26-10-2019
Dân VN từ năm 45 đến giờ được/bị đảng tuyên truyền tư tưởng CS. Vì thế đa số dân đang có cách suy nghĩ kiểu cộng sản, cũng gần giống kiểu cánh tả ở phương Tây, nhưng cực đoan hơn. Lối suy nghĩ này rất nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế.
Theo những gì Marx dạy thì giai cấp bóc lột là xấu xa, cần phải đấu tranh loại bỏ. Sự nghèo đói của giai cấp công nông chính là do sự bóc lột của giới chủ.
Trong vòng hơn 30 năm ở miền Bắc và hơn 10 năm ở miền Nam, giai cấp bóc lột đã bị xóa sổ, giai cấp công nông trở thành những người chủ nhân của đất nước một cách giả cầy. Trong thời gian đó những mầm mống của chủ nghĩa tư bản đều bị coi khinh, dân buôn bán chợ đen bị gọi là con phe.
Xã hội cộng sản đã hình thành một giai cấp thống trị mới, chính là những người lãnh đạo đảng, nhà nước, các HTX, nhà máy, xí nghiệp quốc doanh… Nhưng họ lại không bị coi là giai cấp bóc lột như xưa bởi vì họ quản lý tài sản của nhân dân, do nhà nước làm đại diện! Trên lý thuyết, những tài sản đó chính là của người lao động, nhưng trên thực tế, nó là tài sản của nhà nước. Giai cấp công nông lúc đó thay vì làm thuê cho tư nhân thì thành làm thuê cho nhà nước, một cách tự nguyện, dưới cái mác là chủ nhân!
Chính quyền CS tuyên truyền siêu đẳng đến nỗi họ khiến cho cần lao hiểu rằng họ hì hục cày cuốc là để làm cho chính mình (HTX nông nghiệp do nông dân làm chủ, nhà máy do công nhân làm chủ). Người nông dân, tiểu thương, thợ thủ công phải hiến cho HTX ruộng đất và công cụ sản xuất, những thứ họ có được sau CCRĐ. Giới chủ phải hiến nhà máy, xí nghiệp cho nhà nước làm tài sản chung. Nhưng nhà nước không hề nói đó là họ bị cướp tài sản, mà họ tự nguyện hiến tặng và vẫn làm chủ!
Tài sản của cần lao làm ra bị nhà nước tịch thu hết rồi phân phối lại bằng tem phiếu. Nhìn chung, với giới cần lao, thì những gì nhận được bằng tem phiếu chỉ đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu của họ và gia đình. Còn với giai cấp thống trị mới kể trên thì cuộc sống có dư giả hơn. Chất lượng cuộc sống của người dân còn phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của mỗi nước CS. Ở VN, 1 phần vì chiến tranh, người dân chỉ có được thu nhập đủ để duy trì cuộc sống.
Như vậy, nếu xét dưới góc nhìn tư bản, thì tư bản nhà nước (CS) chính là giai cấp bóc lột thậm tệ nhất. Bởi vì người lao động làm gì có cơ hội đàm phán lương và chỉ nhận được mức thù lao tối thiểu nhưng lại vẫn được tiếng là đang làm chủ! Thế nhưng người dân vẫn cam chịu, bởi vì nhìn quanh thì ai cũng bị thế cả.
Dưới chế độ CS, cái gì cũng của nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân, quỹ tín dụng nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, chỉ duy nhất có Kho bạc nhà nước và Ngân hàng nhà nước!
Từ cuối thập kỷ 198x, VN đổi mới kinh tế, đi theo KTTT định hướng XHCN, thì kinh tế tư nhân mới lại được công nhận. Người ta chấp nhận phải tồn tại giai cấp thống trị, giới chủ tư nhân lẫn lộn với giai cấp thống trị tư bản nhà nước.
Nhưng, với cách suy nghĩ bị nhồi sọ nói trên, người dân chỉ coi giới chủ tư nhân hay nước ngoài mới là giai cấp bóc lột, đối tượng cần đấu tranh, còn với tư bản nhà nước thì lại ngoan ngoãn chấp nhận. Làm sao dám đấu tranh với ông chủ nhà nước, mà chính họ đang làm chủ cơ mà?!
Chính vì thế, lâu nay những cuộc đình công này khác hầu như chỉ diễn ra ở các nhà máy, khu chế xuất do tư nhân hay nước ngoài làm chủ. Nhưng éo le thay, chính chính quyền lại về phe với giới chủ để đàn áp các cuộc bãi công. Một phần lớn là do chính quyền không cho phép công đoàn độc lập được thành lập. Các tổ chức công đoàn hiện nay là cánh tay nối dài của đảng và ăn theo giới chủ (gồm cả tư bản nhà nước và tư nhân).
Do não trạng CS, nên người công nhân nghèo khổ thì đổ lỗi cho giới chủ (tư nhân hay nước ngoài), coi như bị bọn tư bản bóc lột sức lao động. Họ không hiểu được nguồn gốc của tiền lương họ nhận được từ đâu ra, khi nào có thể tăng, khi nào sẽ phải giảm, họ chỉ muốn tăng lương và giảm giờ làm! Họ không hiểu được căn nguyên của sự nghèo đói ở tầm quốc gia.
Chính vì lẽ đó, nên khi bà Quyết Tâm phản đối giờ làm thêm thì nhân dân lao động mới nhao nhao ủng hộ, để tránh cho người công nhân bị bóc lột thậm tệ! Họ vẫn có suy nghĩ như giai cấp công nông thời tư bản hoang dã, y như sách kinh tế chính trị Mác Lê nin đã dạy.
Đây mới là một ví dụ về cách suy nghĩ điển hình, coi giới chủ (tư nhân) là giai cấp bóc lột. Còn rất nhiều cách suy nghĩ kiểu CS khác cần thay đổi trong quá trình tư bản hóa nền kinh tế.
Không có xã hội nào có sự bình đẳng tuyệt đối về quyền lợi. Đừng tin vào câu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Những người ở dưới đáy của xã hội là những người ít học, khả năng lao động thấp, sẽ là những người bị bóc lột nhiều hơn, lao động khổ cực mà lương vẫn thấp. Vì họ không có cơ hội để đàm phán về quyền lợi với giới chủ. Đó là điều bất bình đẳng, nhưng sự bất công đó mới tạo nên động cơ để người ta có ý chí vươn lên để thoát khỏi hoàn cảnh đó.
Người nghèo, hèn, dốt, nhưng vẫn có khả năng lao động, lại cứ được nâng đỡ, từ thiện bởi người giàu hơn một cách vô điều kiện thì sẽ tạo cho họ tâm lý ỉ lại, càng nghèo bền vững.
Vì thế, mình mới bảo VN cần 10-20 năm nữa để tạo nền tảng dân trí cho việc dân chủ hóa. Thời gian đó chính là để tẩy não nhân dân đấy.
Bình đẳng chứ không phải Cào bằng DQC ạ.