Yêu nước

Ngô Bảo Châu

26-10-2019

Câu chuyện đau lòng ngày hôm nay làm tôi sống lại cái cảm giác khi tôi viết bài này, không nhớ là từ mấy năm trước.

K là giáo sư toán ở đại học Yale, có quốc tich Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào. Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga. Trường hợp của K không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.

Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.

Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn quốc hoặc Nhật bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ túm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình. Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong sô họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng, nghe bạn bè rủ rê, sẽ đi ăn trộm ăn cắp.

Tại sao lại đồng cảm với họ? Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ. Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: Sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.

Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.

***

Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại tây dương. Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.

Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.

Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai hoạ cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm hoạ đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.

Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa của văn minh nhân loại. Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt nam, văn minh Trung hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc bộ.

Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.

***

Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam. Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hội lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.

Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.

Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt nam truyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ an quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong kong đang dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.

Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.

Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.

***

Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. Yêu nước Việt thì sẽ bị kẻ thù của nước Việt bỏ tù, chém giết, vu khống đủ điều. Thôi thì cứ việc “yêu nước” .. tàu cho “an toàn”. Thế mới biết trình độ, nhận thức và dũng khí là những điều không đi chung với nhau. NBC không đủ nhân thức, không đủ dũng khí cũng là chuyện bình thường như bao người khác, chẳng cần chú ý làm gì. Tuy nhiên, nếu đã không đủ thì nên im lặng là hơn.

  2. Lưu cầu huyết lệ tân thư của cụ Phn Bội Châu viết:” Một là Vua việc dân chẳng biết; Hai là quan chẳng thiết gì dân; Ba là dân chỉ biết dân; mặc quan với quốc mặc thần với ai.”. Gần một trăm năm sau , đất nước này vẫn thế. Lỗi từ đâu? Đất nước này rồi sẽ về đâu, hỡi các ông bà lãnh đạo?

  3. Tôi đã từng bị dạy rằng ở Việt Nam “ không có chuyện yêu nước chung chung. Yêu nước phải là yêu Xã hội chủ nghĩa.” Vậy thì sao?

  4. “Nó thiếu sự dũng khí của một thanh niên trưởng thành, quyết tâm thay đổi”

    Anh Công “Tôi nghĩ : “một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo” thế là đủ”

    Khi đụng tới Đảng, (hầu như) ai cũng trở thành những em bé bụ bẫm dễ thương hớt chơn hớt chọi, kể cả đám gọi-là đấu chanh gì gì đấy .

  5. Nói thẳng nhé. Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chỉ là phường giá áo túi cơm. Thành phần này gọi là thông minh nhưng K sáng suốt…

  6. Bài viết hay, nhiều cảm xúc con người với những ước mơ về cuộc sống thanh bình và về một đất nước phồn vinh phát triển. Nhưng cũng chỉ là những xúc động như của một cậu học trò chỉ biết ước ao trong vòng tay quyết định của những người lớn khó tính và bảo thủ. Nó thiếu sự dũng khí của một thanh niên trưởng thành, quyết tâm thay đổi.

  7. Một con khỉ khi được dạy đúng bài nó còn biết biểu diễn để kiếm tiền, vậy cái gì làm Vn đứng ngoài văn minh của nhân loại? Thói đời bình thường người ta sẽ bỏ những cái cũ và đến những cái mới ,khi thấy nó đem lại những cái tốt đẹp hơn. Vậy điều gì làm Vn luôn bám chặt vào những thứ chật chội của khổng giáo mà lẽ ra nó phải được thay thế bằng những tư duy của khoa học kĩ thuật? Đơn giản vì nó không được làm đúng bài,học mãi mà cuối cùng chẳng làm được một cái gì và với cái muôi nấu ăn trong tay , người Việt “tung hoành” khắp thế giới …

  8. Giáo sư Ngô Bảo Châu khi giải BỔ ĐÈ chắc sẽ có nhũng ng xung quanh trợ giúp. Vì vậy ước mong của giáo sư trong trường hợp này cũng chỉ nằm trong thì tương lai. Mà tương lai đt việt đã được quyết từ những kẻ bên kia biên giới, lại vẫn đang lăn nhanh về PHƯƠNG BẮC, THEO DI NGUYỆN CỦA KẺ TRONG LĂNG, CHẮC CHẮN SẼ BỊ HỎA THIÊU, KHI CON TÀU VIỆT ĐẾN ĐÍCH.

  9. Đọc bài này của TS Ngô Bảo Châu tôi muốn tặng ông và tặng những Trí thức đứng chung chiêng giửa Trí thức và chế độ CS.
    Bài thơ HSP làm từ năm 1987 khi đi qua Dinh 2 Đà Lạt, thấy những cây thông có dây kẽm quấn quanh nhưng kẽm gai cứ từ ruột những cây thông mà chui ra, bởi lúc đầy thông trồng làm cảnh cho các ngôi biệt thự. Chủ nhân quấn kẽm gai quanh các cây thông làm hàng rào, lâu dần thông lớn lên và vô tình để kẽm gai xiết vào tận ruột. Cây cảnh và kẽm gai cùng phục vụ cho những ngôi biệt thự nhưng khốn nạn cho những cây thông Trí thức, cuối cùng bị kẽm dai xiết vào ruột gan như Lê Hải An Thứ trưởng Bộ Giáo dục hôm nay vậy. Hãy trông đó mà làm gương. Bài thơ như sau:
    NHỮNG CÂY THÔNG QUANH BIỆT THỰ
    (viết cho những cây thông bị buộc kẽm gai quanh Dinh 2, Đà-Lạt)

    Những cây thông đứng làm cọc rào
    Ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy
    Ứa giọt nhựa, quyện vào sắt rỉ
    Đúc bê-tông bền cho những nỗi đau.

    Vết thương
    Ai chém thông đau?
    Thông càng lớn, càng ôm vào gai góc
    Những vòng gai buộc lỏng ban đầu

    Nhựa vẫn lên, sũi từng ụ lớn.
    Mím cập môi sưng
    trước vết thương
    không bao giờ kín miệng.
    Những cây thông tật nguyền
    truyền nỗi khổ sang nhau.
    Qua sợi kẽm gai đã rỉ từ lâu
    Nay đóng vai: Sợi thần kinh
    giỏi hơn vai Thủ phạm!

    Nhựa vẫn lên, và thông vẫn lớn.
    Vẫn xếp hàng, đưa dây kẽm lên cao!
    Cái khoảng trống sát nơi mặt đất
    Cứ cao thêm cho kẻ trộm chui vào!

    Ngàn gió lao xao
    Kẽm rung, xiết vào tới tủy.
    Để khách vô tình cứ nghỉ . . .
    …Thông reo!
    HÀ SĨ PHU
    Đà-Lạt (1987)

  10. Thật xót xa khi bất kỳ ai sống trên dải đất này nói lên ước muốn của mình giống ước muốn của giáo sư Châu đều bị gọi là phản động. ĐCSVN đã đẩy xó vườn của thế giới này ngày càng xa các giá trị phổ quát của nhân loại.

  11. “Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự”

    Tớ thêm cho hợp lòng (rất) nhiều người ở xứ giao chỉ nhà mềnh, Ngô Bảo Châu included.

    “Và tôi cũng muốn trên hết phải là Đảng Cộng Sản lãnh đạo, vì nếu không phải Đảng Cộng Sản lãnh đạo, tất cả những thứ kể trên đều không có nghĩa lý gì cả .

    Chính vì vậy mà tui vẫn quan tâm tới Đại hội của Đảng Cộng Sản, vì ngoài Đảng Cộng Sản ra, hổng ai có đủ trí tệ để tự đổi mới mình hớt chơn á”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây