Trần Văn Thủy vẫn âm thầm lan tỏa

Mạc Văn Trang

8-11-2019

Trong số những bạn bè thân thiết, trước đây Nhà giáo Phạm Toàn hay chia sẻ qua email với tôi thường xuyên nhất, nay thì có Đạo diễn Trần Văn Thủy. Nhưng cả hai đều không muốn tôi viết gì về họ, nhất là Trần Văn Thủy. Phạm Toàn với “Sự nghiệp Cánh Buồm” quá lớn lao. Còn Trần Văn Thủy, anh vẫn lặng lẽ, âm thầm lan tỏa…

Tôi thích câu của một danh nhân Pháp: “Văn hóa là những gì còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả”. Nhiều người làm bao nhiêu mà chẳng còn gì đọng lại, thậm chí họ còn muốn vứt bỏ những gì đã làm, cũng không được.

Thủy rất may mắn, những bộ phim anh làm, phần lớn vẫn sống với thời gian. “Những người dân quê tôi”, “Phản bội”, “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện Tử tế”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, “Chuyện từ góc công viên”, “Vọng Khúc ngàn Năm”,“Người Man di hiện đại”… không chỉ có ảnh hưởng sâu xa ở trong nước mà còn lan tỏa trên thế giới, vì nó mang tính nhân loại phổ quát…

Tại sao anh không mắc vào bệnh khá phổ biến của Văn Nghệ sĩ cùng thời là làm những phim “cúng cụ”, phim tuyên truyền phóng đại…? Tôi nghĩ trong bản chất Nhân cách, Tính Lương thiện và Lòng Trung thực vượt trội, đã cứu anh khỏi những lầm lỡ như nhiều người cùng thế hệ. Và vì thế, đến nay không chỉ những tác phẩm để đời của anh mà bản thân Trần Văn Thủy vẫn mang trong mình nhiều giá trị để lan tỏa…

Trong hoàn cảnh khiêm tốn về kinh tế, nhưng anh tâm huyết làm Thiện nguyện khá nhiều, trên 20 năm trời, nhất là với quê hương. Những cây cầu, những con đường, những trường học, những giếng bơm nước sạch, trợ cấp cho trẻ em và người nghèo… Anh gọi đó là “trách nhiệm Nghĩa Tình”, chứ không được gọi là “Từ thiện” và không nên khoe ra, vì việc Thiện, “Tay phải làm, tay trái không được biết”!

Nhưng việc lan tỏa GIÁ TRỊ VĂN HÓA từ “Nghề của Thủy”, từ những bộ phim do anh làm và cả những cuốn sách anh viết – những đứa con tinh thần của anh, mới là điều đặc biệt.

Hôm trước anh gửi cho tôi một Vidéo clip do người ta ghi lại buổi anh tọa đàm với sinh viên ngành Điện ảnh về nghề nghiệp quãng 2 giờ. Thủy bảo, “lúc nào rỗi thì Anh xem chơi”. Nhưng đó thực sự là những kinh nghiệm quý báu về Nghề nghiệp, có lẽ chẳng sách nào viết được cụ thể và truyền cảm như thế. Chợt nghĩ, trong xã hội có một số người có Nhân cách nghề nghiệp quý giá như Trần Văn Thủy, lại thường sống ẩn dật, nếu không biết phát hiện, khai thác thì thật hoài phí vô cùng!

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây một nhà làm phim trẻ của Úc, muốn làm phim về các binh sĩ Úc đã chết trận tại Việt Nam trong cuộc chiến trước 1975, đã nhờ chuyên gia Nguyễn Quang Dy liên hệ với Trần Văn Thủy; rồi qua tôi, liên hệ để gặp nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn, vì trong phim có yêu tố tâm linh, muốn nói về linh hồn phiêu dạt của các binh sĩ Úc đã mất tại Việt Nam… Trần Văn Thủy đã tận tình chỉ dẫn nhiều điều bổ ích cho nhà làm phim trẻ này, vì anh đã từng làm phim “Một cõi Tâm Linh” cho Đài Channel Four – London.

Rồi mới đây, nữ đạo diễn phim Tài liệu người Anh, lại tìm gặp Thủy. Anh viết cho tôi:

“Cả buổi chiều qua tôi cùng cháu gái (quý tôi, cực giỏi tiếng Anh) ngồi ở quán cà phê cạnh Hồ Tây, sát mép nước, chuyện trò với một nữ đạo diễn phim Tài liệu người Anh, cô Esther. (Xem ảnh):

Năm ngoái cô ta đã sang VN gặp tôi, phỏng vấn, ghi hình mấy tiếng đồng hồ. Năm nay cô ta lại mò sang với những đồ nghề chuyên nghiệp và phỏng vấn tôi từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối qua, từ khi mặt hồ còn lung linh những sắc mầu của hoàng hôn cho tới khi những ánh đèn ven hồ leo lét trong mịt mùng.

Trước khi vào câu chuyện mà cô ấy quan tâm, tôi thắp 3 cốc nến, đặt trước mặt 3 người. Chúng tôi im lặng một lúc và bắt đầu câu chuyện buồn về 39 nạn nhân chết cóng trong một xe tải tại đất nước của cô ấy.

Chúng tôi nghẹn ngào không thể nói gì.

Những câu chuyện mà cô ta mải miết ghi lại sau đó là tôi, theo đề nghị của cô ta, nói về chủ đề “Tự Do”, về khát khao của xã hội VN đương đại. Tôi nói về những đề tài làm phim trong “Tầm ngắm” của những người yêu nghề, của cô ấy và của chính bản thân tôi.

Esther cũng đã thuộc lòng và bị ám ảnh bởi cuốn In Whose Eyes (bản dịch tiếng Anh “Chuyện Nghề Của Thủy”) trước khi lên máy bay sang VN.

Cô ấy đặc biệt hỏi kỹ tôi: Động lực nào khiến tôi đi được đến tận cùng của công việc? Tôi chỉ nói rằng, tôi thương xót cho đồng bào tôi, cho đất nước tôi, cho người VN chúng tôi. Và tôi đã làm hết sức mình, không do dự, không sợ hãi và xong việc thì… ngồi xuống đất, tuyệt đối không cầu xin DANH & LỢI!

Khi xong việc thì ngồi xuống đất, không chờ đợi Danh & Lợi gì cả thấy mình tự tin và thanh thản vô cùng. Cô ấy đã ôm lấy tôi và khóc! Câu chuyện này tôi chỉ kể với Anh là người duy nhất.

Nhưng giờ đây câu chuyện được phép công khai, đã thành của chung, để chia sẻ với mọi người.

Rồi mới đây Câu lạc bộ FVH của các Bạn trẻ tổ chức chiếu lại phim “Chuyện Tử tế” cho một số người nước ngoài xem. Họ mời Đạo diễn Trần Văn Thủy đến dự. Thủy rất bất ngờ, vậy ra bây giờ nhiều người vẫn quan tâm đến cái phim tài liệu làm từ gần bốn chục năm về trước. Và phần “giao lưu” mới thật cảm động… Thủy kể lại cho tôi chuyện này, vẫn còn bồi hồi xúc động… Nhưng ở đây tôi muốn đăng lá thư cám ơn của Bạn trẻ ở CLB FHV: “Thư cảm ơn Bác Thuỷ”.

“Cháu chào Bác,

Cháu và các thành viên câu lạc bộ cũng như khán giả tối nay muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới Bác, vì Bác đã dành thời gian tới giao lưu chia sẻ với khán giả vô cùng tâm huyết ạ!

Các thành viên có chia sẻ bộ phim hôm nay là bộ phim Việt Nam đặc biệt và xúc động nhất từng được xem. Các bạn khán giả cũng chia sẻ rằng các bạn rất vui và vinh dự khi được gặp và nghe Bác chia sẻ những câu chuyện về phim về nghề rất đáng quý.

Cháu gửi Bác tấm ảnh tập thể cuối buổi làm kỷ niệm ạ (Ảnh 2).Trong quá trình tổ chức có điểm gì còn thiếu sót Cháu mong Bác thông cảm giúp Cháu ạ. Nếu có điểm gì cần khắc phục Bác hướng dẫn giúp Cháu để Cháu rút kinh nghiệm ạ…

Một lần nữa Cháu cảm ơn Bác rất nhiều và mong Bác thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục truyền lửa cho nhiều thế hệ trẻ ạ”.

Thế đấy. Trần Văn Thủy muốn âm thầm mọi việc. Nhưng tôi thấy có nghĩa vụ phải công khai ra, chỉ với mong muốn: Xã hội hãy biết khai thác những điều quý giá từ những con người như Trần Văn Thủy. Để phí hoài những giá trị quý hiếm thì uổng lắm!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. MẠC VĂN TRANG CÓ THÓI QUEN” THẤY SANG BẮC QUÀNG LÀM HỌ”
    Mà toàn lũ mọi rởm đời, rởm người. ĐIẾM VỪA THÔI TRANG KHÔNG CON CHÁU CHUI HẾT XUỐNG ĐẤT

  2. Mác Vaen Trang vừa nhẩm sà vừa đẻ ra bài, vừa nhậu vừa mửa ra bài, vừa ngồi toi lét vừa bình cứt vuông, cút tròn.

Comments are closed.