Tính hai mặt của chế độ thuộc địa – Sự khác biệt giữa thuộc địa Anh và Pháp

Dương Quốc Chính

12-11-2019

Lâu nay nhiều anh em thiện lành cứ ngỡ là thuộc địa Pháp là đương nhiên tồi tệ hơn thuộc địa Anh, vì thế nên nhất định phải đánh đuổi thực dân Pháp. Đấy là do họ bị tuyên giáo và DLV nhồi sọ như vậy.

Nhân tiện bỏn còn nhồi thêm là nếu không đánh đuổi thì VN mãi mãi là thuộc địa của Pháp như bên châu Phi. Thêm nữa, chế độ thực dân chỉ bóc lột thậm tệ nhân dân ta, như bác Hồ đã viết trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp hay tóm tắt hơn như ở trong Tuyên ngôn độc lập. Vì thế nhất định phải đánh đuổi bọn thực dân.

Vậy bản chất của chế độ thuộc địa là gì? Thuộc địa của Anh có nhất định giàu hơn thuộc địa Pháp hay không?

Chế độ thuộc địa có những tệ hại thế nào, bóc lột ra sao thì chắc mình không cần viết lại. Vì HS nào dưới chế độ XHCN đều được học hàng chục năm. Chế độ ta phải dìm bọn thực dân xuống bùn để nâng đảng ta lên mây, vì ta đánh đuổi thực dân, giành độc lập dân tộc. Tiện thể, để lợi dụng tinh thần chống thực dân của người Việt, đảng vu cho bọn đế quốc Mỹ thành thực dân mới, cũng xâm lược VN.

Mục tiêu tuyên truyền thì phải như thế. Nhồi sọ thì phải cực đoan kiểu địch ta, 4 chân tốt, 2 chân xấu. Nhưng chế độ thuộc địa đã cáo chung ít nhất 50 năm rồi, nên cũng cần đánh giá lại cho khách quan, để thấy rõ tính 2 mặt của nó.

Chế độ thực dân gắn liền với chế độ tư bản hoang dã. Thời kỳ đó người bóc lột người, cá lớn nuốt cá bé. Nhưng cần thấy là trong quá trình bóc lột thuộc địa, bắt buộc những kẻ thực dân phải khai hóa văn minh cho dân bản xứ. Lý do chủ yếu không phải là vì lòng trắc ẩn, mà là vì lợi nhuận thu được sẽ tăng lên nếu người lao động có kỹ năng tốt hơn, có tri thức hơn.

Động cơ làm việc của giới chủ chính là vì lợi nhuận. Họ sẵn sàng làm mọi cách để có thể nâng cao lợi nhuận. Cách tăng lợi nhuận tốt nhất chính là làm tăng năng suất lao động thông qua công nghiệp hóa sản xuất và nâng cấp kỹ năng cho người lao động.

Chính vì thế, bất cứ thực dân nào cũng phải đào tạo dân bản xứ cho họ văn minh lên, bớt hoang dã, mông muội đi. Họ cũng buộc phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường, xây nhà máy, đồn điền, công sở… để dễ dàng khai thác thuộc địa.

Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại diễn giải điều đó theo hướng là bọn thực dân đào tạo bè lũ tay sai và xây dựng cơ sở hạ tầng để dễ dàng bóc lột hơn!

Tóm lại, nếu xét theo quan điểm của 1 trong những tổ sư của CNTB là Adam Smith, thì trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận thì giới chủ buộc phải đào tạo nhân công và đầu tư phát triển hạ tầng, nên những người thụ hưởng cũng không cần ơn huệ gì chuyện đó vì đó là sự trao đổi 2 bên cùng có lợi.

Adam Smith tin rằng tính ích kỷ cá nhân đã đem tới lợi ích xã hội, rằng nếu mỗi người cố gắng làm lợi cho chính mình một cách đều đặn, không ngừng, thì sẽ dẫn tới sự thịnh vượng của quốc gia. Người hàng thịt, người nấu rượu, người làm bánh mì chỉ vì tư lợi của họ mà khiến cho chúng ta có bữa cơm ăn. Adam Smith còn cho rằng sự phân công lao động và tích lũy tư bản đã dẫn tới nền kỹ nghệ mới. Một “bàn tay vô hình” dẫn dắt con người trong khi làm việc có lợi cho mình thì đồng thời đã đóng góp lợi ích cho tập thể.

Người Mỹ trắng giải phóng nô lệ (cũng là 1 dạng thực dân tại chính mẫu quốc) bản chất cũng là vì lý do trên. Người nô lệ được giải phóng, được trả lương phù hợp, được đào tạo kỹ năng… chắc chắn sẽ có động lực làm việc tốt hơn, dẫn đến năng suất lao động sẽ cao hơn là nô lệ bị đối xử như với gia súc. Cũng vì những lý do trên và 1 số lý do khác sẽ viết ở phần dưới, Mỹ là nước đầu tiên chấp nhận xóa bỏ chế độ thuộc địa, bằng cách trao trả độc lập cho Philippines.

Như vậy, nếu tuyên truyền là thực dân chỉ biết bóc lột, không chịu khai hóa, thì là mị dân và không hiểu gì về CNTB và cách vận hành nền kinh tế TBCN.

Ngay cả thời điểm hiện tại, mỗi ông chủ doanh nghiệp cũng là 1 thực dân thời hiện đại với cách đối xử với người lao động văn minh hơn, buộc phải tuân thủ các luật và nhân quyền. Ông chủ “bóc lột” người lao động nhưng cũng đồng thời đào tạo chuyên môn và tính kỷ luật cho họ. Tùy công việc, có người lao động còn được doanh nghiệp cho đi học nâng cao. Về bản chất, thì CNTB vẫn vận hành theo cách cổ xưa nhưng đã được cải cách cho văn minh hơn, nhân bản hơn.

Vậy cách khai thác thuộc địa của mỗi thực dân có khác nhau?

Tất nhiên là có sự khác biệt, chủ yếu là do sự văn minh và cấp độ tự do, dân chủ ở mỗi mẫu quốc. Người Pháp dân chủ hóa sau người Anh hàng trăm năm. Anh cũng là cái nôi của công nghiệp hóa với máy hơi nước nên có tốc độ tăng trưởng đột biến từ thế kỷ 17. Song song với đó, việc công nghiệp hóa nhanh kéo theo kinh tế phát triển và là động lực để nước Anh dân chủ hóa. Vì thế Anh là nước hùng mạnh trước Pháp để đi xâm lược khắp thế giới bằng “ngoại giao pháo hạm”.

Khi nước Pháp bắt đầu phát triển và đi xâm lược thuộc địa, thì thực dân Anh đã xâm lược được hầu hết các vùng đất “ngon” ăn. Vì thế, thuộc địa của Pháp thường có vị thế địa lý không tốt cho sự phát triển hơn thuộc địa Anh. Ví dụ điển hình là Singapore và Hongkong. Đây tuy không phải là vùng đất màu mỡ và nhiều tài nguyên, nhưng lại có vị trí địa chính trị rất tốt cho giao thương, đặc biệt là Singapore.

Khi người Pháp quyết định xâm lược VN, thì mục đích ban đầu của họ chỉ là tìm bàn đạp để tiến vào phía Nam và Tây Nam Trung Quốc. Đối với các nước phương Tây, họ chỉ biết đến TQ và coi TQ là nơi khai thác kinh tế tốt nhất. Sau khi chưa chiếm nổi Đà Nẵng, người Pháp chiếm Nam Kỳ vì họ nghĩ là có thể dùng làm bàn đạp để đi ngược sông Mekong lên Vân Nam. Sau quá trình khám phá, họ thấy cách đó không khả thi, nên quay ra chiếm HN và bảo hộ Bắc Kỳ để có thể dùng con sông Hồng ngược lên TQ.

Trong khi đó, người Anh đã chiếm được Malaysia, Ấn Độ, Myanmar, gây ảnh hưởng lớn và chiếm được mấy tỉnh miền Nam Thái Lan. Anh cũng chiếm được Hongkong và có tô giới ở TQ. Đó là các vùng đất bao bọc lấy Đông Dương, do đó Pháp phải cố gắng nhanh chóng chiếm lấy vùng đất này, vì sợ rơi nốt vào tay người Anh.

Vì nước Anh văn minh và dân chủ hơn Pháp chút ít, nên cách thức khai thác thuộc địa của Anh cũng đỡ tận thu hơn Pháp, khai hóa cũng nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng không quá rõ rệt. Vì tới thế kỷ 19, 20 thì sự chênh lệch giàu nghèo và văn minh giữa 2 hệ thống thuộc địa cũng không lớn. Thực tế là sự phát triển kinh tế của Đông Dương so với TQ, Ấn Độ, Malaysia (gồm cả Singapore), Myanmar, cũng không hề có sự chênh lệch quá lớn. Nếu xét từng thành phố có vai trò tương đương nhau thì SG không kém Hongkong, Thượng Hải, Bombay hay Singapore đáng kể về kinh tế. Tương tự vậy, có thể so sánh thuộc địa Pháp và Anh ở châu Phi.

Vì sao chế độ thuộc địa sụp đổ là tất yếu khách quan?

Bản chất 2 cuộc thế chiến là sự tranh giành ảnh hưởng của các nước thực dân (phát triển cao hơn thành đế quốc). Sau thế chiến 2, các cường quốc thực dân đều kiệt quệ kinh tế vì chiến tranh, đặc biệt là Anh và Pháp. Mỹ và Liên Xô trỗi dậy thành đứng đầu của 2 cực thế giới mới là TBCN và XHCN. Cả 2 nước này đều không ủng hộ chế độ thuộc địa, do họ nhận thức sâu sắc được rằng thế chiến chính là hệ quả của chế độ thực dân và họ không muốn tái diễn lại nó.

Chính vì thế, 2 cường quốc này đã gây sức ép để các nước thực dân khác (còn có thêm Hà Lan, TBN…) cũng nhận thấy rằng chế độ thực dân không còn là phù hợp nữa. Chính 2 nước này đã tạo ra 1 khái niệm mới gọi là “thực dân mới”. Tức là thay vì xâm lược và bóc lột thuộc địa, họ tạo ra các nước đồng minh (hay chư hầu), phải phụ thuộc ít nhiều vào họ. Vì vậy, năm 45 chính là năm bản lề khiến cho chế độ thực dân sụp đổ trên toàn thế giới. Hàng loạt nước thuộc địa được mẫu quốc trao trả độc lập bằng cách ôn hòa hay bạo lực hoặc bạo lực rồi ôn hòa. Kể từ đó, người Anh lập nên Khối thịnh vượng chung, còn người Pháp lập nên Liên hiệp Pháp, là tập hợp các nước thuộc địa cũ, nay được trả dần độc lập theo từng bước.

Trong giai đoạn 45-47, Philippines, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar… được Anh, Mỹ, Hà Lan trả độc lập. Riêng nước Pháp, bản chất là 1 nước bại trận, phải đầu hàng Đức quốc xã, cũng thành thuộc địa, bị mấy năm ô nhục. TT lâm thời của Pháp là De Gaulle là người có tinh thần dân tộc rất cao, nên muốn khôi phục lại hào quang quá khứ thời thực dân, nên ông này nhất quyết không trả độc lập ngay cho các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương.

Tuy nhiên, do phụ thuộc kinh tế vào Mỹ, nên Pháp bị Mỹ gây sức ép để từ bỏ chế độ thuộc địa. Giai đoạn từ năm 49, thế giới tạo thành lưỡng cực rõ rệt, thì Pháp đánh Việt Minh dưới ngọn cờ chống CS, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, chứ không phải là xâm lược, thực dân như trước năm 45. Vì lẽ đó, việc Pháp buộc phải trao trả thuộc địa cũng chẳng chóng thì chầy, còn tùy vào người dân bản xứ có muốn độc lập hay không.

Tại sao các nước cựu thuộc địa của Anh lại có vẻ giàu hơn các nước cựu thuộc địa của Pháp?

Một quốc gia cựu thuộc địa phát triển được hay không thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Thuộc địa Anh có thế mạnh là người dân được tự do hơn thuộc địa Pháp 1 chút. Nhưng thực tế cho thấy, điều quyết định giàu nghèo cho các nước này lại phụ thuộc vào người dân các nước này lựa chọn thể chế chính trị nào và họ có biết tận dụng nền văn minh của mẫu quốc để phát triển QG hay không và sự lựa chọn này phụ thuộc vào giới tinh hoa bản địa hay bần nông bản xứ là những kẻ quyết định.

Xin đơn cử 1 số nước cựu thuộc địa Anh mà không giàu, thậm chí cực nghèo. Đó là Ấn Độ, Myanmar và Zimbabwe. Có 1 đáp án chung cho cả 3 nước. Đó là họ đều chọn nền kinh tế kế hoạch kiểu XHCN trong 1 thời gian rất dài. Đặc biệt là Zimbabwe đã chọn phương cách bạo lực để đánh đuổi thực dân Anh và người da trắng nhập cư, rồi cải cách ruộng đất. Kết quả là nền kinh tế bị kéo lùi lại thậm chí còn còn nghèo hơn thời thuộc địa.

Xin ví dụ 1 số nước/lãnh thổ cựu thuộc địa Anh mà giàu. Đó là Mỹ, Úc, New Zealand, Nam Phi Hongkong, Sing. Cũng có 1 đáp án chung, đó là những người lãnh đạo đất nước là người da trắng hoặc là người Hoa. Những chủng người này vốn có nền tảng văn minh sẵn có khá cao và họ đã chọn nền kinh tế tự do để đi theo. Ngoài ra, họ không chọn cách bạo lực để đánh đuổi thực dân mà vẫn gắn bó chặt chẽ với mẫu quốc, để học hỏi, phát triển tri thức.

Các nước cựu thuộc địa Pháp cũng gần giống. Đó là các nước Bắc Phi thì giàu hơn Đông Dương. 1 phần lớn là do Bắc Phi là thuộc địa di dân của Pháp, do gần và khí hậu gần gũi. Người da trắng (gốc Pháp) ở Bắc Phi rất đông, trong khi Đông Dương không phải là thuộc địa di dân của Pháp, nên người da trắng không đông, họ lại bị đánh đuổi đào tận gốc, trốc tận rễ. Nên ngưòi VN còn phải đi làm thuê cho Angola, Maroc…(cựu thuộc địa Pháp).

Tóm lại, chế độ thực dân phải sụp đổ là tất yếu không thể tránh được. Nên việc đánh đuổi thực dân bằng bạo lực trong 1 thời gian quá dài là không cần thiết, nó còn gây hệ lụy là sự thù hận và không thể tận dụng được sự khai hóa tiếp tục của những kẻ thực dân.

Sự phát triển kinh tế của các nước cựu thuộc địa phụ thuộc chủ yếu vào dân tộc nào được nắm quyền quyết định vận mệnh dân tộc và nhóm nắm quyền đó có cho người dân có quyền sửa sai do lựa chọn sai hay không. Như vậy, nói là thuộc địa Anh là luôn hơn hẳn thuộc địa Pháp là thiếu căn cứ khoa học.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cùng đi chiếm thuộc địa với chiêu bài “khai hóa” nhưng giữa Anh và Pháp vẫn có cuộc cạnh tranh về thành tích khai hóa – thể hiện bằng tuyên truyền.
    Ở thuộc địa nào có dân trí cao, chế độ thực dân sẽ giảm hà khắc, tăng khai hóa.
    Phan Châu Trinh không thù ghét cực đoan người Pháp (nhất là khi đã sống nhiều năm ở Pháp) nên chủ trương khai dân trí. Trái với Phan Bội Châu.

Comments are closed.