Shark Liên, bên kia sông Đuống

Nguyễn Tiến Tường

8-11-2019

Theo dõi “chiến sự Đuống-Đà” thời gian gần đây, tôi vẫn cứ liên tưởng hình ảnh khôi hài của kinh tế thị trường định hướng… có đuôi hoặc mô hình “kinh tế lồng chim” một thời. Nếu như kinh tế thị trường định hướng có đuôi thì có lẽ đó sẽ là cái đuôi cáo, lồng chim thì có thể ví von là đang nhốt những con… diều hâu.

Về nguyên tắc, Đuống-Đà cạnh tranh sẽ giúp người dân được tiếp cận nguồn nước chất lượng tốt và giá rẻ hơn. Thực tế thì nhân dân thủ đô đang gồng mình chịu cảnh hoàn toàn ngược lại. Cũng về nguyên tắc, đáng lẽ người dân được lựa chọn thì lại đang chịu sự phân phối do yếu tố hạ tầng.

Nhà nước vừa sắm vai trung gian vừa sắm vai người chia bài. Và có vẻ như người chia bài trong trường hợp này đã dùng xảo thuật để chia những quân xì zách cho… sông Đuống.

Tờ báo Xây Dựng của Bộ Xây dựng đặt vấn đề: Trong khi hệ thống phân phối nước chưa được nâng cấp theo phê duyệt Thủ tướng thì cả Hoà Bình và Hà Nội có những chính sách cho sông Đuống đầu tư nhà máy nước.

UBND thành phố Hà Nội liên tục “thúc” UBND huyện Gia Lâm thực hiện nhanh việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Kết quả khu vực nhà máy 65ha đã được bàn giao sớm hơn kế hoạch ban đầu, theo báo Tiền Phong.

Cũng theo tờ báo này, ngay sau khi đưa vào vận hành, giá nước của sông Đuống được chính Hà Nội phê duyệt mua nước với giá gấp đôi so với các đơn vị khác.

Trong sự “thần tốc” của sông Đuống, Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên thâu tóm phần vốn 51%. Và ngay sau khi khánh thành giai đoạn một nhà máy nước, Aqua One lập tức bán 34% cổ phần cho nhà đầu tư Thái, tương đương 2 nghìn tỷ đồng.

Shark Đỗ Liên. Photo Courtesy

Dân Trí trích lời các đại biểu QH cho rằng quá trình cổ phần hoá tại sông Đuống không chỉ là việc đánh mất thương hiệu kinh tế đơn thuần, nó nhờn nhợn bóng ma thao túng tài nguyên, lũng đoạn quan hệ kinh tế, xuất phát từ các thiên lệch chính sách.

Được ăn được nói, được gói mang về. Bên kia sông Đuống, ván bài xì zách của shark Liên có vẻ như chưa đánh đã thắng. Chỉ có điều, lợi ích đó được hình thành từ nỗi trần ai của nhân dân thủ đô…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “UBND thành phố Hà Nội liên tục “thúc” UBND huyện Gia Lâm thực hiện nhanh việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Kết quả khu vực nhà máy 65ha đã được bàn giao sớm hơn kế hoạch ban đầu”; “Trong sự “thần tốc” của sông Đuống, Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên thâu tóm phần vốn 51%. Và ngay sau khi khánh thành giai đoạn một nhà máy nước, Aqua One lập tức bán 34% cổ phần cho nhà đầu tư Thái, tương đương 2 nghìn tỷ đồng”.
    -“Nhóm lợi ích” đã thành công khi vận dụng “sáng tạo” đúng cách thức, giải pháp “đi tắt, đón đầu” của Chính phủ. Hoan hô.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây