Thục Quyên
22-11-2019
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100.
Ngày 10/09/2019 vừa qua Tổ chức này cũng đã công bố kết quả một nghiên cứu khảo sát trong chương trình Chiến lược Việt Nam 2016-2020 của họ, về “Vấn đề liêm chính trong giới trẻ Việt Nam” (YIS 2019). Đây là cuộc khảo sát thứ 3 theo sau những cuộc khảo sát năm 2011 và 2014.
Chương trình nghiên cứu có mục đích góp phần nâng cao giá trị và thực hành liêm chính trong giới trẻ Việt Nam, và được hỗ trợ tài chính bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Đại sứ qúan Ireland tại Việt Nam và Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương Việt Nam (Canada Fund for Local Initiatives)
Phỏng dịch bài “Upholding Integrity: The Paradox of Vietnamese Youth”
***
Chúng ta không luôn xây dựng được tương lai cho thế hệ trẻ, nhưng chúng ta có thể xây dựng thế hệ trẻ cho tương lai. “We cannot always build the future for our youth, but we can build our youth for the future” (Franklin D. Roosevelt)
Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy:
– Cứ ba người trẻ Việt Nam thì có một người sẵn sàng tham gia các liên hệ tham nhũng để giành lợi thế cho bản thân và gia đình của mình, bất chấp khát vọng của chính họ là sống trong một xã hội bắt nguồn từ sự chính trực, và ngược lại niềm tin của chính họ là tham nhũng có hại cho thế hệ của mình, và cho nền kinh tế cũng như sự phát triển của Việt Nam.
– Tuy vậy, đáng mừng là cứ năm người trẻ được phỏng vấn thì có bốn người nhận thức được trách nhiệm của mình và cho biết sẵn sàng hành động để giải quyết nạn tham nhũng.
Những phát hiện trên của YIS 2019 phản ảnh rõ ràng sự nghịch lý của giới trẻ VN trong việc phát huy và thực hành liêm chính.
Mặc dù đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam cho rằng vẫn quyết tâm và mạnh mẽ giải quyết vấn đề tham nhũng, giới trẻ báo cáo tình trạng tham nhũng hiện nay tăng mạnh so với năm 2014 mỗi khi họ cần sử dụng những dịch vụ công cộng quan trọng. Đặc biệt, bốn trong số mười người trẻ được khảo sát đã phải hối lộ để có được một tài liệu hoặc giấy phép khi cần, trong khi hầu hết mọi người khác đã phải hối lộ để có được thuốc men hoặc chăm sóc y tế tốt hơn cho bản thân hoặc gia đình họ.
Đáng chú ý là người trẻ có mức sống thấp dường như dễ trở thành nạn nhân của tham nhũng hơn những người khác. Văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ CT-TTg ngày 22.04.2019 cho thấy, lý do có lẽ vì còn thiếu những biện pháp hiệu quả để đối phó với những phiền hà, nhũng nhiễu gây cho người dân trong việc giao thông cũng như dịch vụ y tế và giáo dục công cộng.
Tuy ý thức rõ rệt thế nào là liêm chính, giới trẻ Việt Nam cuối cùng đã hợp lý hóa các hành vi tham nhũng. Một nửa trong số họ nói rằng một người có thể nói dối và lừa dối mà vẫn còn liêm chính, nếu điều đó có thể giúp giải quyết khó khăn cho bản thân hoặc gia đình họ.
Một trong sáu thanh niên được khảo sát đồng ý rằng, nói dối, gian lận, vi phạm pháp luật và hành động tham nhũng mang lại cơ hội thành công cao hơn trong cuộc sống. Đáng kinh ngạc hơn nữa, một trong hai sẵn sàng tham gia vào các giao dịch tham nhũng để được nhận vào một trường học hoặc công ty tốt.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Trẻ em của Quốc hội, thành viên cố vấn của tổ chức Hướng tới Minh bạch (thành phần của Minh Bạch Quốc tế tại VN), gần hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã đẩy vị thế của Việt Nam đến một quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, sự tích lũy của cải dường như không đi đôi với sự tích lũy các giá trị cốt lõi của sự minh bạch và liêm chính. Liêm chính là một phần còn thiếu, rất mong manh, và đã không theo kịp với tiến bộ kinh tế của đất nước.
Tầm quan trọng của những vai trò truyền thống (tức là các tổ chức giáo dục và gia đình) được giới trẻ xem là suy giảm. Mặc dù vẫn là những mô hình tốt về sự liêm chính, nhưng chúng ít ảnh hưởng đến những người trẻ qua việc cung cấp thông tin và định hình quan điểm của họ về tính liêm chính. Theo báo cáo năm 2018 cũng như các báo cáo của YIS trước đó, ít người trẻ coi các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nhân, truyền thông và người nổi tiếng là những ví dụ điển hình cho sự liêm chính, trong khi không có gì đáng ngạc nhiên là Internet và mạng xã hội có ảnh hưởng ngày càng tăng trên giới thanh thiếu niên.
Điều đáng mừng là phần lớn số người trẻ tham dự cuộc khảo sát còn tin rằng tham nhũng và thiếu liêm chính làm hại cho xã hội trên nhiều mặt khác nhau, và bốn trong số năm người tin rằng họ có bổn phận giữ một vai trò trong việc chống tham nhũng. Giới trẻ hiện nay chiếm một nửa dân số Việt Nam, và để có thể đóng góp, họ cần một môi trường thuận lợi, nơi giá trị của sự liêm chính, chứ không phải của tham nhũng, được coi là chuẩn mực.
Để đạt tới tình trạng mong muốn, cuộc khảo sát đưa ra những khuyến nghị cho chính phủ, các tổ chức giáo dục, phụ huynh và các cơ sở liên quan khác, về cách tạo ra một môi trường như vậy cho thanh thiếu niên để thực hành và thúc đẩy tính liêm chính.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành tổ chức Hướng tới Minh bạch, nhấn mạnh rằng: Tình trạng giới trẻ sẵn sàng tham gia vào những liên hệ tham nhũng tăng vọt vào năm 2018 một cách đáng báo động. Tất cả chúng ta đều cần phải chấp nhận trách nhiệm chung và hành động để tạo ra một môi trường nơi sự liêm chính có thể bén rễ và phát triển, và tuổi trẻ có thể trải nghiệm cùng duy trì sự liêm chính.
Tham khảo: Khảo sát liêm chính trong thanh niên (bản tiếng Việt).
Người trẻ Việt Nam cũng như nhà nước và một mảng lớn xã hội hầu như đã đồng thuận đánh đối sự liêm chính, sự trong lành của môi trường lấy những lợi ích kinh tế. Nhưng xét theo những tuyên bố, những lời họ nói thì không phải vậy.
Đây là một cuộc nghiên cứu công phu. Các biểu đồ đáng được xem kỹ.
Gây thắc mắc nhất cho tôi là Hình 31. Không thể nghĩ ra được tại sao giới trẻ miền Bắc — sống quanh thủ đô, gần với nếu không thuộc hẳn về giới quyền thế — lại có não trạng bất lực trước tham nhũng gấp mấy lần giới trẻ ở hai miền Trung và Nam. (Thật ra thì thanh niên cả ba miền đều lạc quan nhiều hơn bi quan về vai trò họ nghĩ mình có thể có trong việc thúc đẩy liêm chính, nhưng biểu đồ cho thấy thanh niên miền Bắc bi quan nhiều hơn gấp ba miền Trung và gấp đôi miền Nam.)
Tôi chưa bàn luận về bài viết của tá giả
Tôi chỉ hỏi tại sao đất thủ đô nhiều trí thức như vậy, lại có những suy nghĩ phổ thông như vậy ở tất cả tầng lớp.
Mấy vị nhân sĩ trí thức giải nghĩa xem????
Mac văn Trang, Chu Hảo, Minh triết cần phải nghiên cứu để cứu nguy cho hà lội