Bức ảnh kiến trúc sư Hào ngày ra tòa, hé lộ nhà cầm quyền CSVN tra tấn tù nhân

Tam Ân

2-10-2019

Ngày 29-10 vừa qua, TAND quận Ninh Kiều đưa ra xét xử, tuyên phạt ông Phạm Xuân Hào (SN 1965, ĐKTT tại phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) 12 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước khi bị bắt và khởi tố, ông Phạm Xuân Hào là kiến trúc sư, thạc sĩ, giảng viên Khoa Công nghệ Trường ĐH Cần Thơ.

Theo truyền thông “lề đảng”, ông Hào bị cáo buộc “là người có trình độ chuyên môn, nhận thức xã hội đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân, chia sẻ những bài viết có tích chất tiêu cực trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức cộng đồng mạng; đưa ra những thông tin trái chiều, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích của người khác“.

Lâu nay, dư luận xã hội luôn quan tâm, dõi theo, là có hay không việc nhà cầm quyền VN đối xử tàn tệ với tù nhân lương tâm, tù chính trị nói riêng, và tù nhân nói chung. Để tìm kiếm câu trả lời, dựa vào truyền thông bị kiểm duyệt là hoàn không thể. Tuy nhiên, lần này thì khác, vì vô ý hay dụng ý, báo Người Lao Động đã cho đăng tải hai bức hình của ông Hào, và chú thích rõ, một bức hình ông Hào chụp trước khi bị bắt, và một bức hình chụp ông Hào ngay tại phiên tòa, tay bị còng.

Báo Người Lao Động Online là tờ báo duy nhất đưa tin về vụ án xét xử ông Hào, mà có đăng tải bức hình ông ở phiên tòa. Ngay cả báo CAND Online, cũng chỉ đăng tải hình ông Hào chụp thời điểm trước khi bị bắt. Đây là điều bất bình thường, vì tất cả những vụ án xét xử tù nhân lương tâm, tù chính trị, khi truyền thông kiểm duyệt đưa tin, đều cho đăng hình chụp người bị xét xử đứng trước tòa như một sự “răn đe”.

Ông Phạm Xuân Hào trước và sau khi ở tù. Ảnh: Báo NLĐ

Căn cứ vào hai bức hình của ông Hào được báo Người Lao Động đăng tải, bằng trực quan, chúng ta dễ dàng nhận thấy, và sẽ có câu trả lời vì sao những tờ báo khác không đăng hình ông Hào trong phiên xét xử. Trước khi bị bắt, ông Hào là một người đàn ông có khuôn mặt đầy đặn, dáng người phương phi. Nhưng chỉ sau một thời gian bị bắt, bị tạm giam vài tháng, ngày ra tòa, ông Hào đã đứng không nổi, thân thể gầy rộc, ốm yếu, hai chân teo tóp.

Nếu tách rời hai bức hình ra, chúng tôi tin rằng, đến cả người thân, học trò, bạn bè của ông Hào, rất khó mà nhận ra ông. Mà quả thật vậy, khi chúng tôi gởi bức hình ông Hào ngày ra tòa, cho một học trò cũ của ông, họ đã không nhận ra và bàng hoàng khi nghe tin ông gặp nạn oan khiên.

Câu chuyện hai bức hình này, gợi nhớ tới vụ án kinh tế liên quan đến ngân hàng Đông Á, mà bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, một trong những bị can đã bị bắt giam. Trước khi bị bắt bà Xuyến là Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, chỉ sau một thời gian tạm giam, ngày ra tòa, dư luận bàng hoàng không phải vì cáo buộc đối với bà, mà vì không còn ai nhận ra bà Xuyến, bởi thể trạng thay đổi kinh hoàng. Chắc hẳn, giữa bốn bức tường trong nhà tù cộng sản, bà Xuyến đã gặp phải những điều tàn tệ, kinh hoàng, ghê gớm lắm.

Bà Xuyến trước và sau khi vào tù. Ảnh trên mạng

Không riêng gì trường hợp ông Hào hay bà Xuyến, nhiều tù nhân khác cũng đã bị tra tấn, hành hạ. Một số người trực tiếp kể lại sau khi ra tù, số khác thông qua lời kể của thân nhân họ.

Chẳng hạn như vụ án “Gây rối an ninh của Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và đồng phạm”, tất cả những người trong vụ án này đã bị nhà cầm quyền “bắt cóc” hồi đầu tháng 9/2018 và bị biệt giam ở trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu, TPHCM. Thân nhân của họ không được gặp mặt, suốt 11 tháng họ bị biệt giam, mãi tới đầu tháng 8 năm nay, họ mới được gặp người thân.

Theo lời kể của bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của TNLT ông Ngô Văn Dũng, khi gặp, bà đã không còn nhận ra chồng mình, bởi thể trạng ốm yếu, bước đi không nổi, dù trước khi bị bắt, chồng bà là người to lớn, khỏe mạnh. Tương tự, bà Đoàn Kim Khánh, chị gái của TNLT Đoàn Thị Hồng; bà Lê Khanh, vợ của TNLT Trần Thanh Phương… đều có những chia sẻ về sức khỏe suy giảm của em gái và chồng của họ.

Trường hợp mới nhất là TNLT Nguyễn Ngọc Ánh, là người bị TAND tỉnh Bến Tre tuyên án 6 năm tù giam trong phiên xử sơ thẩm, dù cùng tội như KTS Hào. Theo lời kể của bà Châu, vợ ông Ánh, trong lần thăm chồng vừa qua, giám thị trại tạm giam đã không cho chồng bà được nhận thuốc điều trị bệnh của gia đình gởi vào. Đồng thời, ông Ánh bị nhốt cùng phòng với tù hình sự, mà mục đích của trại tạm giam là để tù hình sự (theo lệnh của cai tù) ra tay đánh đập ông Ánh, gây thương tích nặng, mà không ai chịu bất kỳ trách nhiêm gì.

***

Trường hợp ông Phạm Xuân Hào, nhờ hai bức hình của ông mà báo chí kiểm duyệt vô tình đăng tải, cũng như những trường hợp TNLT khác bị ngược đãi gần nhất mà chúng tôi vừa nêu, có thể thấy: Nhà cầm quyền CSVN đối xử tàn tệ với tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị là có thật.

Mặc dù nhà cầm quyền CSVN đã ký kết với quốc tế, cam kết không ngược đãi, tra tấn tù nhân, nhưng không có cơ chế nào giám sát hoặc chế tài để bảo đảm rằng họ thực hiện những điều họ cam kết. Cho nên, tù nhân vẫn tiếp tục bị tra tấn, ngược đãi, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền CSVN, ngay lập tức dừng ngay tất cả những việc tra tấn, ngược đãi này.

________

Mời đọc thêm: Hai Facebooker Việt Nam bị kết án tù vì các viết bài chỉ trích chế độ (VOA). – Phạm Xuân Hào chống Trung Quốc, bị CSVN bỏ tù, được dân ca ngợi (NV).

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trí thức, nhân sĩ nhà mình nghe, nhìn kinh vãi cả rượu ngâm với bún đậu mắm tôm.

  2. Tôi muốn nhờ các vị đang sống tại nước Mỹ gửi bài này
    “Bức ảnh kiến trúc sư Hào ngày ra tòa, hé lộ nhà cầm quyền CSVN tra tấn tù nhân” và bài “thuyền nhân Việt Nam – hãy để ngày ấy lụi tàn” với link sau:
    https://baotiengdan.com/2019/10/31/thuyen-nhan-viet-nam-hay-de-ngay-ay-lui-tan/
    đến tỷ phú Hoàng Kiều với lời nhắn “đây là lý do tại sao chúng ta phải lật đổ chú phỉnh Việt cộng”.

Comments are closed.