Oan cho Sông Đuống

Trương Châu Hữu Danh

21-11-2019

Những ngày qua, dân tình cứ lôi chị Liên và Sông Đuống ra bỉ bai. Như vậy là không công bằng đối với chị Liên. Vì để đi đến quả như hôm nay, cái nhân là từ ủy ban TP Hà Nội.

Những gì đã diễn ra cho thấy Sông Đuống và UBND TP Hà Nội là một thể thống nhất:

1) Nhà máy chưa được nghiệm thu vẫn sản xuất và bán nước:

Trước lễ khánh thành 4 ngày, ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

Tại văn bản này, Cục Giám định cho biết, công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) đã được đơn vị tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Cục Giám định cho hay công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

“Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng”, văn bản nêu rõ.

Nhưng chỉ 4 ngày sau khuyến nghị của Cục Giám định, ngày 5/9, chủ đầu tư vẫn khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống, đưa vào sản xuất và bán sản phẩm nước đã xử lý cho Công ty nước sạch Hà Nội.

Bên cạnh việc vi phạm Nghị định số 46, thì còn vi phạm qui định tại điều 112 Luật Xây dựng năm 2014, chế tài được qui định tại Điều 17 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, trong đó nếu không khắc phục thì phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các bên lien quan, trong trường hợp này là người dân sử dụng nước Sông Đuống khi công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng đúng luật định, sản phẩm sản suất ra được xem chưa hợp chuẩn hợp qui không được bán và thu tiền khách hàng nhưng đã thực hiện hơn 1 năm vừa qua.
(Theo điều 56, Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng nước: Khách hàng sử dụng nước có các quyền sau:

a) Được cung cấp đầy đủ, kịp thời về sốl ượng, bảo đảm về chất lượng dịch vụ đã nêu trong hợp đồng;

b) Được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo qui định của pháp luật;

c) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có lien quan;

d…)

2) Thoả thuận giữa Sở Xây Dựng Hà Nội và Công ty Nước mặt Sông Đuống vô hiệu, giá thoả thuận cao hơn nhiều với giá bán mà Sông Đuống bán cho các doanh nghiệp khác, có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước:

Ngày 28/11/2017, Sở Xây Dựng Hà Nội ký với Công ty Nước mặt Sông Đuống một văn bản thoả thuận về thực hiện dịch vụ cấp nước (Thoả thuận số 01/TTTHDVCN_SXD-NMSĐ), trong đó căn cứ vào văn bản số 3310/UBND-KT ngày 6/7/2017 của UBND TP Hà Nội để đưa vào khoản 2 điều 7 nội dung là “Bù giá nước sạch được xem xét trong trường hợp UBND Thành phố yêu cầu bên B bán nước sạch với giá thấp hơn phương án giá nước sạch đã được UBND Thành phố phê duyệt”

Với mức giá đã được phê duyệt là 10.246 đồng/m3, nhưng Công ty Nước mặt Sông Đuống đang bán cho các nhà phân phối nước TP Hà Nội với giá tạm tính 7.700đ/m3, thì điều 7 trên đây dẫn tới TP Hà Nội phải chi ngân sách bù giá 2,546đ/m3.

Tuy nhiên, chiếu theo điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thì quyền chi ngân sách cho các hoạt động kinh tế địa phương thuộc về Hội đồng nhân dân chứ không thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Cũng tại khoản 1 Điều 21 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xây dựng, trình Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề liên quan đến chi ngân sách.

Chiếu theo các quy định của luật, thì điều 7 về bù giá trong thoả thuận về thực hiện dịch vụ cấp nước ký bởi Sở Xây Dựng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Hà Nội là sai thẩm quyền và vô hiệu.

Về giá tạm tính cho Công ty Sông Đuống bán với giá 8.871,17 đồng/m3 là trái với qui định vì những lý do sau (Theo Thông báo số 28/TB-UBND ngày 9/1/2019 trên cơ sở tờ trình lien sở Xây Dựng và Tài chính số 9068/TTrLS: TC-XD ngày 27/12/2018):

a) Công trình chưa được nghiệm thu quyết toán thì không thể tính đúng giá thành sản phẩm theo các nguyên tắc luật định nên không thể xác định giá cấp bù. (Bên cạnh đó sản phẩm nước sản xuất ra chưa được nghiệm thu không được bán, và nếu bán cho người dân thì về nguyên tắc cũng không được thu tiền).

b) Kể cả trong trường hợp cố tính 8.871,17 đồng, thì gồm chi phí khấu hao tài sản cố định và tiền lãi cũng trái qui định (TSCĐ khi chưa được nghiệm thu quyết toán thì không thể xác định được nguyên giá tài sản cố định, thời gian khấu hao  như vậy cấp chi phí này là không đúng qui định; Về lãi suất trong quá trình xây dựng, được vốn hoá vào tổng mức đầu tư sau đó trích khấu hao, do vậy cũng không được tính vào giá thành được gọi là tạm tính. Lý do Liên ngành và Thành phố chấp thuận vì doanh nghiệp đang phải trả lãi vay và nợ gốc thiếu dòng tiền chứ không căn cứ vào luật pháp.

c) Hiện nay Thành phố tuyên bố chưa cấp bù là không đúng. Trên cơ sở chỉ đạo của TP, Công ty Nước sạch Hà Nội và Nước sạch số 2 đã ký hợp đồng mua bán với Sông Đuống với giá 7.700 (theo phương án này thì TP sẽ phải cấp bù cho NSHN là 4.044,3 đồng/m3, trong trường hợp bình thường NSHN không có nhu cầu mua của Sông Đuống, TP cấp bù cho NSS2 là 4.718,9 đồng “Lý do bù cao hơn là vì chi phí lưu thông của NSS2 cao hơn NSHN”).

TP hiện chưa thanh toán số chênh lệch giữa 8.871,17 với gía 7.700 đồng. Bên cạnh đó TP cũng chưa thực hiện cấp bù cho NSHN và NSS2. Do vậy TP cho rằng chưa cấp bù, chứ không phải không cấp bù, và chỉ đạo DNNN 100% vốn mua giá cao thì đây cũng là một hình thức cấp bù (xem hiệu quả hoạt động của NSHN và NSS2 9 tháng đầu năm 2019 sẽ rõ).

Đây là hai doanh nghiệp yêu cầu thành phố phải hiệp thương giá. Còn những doanh nghiệp không yêu cầu thành phố hiệp thương đều đàm phán mua nước Sông Đuống với giá <5.000 đồng/m3, giá này mới đủ sức cạnh tranh với nước Sông Đà, trong đó có Nước sạch Hà Đông là dn 100% vốn NN, và 1 doanh nghiệp tư nhân khác bán nước cho KĐT Thanh Hà. Bên cạnh đó, thoả thuận này chỉ là nguyên tắc, thành phố không có nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của nhà máy, không được phép mua sản phẩm chưa được nghiệm thu, không có trách nhiệm gánh lãi vay, khấu hao không đúng qui định, không phải đảm bảo đủ dòng tiền để doanh nghiệp hoạt động.

3) Công ty Nước mặt Sông Đuống lấn địa bàn cấp nước sai Quy hoạch của Thủ tướng.

Ngày 21/3/2013, Thú tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 499/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cấp nước cho Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó ghi rõ:
Phạm vi cấp nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà: Khu vực đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng Hòa Lạc và Xuân Mai); đô thị sinh thái (Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn); dọc theo trục đường Láng – Hòa Lạc; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai 3 đến vành đai 4 và khu vực nông thôn liền kề).

– Phạm vi cấp nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Ngoài ra, còn cấp nước cho một số khu vực của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Tuy nhiên, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã đi đường ống DN800 xâm lấn vào địa bàn quy hoạch của Công ty Nước sạch Sông Đà, bao gồm một phần quân Hà Đông, ½ quận Hoàng Mai và ½ quận Thanh Trì.

Chưa hết, đến tháng 6/2019, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định sửa đổi quy hoạch 499/QĐ-TTg, cắt địa bàn các huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thanh Oai của Công ty Nước sạch Sông Đà cho AquaOne, công ty mẹ của Công ty Nước mặt Sông Đuống, đồng thời chấp thuận cho AquaOne xây dựng đường ống DN600 trùng với đường ống của Công ty Nước sạch Hà Đông hiện hữu mặc dù đồ án sửa đổi quy hoạch vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Việc cắt địa bàn cấp nước của doanh nghiệp có giá thành rẻ 5.000 đ/m3 và giao cho doanh nghiệp có giá thành 10.000 đ/m3 cấp là bất cập:

a) Làm cho chi phí đầu vào của các nhà phân phối tang  lấy tiền thuế bù ngân sách hoặc tăng giá nước bán cho người dân.

b) Vi phạm quyền lợi của doanh nghiệp khác thực hiện theo đúng Qui hoạch và phê duyệt của Thủ tướng – Doanh nghiệp bị cắt địa bàn không đủ địa bàn để phát triển mở rộng – thực hiện không đúng qui hoạch và lộ trình mở rộng được phê duyệt.

4) Việc Sông Đuống sử dụng ống gang dẻo Xinxing

Tháng 6/2016, ông Trương Văn Hải, nguyên các bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) gửi đơn lên Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM chỉ ra nhưng điểm chưa đạt chuẩn trong việc cung cấp các đường ống của Công ty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Sau khi rà soát, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Nước Sông Đà tạm dừng việc ký hợp đồng với nhà thầu. Do đó, HĐQT của Nước Sông Đà thông qua nghị quyết huỷ thầu và không ký hợp đồng với Công ty Xinxing để xây dựng đường ống truyền tải tăng công suất nhà máy (chậm tiến độ nâng công suất cấp nước cho Hà Nội, tăng rủi ro vỡ ống).
Tuy nhiên, Công ty Sông Đuống sử dụng phần chính là ống Xinxing để cấp cho địa bàn Hà Nội cùng thời điểm 2016 thì vẫn được triển khai nhanh (nhanh vì một số đoạn thực hiện sai kỹ thuật, không thử áp lực, chưa được phê duyệt vật liệu … – Xem thêm lý do tại sao cục giám định chất lượng – BXD không nghiệp thu công trình)

5) Việc chọn lựa nhà đầu tư để thực hiện Dự án

Cũng cần xem lại việc này, Nước Sông Đà với điều kiện thuận lợi và giá bán 5.000 đ/m3. Tại sao TP lại chọn tổ hợp nhà đầu tư trong đó chủ yếu là các công ty tài chính với giá gấp đôi? Đây là sản phẩm công ích, rõ ràng TP phải có nghĩa vụ đánh giá vị trí, công nghệ, tổng mức đầu tư, giá thành, nhà đầu tư đảm bảo có giá thành hợp lý ngày càng nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Tóm lại, với việc:

– Vượt quyền thay đổi vùng cấp nước của Sông Đuống lấn sang Sông Đà vi phạm QĐ 499 cuả Thủ tướng, Vùng cấp nước theo qui định không được chồng lấn, cấp cho công ty này rồi không được cấp cho công ty khác nên có tính độc quyền khu vực cao.

– Cấp Nhà máy nước Xuân Mai cho AquaOne tiếp tục lấy địa bàn cấp nước của Sông Đà cũng vi phạm QĐ 499. Tiếp tục có tính độc quyền khu vực cấp nước.

– Cấp tiếp 105 xã cho các doanh nghiệp khác của AquaOne để xây dựng mạng lưới phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Có tính độc quyền chỉ cấp cho một đơn vị

– Cơ chế tự thoả thuận giá giữa công ty sản xuất và công ty phân phối thuộc aquaone
– Cơ chế bù giá được TP phê duyệt.

Sẽ tạo ra thế độc quyền về mọi mặt với gía thì được duyệt theo công thức khó kiểm soát, không thể tạo ra mạch vòng hiệu quả đảm bảo cấp nước an toàn và giá cả cạnh tranh cho người dân.

Các nội dung cần lưu ý cân nhắc xem xét:

– Đã bán CP cho nước ngoài, với TVHĐQT của nước ngoài hiện nay chi phối HĐQT của Nước Sông Đuống, có thể hình dung doanh nghiệp này đã chịu sử quản lý của người nước ngoài.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Sao cả đám dân thủ đô cứ ì độn ra trông chờ vào đảng. Đúng là mọi cái để đảng lo.
    Mẹ cha chúng bay cứ ăn bám đít của đảng. Toàn lũ ăn hại

Comments are closed.