Công lý cụt què

LS Ngô Ngọc Trai

14-10-2019

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 31, khoản 4 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Và tại Điều 103, khoản 7 quy định: Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm.

Vậy nhưng khốn thay, Bộ luật tố tụng hình sự, một văn bản pháp lý cấp thấp hơn Hiến pháp lại có quy định lược bớt, tước bỏ một phần quyền bào chữa của bị can. Cụ thể tại Điều 74 quy định về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng:

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Quy định này là vi hiến, trái ngược với Hiến pháp, xâm phạm quyền được bào chữa của công dân.

Mặc dù vậy đây cũng không phải là quy định có tính chất ấn định cứng mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan Viện kiểm sát áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra.

Song thực tế còn tồi tệ hơn, lâu nay quy định này lại bị các cơ quan tố tụng vận dụng triệt để, biến nó thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án có tính chất chính trị.

Nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi của các bị can thực hiện một cách công khai, như viết bài viết báo bày tỏ quan điểm, xuống đường biểu tình, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn viện lý do cần giữ bí mật để khước từ luật sư bào chữa.

Ví như trường hợp này của cô gái Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ 3 tuổi. Cô Hồng đã tham gia biểu tình hồi năm ngoái phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng, sau đó đã bị bắt giữ về tội phá rối an ninh. Hành vi của cô Hồng công khai nhưng luật sư vẫn bị khước từ cho tham gia bào chữa ở giai đoạn điều tra vì lý do cần giữ bí mật.

Cô Đoàn Thị Hồng và con gái 3 tuổi. Photo Courtesy

Mặt khác, pháp luật hiện nay quy định một danh mục rất rộng các hành vi bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều hành vi thực chất chỉ là bày tỏ quan điểm chính kiến không có bạo lực cũng bị cho là phạm tội.

Nhiều người chỉ vì thực hiện các quyền của công dân theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình nhưng cũng bị quy buộc là tội phạm.

Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra một số lượng rất lớn các bị can bị đối xử bất công không được luật sư bào chữa, làm mất đi giá trị của luật pháp nghiêm chính, dẫn đến tình trạng công lý cụt què.

Liên đoàn luật sư Việt Nam cần quan tâm và có trách nhiệm lên tiếng thúc đẩy thay đổi cơ chế tư pháp què quặt này, bảo vệ quyền hành nghề cho luật sư thành viên, bảo vệ quyền bào chữa của công dân theo Hiến pháp. Nếu không thì còn để tình trạng này kéo dài đến bao giờ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Để khiếu nại Hiến pháp ở VN đáng tiếc chỉ có thể tìm cách gửi Đơn cho Thường vụ Quốc hội – mà tôi hiểu VN chưa có tiền lệ này nên cực kỳ khó khăn và quan trọng nhất là Thường vụ Quốc hội cũng theo chỉ đạo của Bộ chính trị. Lỗi để không có Tòa án Hiến pháp (trước hết phải cho ghi vào HP) thì tôi hiểu do người có trách nhiệm không muốn điều đó (cũng như không muốn thực hiện quyền hội họp. Tôi nghĩ tuy nhiên luật sư nếu để bảo vệ thân chủ vẫn nên gửi khiếu nại đến đó với lời lẽ ôn hòa (nói „công lý què cụt“ thì không những họ không đọc mà có thể còn bị quy tội „nói xấu“ chế độ). Tôi nghĩ trong Khiếu nại nên đề cập đến vụ án xử Ông Nguyễn Ái Quốc (khai tên Tống Văn Sơ) ở Hồng Kông. Trên trang https://anhsangluat.com/vu-an-nguyen-ai-quoc-o-hong-kong/ có thể thấy ngay mục II. bài viết ghi: II. Luật sư tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra, cụ thể Ông Nguyễn Ái Quốc bị bắt (6-6-1931) thì ngày 8-6, Luật sư Loseby đã vào gặp. Bị Sở Cảnh sát từ chối, nói dối: nói không bắt ai là Tống Văn Sơ thì rốt cuộc đến ngày 25-6 sau đòi hỏi kiên quyết thì Luật sư Loseby cũng được gặp Tống Văn Sơ. Và do Hồng Kông vẫn tôn trọng nguyên tắc pháp quyền (mặc dù còn lạc hậu so thời nay) thì luật sư vẫn bảo vệ cho Ông Nguyễn Ái Quốc dựa vào pháp luật hiện hành – tất nhiên trong đó có Hiến pháp còn cao hơn cả luật hình sự. Vụ án này kết quả ông Nguyễn Ái quốc được tha (trục xuất) và chi tiết tỉ mỉ có thể xem ở trang http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/vu-an-nguyen-ai-quoc-o-hong-kong-nam-1931
    Và nếu Cơ quan tố tụng VN không muốn thua kém cơ quan tố tụng tư sản Hồng Kông, giai đoạn còn chưa hoàn thiện thì đừng quên bản án Nguyễn Ái Quốc tại đó!
    Còn có 1 số bài phản biện của GS toán học quốc tế nổi tiếng Hoàng Xuân Phú – 1 người ngoại đạo (không được đào tạo về luật) phân tích khá tỉ mỉ những điểm bất cập trong 1 số vụ xử án các tù nhân chính trị mà ai có thời gian và muốn tìm tòi cũng có thể tham khảo:
    http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây