Nỗi niềm tâm tư…

Mạc Văn Trang

18-11-2019

Tối 17/11 vào lúc hơn 20h, trên VTV1 có Chương trình “Thay lời tri ân 2019”. Vốn là một cựu giáo chức, tôi cũng quan tâm xem Nhà đài có món gì hay…

Nhà đài nói: “Tôn sư trọng đạo là truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời xưa đến nay. Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2019), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Thay lời tri ân năm 2019 với chủ đề “Thầm lặng” để tôn vinh, tri ân các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, cống hiến và thầm lặng hy sinh đóng góp cho sự nghiệp trồng người”…

Thú thực tôi xem được hết câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ, thì không thể xem thêm được nữa. Câu chuyện cô giáo Hà Pơ cứ ám ảnh tôi cho mãi tới hôm nay, mà buộc lòng tôi phải viết ra để nhẹ lòng.

Theo phóng sự của VTV1 thì Hà Pơ, người Hà Nhì, là cô giáo Mầm non ở điểm trường Huổi Lính A, Lai Châu, nơi có vài chục hộ dân; cô ở đó dạy dỗ hơn chục cháu từ 3 đến 5 tuổi…. Được hơn một năm thì cô nghỉ sinh con, khi con được 6 tháng, cô gửi con ở quê cho bố mẹ và chồng nuôi. Quê ở xa hơn 300km. Nay con 2 tuổi rồi, cô mới về thăm con được 2 lần. Lớp học cũng là nơi cô ở, là cái lán trống huơ trống huếch, bơ vơ, hẻo lánh bên đồi. Cô phải vào rừng kiếm măng, rau rừng về nấu cho lũ trẻ và cho cô ăn.

Cô nói, mỗi khi lủi thủi ăn một mình, nhớ chồng con là nước mắt chan cơm… Ở đây điện thoại mất sóng cũng không nói chuyện được với chồng con. Thế là Cô ở đây đã ba năm rồi. Bà con dân bản làm đơn mong cô ở lại tiếp…MC hỏi, cô có thể ở tiếp bao lâu nữa? Cô bảo, 4 -5 năm nữa… MC lại hỏi, động lực nào khiến cô tiếp tục cống hiến… Cô bảo, tất cả vì học sinh…

Câu chuyện của Cô Hà Pơ gây ra nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho những ai có lòng đồng cảm vơi Cô.

1. Liệu ta có nhẫn tâm không?

Nghe chuyên của Hà Pơ, ta liên tưởng đến bài thơ VÚ EM của Tố Hữu:

Nàng gửi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy, ôm con chủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi…

Liệu chúng ta có chạnh lòng khi thấy một người mẹ trẻ, bỏ chồng và con thơ ơ quê xa 300km và hy sinh cả bản thân mình để bám trụ ở điểm trường hẻo lánh, heo hút nơi rừng sâu, đã 3 năm rồi, lại thêm 4-5 năm nữa?

Đặt mình vào hoàn cảnh đó, ta có chấp nhận không?

Anh Vũ Đức Đam, anh Phùng Xuân Nhạ và quý vị có mặt trong Hội trường nghe xong câu chuyện của cô Hà Pơ thấy thế nào? Liệu có quý vị nào khuyên con cháu “Học tập làm theo” tấm gương hy sinh đó không?

Chiến tranh đã lùi xa. Đất nước hòa bình, làm sao giúp người dân có gia đình hạnh phúc. Có cần khuyến khích dân ta phải hy sinh như vậy mãi không? Cũng nên biết rằng, nhiều người dân thật thà, ngây thơ, quá tốt, thấy xã hội tuyên dương, yêu cầu, họ cũng sẵn sàng hy sinh… Nhưng có nên lợi dụng mãi những người tốt, “xui” họ tiếp tục hy sinh như vậy không?

2. Cô giáo “Tất cả vì học sinh”, sao tất cả xã hội không vì cô giáo?

– Cái Chi bộ, Chính quyền thôn, bản đó, các đoàn thể của xã đó chết hết rồi sao, mà không xúm vào làm một lán cho lớp học, cho cô giáo tươm tất, kín đáo một chút?

– Cha mẹ trẻ chỉ biết vứt con cho cô giáo thôi sao? Mỗi ngày phải cắt cử nhau một người đem đồ ăn, đem củi lên nấu ăn cho bọn trẻ và cô giáo chứ?

– Phòng giáo dục, Sở giáo dục, Bộ giáo dục tuyên dương xong, phát cái Giấy khen là phủi tay à? Sao không kêu gọi các đại gia, các quan chức thừa tiền xây giúp cái lớp học và giúp cô giáo đỡ vất vả?

– Các nhà Quản lý giáo dục phải nghĩ ra chính sách gì “Vì những người giáo viên” chịu nhiều hy sinh như vậy chứ? Sau 3 năm cô hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được chuyển về gần nhà chứ? Hay địa phương cấp đất làm nhà, nương rẫy, tạo công việc, mời chồng cô lên đó?…

3. Có phải ta đã quen ngợi ca máu xương, mô hôi, nước mắt của người khác?

Dân tộc ta trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, nên phải tuyên dương ngợi ca những người sẵn sàng “hy sinh thân mình”, không tiếc mồ hôi công sức, kể cả máu xương để đạt được mục tiêu “chiến thắng”!

Nào em bé lấy thân mình làm “Đuốc sống”; nào Kim Đồng súng bắn đùng đoàng, anh cứ đi; nào anh La Văn Cầu tự chặt đứt cánh tay bị thương, tiếp tục chiến đấu; nào anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; anh Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; anh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; chị Tuyển nặng 45kg mà vác 2 hòm đạn nặng 100kg…

Nhiều lắm, không thể nào kể hết những chuyện như vậy trong sách giáo khoa. Rồi những bài hát, những bài thơ ca ngợi sự hy sinh mỏi mòn của những người mẹ, người vợ mất con, mất chồng…

Chúng ta đã quen ngợi ca máu và mồ hôi, nước mắt của người khác một cách vô tư, đầy hào hứng, lạc quan cách mạng, mà không nghĩ: Tại sao họ lại phải hy sinh đến như vậy? Liệu có cách nào bớt khổ hơn không?

4. Vậy giờ ca ngợi cái gì?

Tôi ước mong, sang năm Chương trình này sẽ làm phóng sự: Phòng Giáo dục đã vận động “xã hội hóa” làm được lớp học khang trang, có phòng riêng cho cô giáo… Vietel đã dựng một cột ăng- ten ở đây để cô giáo gọi điện thoại thỏa mái, trẻ em xem tivi thích thú… Và cô đã vận động chồng con cùng lên đây, với sự giúp đỡ của địa phương, đã dựng nhà, làm rẫy… Sau giờ lên lớp, cô hạnh phúc bên chồng con…

Hoặc là, sau hơn 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, theo đúng chế độ, chính sách, cô đã được chuyển về trường gần nhà, sau giờ lên lớp, quây quần bên gia đình, bõ mấy năm trời hy sinh vì trẻ em vùng cao…

Đó mới là cái cần ngợi ca, cần tuyên dương, chứ không phải càng chịu cực, càng chịu khổ, càng chịu hy sinh, thiệt thòi thì càng “giá trị” như cách tuyên truyền lâu nay!

Cần gạt bỏ lối mòn trong não bộ, xoay ngược Tư duy và Cảm xúc của chúng ta mới hy vọng nhìn ra những khía cạnh mới của cuộc sống đã khác xa ngày xưa lắm rồi!

_____

Một số hình ảnh trên VTV:

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Thầy Trang bảo gạt bỏ lối mòn trong não bộ e là ảo tưởng ! Biết bao tiếng nói tâm huyết của những người tài năng ,có trách nhiệm nhưng chẳng ai nghe và ngày càng tệ hơn trong ngành giáo dục.Mới đây QUỐC hôi còn chấp nhân bằng …”từ xa,tại chức,chuyên tu” có GIÁ trị như chính qui và KHÔNG CHẤP NHÂN TIẾNG ANH thành môn học chính đủ nói lên tầm vĩ mô về giáo dục Toán học mà còn biến thành trò may rủi (Trắc nghiệm) thì …hết ý kiến!

  2. Trích: “Và cô đã vận động chồng con cùng lên đây, với sự giúp đỡ của địa phương, đã dựng nhà, làm rẫy… Sau giờ lên lớp, cô hạnh phúc bên chồng con…”

    Mặc dù rất đồng cảm với bác Mạc Văn Trang trong bài này, tôi thấy điều gợi ý trên không ổn. Việc di chuyển phần còn lại của gia đình như thế có thể đồng nghĩa với bứng rễ cả nền kinh tế và tương lai của gia đình cô giáo. Tương lai của họ phải để họ quyết định: con của họ sẽ sống, lớn lên và học hành ở đâu. Kinh tế gia đình cô giáo hiện nay không chừng dựa trên nghề nghiệp của người chồng là chính. Việc đột nhiên dời người chồng lên núi ở liên lụy đến rất nhiều chuyện, không lẽ người đề nghị điều này không biết đặt ra? Xin lỗi, tôi thấy đề nghị này của bác Mạc Văn Trang vẫn mang nặng tính hoạch định trung ương và bất chấp hậu quả.

  3. Bài này của Mạc Văn Trang rất được các thầy cô giáo đồng cảm, trong đó tác giả phê phán rất nghiêm khắc đám “lãnh đạo” (CS).

    Nhưng hế thấy cái tên Mạc Văn Trang ở đâu là bọn Ruồi, Muỗi ngứa ngáy.
    Để rồi coi. Có thể lần này chúng tạm câm.

    • Bài này có lẽ cũng đỡ ” HÈN” hơn
      Biết thay đổi là tiến bộ, trưởng thành hơn trong phong trào ” ĐÀNH ĐẠCH” . Để phát huy tay nghề tiến bộ ,ngày mai có bài” cậu bé vô gia cư bán vé số”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây