh tráo văn hóa Việt, 1 phần là dọ họ không còn chút danh dự của người làm nghệ thuật chân chính.
Tám Tàng nói có lý.
Chúng ta đang tự vệ ở cái tư thế TỰ TI
Tin vui HongKong
1) http://xuandienhannom.blogspot.com/2019/11/tin-vui-hongkong-cac-ung-cu-vien-dan.html
2) http://xuandienhannom.blogspot.com/2019/11/tin-vui-hongkong-cac-ung-cu-vien-dan.html
Tất cả xuất phát từ trường bào của tr hoa!
Tôi tham gia diễn đàn (rất nhỏ) này bằng nick name. Đó là do tôi không viết nổi các bài “có đầu có đuôi” như các trí thức phản biện.
Có người đã viết nhiều trăm, hoặc cả ngàn bài phản biện và tố cáo. Tác dụng nâng cao dân trí không nhỏ. Đó là nguyên nhân quan trọng để TiengDan đăng bài của họ với phương châm của tờ báo: KHAI DÂN TRÍ.
Tuy vậy, tôi đủ khiêm tốn để không dám nói năng như cha người khác: đó là nghiemnv.
“Áo dài mà các nhà thời trang Trung Quốc đang quảng bá là áo dài tân thời, do các nhà Âu hóa của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 sáng chế ra cho phụ nữ tân thời, chủ yếu là giới trẻ. “
Nếu không lầm thì người vẽ ra kiểu áo dài tân thời đó là họa sĩ Cát Tường & Le Mur , nên “áo dài tân thời“ có khi còn được gọi là “áo dài Cát Tường”
Xin lỗi vì cái còm trên hơi bị thừa, ở trên đã có hình “Áo Dài Lemur”
Trích: “Tôi đặt câu hỏi, nếu giữa tòa, có người Tây nào đó bảo áo dài chỉ là vỏ của Việt Nam, còn ruột của Tây thì sao nhỉ? Để đảm bảo sáng chế độc quyền 100% made in Vietnam, từ nay các chị em mặc áo dài không được mặc corset, silip? Hay là buộc phải quay lại áo dài đi chùa của các bà già cổ xưa cho đúng bản sắc?”
Tác giả dường như không tin một phiên tòa về tranh chấp bản quyền có khả năng xác định một vụ vi phạm bản quyền khi họ trông thấy các chứng cứ? Không có chuyện tòa sẽ phán quyết chung chung về căn nguyên của áo dài (“ruột Tây” hay không), nhưng từng chi tiết đường may, tỉ lệ các mảnh và hình in trên vải đều có tính quyết định. Điều này cũng có nghĩa là nếu phía Trung Quốc quả thật may áo dài nhưng được tòa xác nhận không ăn cắp mẫu mã của một nhà vẽ kiểu Việt Nam nào, thì họ không vi phạm bản quyền. Ta chỉ có thể chỉ trích (hoặc khen!) họ về hành vi bắt chước.
Trích: “Có người đòi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về tội ăn cắp áo dài Việt Nam thành tài sản của Trung Quốc.”
Viết như thế này là khái quát hóa vấn đề quá mức. Chính phủ Việt Nam sẽ không thể kiện chính phủ Trung Quốc về tội “ăn cắp áo dài” ở bất cứ tòa nào. Nhưng một nhà vẽ kiểu quần áo bị ăn cắp mẫu mã hoàn toàn có thể, rất nên, và có đầy đủ chứng cứ để, đưa các công ty đang khai thác trái phép mẫu mã của họ ra tòa về vi phạm bản quyền thương mại.
Ngoài vụ án ăn cắp ra, tôi đồng ý với tác giả và bất đồng với những người đang hô hoán “Việt Nam bị xâm lấn trên lĩnh vực văn hóa”. Chuyện áo dài và nón lá Việt Nam đi vào thị trường Trung Quốc cũng tương đương với chuyện món phở Việt Nam đi vào thị trường Mỹ.
Toàn nhảm ấy mà. Việc đáng phải gào, hét thì câm lặng, chịu đựng.
Thầy Long tư duy mở như vậy là đúng, nhưng đừng quá đà